Thi vào lớp 10 tại Hà Nội: Đề dễ hơn năm trước

Thí sinh thi vào lớp 10 trong giờ làm bài môn Ngữ văn tại điểm thi trường THPT Nguyễn Trãi - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.
Thí sinh thi vào lớp 10 trong giờ làm bài môn Ngữ văn tại điểm thi trường THPT Nguyễn Trãi - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Hôm qua, 9/6, gần 76.000 học sinh tốt nghiệp THCS đã dự thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội. Sau khi kết thúc hai môn thi Ngữ Văn, Toán, thí sinh nhận định đề thi năm nay dễ hơn so với những năm trước.

Bước ra khỏi điểm thi trường THPT Việt Nam – Ba Lan, thí sinh Nguyễn Thị Huyền cho biết đề Toán năm nay không khó. Huyền làm bài vừa đủ thời gian. Em dự kiến được 8-9 điểm. Chia sẻ về bài thi môn Ngữ văn buổi sáng, Huyền khẳng định đề không đánh đố thí sinh, có “đất” cho thí sinh thể hiện quan điểm của mình. Hơn nữa, phần câu hỏi mở thí sinh có nhiều cảm xúc để viết. “Nhưng đề yêu cầu viết khoảng 12 câu, em thấy hơi khó viết. Em hoàn thành bài thi, dự kiến đạt 8 điểm” – Huyền cho hay.

Còn tại điểm thi trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm, buổi sáng thi xong môn Ngữ văn, nhiều thí sinh bước ra hồ hởi và tự tin. Các em nhận xét đề Văn năm nay khá hay, các câu hỏi được chia nhỏ, dễ ăn điểm. Phần câu hỏi mở cũng dễ viết.

Theo báo cáo cuối ngày thi đầu tiên của Sở GD&ĐT Hà Nội, buổi sáng có 259 thí sinh vắng mặt trong tổng số 76.031 thí sinh đăng ký dự thi. Cán bộ coi thi cũng có 4 người vắng mặt. Có 2 thí sinh bị phạm quy chế trong đó 1 thí sinh sử dụng điện thoại và 1 thí sinh mang tài liệu vào phòng thi. Buổi chiều thi môn Toán có 408 thí sinh vắng mặt. Đặc biệt có 1 thí sinh nhờ người thi hộ.

Hôm nay, thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường chuyên, lớp chuyên sẽ thi môn chuyên theo quy định của sở.

Quá nhiều các kỳ thi cộng điểm, tuyển thẳng

Trong quy chế hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 của Sở GD&ĐT, đối tượng được cộng điểm khuyến khích từ 2 điểm đến 1 điểm đối với giải nhất, giải nhì, giải khuyến khích, huy chương vàng, huy chương bạc, huy chương đồng đối với những thí sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 các môn văn hóa cấp tỉnh;  đạt giải cá nhân hoặc đồng đội đối với các cuộc thi do ngành giáo dục phối hợp tổ chức như thi giải toán trên máy tính cầm tay, thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết tình huống thực tiễn; Giải văn nghệ, thể thao do ngành giáo dục đào tạo phối hợp tổ chức từ cấp tỉnh trở lên đối với cấp THCS trong các cuộc thi Giai điệu tuổi hồng, thi vô địch Taekwondo toàn quốc…

Thậm chí các giải đồng đội (như bóng đá, bóng bàn, cầu lông… cấp quốc gia) cũng được cộng điểm như đối với giải cá nhân.

Không những thế, đối tượng tuyển thẳng ngoài học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, học sinh là người dân tộc ít người, học sinh khuyết tật thì những học sinh được giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, Công văn số 3035 được Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành tháng 9/2016 thì cấp THCS và THPT có tới 19 cuộc thi do Bộ GD&ĐT tổ chức hoặc phối hợp tổ chức, do Sở GD&ĐT tổ chức được tính cộng điểm khuyến khích hoặc tuyển thẳng vào lớp 10.  Chính vì vậy, trước hằng hà sa số các cuộc thi, nhiều phụ huynh thắc mắc tính công bằng trong cộng điểm xét tuyển tại kỳ thi được họ cho là quan trọng hơn cả thi THPT quốc gia này.

Là phụ huynh có con năm tới lên lớp 9, chị Phạm Thị Dung, nhà ở quận Hai Bà Trưng không khỏi băn khoăn. “Hôm đi họp phụ huynh cuối năm, nghe giáo viên chủ nhiệm thông báo, năm học vừa qua, lớp có một số bạn đi thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết tình huống thực tiễn được giải và được tuyển thẳng vào lớp 10 năm học 2018-2019. Tôi về hỏi con, cháu nói không thấy cô giáo thông báo gì có cuộc thi đó để tham gia. Tôi không rõ thực hư thế nào” – chị Dung chia sẻ.

Trước vấn nạn “loạn” các kỳ thi, vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu giảm các cuộc thi cấp quốc gia, chỉ giữ lại một số cuộc thi ở địa phương nhằm giảm áp lực cho giáo viên, học sinh. Theo đó, không sử dụng kết quả của các cuộc thi do Sở GD&ĐT chủ trì tổ chức và thành tích của học sinh do Sở GD&ĐT cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh từ năm học 2017-2018, tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp học từ năm học 2018-2019; không xác nhận lại hoặc đề nghị Bộ GD&ĐT xác nhận lại thành tích của giáo viên và học sinh do Sở GD&ĐT cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế.

Lâu nay chỉ có 70% học sinh thi lớp 10 THPT ở Hà Nội được vào các trường công lập. Số còn lại phải vào học tại các trường ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc đi học nghề. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy.

Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội thì chỉ tiêu vào các trường THPT công lập (kể cả 2 trường chuyên và 2 trường có lớp chuyên cùng với 7 trường THPT tự chủ tài chính của thành phố) là 54.660. Chỉ tiêu vào 92 trường ngoài công lập là 15.760 chỉ tiêu. Như vậy, tổng chỉ tiêu các trường THPT công lập và ngoài công lập của Hà Nội đã là 70.420 chỉ tiêu. Đó còn chưa kể các trường chuyên thuộc ĐH quốc gia, trường ĐH Sư phạm Hà Nội. So với tổng thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 THPT của thành phố là có 76.031 thí sinh thì chỉ hơn 5.000 thí sinh không có chỗ học tại các trường THPT.

MỚI - NÓNG