Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Một kì thi quốc gia có lợi cho thí sinh

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga
TPO - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết như vậy tại Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2014, diễn ra sáng nay, 15/8.

Thứ trưởng có thể cho biết tại sao phải tổ chức một kì thi quốc gia THPT từ năm 2015 và kì thi này có sự khác biệt thế nào so với các kì thi truyền thống hiện nay?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Hiện nay, chúng ta có kì thi tốt nghiệp THPT và sau đó là kì thi ĐH, CĐ tổ chức thành 3 đợt quá nặng nề.

13 năm qua, chúng ta tổ chức kì thi ba chung và đã bị phàn nàn rất nhiều độ phức tạp, tốn kém, nặng nề với thí sinh và xã hội, nên từ năm 2011, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu phương án đổi mới kì thi sao cho nhẹ nhàng nhất. Ý tưởng đó đã được đưa vào Luật Giáo dục đại học năm 2013, cho phép các trường ĐH, CĐ tự tuyển sinh.

Vì vậy, đổi mới kì thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh ĐH, CĐ là việc chúng ta phải làm theo định hướng có kì thi nhẹ nhàng, một lúc đạt hai mục tiêu là xét nghiệp phổ thông và làm cơ sở dữ liệu để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.

Như vậy, tổ chức kì thi quốc gia thì "ba chung" sẽ không còn nữa, các trường ĐH, CĐ hoàn toàn thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh.

Việc sử dụng kết quả tuyển sinh này có phải cách duy nhất các trường tuyển sinh hay không?

Rõ ràng, kết quả này không phải duy nhất để các trường ĐH, CĐ dựa vào đó để tuyển sinh. Khác với kì thi 3 chung trước đây bắt buộc các trường phải sử dụng kết quả ấy để tuyển sinh, với các quy định ngặt nghèo, bây giờ, các trường tự chủ tuyển sinh rồi, Bộ chỉ cung cấp cơ sở dữ liệu của kì thi quốc gia này. Các trường hoặc sử dụng toàn bộ kết quả đó để tuyển sinh, hoặc sử dụng một phần kết quả, kết hợp kiểm tra thêm về năng lực, chỉ số thông minh…

Thậm chí, các trường thấy cần thiết yêu cầu chất lượng cao hơn có thể tổ chức một kì thi riêng vào trường.

Như vậy, tùy chất lượng nguồn tuyển, cũng như đặc thù học ngành nghề khác nhau các trường tự quyết phương án tuyển sinh của mình.

Để các trường đại học có thể sử dụng kết quả này, theo Thứ trưởng, việc tổ chức kì thi phải làm và thay đổi như thế nào?

Hội nghị được truyền trực tuyến tại các đầu cầu Hà Nội, TPHCM, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Nghệ An, Cần Thơ.

Rõ ràng, yếu tố độ tin cậy là rất quan trọng. Trong hội nghị sáng nay, các trường đã phát biểu rất nhiều cách, làm sao tổ chức một kì thi nghiêm túc, đảm bảo độ tin cậy để các trường có thể sử dụng làm công tác tuyển sinh. Bởi, nếu kết quả không tin cậy mà các trường phải tổ chức một kì thi tuyển sinh riêng nữa, rõ ràng lại phức tạp, tốn kém hơn rất nhiều.

Vì vậy, trong đề án về kì thi quốc gia này, Bộ cũng đề xuất các giải pháp để đảm bảo độ tin cậy, công bằng cho kì thi.

Chẳng hạn, chúng ta tổ chức điểm thi theo từng cụm, tỉnh, tổ chức chấm thi chung cụm liên tỉnh, các vùng. Cán bộ tham gia kì thi quốc gia này gồm cán bộ sở GD&ĐT, trường phổ thông, trường đại học cùng tham gia, và chúng ta làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính công bằng.

Xin Thứ trưởng cho biết, nếu tiến hành một kỳ thi quốc gia, công tác ra đề thi phải đổi mới ra sao?

Kinh nghiệm những năm gần đây đổi mới cách ra đề thi và thành công nhất là năm vừa rồi chúng ta đã ra đề thi phù hợp khả năng làm bài của học sinh, cũng như phân loại, giúp học sinh giỏi làm được điểm cao, học sinh trung bình làm được một phần bài thi của mình.

Do bài thi của chúng ta có kết cấu phù hợp nên có thể đưa vào kiến thức cơ bản để sử dụng xét phổ thông và đưa kiến thức nâng cao, có tính phân loại, kiểm tra năng lực để sử dụng xét tuyển ĐH, CĐ.

Công tác ra đề thi phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng vài năm gần đây cho phép chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, ra đề thi đạt 2 mục đích như kì thi quốc gia sắp tới.

Việc thay đổi cách thi cử sẽ ảnh hưởng thế nào đến thí sinh, thưa Thứ trưởng?

Trước hết, với cách học và dạy phổ thông chưa thay đổi gì. Dù thi theo môn hay thi tổng hợp bài nhiều môn, chưa yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức tích hợp. Vì thế, các em học phổ thông sang năm thi cũng không phải lo lắng, vì vẫn học như bình thường, chương trình sách giáo khoa vẫn thế, không thay đổi.

Việc tổ chức một kì thi quốc gia rất có lợi cho thí sinh, trước hết các em chỉ thi một kì thi thôi nhưng sử dụng kết quả đó để xét rất nhiều trường ĐH, CĐ.

Thứ hai, các em thi xong, có kết quả rồi mới đăng ký xét tuyển. Vì vậy, tránh hoàn toàn rủi ro mà quy định của kì thi ba chung trước đây. Khi có kết quả tuyển sinh rồi, tùy theo kết quả đạt được mới xét tuyển vào các trường mà yêu cầu đầu vào phù hợp.

Đối với các em đã có bằng phổ thông, nếu năm tới tổ chức kì thi quốc gia, các em chỉ thi những môn liên quan trường mà mình đăng ký xét tuyển, còn những môn không liên quan, các em có quyền không thi vì không sử dụng kết quả ấy để công nhận tốt nghiệp phổ thông.

Vì vậy, cả về nội dung thi và cách thức sử dụng kết quả kì thi này đều có lợi cho thí sinh. Các em cứ yên tâm học tập, chắc chắn một kì thi quốc gia như vậy sẽ làm các em hài lòng hơn.

Tiếp theo hội nghị này, bao giờ phương án cho một kì thi quốc gia được công bố, thưa Thứ thưởng?

Bộ đã lấy ý kiến của các sở GD&ĐT, trong thời gian vừa qua, tham khảo ý kiến công luận và hôm nay Bộ tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các hiệu trưởng, các trường ĐH, CĐ trên cả nước.

Sau khi có ý kiến của Sở, Bộ và tham khảo ý kiến của công luận, đặc biệt ý kiến của các em học sinh sẽ dự thi kì thi này, Bộ sẽ tổng hợp các ý kiến ấy và chốt lại phương án cuối cùng để báo cáo Thủ tướng và Phó thủ tướng. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, phương án sẽ công bố sớm cho học sinh biết để thực hiện được trong năm 2015.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.