Thư xã diệu kỳ ở thủ đô Paris

Thư xã diệu kỳ ở thủ đô Paris
TP- Hồi những năm 60 thế kỷ trước, các nhà thơ Beatnik đã nhiều lần tổ chức poetry reading để đọc thơ phản chiến ở ngay khoảnh đất trống trước mặt hiệu sách này, nơi được Henry Miller gọi là “Thư xã diệu kỳ” (wonderland of books).

Đây rồi, mình lại trở về quanh quất Quartier Latin, ấm chỗ trong tiệm cà-phê Relais – Odéon nằm ở đầu phố L'ancienne Comédie (Nhà hát hài kịch cổ), nhấm nháp tách capuccino cùng với Chánh Mouniami, trong ban biên tập tạp chí “Carnets du Viêt Nam” (Sổ tay về Việt Nam), người tình nguyện “hộ tống” tôi trong mấy ngày bà tạt qua Paris.

Ngoài trời, một cơn mưa phùn lay phay sao mà giống trời xuân Hà Nội đến nao lòng. Hôm nay đã là 23/11/2007. Đúng cữ này mười năm trước, tôi cũng đã ở đây vài tuần vào dịp Liên hoan Pháp ngữ Lai lần thứ VI (Festival Francophonie Métissée) do Trung tâm Wallonie-Bruxelles mời.

Cùng nhà thơ Lê Đạt bạn tôi, chúng tôi được xếp chỗ nghỉ ở nhà số 10 phố Ancienne Comédie, trong một thư phòng do một bạn Việt kiều trẻ cho mượn. Đó là lần đầu tiên tôi đặt chân lên đất Paris. Kỳ cục thật đấy, nhưng lần gặp gỡ đầu tiên của tôi với Paris vừa là phát hiện lại vừa là cuộc trở về chốn xưa.

Hoặc giả, đồng thời là những cuộc phát hiện nơi chốn xưa. Đúng thế, có biết bao nhiêu điều lần đầu tiên tôi thấy nơi đây lại có vẻ thân thuộc như những người quen cũ. Ngẫm cho kĩ, đó có thể do nền học vấn Pháp của mình từ tấm bé.

Vô số sách mình đọc từ thời mài đũng quần ở trường đã khiến tôi thường mơ tới Paris, đến độ đôi khi cứ ngỡ là mình đang lang thang bát phố trên kè sông Seine.

Thế nhưng chuyến đi thực sự tới thành phố mộng mơ đó của mình chỉ diễn ra khi đã sáu mươi lăm tuổi đời: Tôi đã mất cả một nửa thế kỷ để đi từ nhà đến Paris. Kể từ bữa đó, tôi còn về chốn ấy ba lần nữa.

Nào, thử xem mình đã gặp lại những gì? Sông Seine, Đại lộ Champs-Elysées, tháp Eiffel… đã đành rồi, khỏi phải nói.

Rồi làm sao có thể không lần tới cầu Mirabeau, cây cầu từng được Guillaume Apollinaire biến thành bất tử vì những câu thơ tuyệt vời ông viết; tôi đã nhiều lần trở lại ngồi lẩn thẩn dưới chân cầu rồi viết ra những dòng tưởng nhớ này tới nhà thơ Pháp tôi yêu thích hơn cả:

 Ô kìa, chiều khẽ chạm thành cầu Mirabeau

Và sông Seine vẫn chở xuôi trên sóng

Vàng thu những cuộc-tình-lá-rụng…

(Tiens! pianissimo le soir frôle le parapet

du pont Mirabeau

Et la Seine toujours charrie sur ses flots

L’automne doré des amours-feuilles-mortes…)

Lại còn cái con phố này nữa với cái tên thơ mộng ngộ nghĩnh làm sao, cái tên được lấy làm đầu đề cho một cuốn tiểu thuyết xinh xắn tôi đọc đã sáu chục năm và cũng chẳng còn nhớ ai viết ra nó nữa: Phố Mèo Câu Cá (Rue du Chat Qui Pêche).

Người ta bảo đó là con “phố” hẹp nhất Paris. Tôi đã đích thân tới kiểm nghiệm xem điều đó có đúng không: Nó rộng không quá hai mét.

Tôi muốn đặc biệt nhắc tới một trong những cuộc về lại chốn xưa này, một cuộc trở về thuộc dạng văn hóa mãi mãi còn đây trong lòng tôi.

Năm ngoái, nhờ được nhận một món học bổng của Trung tâm Sách quốc gia (Centre National du Livre) dành cho dịch giả văn học, tôi đã có dịp thăm lại Paris.

Mấy lần dạo chơi trên kè sông Seine, tôi đặc biệt chú ý tới một hiệu sách có tên SHAKESPEARE AND COMPANY (số 37 phố Bucherie). Nằm gần nhà thờ Thánh Julien Nghèo (Eglise Saint Julien le Pauvre), một trong những nhà thờ cổ nhất của Paris và trông sang Nhà thờ Đức Bà bên kia bờ; hiệu sách này là của một nhà quý tộc Anh chín mươi ba tuổi, ông George Whitman.

Tôi bị hút hồn ngay vì những hàng chữ tiếng Anh viết bằng phấn như thế này trên những ô kính cửa sổ:

Báo Paris Wales

Ngày 1 tháng 1 năm 2004

Có người gọi tôi là Don Quixote của khu Quartier Latin, vì đầu óc tôi luôn ở tít trên mây. Điều này tôi có thể hình dung ra được. Chúng ta thảy đều là thiên thần chốn Thiên đàng.

Và thay vì chỉ làm anh bán sách đúng nghề, tôi lại giống một tiểu thuyết gia bất đắc chí hơn. Cửa hàng (của tôi) có những phòng riêng như những chương trong một cuốn tiểu thuyết, và thực tế là đối với tôi,  Tolstoy và Dostoyevsky còn có thực hơn cả các ông bà hàng xóm nhà tôi.

Một sự việc còn kì lạ hơn nữa, ấy là ngay cả từ trước khi tôi ra đời, Dostoyevsky đã viết câu chuyện đời tôi trong một cuốn sách tên là “Chàng ngốc”, và khi đã đọc cuốn đó rồi thì tôi cứ đi tìm hoài cái nhân vật nữ, cái cô gái có tên là Nastasia Filipovna.

Một trăm năm trước, hiệu sách của tôi là một cửa hàng rượu vang nằm khuất không nhìn thấy sông Seine vì bị ngăn bởi một khu phụ của nhà thương làm phúc có tên Hotel Dieu Hospital, chốn này đã bị phá và thay vào là một khu vườn.

Ngược xa hơn nữa về năm 1600, toàn bộ khu nhà này là một chủng viện có tên “Nhà Mustier” (La Maison du Mustier). Vào thời Trung thế kỷ, mỗi chủng viện đều có một thầy dòng thắp đèn, nhiệm vụ của thầy là khi chiều buông thì thắp đèn lên. Tôi đã làm công việc này trong năm chục năm ròng, nay đến lượt con gái tôi. G. W.

Tôi được biết hồi những năm 60 thế kỷ trước, các nhà thơ Beatnik đã nhiều lần tổ chức những cuộc poetry reading để đọc thơ phản chiến với nhau ở ngay khoảnh đất trống trước mặt hiệu sách này, nơi được Henry Miller gọi là “Thư xã diệu kỳ” (wonderland of books).

Cũng vào thời kỳ đó, André Malraux, khi đó là Bộ trưởng Văn hóa Pháp, đã tuyên bố nơi đây là “di tích xếp hạng” để tránh cho nó có thể bị xâm hủy sau này.

Lần trước tôi không thực hiện được dự định tới thăm ông George Whitman vì phải rời Pháp sớm, và kỳ này, mãi tận tuần trước, nhờ nhã ý của con gái ông là Sylvia, tôi mới có cơ hội tới gõ cửa nhà ông.

Người ra mở cửa cho tôi là một anh trẻ tuổi (sau rồi tôi mới biết đó là một nhà thơ Italia tên là Ricardo Antonioni được ông cho tá túc). Ông già quý tộc không để khách phải đợi lâu. Với nụ cười rộng mở hồn hậu trên môi, ông chào: Nị hảo, ngỡ chúng tôi là Trung Quốc.

Thật tình, tôi không đợi mình được đón tiếp nồng nhiệt và tự nhiên đến thế. Sau khi biết tôi là nhà thơ kiêm dịch giả từ Việt Nam qua, một kẻ làm công việc tương tự như những thày-dòng-thắp-đèn của các chủng viện xưa, ông già lục túi lấy ra một chiếc chìa khóa và chìa cho tôi:

-Đây là chìa khóa căn hộ này. Cứ tự nhiên như ở nhà mình nhé.

Không trả lời trực tiếp vào câu tôi hỏi xem ông có họ hàng xa gì đó chăng với nhà thơ lớn Walt Whitman (và quả là thế), ông kéo tôi đi ngang cả một mê cung sách rồi vào căn phòng bên trong, tay chỉ cho tôi những dãy sách cũ đóng gáy da: “Toàn bộ Whitman đây! Cho ông tha hồ!”.

Khi tôi cáo lui, ông bắt tay tôi và còn gặng thêm bằng tiếng Anh:

- Lần sau ông phải ở đây với tôi một tuần đấy.

Ôi, ông già tốt bụng! Vâng, lần sau, nếu còn có dịp, có lẽ tôi sẽ biết lợi dụng lòng mến khách của ông để thả mình tận hưởng chốn wonderland of books ấy.

(*): Bài này nguyên bản bằng tiếng Pháp viết cho tạp chí “Carnets du VietNam” dưới đầu đề “Retrouvailles”. Bản tiếng Việt do nhà văn Châu Diên chuyển ngữ, đầu đề do tòa soạn đặt.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.