Thủ tục xét giáo sư, phó giáo sư: Những tiêu chí “trên trời”

TS Trần Trọng Dương
TS Trần Trọng Dương
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư thay thế cho quy định cũ với yêu cầu mới là các ứng viên PGS, GS phải có các bài báo khoa học quốc tế, kể cả ngành KHXH&NV.

Yêu cầu này, theo tôi, thực sự cần thiết bởi trong xu thế hội nhập quốc tế như hiện nay, việc “nâng tầm” cho những ứng viên GS-PGS là việc tất yếu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Dự thảo lại đưa ra những tiêu chí mà tôi cho là “trên trời” đối với công bố khoa học trong nhóm các ngành thuộc khối KHXH&NV khi mắc phải hai lỗi cực kỳ nghiêm trọng - Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) cũng đang phải tháo gỡ đúng hai lỗi này. Đó là:

(1) Ốp nguyên mô hình hệ tiêu chuẩn của ngành tự nhiên cho ngành KHXH&NV, bằng các chỉ số tạp chí ISI và SCOPUS - trong khi phần lớn các ngành về Việt Nam học đều chỉ dùng hai chỉ số cơ bản ISSN (cho bài báo khoa học trên tạp chí) và ISBN (cho công bố khoa học dạng sách) - và bỏ qua hệ thống tạp chí và nhà xuất bản của các đại học và cơ quan nghiên cứu có chất lượng.

(2) Ốp nguyên hệ tiêu chuẩn Âu Mỹ (hệ tiêu chuẩn Anh ngữ), trong khi công bố khoa học cũng phải đa nguyên, đa phương và đa ngữ. Chúng ta còn nhiều chuẩn công bố khác ở các ngôn ngữ khác như Nga ngữ, Nhật ngữ, Pháp ngữ, Đức ngữ, Hoa ngữ, Hàn ngữ,…

Có ý kiến cho rằng, tiêu chí phải có bài báo quốc tế sẽ dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực như: bỏ tiền mua bài đăng, bỏ tiền nhờ người viết hộ, rồi nhờ đứng tên với người khác (vì quy định không yêu cầu phải là tác giả chính), trong khi bài báo quốc tế kể cả ISI và Scopus, cũng có năm bảy loại.

Để chống các hiện tượng tiêu cực này trong việc công bố quốc tế thì Dự thảo phải có trong tay danh sách các tạp chí quốc tế rởm và các nhà xuất bản bản rởm, đi kèm với nó là một số quy định và chế tài được công bố công khai. Như thế sẽ hạn chế được chuyện vàng thau lẫn lộn cũng như hiện tượng “mua gian bán lận” ở chốn học thuật.

Một điểm đáng lưu ý nữa trong tiêu chuẩn bổ nhiệm PGS, GS là các ứng viên phải chủ trì các đề tài khoa học cấp cơ sở (với PGS) hoặc cấp bộ (với GS).

Tôi cho rằng, ở mặt tích cực, các đề tài cấp cơ sở hay cấp bộ đều thể hiện công lao đóng góp và khả năng nghiên cứu, tổ chức nhóm nghiên cứu của các ứng viên đối với các công việc khoa học do cơ quan giao phó.

Ở khía cạnh ngược lại thì một đề tài khoa học đã được nghiệm thu chỉ đút ngăn kéo mà không được xuất bản (thành bài nghiên cứu, chuyên luận) hoặc không được áp dụng cho một cơ sở đào tạo, sản xuất thì chỉ là thứ “bánh vẽ”, không mấy khi có giá trị.

Nhưng một khi đề tài đã công bố thì nó đã được tính điểm ở chỉ số xuất bản rồi. Cho nên, theo ý kiến cá nhân của tôi, nên bỏ bớt tiêu chí “chủ trì các hệ đề tài”, như thế sẽ kích thích chỉ số công bố của các chủ nhiệm đề tài ăn lương ngân sách, và cũng là để giảm thiểu những người ăn bám cơ chế.

Theo Theo Trần Trọng Dương/Tiasang
MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.