‘Thương hiệu’ sinh viên VN ở ĐH danh tiếng bậc nhất

‘Thương hiệu’ sinh viên VN ở ĐH danh tiếng bậc nhất
TP – Đại học Cambridge sắp kỷ niệm 800 năm thành lập. Gần 1 tuần ở trường ĐH danh giá nhất Vương quốc Anh này, tôi đã gặp một “thương hiệu” mới mang tên: Sinh viên Việt Nam.

Đại học Cambridge khiến tôi choáng ngợp trước những tòa lâu đài cổ kính mà dường như chỉ cái mái vòm thôi cũng có thể là  một kỳ quan về kiến trúc. Buổi sáng đầu đông ấy, cả Cambridge lộng lẫy dưới ánh nắng vàng dịu, các tòa lâu đài phô bày vẻ đẹp cổ điển mà lãng mạn trên vòm trời, giữa những thảm cỏ xanh ngắt, trong tiếng chuông nhà thờ ngân vang.

Đại học Cambridge làm nên thành phố Cambridge nổi tiếng thế giới, hay nói đúng hơn, thành phố và đại học Cambridge đã hòa làm một. Người ta gọi Cambridge là thành phố đại học, nơi có 31 Đại học thành viên (college), hơn 100 khoa giảng dạy với 17.000 sinh viên.

Mỗi college ở Cambridge là một ngôi trường khá độc lập, có lịch sử, truyền thống  riêng, phù hiệu riêng, có hiệu trưởng, hiệu phó, dàn giáo viên, đội ngũ làm công tác nghiên cứu và chính sách điều hành riêng.

Cả đại học Cambridge được quản lý bởi Hội đồng Điều hành Trung tâm. Người đứng đầu hội đồng của Cambridge là Hoàng tử Philip, chồng của Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị.

Cambridge sắp kỷ niệm 800 năm thành lập và ngôi trường danh giá nhất nước Anh này đã có 81 giải Nobel. Mỗi một con đường, hay một cây cầu nơi đây có thể ẩn chứa biết bao giai thoại về “những người khổng lồ” đã được cả nhân loại ngưỡng mộ.

Con sông Cam  nho nhỏ, nước xanh biếc bao có lẽ cũng đã chảy hiền hòa như thế từ thời Isac Newton còn học rồi trở thành giáo sư dạy Toán và Vật lý ở  Trinity College. Hồi ấy, Newton đã làm một cây cầu bắc qua sông Cam. Đó là cây cầu  Toán học vì Newton đã ghép nó từ những tấm ván mà không cần dùng đến một chiếc đinh nào. 

Vì muốn tìm hiểu cách làm của nhà bác học, vài năm trước đây, các sinh viên Cambridge đã dỡ cầu ra để xem. Và sau khi lắp lại, họ đã phải đóng đinh chi chít vào cây cầu! Câu chuyện vui ấy cho thấy ở Cambridge sinh viên được tạo điều kiện học tập như thế nào nhưng thiên tài như Newton chẳng phải thời nào cũng có.

Tôi ngắm mãi cây cầu Toán học mà nước thời gian đã nhuộm từng thớ gỗ bạc phếch, khung cảnh giống như hai câu thơ trong truyện Kiều “Dưới cầu nước chảy trong veo; trên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”.

Hàng ngày, các giáo sư, sinh viên vẫn nện gót giày qua đây để lên những giảng đường cũng đầy những giai thoại. Ngay trước, cổng trưởng Trinity có một cây táo được trồng từ hạt giống của cây táo mà quả của nó đã rơi xuống đầu của Newton để rồi nhờ đó ông phát hiện ra định luật “Vạn vật hấp dẫn” nổi tiếng. 

Hậu duệ của cây táo huyền thoại ấy giờ vẫn xanh tươi và đơm hoa kết trái, quả của nó vẫn rụng xuống như gợi nhớ hình ảnh nhà bác học Newton.

Bước vào Trinity College, tôi cảm giác như lạc vào một cung điện tráng lệ, những tòa nhà được xây dựng từ thời của vua Herry VIII giờ vẫn toát lên vẻ đẹp kiến trúc tinh xảo. Trinity là College lớn và giàu nhất ở Cambridge, cả trên khía cạnh vật chất lẫn các danh hiệu.

Ở Vương quốc Anh, diện tích đất đai do Trinity sở hữu xếp thứ hai, chỉ sau Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị. Nếu như Đại học Cambridge đã nhận 81 giải Nobel thì trong đó, chỉ riêng Trinity College đã chiếm tới 31 giải!

Những sinh viên Việt Nam “gây sốc” ở Cambridge

Với tiếng tăm lừng lẫy như thế, để được nhận vào học ở Trinity college nói riêng và Cambridge nói chung, là cả một niềm mơ ước đối với người Anh. Nhưng ở Cambridge, tôi đã gặp nhiều sinh viên Việt Nam và họ đã  tự mình tạo nên một “thương hiệu” mạnh ở đại học danh tiếng nhất thế giới này.

Đinh Nho Tâm - sinh viên khoa Toán  của Triniity college – khoa nổi tiếng nhất mà Newton từng giảng dạy - đã mời tôi về  ở cùng phòng ký túc xá của chàng trai Hà Nội này. Gọi là ký túc xá nhưng căn phòng này ở trong một tòa nhà tiện nghi như khách sạn, đặc biệt ấn tượng là hệ thống đèn cảm ứng, tự động bật sáng khi người đi đến.

Tuy ở cùng nhưng tôi ít gặp Tâm vì cậu bận học suốt ngày. Cứ khoảng 1, 2 giờ sáng, Tâm mới từ phòng máy tính của trường khẽ mở cửa bước vào. Chẳng biết có phải nhờ sự chăm chỉ ấy mà Tâm trở thành một trong những sinh viên giỏi nhất khoa Toán Trinity College. Nhưng khi nói với thành tích ấy, Đinh Nho Tâm cười ngượng ngập: “Em chỉ giỏi Toán so với một số bạn sinh viên nước ngoài, còn nếu so với Lê Hoàng Việt Bảo thì... xấu hổ lắm”.

Lê Hoàng Việt Bảo đã trở nên nổi tiếng ở College có tới 31 giải Nobel này. Còn đường vào Cambridge của Bảo “rải đầy hoa hồng”: Sau khi 2 năm lớp 11,12 giành 2 huy chương vàng Olympic Toán Quốc tế, chàng trai này nhận được học bổng của Trinity College.

Học Toán ở Trinity dường như vẫn còn quá dễ với Bảo. Đề thi Toán của Trinity rất khó và dài, sinh viên thường chỉ làm hết 2/3 đã được xem là thành công. Nhưng bạn bè đã quen với hình ảnh Bảo ra khỏi phòng thi sớm trước ít nhất 30 phút.

Dù vậy, kết quả thi Toán của Bảo cũng bao giờ cũng đạt điểm tuyệt đối! Hai năm liên tiếp Lê Hoàng Việt Bảo đứng đầu khoa Toán danh giá nhất của ngôi trường danh giá nhất Cambridge.

Một đồng hương khác của Bảo, cô gái Nguyễn Kiều Liên cũng nổi tiếng học giỏi ở Cambridge. Nguyễn Kiều Liên làm luận án Tiến sỹ ở Cambridge nhờ  học bổng danh giá của Bill Gates sau khi tốt nghiệp loại giỏi ở trường đại học Adelaide (Australia).

Học bổng Bill Gates chỉ dành cho 50 sinh viên ưu tú nhất của tất cả các quốc gia trên thế giới với các tiêu  chí như có trí tuệ đặc biệt xuất sắc, có tư chất lãnh đạo và có cống hiến bằng công trình cụ thể.

Trong thời gian học ở Cambridge (2004 - 2006), không chỉ nghiên cứu đề tài “Công nghệ trong lĩnh vực cấu trúc nguyên tử và phổ cộng hưởng từ nhân trong dược phẩm với cơ thể con người”, Kiều Liên còn được mời giảng dạy ở nhiều trường đại học khác nhau trên thế giới. Cô gái này đã “gây sốc” ở Cambridge khi rút ngắn thời gian học tiến sĩ trong một lĩnh vực mới, nhiều khó khăn đến mức kinh ngạc: 2 năm.

Kiều Liên nhận bằng tiến sỹ ở tuổi 25 và trở thành nữ tiến sỹ trẻ nhất Việt Nam. Khi Nữ hoàng Anh cùng chồng đến thăm trường Cambridge, Kiều Liên là một trong những sinh viên ưu tú nhất của trường được chọn để gặp Nữ hoàng và nhận được học bổng danh dự của bà.

Chơi guitare và piano rất hay, nói trôi chảy tiếng Pháp, Kiều Liên đã cùng đội tuyển nữ của Đại học Cambridge giành huy chương vàng trong cuộc thi đấu Taekwondo toàn Anh.

Nếu kể tiếp những thành tích của sinh viên Việt Nam ở Cambridge, có lẽ còn tốn nhiều giấy mực. Hầu hết, họ đều lọt vào tốp 10 của khoa mình học như: Lương Thế Vinh, Trần Thị Mỹ Linh (khoa Kinh tế); Tô Quỳnh Trang (khoa Hóa học); Nguyễn Thùy Trang (khoa Máy tính)...

‘Thương hiệu’ sinh viên VN ở ĐH danh tiếng bậc nhất ảnh 1
Cây cầu Toán học do Newton làm

Làm thế nào để vào được Cambridge?

Ông Nicholas Golding - Giám đốc Tiếp thị Tập đoàn giáo dục Cambridge- cho biết: “Cambridge đón chào tất cả các bạn trẻ trên thế giới đến với chúng tôi. Tuy nhiên, để được nhận vào học ở đây thực sự không dễ dàng, do yêu cầu khắt khe về trình độ người học nên hàng năm chỉ có 25% số người xin vào trường được chấp nhận. Con số này đối với sinh viên nước ngoài là 10%...

Cho nên tôi có một lời khuyên cho các bạn là những sinh viên nước ngoài tới đây nên học A-Level (chương trình tương đương lớp 11- 12 ở Việt Nam) trước rồi hãy xin học tại trường đại học”.

Tôi đến Bellerbys College, một trường quốc tế có chương trình A-Level rất chất lượng, được nhiều phụ huynh Việt Nam gửi con em đến học. Chi nhánh của Bellerbys College ngay trong khuôn viên của Cambridge. Ở đó hơn 30 em đang học chương trình A-Level dưới sự hướng dẫn của những giáo viên hàng đầu Anh quốc.

Lê Phương Dung - Cô học trò đến từ thủ đô Hà Nội - nói: “Chương trình A-Level của Bellerbys phù hợp với những học sinh đến từ Việt Nam như em và nếu cộng với sự cố gắng  học tập thì đường vào Cambridge sẽ rất gần”.

Tiến sỹ Hoàng Việt Hà - Giáo viên người Việt Nam duy nhất ở Cambridge- tâm sự: “Với sự thông minh của  người Việt, tôi nghĩ số lượng khoảng 40 học sinh Việt Nam học ở Cambridge vẫn còn rất khiêm tốn so với các nước Hàn Quốc, Thái Lan...

Nhưng tôi tin trong tương lai gần con số  đó sẽ tăng gấp nhiều lần, như một biểu hiện của tinh thần hội nhập, vươn ra biển lớn của Việt Nam. Điều quan trọng là các em phải chọn cho mình trường dạy A - Level chất lượng tốt ở Anh và đủ tự tin để không bị ngợp trước danh tiếng của Cambridge”.

Chiều cuối năm, giá rét ở xứ sương mù bỗng nhiên trở nên khi tôi nhìn thấy những sinh viên người Việt đang miệt mài trong những thư viện Cambridge và dường như họ đang cố dằn lòng khi Tết cổ truyền của dân tộc đang đến rất gần.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.