“Thông ngôn” của lớp 1

“Thông ngôn” của lớp 1
Không là thầy cô giáo nhưng sáng nào họ cũng đến lớp, làm phiên dịch cho thầy cô giáo và các em, hướng dẫn các em học tập. Họ còn đến từng bản động viên học sinh đi học hoặc nghỉ học trở lại trường.
“Thông ngôn” của lớp 1 ảnh 1
Nhân viên hỗ trợ Đinh Thị Thư và cô giáo Nguyễn Thị Thùy Ni cùng dạy tập đọc cho các em - Ảnh: V.Q.Cầu (Tuổi Trẻ).

Trời đổ mưa, chúng tôi vượt tràn sông Re - vùng đầu nguồn sông Trà Khúc - để về điểm trường tiểu học ở làng Dộc, thôn Bồ Nung, xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi).

Đang giờ học, trên bục giảng của lớp 1 có đến hai cô: một cô giáo người Kinh mặc Âu phục và một cô là “thông ngôn” trong trang phục dân tộc H’Re.

Thầy Nguyễn Đức Huy, hiệu phó Trường tiểu học Sơn Kỳ, giới thiệu: “Cô trong trang phục dân tộc ít người là Đinh Thị Biểu - nhân viên hỗ trợ giáo viên Nguyễn Thị Thanh Tuyền”.

Những “thông ngôn” tình nguyện

Cô giáo Thanh Tuyền nói “Các em mở vở ra” thì lập tức cô Biểu nói “Bây ché” và học sinh cùng mở vở. Rồi sau khi kẻ hàng ô ly trên bảng và viết chữ mẫu, cô giáo Tuyền lại nói tiếp “Các em tập viết nào” thì cô Biểu lại nói “Bây, bây” và lũ trẻ bắt đầu tập viết.

Những mái đầu cháy nắng nghiêng nghiêng theo nét chữ. Nhưng rồi vẫn có nhiều em cứ loay hoay không viết nổi, nên cô Tuyền, cô Biểu lại cầm tay các em nắn nót từng chữ.

Cô Thanh Tuyền cho hay: lớp có 20 học sinh đều là con em đồng bào dân tộc H’Re, khi vào lớp 1 các em học tiếng phổ thông rất khó khăn. May mà có cô Biểu làm “trợ giảng” phiên dịch cho cô và trò nên chuyện học hành trôi chảy hơn nhiều, chứ mọi năm có em đã hết học kỳ I mà nghe chưa rõ tiếng Kinh.

Còn ở điểm Trường tiểu học Gò Sim, thôn Tà Gầm, cô giáo Nguyễn Thị Thùy Ni (quê xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành) lên đây dạy học cũng không biết tiếng H’Re, khi có nhân viên hỗ trợ Đinh Thị Thư thì mừng lắm. Ngoài việc phụ giảng trên lớp, chiều chiều cô Ni cùng cô Thư vào các bản thăm hỏi, vận động bà con đưa các em ra lớp. Hôm nào có em vắng học, cô Thư đến từng nhà tìm hiểu.

Cô Thư nói: “Bây giờ đang mùa trồng rừng, bà con kéo nhau lên rẫy nên lũ trẻ hay bỏ học lắm. Như sáng nay em Đinh Văn Quang ngủ quên ở nhà, đến khi mình tới gọi em mới dậy. Rồi giúp em rửa mặt, đưa em tới lớp”.

Còn hai em Đinh Thị Tiết và Đinh Thị Hơm bữa học bữa không, không theo kịp bạn bè nên hay trốn học. Đến khi cô Thư và cô Thùy Ni tới vận động, cha mẹ hai em đều đồng ý: “Thư là đứa con gái chăm học chăm làm nhất bản, nó trồng lúa tốt, nuôi con heo mập lại hay giúp đỡ dân làng. Nó nói lời đúng thì các con phải nghe, từ nay không được nghỉ học để chăn bò nữa”.

Giúp trẻ là giúp bản

Phó giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo Quảng Ngãi Trần Hữu Tháp cho biết, hiện ở Quảng Ngãi có 210 nhân viên hỗ trợ giáo viên người dân tộc H’Re, Ca Dong, Kor. Tất cả đều có trình độ lớp 9 trở lên, tham gia hỗ trợ giáo viên dạy học sinh lớp 1 năm học 2008-2009 từ dịp hè năm học 2007-2008.

Mỗi nhân viên hưởng mức hỗ trợ theo hệ số 0,8% mức lương tối thiểu, tính ra khoảng 432.000 đồng/tháng, trích từ ngân sách của Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Bộ Giáo dục - đào tạo.

Cô Thư luôn ước mơ được làm cô giáo. Cũng chính vì ước mơ này nên cô học trò dân tộc thiểu số nhà nghèo nhiều hôm bụng đói vẫn cố đến điểm trường thôn, rồi lên trường xã để học.

Khi lên THPT phải về trường huyện xa đến vài chục cây số, không có người quen nên Thư và các bạn cùng xã xin miếng đất rồi trở về quê cắt tranh gùi xuống làm lều trọ học, những bữa cơm chỉ có rau rừng chấm muối. Nhưng rồi mơ ước đó cũng đành xếp lại vì muốn học cao hơn phải xuống thành phố.

Không còn điều kiện để học cao hơn nữa, cô Thư đành về nhà giúp mẹ lên rẫy, vài năm sau có chồng sinh con, nhưng nhiều lúc nhìn trẻ em cắp sách đến trường là trong cô lại bừng lên mơ ước.

“Khi nghe xã tuyển nhân viên hỗ trợ giáo viên, mình nộp đơn liền”, cô Thư kể. Rồi cũng từ ngày đó, cứ sáng sớm cô Thư đến lớp cùng cô Ni dạy các em tập viết, tập đọc.

Cô Thư nói: “Hồi mình đi học cũng mong được cô giáo khen nên bây giờ làm nhân viên hỗ trợ giáo viên, hôm nào trước khi vào học mình cũng nói với các em: muốn được cô khen thì các em phải ngoan, phải học bài làm bài cho giỏi. Lũ trẻ hình như chỉ chờ có thế”.

Cô Hồ Thị Bé, dân tộc Kor ở điểm trường thôn Hà Riềng, xã Trà Phong, huyện Tây Trà, giải thích lý do làm “thông ngôn” cho các em: “Bản mình có nhiều học sinh năm học vừa rồi thi rớt tốt nghiệp THPT, chúng buồn lắm, làm cả bản buồn lây. Khi nghe tuyển nhân viên hỗ trợ giáo viên, mình nghĩ phải tình nguyện tham gia thôi”.

Ngoài giờ giúp cô giáo trên lớp, những học sinh yếu được cô Bé gọi đến nhà dạy thêm. Còn cô Hồ Xuân Lượng ở điểm trường thôn Trà Nga, xã Trà Phong cho biết: “Làm nhân viên hỗ trợ bận rộn, tiền hỗ trợ không nhiều nên có người bảo mình thôi đừng làm nữa. Nhưng mình nghĩ phải cố gắng sắp xếp công việc để làm, vì hỗ trợ các em cũng là giúp dân bản thôi mà”.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Trà Phong Lê Quang Khương nhìn nhận: “Từ khi có các nhân viên hỗ trợ, tình trạng bất đồng ngôn ngữ đã tạm thời giải quyết được nên học sinh tiếp thu bài vở nhanh hơn. Đối với những gia đình chưa quan tâm đến sự học thì nhờ họ động viên, phân tích. Nhờ đó mà từ đầu năm học đến nay ở trường chưa có em nào nghỉ học”.

Bí thư huyện ủy Sơn Tây Đinh Như Tro, người Ca Dong, nói chắc nịch: “Có các nhân viên hỗ trợ, chuyện học của lũ trẻ tốt hơn là cái chắc”.

Theo Võ Quý Cầu
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".