Thu học phí bằng Bitcoin, Đại học FPT vi phạm gì?

Tiến ảo bitcoin bị cấm sử dụng như phương tiện thanh toán tại Việt Nam.
Tiến ảo bitcoin bị cấm sử dụng như phương tiện thanh toán tại Việt Nam.
TP - Ngày 26/10/2017, chủ tịch HĐQT Đại học FPT Lê Trường Tùng tuyên bố “Đại học FPT chấp nhận cho các đối tượng đang là sinh viên hoặc chuẩn bị là sinh viên của trường nộp học phí bằng bitcoin. Trước mắt áp dụng cho sinh viên ngoại.” Thông tin khiến dư luận xôn xao và đặt câu hỏi: việc thu học phí bằng Bitcoin có được chấp nhận ở Việt Nam?

Thu học phí bằng tiền ảo Bitcoin

Đại học FPT mong muốn thử nghiệm bằng cách chấp nhận cho sinh viên nước ngoài sử dụng bitcoin như một phương tiện thanh toán học phí cho trường. Việc này tạo sự thuận tiện cho sinh viên ngoại quốc, vì công tác quản lý tài chính của một số nước rất chặt chẽ về ngoại tệ nên việc đóng học phí với các em cũng là một trở ngại lớn. Đồng thời trường kỳ vọng sẽ sử dụng bitcoin như một công cụ phục vụ mục đích nghiên cứu.

Đó là những chia sẻ của đại diện lãnh đạo trường này về thông tin, mục đích sử dụng đồng tiền “ảo” Bitcoin.

Cụ thể hơn, chủ tịch HĐQT Đại học FPT ông Lê Trường Tùng lý giải:  trường sẽ bắt đầu thử nghiệm thu học phí bằng Bitcoin vì đây là giải pháp khả thi đối với rất nhiều sinh viên nước ngoài đang học tập tại ĐH FPT. Đó là những sinh viên châu Phi, đặc biệt là từ Nigeria, họ rất khó khăn trong việc chuyển tiền ra nước ngoài để đóng học phí. Ông Tùng chia sẻ: Bitcoin thực tế là một công cụ hỗ trợ cho việc nộp học phí của sinh viên. Sinh viên dùng bitcoin để chuyển tiền sang Việt Nam, sau đó có thể đổi từ bitcoin sang tiền mặt để nộp cho trường.

Đánh giá về mức độ rủi ro của việc thu học phí bằng tiền ảo Bitcoin, ông Tùng cho rằng, việc thu phí bằng Bitcoin hay thu phí bằng ngoại tệ như hiện nay đối với sinh viên nước ngoài thì tỷ lệ rủi ro tỷ giá là tương đương. Mặt khác theo TS. Lê Trường Tùng, hiện Việt Nam chưa có quy định nào liên quan đến bitcoin. Nhiều trường đại học trên thế giới cũng đã chấp nhận cho sinh viên sử dụng bitcoin để thanh toán học phí.

Ông Lê Trường Tùng chia sẻ thêm: “Bitcoin là một sản phẩm công nghệ. Chúng tôi muốn thử nghiệm thu học phí, sử dụng đồng Bitcoin như một dạng giao dịch của Cách mạng Công nghiệp 4.0, là một trường ĐH đào tạo về công nghệ, chúng tôi thấy rất nên tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm những vấn đề mới mẻ của công nghệ, gắn nó với thực tiễn cuộc sống, điều mà hoàn toàn có thể xảy ra trong thời đại 4.0”.

 “Cần nói rõ, việc thử nghiệm của trường cũng chỉ ở quy mô nhỏ vì thực tế hiện trường có khoảng 100 SV nước ngoài theo học, chiếm 1% số sinh viên đang theo học. Còn để thực hiện chính thức thì chưa thể vì phải phụ thuộc nhiều yếu tố về quy định pháp lý và cần có hạ tầng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh để dùng bitcoin giao dịch như một đồng tiền bình thường. Chúng tôi sẽ triển khai phù hợp với những quy định pháp lý hiện nay” - ông Tùng khẳng định.

Thu học phí bằng Bitcoin, Đại học FPT vi phạm gì? ảnh 2 Ảnh Internet.

 Thầy cô còn chưa hiểu, sao áp dụng với sinh viên?

Trong khi đó, với quan điểm cá nhân, TS. Nguyễn Phú Hà, khoa tài chính ngân hàng, trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết hiện nay, trong đào tạo sinh viên ngành Tài chính ngân hàng, trường cũng chưa có chủ trương đưa bitcoin vào giảng dạy.

“Trường đào tạo sinh viên ngành tài chính ngân hàng ra để sinh viên hiểu được vai trò, chức năng của tiền tệ trong nền kinh tế. Mục tiêu của trường khi đào tạo bên cạnh định hướng nghiên cứu, ra trường,  sinh viên vẫn có kiến thức thực tế. Nhưng trong quá trình đào tạo, mình không khuyến khích sinh viên thực tế bằng cách đầu tư tài chính. Xưa nay bitcoin là một hình thái có thể thay tiền thực hiện được một số chức năng. Nhưng về mặt pháp lý chưa được công nhận, nhất là ở Việt Nam. Sẽ rất nhạy cảm nếu hướng dẫn sinh viên thu học phí bằng bitcoin. Tôi thực sự ngạc nhiên khi có hình thức đó” - TS. Nguyễn Phú Hà cho hay.

TS. Nguyễn Phú Hà khẳng định chỉ khi nào Ngân hàng nhà nước thừa nhận đồng bitcoin, các tổ chức cá nhân trong xã hội coi đó là thông dụng thì lúc đó mới dành cho sinh viên. Không thể đem sinh viên ra làm thử nghiệm cũng như giới thiệu những cái bản thân nhà trường chưa có chủ trương và thậm chí cá nhân các thầy cô còn chưa chắc chắn thì không nên áp dụng cho sinh viên.

“Ở Việt Nam, ngay cả các trường ĐH cũng không nên làm cái gì quá mới và đi trước thế giới. Đơn giản nếu như Bitcoin được những nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật  thử nghiệm ứng dụng rồi thì Việt Nam có thể theo. Chúng ta cũng nên lấy những nước tương đồng như Malaysia, Indonesia. Mình phải so sánh để thấy làm gì cũng phải thận trọng. Ngay trong giảng dạy, Bitcoin mình cũng không đưa vào giảng dạy chính thức, nó chỉ  là chuyên đề liên quan đến bài tập tình huống mà thôi” - TS. Nguyễn Phú Hà một lần nữa khẳng định.

Còn đại diện FPT vẫn khẳng định Bitcoin thực tế là một công cụ hỗ trợ cho việc nộp học phí của sinh viên. Trường này tính toán: Sinh viên ngoại quốc có thể tự chuyển bitcoin thành đồng tiền được phép lưu thông tại Việt Nam và nộp cho trường. Cách thứ hai là ĐH FPT dự kiến hình thành 1 tài khoản bitcoin. Sinh viên sẽ hiến tặng bitcoin, còn trường sẽ hoán đổi bằng cách cấp học bổng tương đương với số bitcoin đó.

Sẽ phạt ĐH FPT nếu dùng bitcoin trong thanh toán

Trước việc Đại học FPT tuyên bố “thử nghiệm” cho phép sinh viên nước ngoài thanh toán học phí bằng tiền ảo Bitcoin, trao đổi với Tiền Phong, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, nếu sử dụng Bitcoin, FPT sẽ vi phạm thanh toán trong lĩnh vực tiền tệ và có thể bị phạt từ 150-200 triệu đồng. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán theo NHNN là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Về chế tài xử lý vi phạm, cơ quan này nêu rõ: theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác). Mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Đồng thời, từ 1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

K.H

MỚI - NÓNG