Thiếu cơ chế để đầu tư trường quốc tế

Thiếu cơ chế để đầu tư trường quốc tế
Hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa có một tiêu chí rõ ràng, cụ thể để làm căn cứ cho phép hay không cho phép một trường quốc tế ra đời ở Việt Nam.

Đến dự khai giảng ở cơ sở mới của trường Quốc tế Singapore (SIS) tại khu đô thị mới Trung Sơn (Nam Sài Gòn), mọi người không khỏi giật mình khi thấy cơ ngơi trên 1 ha đất mà số vốn đầu tư đã 25 tỉ đồng riêng cho phần xây dựng cơ sở vật chất.

Ngoài 25 phòng học (sĩ số 15 học sinh/lớp), SIS còn có cả khoảng chục phòng thí nghiệm, thư viện, phòng tư vấn, nhà ăn, nơi làm việc của nhân viên, bể bơi...

Điều đáng nói ở chỗ, chủ đầu tư về cơ sở vật chất là một người Việt Nam, nhưng đơn vị thuê lại toàn bộ cơ sở vật chất để hoạt động dạy học lại là một tập đoàn của Singapore.

Một người am hiểu trong lĩnh vực đầu tư giáo dục quốc tế cho biết: "Không dại gì xây xong cơ sở vật chất rồi ôm thêm chuyện làm trường, quản lý điều hành chi cho mệt, mà chưa chắc đã thành công!".

Có lẽ vì thế mà trong thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) và Sở GD-ĐT TP.HCM (tháng 7 và 8/2007), có đến 70% số trường quốc tế hiện nay là của chính các cơ quan sứ quán nước ngoài, các tổ chức quốc tế hoặc của nhà đầu tư nước ngoài thành lập và điều hành. Nhà đầu tư trong nước còn rất ngán đầu tư vào lĩnh vực này, dù ai cũng biết tiềm năng còn rất lớn

Vướng cơ chế

Ông Phạm Tấn Nghĩa - chủ hệ thống trường dân lập quốc tế Việt Úc (gồm 6 trường ở TP.HCM), cho biết, mỗi ngôi trường trong hệ thống phải đầu tư vài triệu đô la Mỹ, trong đó riêng trường Việt Úc ở 23 Trần Cao Vân, quận 1 đã được đầu tư gần chục triệu đô la!

Ông nói: "Nếu nghĩ đầu tư cho giáo dục là sinh lãi ngay thì nhầm to! Bất cứ người nào biết tính toán chỉ cần nhẩm tính sẽ thấy đây là một cuộc chơi khốc liệt, đòi hỏi sự chịu đựng lâu dài".

Phải đợi đến 2 năm sau khi có cơ sở thuê được tại quận 1, TP.HCM, trường Quốc tế Mỹ (AIS) mới khai giảng được năm học đầu tiên. Nguyên nhân chỉ vì các vướng mắc khi xin phép thành lập trường có giảng dạy chương trình nước ngoài.

Xin được phép mở trường rồi thì tiếp tục gặp khó khăn khi phát triển. Tiến sĩ Trần Viết Tâm - chủ đầu tư hệ thống trường Quốc tế - Á Châu, bao gồm 12 cơ sở thành viên từ tiểu học đến đại học (với vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng) cho biết: "Cơ chế phải hỗ trợ cho nhà đầu tư thì mới phát huy hết tiềm năng của hệ thống trường quốc tế.

Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là việc phát triển thương hiệu giáo dục, quy định trong Luật Giáo dục: luật không cho phép một trường, một ban giám hiệu mở ra ở nhiều nơi. Mỗi lần muốn mở thêm một cơ sở ở quận nào thì nhà đầu tư phải đi xin phép lại từ đầu ở quận đó, mỗi cơ sở mới của trường phải có một ban giám hiệu mới. Trong khi Luật Doanh nghiệp thì lại cho phép một doanh nghiệp được mở chi nhánh ở nhiều nơi với một thương hiệu chung".

Vướng mắc lớn nhất là Bộ GD-ĐT hiện nay chưa có một tiêu chí rõ ràng, cụ thể để làm căn cứ cho phép hay không cho phép một trường quốc tế ra đời. Vướng mắc tiếp theo là nếu nhà đầu tư Việt Nam liên kết với nhà đầu tư nước ngoài lập trường ở Việt Nam, thì tiêu chuẩn nào để cho phép trường nào được liên kết, trường nào không được liên kết?

Bộ GD-ĐT cũng chưa xây dựng được một khung pháp lý làm rõ một chương trình giáo dục như thế nào thì có thể cho phép nhà đầu tư Việt Nam được nhận chuyển giao vào hệ thống trường quốc tế do người Việt Nam sáng lập, đầu tư.

Một khi hành lang pháp lý chưa có, luật lệ chưa rõ ràng thì hoạt động của các trường quốc tế hiện nay sẽ vẫn rối như tơ vò. Ai "lách" được thì "lách", còn sự thiệt thòi chắc chắn thuộc về những nhà đầu tư tâm huyết và cả học sinh.

Theo Vĩnh Thắng
Thanh Niên

MỚI - NÓNG