Tiếp tục cơ chế "cứng" là không phù hợp

Tiếp tục cơ chế "cứng" là không phù hợp
Việc đề xuất bãi bỏ cơ chế bộ chủ quản - trong NQ 14 về đổi mới toàn diện giáo dục đại học, được báo chí bình luận "lãnh đạo bộ đã tỏ rõ dũng khí, vượt qua chính mình để đi đến một quyết định đột phá trong đổi mới tư duy quản lý".
Tiếp tục cơ chế "cứng" là không phù hợp ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển: "Dùng liệu pháp "sốc" trong GD thì không nên..."

Thực hư của câu chuyện đề xuất bãi bỏ cơ chế bộ chủ quản như thế nào? chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển.

Thưa Bộ trưởng, xuất phát từ đâu mà ý tưởng "Xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản trong GDĐH" lại hình thành trong bối cảnh mà sự trì trệ dường như đã là từ quen thuộc của giáo dục nhiều năm nay?

Rất nhiều vấn đề GD của ta hiện nay muốn giải quyết cho tốt phải xem xét lại từ gốc. Đó là cơ chế chính sách và phương thức quản lý.

Riêng đối với các trường ĐH, thực tế phát triển trong nhiều năm vừa qua cho thấy, các ĐH chưa được giao quyền chủ động theo đúng với yêu cầu phát triển cần có.

Đồng thời, các trường cũng chưa thực sự chịu trách nhiệm về công việc chính, về sản phẩm đào tạo ra. Do vậy, thiếu động lực thúc đẩy phát triển trong nội bộ từng trường và trong cả hệ thống.

Nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH và CĐ có thể nói là một trong những vấn đề hết sức quan trọng cấp bách. Nếu giải quyết tốt, có thể tạo được đột phá trong phát triển GDĐH.

Các trường ĐH trước đây phần lớn do các bộ, ngành đứng ra thành lập phục vụ những mục tiêu cụ thể, đào tạo những chuyên ngành tương đối hẹp của từng bộ, ngành. Lúc đó, viêc các ĐH trực thuộc các bộ, ngành theo một cơ chế "chủ quản" chặt chẽ là điều dễ hiểu. Cơ chế này hỗ trợ các trường phát triển trong giai đoạn nhất định. Đến nay, nếu tiếp tục cơ chế "cứng" như vậy sẽ không phù hợp.

Mặt khác, sau mấy chục năm xây dựng và phát triển, đến nay các trường ĐH có thể nói "đủ sức" để tự "đứng" và tự quyết nhiều vấn đề rất quan trọng. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện cải cách hành chính, hoàn chỉnh dần dần chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành theo hướng tách nhiệm vụ quản lý Nhà nước ra khỏi các hoạt động mang tính "tác nghiệp". Bộ không nên "ôm" các hoạt động này mà nên sớm giao lại cho cơ sở để họ tự quyết định.

Tất cả những vấn đề đặt ra vừa là yêu cầu, vừa là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển.

Đương nhiên, trong quá trình đó, hoàn toàn không phải chúng ta thả nổi, buông lỏng quản lý. Chỉ có điều là vai trò của bộ chủ quản không còn giống trước.

"Chống đối ngầm" không phải khâu khó nhất

Những bài liên quan

Bỏ cơ chế bộ chủ quản trong giáo dục đại học

Xóa cơ chế Bộ chủ quản: Đột phá của giáo dục năm 2006?

"Gỡ" quyền bộ chủ quản: 2 vấn đề cần giải quyết

Khi thực hiện chủ trương này, theo Bộ trưởng, đâu là khó khăn cần phải đối mặt?

Trước hết là thói quen, cách nghĩ. Trong suy nghĩ, nhiều người cũng lo lắng, chưa hình dung được các trường ĐH sẽ hoạt động như thế nào nếu thiếu cơ quan chủ quản.

Nhất là hiện nay, trong GD đang có những lệch lạc, thậm chí có những biểu hiện tiêu cực, và nếu như không có cơ quan quản lý thật chặt thì sẽ càng đáng lo ngại hơn.

Thứ nữa, có thể bản thân hệ thống ĐH của ta phát triển không đồng đều. Có những trường được giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm đầy đủ thì thấy rất tốt vì sẵn có truyền thống, kinh nghiệm, có tập thể các nhà khoa học đủ mạnh.

Trong khi đó, cũng có những trường còn mỏng về lực lượng; quá trình phát triển chưa nhiều, kinh nghiệm quản lý, trình độ đội ngũ chưa đáp ứng được.

Khó khăn tiếp là không thể tách riêng vấn đề GDĐH ra được mà phải giải quyết trong tổng thể các mối liên hệ giữa nhiều khâu trong toàn hệ thống. Ví như: vấn đề tài chính, chính sách cán bộ...Các hoạt động khác của nhà trường liên quan đến nhiều bộ, ngành chứ không chỉ riêng ngành GD.

Ngoài những khó khăn Bộ trưởng nêu, có một vấn đề nữa: Khi xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản, có thể hiểu là quyền lợi và lợi ích của cơ quan quản lý vĩ mô sẽ bị thu hẹp lại. Điều đó sẽ khiến cho những người làm quản lý không muốn "gỡ" những quyền mình đang nắm trong tay?

Tất nhiên đó cũng là vấn đề, đặc biệt là những "chống đối ngầm" nhưng không phải là khâu khó nhất. Vì dù sao, đó chỉ là bộ phận nhỏ. Điều này sẽ cản trở quá trình thực hiện, nhưng tôi nghĩ nếu lãnh đạo quyết tâm làm thì sẽ được sự ủng hộ rộng rãi.

Nhưng thực tế, trong cuộc họp Hội đồng Quốc gia giáo dục vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng khi nghe thấy đề án của bộ đã nói là "sốc". Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng còn lấy dẫn chứng là cũng cơ chế này thực hiện với các doanh nghiệp đã 15 năm nay rồi, nhưng đến nay chưa đâu vào đâu. Trong những khó khăn Bộ trưởng nêu có liên quan đến tài chính, tổ chức cán bộ...

Tôi hiểu phần nào lo lắng của đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính và điều đó cũng có cơ sở. Nó cũng có liên quan đến những khó khăn vừa nêu.

Tuy nhiên, nếu chúng ta thống nhất với nhau về quan điểm, quyết tâm thực hiện thì hoàn toàn có thể giải quyết được. Hơn nữa, trường ĐH không giống như doanh nghiệp.

Lâu nay, có một thực tế của giáo dục: Có rất nhiều ý tưởng hay nhưng quan trọng là phải có cách làm phù hợp. Ý tôi là với một ý tưởng hay, cũng cần phải làm từng bước, chắc chắn, tránh những gì đột ngột, gây "sốc" quá.

Tháo gỡ cơ chế bộ chủ quản, phải xem xét cả 2 mặt: giảm sự can thiệp không cần thiết của các cơ quan chủ quản, tăng trách nhiệm cho các cơ sở. Đó là 2 phía để đi đến một mục tiêu. Do vậy, theo tôi, nên hướng đến tên gọi "Tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các nhà trường", nghe thuận hơn, dễ được ủng hộ hơn.

"Chắc dư luận không chấp nhận cách làm không chắc chắn"

Tiếp tục cơ chế "cứng" là không phù hợp ảnh 2
Cần xóa bỏ sự phân biệt không đáng có giữa giáo viên công lập và ngoài công lập. Ảnh: Vietnamnet

Các khâu của "từng bước, chắc chắn" như Bộ trưởng nói đã tiến hành đến đâu?

Trước hết, phải lựa chọn một vài việc để làm ngay mang tính chất thí điểm. Chẳng hạn, với những trường có đủ sức, có truyền thống và đội ngũ mạnh thì có thể giao quyền tự chủ cao.

Ví dụ: Thủ tướng đã có quyết định về 14 trường ĐH trong điểm. Hiện, 2 ĐH quốc gia có quyền tự chủ rất cao. 12 trường còn lại cũng nên có một quy chế gần như vậy để các trường tự chủ hơn. Sau đó, sẽ mở rộng dần đến một số trường ĐH khác. 

Tôi muốn tránh sự hiểu lầm là, mọi cái được làm đồng loạt và bỏ hết. Chắc dư luận cũng không chấp nhận một cách làm không chắc chắn.

Tức là, muốn gỡ bỏ cái cũ thì phải có một cái mới để thay thế...Như vậy, việc chuẩn bị cũng hết sức công phu và phải làm từng bước với quyết tâm.

Từng bước giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao cho các trường ĐH thực ra đang được thí điểm với một số cơ sở, và đã có văn bản pháp lý thực hiện là Nghị định 10. Thế nhưng sau khi bị "ép" làm thí điểm, nhiều cơ sở có xu hướng muốn quay về để được bao cấp?

Sắp tới, sẽ sửa Nghị định 10 theo hướng nới rộng quyền tự chủ cho các trường cao hơn nữa trong vấn đề tổ chức, cán bộ, tiền lương và những nhiệm vụ cụ thể.

Ví như, việc tự chủ của các trường về biên chế phải cao hơn nữa. Hoặc thu nhập "trần" cũng không nên khống chế ở mức "cứng" như hiện nay.

Nếu trường có đủ các nguồn thu hoàn toàn có thể trang trải cho các hoạt động khác thì thu nhập của từng người trong trường nên để cho nội bộ trường giải quyết.

Hay vấn đề giao chỉ tiêu tuyển sinh "cứng" cho các trường đến nay không còn phù hợp. Nên căn cứ vào một số quy định: có bao nhiêu cán bộ thì được tuyển số lượng SV tương ứng tính theo tỷ lệ SV/giáo viên để các trường tự quyết định chỉ tiêu tuyển. Bộ chỉ hướng dẫn kiểm tra, giám sát và nếu chỉ có vi phạm thì xử lý.

Tôi muốn nói thêm về việc xóa bỏ sự phân biệt không đáng có giữa giáo viên biên chế, hợp đồng; giữa giáo viên công lập và ngoài công lập. Đây cũng là một khâu rất mấu chốt của ngành GD. Nếu không gỡ được thì rất khó giải quyết những vấn đề khác.

Nếu người ký hợp đồng dài hạn được hưởng mức lương tương xứng cũng như tất cả những chế độ chính sách đảm bảo thì tôi tin người ta không quá nặng nề về chuyện phải trong biên chế, phải bằng mọi cách xin vào dạy ở trường công.

Bên cạnh đó, cũng phải giải toả tâm lý xã hội về vấn đề này. Dư luận cần tạo sức ép để mọi người thấy rằng, không phải cứ trong biên chế nghĩa là cứ ở đó mãi, được Nhà nước lo cho suốt đời, bất kể làm việc tốt hay không tốt, còn ở ngoài biên chế thì thua thiệt đủ điều. Điều này là không công bằng và không tạo ra động lực phấn đấu.

"Vẫn còn tư tưởng e ngại, né tránh, phó thác..."

Tiếp tục cơ chế "cứng" là không phù hợp ảnh 3
Tham quan triển lãm về đào tạo sau ĐH tại 1 hội nghị. Ảnh: Vietnamnet

Khi giao tự chủ cho các trường khá nhiều thì đồng hành phải có những cơ chế kiểm soát và theo dõi hoạt động. Thưa Bộ trưởng, cơ chế này đã "từng bước" được đến đâu?

Theo tôi phải đề cập đồng thời cả 2 vấn đề và không thể nói một chiều. Có nghĩa là khi giao quyền tự chủ thì Bộ phải tăng cường khâu quản lý, kiểm tra, giám sát xem nhà trường có thực hiện đúng không.

Tôi mong muốn, trong quản lý giáo dục, thanh tra phải là bộ phận mạnh nhất. Khi đặt vấn đề giao thì giao những gì cũng phải rất cụ thể và có văn bản hướng dẫn...để khi thực hiện không phải hỏi ý kiến ai nữa.

Vậy thanh tra của ngành đã đủ mạnh chưa?

Theo tôi, hiện tại thì chưa mạnh cả về số lượng và chất lượng. Mặc dù cũng đã cố gắng làm trong một vài năm gần đây nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn tư tưởng e ngại, né tránh, muốn phó thác mọi việc cho thanh tra chuyên ngành.

Nhưng bản thân công tác thanh tra, kiểm tra là phải thực hiện ngay trong các vụ làm chức năng chuyên môn giúp lãnh đạo Bộ quản lý. Cụ thể, khi đề ra các quy định thì phải kiểm tra giám sát xem họ thực hiện như thế nào? Đó là phần việc lớn, rất quan trọng nhưng hiện nay chưa được quan tâm.

Tôi cũng xin lưu ý, cùng với việc giao quyền tự chủ và tăng cường thanh tra giám sát thì việc tăng cường phát huy dân chủ ở các cơ sở là vô cùng quan trọng để làm sao người lao động, giáo viên, cán bộ công nhân viên thực sự tham gia quản lý công việc của nhà trường. Chứ không thể giao tự chủ thì Hiệu trưởng, Giám đốc các trường muốn làm gì thì làm...

Phát huy dân chủ cơ sở rất quan trọng khi trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường. Nhưng thực tế, ngành giáo dục có tính bảo thủ tương đối cao. Và tâm lý "trên bảo dưới nghe" ở các trường rất phổ biến. Làm sao gỡ được tính bảo thủ và thụ động trong môi trường giáo dục hiện nay?

Cũng có thực tế như vậy, nhưng có lẽ do chưa có cơ chế để thực sự phát huy dân chủ, để các thầy cô, các cán bộ công nhân viên bình thường có tiếng nói, có đóng góp nhiều hơn.

Đôi khi, tiếng nói của người ta không được chú ý hoặc nói nhiều nhưng không được giải quyết đến nơi đến chốn. Đó là trách nhiệm của những người lãnh đạo nhà trường.

Thực sự, nếu có cách làm tốt thì chắc chắn người ta sẽ có tiếng nói, dân chủ sẽ được phát huy. Cái đó là động lực để các nhà  trường phát triển.

Có thể nói chủ trương của ngành bao giờ cũng muốn phát huy mạnh hơn dân chủ cơ sở nhưng khi xuống dưới thì cũng chưa được quán triệt một cách đầy đủ. Còn thiếu những hướng dẫn cụ thể.

"Có những quan hệ khiến mình không chủ động được"

Điểm yếu nhất của Bộ khi bắt tay triển khai việc xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản?

Theo tôi, phải đổi mới về nhận thức từ lãnh đạo Bộ, lãnh đạo vụ đến các chuyên viên. Thứ nữa là thay đổi phong cách làm việc, thậm chí là những lợi ích cục bộ. Điều này còn phụ thuộc vào trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ.

Ngay cả tổ chức bộ máy cũng không thể giữ một cung cách quản lý, một bộ máy như hiện nay mà phải có thay đổi.

Thay đổi thì người đứng đầu có được toàn quyền?

Cũng rất nhiều việc lãnh đạo Bộ có thể chủ động được. Tuy nhiên, có những cái, về nguyên tắc không ai cấm cả nhưng khi xử lý cụ thể, thì có những quan hệ này, quan hệ kia cần phải cân nhắc; có những ràng buộc, thậm chí là rào cản khiến mình không chủ động được.

Chủ trương xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản được dư luận đánh giá là tín hiệu tốt trong cải thiện cung cách quản lý giáo dục. Nhưng cũng có không ít phản ứng nhiều chiều. Giữa những ủng hộ và chưa đồng tình ấy, hướng lựa chọn của Bộ sẽ như thế nào?

Như tôi nói, đây là công việc rất lớn, hệ trọng; cho nên phải chuẩn bị kỹ và làm từng bước. Trước mắt tập trung vào một số khâu, một số trường trọng điểm và phải huy động các lực lượng khác nhau trong xã hội ủng hộ.

Những gì đúng thì phải quyết tâm làm, có thể một bộ phận không tán thành. Tuy nhiên, phải hết sức chú ý đến cách làm. Tránh những từ gây sốc mà có khi không tranh thủ được sự ủng hộ thì làm sẽ khó khăn hơn hoặc không đạt được kết quả như mong muốn.

Nếu những thay đổi cứ từ từ, từng bước và không có đột phá thì đến bao giờ Việt Nam mới có những dấu hiệu thay đổi khác biệt trong GD?

Những gì tôi đã trình bày chính là những đột phá nhằm tạo bước chuyển lớn. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhắc lại, dùng liệu pháp "sốc" trong GD thì không nên. Nhất là trong điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay và cái quan trọng là kết quả cuối cùng, là hiệu quả thực sự của công việc, chứ không phải là những cái khác.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Hạ Anh - Kiều Oanh
Vietnamnet

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.