Thư viện từ tâm nguyện của một bà mẹ VN anh hùng

Thư viện từ tâm nguyện của một bà mẹ VN anh hùng
TP - 7 năm sau ngày mẹ Rau mất (2007), người con trai duy nhất còn lại của mẹ- ông Phạm Ngọc Hùng đã lập ra thư viện tư nhân Dương Thị Rau (64 Ngô Gia Tự, phường Phú Lâm- TP Tuy Hòa) để thực hiện tâm nguyện của mẹ lúc sinh thời...

Mẹ Việt Nam Anh hùng Dương Thị Rau sinh năm 1915 (tại Phú Yên) có chồng và 2 con là liệt sĩ. 

Mười mấy năm thực hiện một tâm nguyện

Một buổi chiều lành lạnh, ông Phạm Ngọc Hùng tiếp chúng tôi tại thư viện mang tên người mẹ của mình - mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Rau. Căn phòng nhỏ ấm cúng, chừng 30m2 và vài ba cô cậu học trò tranh thủ về ngang đọc sách.

Vừa qua Tết, bạn đọc chưa nhiều, nên ông đã cất bớt vài cái bàn, lấy chỗ tiếp khách. Dáng dấp của một thư viện tư nhân còn chưa lộ rõ nhưng để có được ngày hôm nay quả không dễ dàng.

Ông Hùng bùi ngùi kể lại: “Lúc còn sống, bà già tui thấy các cháu trong xóm đi học về là tụ tập, la cà. Bả nói với tui bả muốn có một nơi cho con cháu ngồi đọc sách để khỏi nhiễm các thói hư tật xấu, để mở mang cái đầu”.

Nhưng mẹ nghèo, tiền phụ cấp danh hiệu chỉ đủ lo ngày ba bữa thì lấy đâu ra tiền lập thư viện. 10 năm sau (năm 2000), mẹ Rau qua đời mà mong mỏi chưa thành hiện thực. Ông Hùng hiểu tâm nguyện của mẹ, ông cũng nghĩ như vậy.

Nhưng hai vợ chồng với đồng lương hưu trí cọc cạch và 4 đứa con đang độ tuổi ăn học thì biết xoay xở làm sao. Mãi cho đến năm 2007,  khi gánh nặng gia đình đã đỡ phần nào, ông quyết tâm thực hiện tâm nguyện của mẹ. Năm đó, ông Hùng đã gần 70 tuổi, vẫn một mình đi “gõ cửa” khắp nơi xin giấy phép.

Thư viện từ tâm nguyện của một bà mẹ VN anh hùng ảnh 1
Các em học sinh đến thư viện đọc sách

Ông kể: “Tui cũng trình bày với nhiều nơi lắm. Họ bảo hay nhưng không biết giúp thế nào. Mãi sau này, tui gặp được Giám đốc Thư viện Hải Phú (tỉnh Phú Yên), mới đầu ổng cũng ngại nhưng sau nghe tui nói rõ ràng, ổng giúp đỡ nhiệt tình lắm”. Có được giấy phép rồi, ông lại bỏ tiền tích góp cả đời ra mua sách, lo đi vận động mọi người đóng góp...

Cuối cùng, ngày 20/11/2007, Thư viện tư nhân mang tên mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Rau cũng chính thức được thành lập. “Ngày đó, chính quyền và bà con đến dự đông quá trời. Tui đọc bài phát biểu mà vừa mừng vừa run...”. Ông Hùng kể lại mà trên khuôn mặt còn rạng rỡ một ngày vui. Hẳn mẹ Rau cũng vui nhiều lắm...

Mỗi người một tay vì niềm vui chung

Thư viện mở cửa từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Hai vợ chồng ông Hùng thay phiên nhau trông. Tối đến, nếu có ai muốn mượn sách, cứ gõ cửa, ông bà sẽ tiếp không ngại gì cả.

Từ ngày có thư viện, mỗi sáng các cụ đi tập thể dục lại tạt vào đọc báo, các cháu đi học về thì ghé vô đọc truyện. Bạn Trần Đắc Phước (lớp 10B4- trường THPT Ngô Gia Tự) nói: “Em thấy thư viện này rất có ích. Em đã đọc khá nhiều rồi đó. Mỗi tuần em đến đây 5, 6 lần”.

Thư viện từ tâm nguyện của một bà mẹ VN anh hùng ảnh 2
Hai vợ chồng ông Phạm Ngọc Hùng

Để có được cái thư viện như hôm nay, gia đình ông Hùng đã bỏ gần 10 triệu đồng để sửa nhà và mua sách. Trong khi, lương hưu của ông bà chỉ có 3 triệu đồng lại phải chi hơn nửa cho cậu con trai đang học ở TPHCM.

Cảm tấm lòng đó, nhiều cá nhân đơn vị đã chung tay góp sức cùng ông xây dựng thư viện. 

Ông Nguyễn Trung - nguyên đại tá Quân đội tài trợ báo An Ninh Thế Giới, Trường Quân sự Phú Yên tặng một đầu báo Quân đội nhân dân, Thư viện Hải Phú cho mượn 500 cuốn sách trị giá 2 triệu đồng, luân phiên cho mượn 200 cuốn sách từ 3 đến 6 tháng, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa- Thể Thao & Du Lịch) cũng hứa tặng một số sách trị giá 5 triệu đồng...

Thư viện hiện có 1.400 đầu sách và các loại báo. Ông Hùng bảo: “Mấy cụ hưu trí thường mang báo đến góp, nhiều bạn đọc mang sách đến tặng. Mới đây, Công ty TNHH Tuấn Dậu (gần nhà ông) tặng 1 triệu đồng, biểu tui mua sách giùm, về bỏ đây cho bà con đọc...”.

Trên kệ sách khiêm tốn ấy, mỗi người góp một ít, sách mới sách cũ có đủ cả. Bản thân ông Hùng là dân cơ khí nhưng mê sách đến quên ăn quên ngủ. Những cuốn sách ngả màu thời gian như: Sông đông êm đềm, Thời thanh niên sôi nổi... ghi dấu những năm tháng tu nghiệp của ông ở Liên Xô nay lại tiếp tục phục vụ mọi người.

Khi được hỏi về công sức và tiền bạc, ông Hùng cười: “Ở đời phải có chi có thu. Thứ tui thu về được là niềm vui”. Xa hơn, ông nói: “Tui muốn thư viện sẽ mở rộng. Nếu phòng này chật quá sẽ dùng luôn cả phòng bên cạnh. Thư viện Hải Phú có giúp tui về nghiệp vụ, tui đã cho cháu gái đi học rồi”.

Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, ông Hùng vẫn chỉ có một niềm mong mỏi: Mọi người hãy cùng ông góp sức thực hiện tâm nguyện cuối cùng của mẹ, dù chỉ là một quyển sách cũ, một tờ báo... Ông nói: “Tui không muốn “giữa đường đứt gánh”. Tui đã dặn con cháu rồi: “Tao mất mà bọn bay bỏ thư viện là tao buồn lắm đó!”.

MỚI - NÓNG