Thưởng tết cho giáo viên: Mơ về nơi xa lắm...

Thưởng tết cho giáo viên: Mơ về nơi xa lắm...
TP - Có trường hiệu trưởng khéo đến mấy cũng chịu khi mà ngân sách chi cho các hoạt động bình thường cũng thiếu và vấn đề là nhà nước thiếu chính sách thưởng tết cho giáo viên.

Tốt nghiệp trường CĐ Sư phạm Vĩnh Phú (nay là trường CĐ Phú Thọ), cô giáo L.M.T về công tác tại trường THCS xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba, Phú Thọ năm 1992. Gần 17 năm gắn bó với nghề, trong tâm trí cô chưa bao giờ có khải niệm thưởng Tết.

Cô kể: “Cũng có năm công đoàn trường chia cho mỗi giáo viên 50.000 đồng. Nhưng tiền công đoàn là tiền đóng góp của mỗi người, muốn chia thì phải góp nên mọi người bàn không chia nữa mà chỉ để dành thăm hỏi các trường hợp ốm đau, hiếu hỉ”.

GV một trường khác ở quận Đống Đa, Hà Nội cũng cho biết, từ khi về đơn vị hiện đang công tác đến nay hơn chục năm, duy nhất năm ngoái GV trường chị được UBND quận thưởng cho 100.000 đồng/người.

Tuy nhiên, ở nhiều trường của các địa phương khác nhau, nhiều hiệu trưởng thể hiện khả năng thu vén của mình qua việc chi thưởng Tết cho GV. Trường THCS N. (thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) là một ví dụ.

Nguồn thu học phí của trường tổng cộng 34 triệu đồng/năm. Trong đó, 14 triệu đồng phải nộp về phòng GD&ĐT để chi lương cho GV nên cả năm học trường chỉ còn 20 triệu đồng để chi phí cho các hoạt động chuyên môn. Thế nhưng năm nay trường cũng cố gắng để dư ra một khoản nhằm hỗ trợ cán bộ, GV, nhân viên đón Tết với mức 100.000 đồng/người, vị chi mất bốn triệu đồng.

Trước đó trường cũng chi số tiền tương tự để tặng quà 20/11 cho GV. Cô giáo V., hiệu trưởng nhà trường nói: “Mọi thứ phải chi như mua sách giáo khoa, bổ sung trang thiết bị.v.v... đều trông vào khoản 12 triệu đồng còn lại từ quỹ học phí. Thôi đành khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.

Khi ngân sách chỉ đủ chi lương

Thực tế, nhiều địa phương chi cho giáo dục không đủ định mức nhà nước phân bổ. Trường THCS T. ở tỉnh Bắc Giang đóng trên địa bàn một xã miền núi. Giáo viên của trường có mức lương thấp. Những năm trước, nhờ hiệu trưởng khéo co kéo, cuối năm mỗi người được thưởng khoảng một trăm nghìn. Nhưng năm nay, bị cắt. Niềm an ủi còn lại là khoản tiền 50.000 đồng chia cho mỗi người trích ra từ quỹ công đoàn.

Sở dĩ như vậy bởi tiền ngân sách nhà nước chi cho trường năm nay gần như chỉ đủ chi lương. Hiệu trưởng trường T. giải thích: “Nhà nước phân bổ ngân sách cho trường theo cơ cấu 80% chi cho lương, 20% chi cho các khoản khác. Đã vậy, năm vừa rồi các trường phải tiết kiệm 10% để chống lạm phát. Vì thế, nguyên chuyện chi cho các khoản cần thiết trong hoạt động dạy học còn không đủ, nói gì đến dành thưởng Tết cho anh em!”.

Theo một cán bộ Cục Nhà giáo & Cán bộ Quản lý Cơ sở Giáo dục (Bộ GD&ĐT), tình trạng địa phương đầu tư không đủ theo định mức phân bổ vốn ngân sách dành cho GD&ĐT không chỉ là chuyện của một vài nơi.

Thậm chí, khi người lao động cả nước được hưởng mức lương cơ bản là 540.000 đồng, GV ở đó vẫn chỉ được trả lương theo mức cũ (490.000 đồng). Có nơi, GV còn bị nợ lương nhiều tháng liền. Do đó, được chi đủ cho GD&ĐT là giấc mơ của nhiều hiệu trưởng.

MỚI - NÓNG