Tiền ăn của trẻ cũng bị đánh thuế

Tiền ăn của trẻ cũng bị đánh thuế
Thành lập từ năm 1993, đến nay, trường Mẫu giáo Hướng Dương (TP.HCM) mới được thông báo đánh thuế. Thuế thu nhập doanh nghiệp 28%, thuế tiền ăn: 7,4%, thuế học phí, bán trú phí, vệ sinh phí và các khoản khác là 8,4%.
Tiền ăn của trẻ cũng bị đánh thuế ảnh 1
Bị áp quá nhiều loại thuế, các trường mầm non tư thục sẽ phải tăng học phí - Ảnh: Thanh Niên.

Tháng 7/2007, cùng với các trường mầm non tư thục khác trên địa bàn quận, nhà trường bắt đầu làm báo cáo thuế, nhưng nghe đâu luật thuế quy định truy thu 5 năm. Một khoản tiền lớn, không biết lấy gì đắp vào.

Anh Lâm Thanh Hoàng, kế toán trường Mẫu giáo Hướng Dương cho biết: "Chi cục thuế chỉ hướng dẫn chung chung, chúng tôi không biết đâu mà làm. Báo cáo thuế thì có 2 phần tổng thu và tổng chi, trong khi việc đánh thuế thu nhập doanh nghiệp dựa vào phần lợi nhuận, còn thuế tiền ăn, thuế học phí lại đánh riêng trong khi trong báo cáo thuế lại khai chung".

Anh Hoàng cho rằng, việc đánh thuế tiền ăn là không hợp lý. Theo quy định của ngành giáo dục, tiền ăn và tiền vệ sinh của học sinh, nhà trường phải dùng hết mới đảm bảo chất lượng nuôi dạy các cháu. Nếu đánh thuế, sẽ làm giảm chất lượng nuôi dạy trẻ, các cháu phải chịu thiệt thòi.

Trường Mầm non Tư thục Hoa Mai, quận 9 (TP.HCM) thành lập từ tháng 2/2006 với quy mô 260 học sinh, phần lớn là con em dân lao động. Mức học phí hiện nay là 450.000 đồng/tháng, bao gồm cả tiền ăn.

Chị Huỳnh Tố Trang - chủ trường cho biết: "Chúng tôi đang tính toán tăng tiền ăn từ 10.000 đồng/ngày/cháu lên 12.000 đồng/ngày/cháu khi giá cả thị trường tăng để đảm bảo khẩu phần ăn của trẻ. Phụ huynh đã phàn nàn, nếu chi cục thuế xuống thu thuế, chắc nhà trường tạm thời đóng cửa".

Trẻ bị thiệt thòi

Trong khi quận 12 (TPHCM) khởi đầu cho việc truy thu thuế tại địa bàn quận, nhiều quận, huyện khác vẫn đang nhấp nhổm chờ xem động thái của dư luận thế nào. Tuy Chi cục Thuế quận 3 vẫn chưa đả động gì nhưng nhiều trường mầm non tư thục tại quận này đang lên kế hoạch "ổn định doanh thu".

Chị Chi - chủ trường Mầm non tư thục Họa Mi (quận 3, TPHCM) vẫn không đồng ý với các khoản thu thuế mà các quận khác đang áp dụng.

Chị nói: "Nếu đánh thuế tiền học phí, tiền cơ sở vật chất, tôi đồng ý. Còn các khoản khác nên xem lại. Việc thu thuế sẽ trực tiếp ảnh hưởng xấu đến các cháu, chứ không phải chủ trường. Có lợi nhuận mới tổ chức kinh doanh, chứ không ai dại gì kinh doanh không lợi nhuận".

Dân lao động không chịu nổi!

Năm 2006, mức học phí của trường Mẫu giáo Hướng Dương (quận 7, TPHCM) là 280.000 đồng/tháng, tiền ăn là 10.000 đồng/ngày. Sang năm 2007, học phí tăng lên 320.000 đồng/tháng, tiền ăn là 12.000 đồng/ngày.

Một phụ huynh có con học tại trường cho biết, với thời giá hiện nay, chắc chắn nhà trường sẽ tăng học phí. "Chúng tôi là dân lao động, không có suất vào học các trường công lập nên khổ càng khổ thêm. Nếu Nhà nước có nhiều trường công lập, chắc đâu phải chịu cảnh thuế đè trên vai người dân kiểu này".

Còn anh Hải - một phụ huynh có con học tại trường Mầm non Sơn Ca - quận Tân Phú (TPHCM) bức xúc: "Nghe thông tin các trường mầm non tư thục bị đánh thuế tiền ăn, tiền học phí, tôi thấy vô lý. Vô lý hơn là có quận thu, quận không thu. Trường công lập không bị đánh thuế, học phí thấp nhưng không phải ai muốn vào học cũng được.

Các trường quận ven có tỷ lệ dân nhập cư cao, thu nhập thấp, làm ngày nào ăn ngày đó mà Nhà nước tăng thuế, nhà trường đòi tăng học phí, dân lao động như chúng tôi sao chịu nổi!".

Thuế cao, học phí sẽ tăng, người dân phải gồng mình chịu. Cùng với học phí còn rất nhiều khoản chi phí khác tăng vùn vụt, nhất là thời điểm cuối năm.

Do đặc thù của loại hình trường ngoài công lập là hình thức tự chủ tài chính, chủ cơ sở có quyền được thỏa thuận giá cả dịch vụ chăm sóc, mức học phí... với phụ huynh trong quy định của Luật Giáo dục. Do đó, nếu mức thuế trên vẫn cứ áp dụng thì các trường sẽ tăng thu đối với các em học sinh, còn phụ huynh thì không thể cho con em nghỉ học.

Đành rằng thuế là nghĩa vụ và quyền lợi của công dân nhưng việc áp các loại thuế vô lý sẽ dẫn đến những tác dụng ngược. Nhiều trường mầm non tư thục bị lỗ sẽ đóng cửa, hoặc tăng học phí. Phần lớn trẻ em - đặc biệt là trẻ nhập cư sẽ thiếu chỗ học hoặc không đủ khả năng để đến trường. 

Theo Như Phương
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.