Thủ khoa ĐH Y chia sẻ bí quyết đạt điểm 9,10 môn Hóa, Lý

Thủ khoa Ngô Vương Minh
Thủ khoa Ngô Vương Minh
TPO - Ngô Vương Minh là thủ khoa khối A, B cũng như thủ khoa ĐH Y Hà Nội đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm để đạt điểm cao ở môn thi Hóa, Lý

Ngô Vương Minh - cựu học sinh THPT chuyên Sư phạm, Đại học Sư phạm Hà Nội đỗ thủ khoa khối B (29,75 điểm), khối A (29,5 điểm) toàn quốc. Minh đạt kết quả xuất sắc trong kỳ thi THPT quốc gia với điểm môn Toán: 10; Vật lý: 9,5; Hóa học: 10; Sinh học: 9,75; Tiếng Anh: 7,5; Ngữ văn: 7. Tổng điểm 6 môn là 53,75.

Ngô Vương Minh, hiện là sinh ĐH Y Hà Nội đã chia sẻ bí kíp để đạt điểm cao môn Hóa và môn Lý theo hình thức trắc nghiệm.

Thủ khoa Minh cho rằng để đạt thủ khoa, ở giai đoạn 1, từ đầu năm học đến khoảng tháng 6, chủ yếu luyện đề để bổ sung thật nhiều kiến thức.

"Trung bình mỗi môn trong 4 môn thi chính để xét tuyển đại học, em làm khoảng 100 đề. Mỗi đề làm xong, em đều xem lại để biết mình sai ở đâu và quan trọng nhất là hiểu lý do sai để lần sau không mắc phải”- Minh cho hay.

Ở giai đoạn ôn tập thứ 2 bắt đầu từ tháng 6 (một tháng trước kỳ thi THPT quốc gia), chú trọng nắm chắc lý thuyết. Nên ôn bài theo từng phần và ôn tập ít nhất 3 lần mỗi nội dung., việc ghi lý thuyết ra giấy là cách nhớ dễ dàng nhất.

“Với những công thức có thể chứng minh được, không nên thuộc vẹt mà tự tìm ra điểm đặc biệt của vấn đề thì tự khắc công thức sẽ in trong trí nhớ. Ngoài ra, chế công thức thành bài có vần điệu cũng là cách giúp việc học dễ dàng hơn”- Minh cho biết thêm.

Môn Hóa: Làm phần chắc chắn trước

Vương Minh cho rằng, cần làm phần chắc chắn trước. Với môn Hoá, đề Hoá thường rất hay bẫy nên cần đọc kỹ đề bài, xác định thật rõ ràng cần tính cái gì, phải dùng kiến thức gì, dạng bài gì, công thức nào để làm bài. Các câu lý thuyết cũng rất khó, yêu cầu em tổng hợp kiến thức thật chắc, suy luận tốt để trả lời các câu hỏi.

Cũng theo Minh, nhiều khi không có câu trả lời rõ ràng, mình phải dùng phương pháp loại trừ, cũng khá hữu ích.

“Môn Hoá cũng bấm lại máy nhiều lần, kiểm tra lại các câu trả lời đáp án của mình cho thật chính xác”- Minh cho hay.

Minh cũng chỉ ra: Trong đề thi, các bài tập hữu cơ và vô cơ thường được xếp xen kẽ. Các em nên chọn làm vô cơ hay hữu cơ trước để tập trung kiến thức. Nếu quá 3 phút/1 câu, các em không tiếp tục làm câu đó nữa để đảm bảo thời gian làm những câu còn lại. Hãy quay lại làm các câu khó, cực khó cuối cùng. Phân bổ thời gian hợp lý cho bài thi. Ví dụ, mục tiêu chỉ có 7 điểm, hãy ưu tiên phân bổ thời gian nhiều hơn cho 35 câu đầu (nếu đề thi sắp xếp theo cấu trúc từ dễ đến khó). 

Môn Lý: Rèn luyện nhiều câu khó nếu muốn đạt điểm 9,10

Ngô Vương Minh cho rằng, môn Lý thường là môn khó nhất. Tuy nhiên để đạt điểm 8 không quá khó, chúng ta cần nắm vững công thức và các dạng bài tập cơ bản của môn Lý, nhất là 3 chương dao động, sóng cơ và điện xoay chiều.

Minh cho rằng, đối với em nào muốn 9, 10 cần tập trung rèn luyện thật nhiều câu khó, được các thầy cô ra cũng như sưu tầm trên Internet vì chỉ có cọ xát như vậy, đi thi mới không bị nản và có thể có một tư duy tốt cho môn khá trừu tượng”.

“Môn Lý các em nên giành khá nhiều thời gian, nhất là cho việc luyện đề”- Minh chỉ ra.

Thi THPT quốc gia năm 2017 từ ngày 22-24/6

Bộ GD&ĐT tổ chức thi 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT).

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình Giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp; thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.

Thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT; thí sinh GDTX có thể chọn dự thi cả bài thi Ngoại ngữ, điểm bài thi này để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, không dùng để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường ĐH, CĐ.

MỚI - NÓNG