Tiếp vụ phụ huynh có con khiếm thị phản đối tăng tiền ăn: Sở GD&ĐT Hà Nội lên tiếng

Bữa ăn của học sinh khiếm thị sau khi tăng tiền ăn. Ảnh: Nghiêm Huê.
Bữa ăn của học sinh khiếm thị sau khi tăng tiền ăn. Ảnh: Nghiêm Huê.
TP - Sau khi có thông tin phản ánh về việc phụ huynh có con khiếm thị học tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu phản đối tăng tiền ăn, ông Nguyễn Văn Quý, Phó trưởng phòng giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết sáng qua, tổ công tác của Sở đã xuống làm việc với trường để nắm vấn đề mà báo chí đưa ra.

Ông Quý cho hay, quan điểm của ông là học sinh khuyết tật phải được quan tâm đặc biệt. Hiện nay, Hà Nội có ba trường chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật là PTCS Nguyễn Đình Chiểu, PTCS Xã Đàn và Tiểu học Bình Minh. Đội ngũ giáo viên của những trường này so với các trường khác là vất vả hơn, và đôi khi phải hy sinh đặc biệt.

Đối với sự việc tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, về việc sáp nhập bếp ăn thì quan điểm của ông là  chuyện quản lý chất lượng bữa ăn, an toàn thực phẩm phải là tiêu chí số 1, nhất là trong nhà trường. Đơn vị nào tổ chức bữa ăn cho học sinh phải có đầy đủ giấy phép, điều kiện thực hiện,... khi xảy ra sự cố phải có người chịu trách nhiệm. “Với trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, sở có biên chế nhân viên chăm sóc phục vụ chung cho học sinh khiếm thị. Từ trước đến nay, trường phân công những người này trực tiếp nấu ăn phục vụ cho học sinh khiếm thị. Do đó, có bếp riêng cho học sinh khiếm thị” - ông Nguyễn Văn Quý lý giải.

“Tôi cho rằng, bất kỳ một chủ trương nào đưa ra, chắc chắn không thể đáp ứng được nguyện vọng của 100% phụ huynh. Nhưng nếu đa số phụ huynh ủng hộ thì cũng nên vì tập thể”. 

 Ông Nguyễn Văn Quý 

Ông Quý cũng cho rằng việc có nhân viên ở trường tự nấu ăn cho học sinh thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thực sự  không yên tâm về trách nhiệm. Vì không biết các cô có bằng nấu ăn không, có được kiểm tra sức khỏe thường xuyên hay không... Trường hợp không có các đơn vị có đầy đủ tư cách pháp nhân hoặc không có điều kiện như các tỉnh miền núi thì nhà trường mới đứng ra tổ chức nhân viên hoặc phụ huynh nấu ăn cho học sinh. Nhưng ưu tiên hàng đầu của sở GD&ĐT Hà Nội là bữa ăn của học sinh cần được các đơn vị có tư cách pháp nhân, có chức năng nhiệm vụ về vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo.

Do vậy, theo báo cáo của trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, bước sang năm học này, trường không sử dụng nhân viên của trường trực tiếp nấu mà họ chỉ có nhiệm vụ chăm sóc, phục vụ học sinh khiếm thị, còn việc nấu là giao cho Cty.

“Theo tôi, việc giao cho Cty đơn vị có tư cách pháp nhân có chức năng nhiệm vụ cụ thể thì việc quản lý của nhà trường, cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ đúng hơn. Khi xảy ra, việc xử lý chịu trách nhiệm rõ hơn. Đây là một giải pháp không sai”- ông quý nói.

Trước câu hỏi là học sinh khiếm thị vốn đã thiệt thòi, gia đình các em thường khó khăn, tại sao trường không tận dụng nguồn nhân lực như trước đây để giảm chi phí cho họ? Vì nếu tính ra, chi phí để có bữa ăn của mỗi học sinh khiếm thị phải bỏ thêm là khoảng 5.000đồng/bữa? Ông Quý khẳng định học sinh khiếm thị được nhà nước hỗ trợ nhiều thứ để bù vào đó. Còn nhân viên trước đây tập trung vào công việc nấu ăn thì giờ tăng cường thêm thời gian chăm sóc, quản lý. Ông Quý cũng cho rằng tiền thuê đó không phải nhiều mà để bữa ăn an toàn hơn thì cũng nên đầu tư cho con em. “Tôi cho rằng, bất kỳ một chủ trương nào đưa ra, chắc chắn không thể đáp ứng được nguyện vọng của 100% phụ huynh. Nhưng nếu đa số phụ huynh ủng hộ thì cũng nên vì tập thể” - ông Quý nói.

Khoản thu thêm đúng quy định?

Trước thông tin phụ huynh phản ánh năm nay phụ huynh phải đóng thêm một loạt các khoản thu mà từ trước đến nay chưa bao giờ đóng như tiền bán trú, tiền nội trú, tiền học phí đối với THCS, ông Quý cho biết, trong đề xuất của trường gửi lên cho Sở xin thu thì Sở nhận thấy các khoản thu này đúng theo quy định của UBND TP. “Vậy trường có lý giải vì sao năm nay mới thu mà từ trước đến giờ không thu?” - phóng viên hỏi, ông Quý cho biết trường có lý giải là thời gian gần đây, các nguồn viện trợ dần dần không còn nên trường phải thực hiện các khoản thu theo quy định.

Ông Quý cũng khẳng định qua kiểm tra thấy các khoản thu đều được trường công khai trên website của trường và có thông báo đến phụ huynh.  “Về việc tăng tiền ăn, chúng tôi đề nghị trường kết thúc học kỳ phải lấy ý kiến phụ huynh có con em khiếm thị để đưa ra được quan điểm chung nhất” - ông Quý nói.

Còn việc phụ huynh phản ánh là cũng từ năm học này, học sinh khiếm thị cũng gặp khó khăn hơn khi giáo viên giao đề cương ôn tập không bằng chữ nổi, trong khi lẽ ra các em phải được tạo thuận lợi hơn. Ông Quý cho hay, ông sẽ trao đổi lại với trường để nắm rõ hơn phản ánh này. Đồng thời, ông khẳng định lại quan điểm là học sinh khiếm thị phải được tạo thuận lợi trong học tập, sinh hoạt tại trường.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.