Tiết học giữa sân đình làng Chòng

Học sinh hào hứng với tranh Đông Hồ. Ảnh: Nghiêm Huê.
Học sinh hào hứng với tranh Đông Hồ. Ảnh: Nghiêm Huê.
TP - Thưởng trà, cho chữ, làm diều, vẽ tranh Đông Hồ… Đó là những trải nghiệm thật thú vị đối với những cô, cậu học sinh trường quốc tế. Tuy nhiên, điều bất ngờ là chính các em lại là người mang những nét đẹp văn hóa dân tộc đó đến với những học sinh vùng quê, nơi lẽ ra phải là chốn lưu giữ những hồn cốt của dân tộc.

Đình làng Chòng, xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, Hà Nội rộn rã tiếng cười, lời ca của học sinh khối 10 trường THPT liên cấp Olympia và học sinh khối 7 trường THCS Trầm Lộng, Ứng Hòa, Hà Nội. Bởi đây là một tiết học đặc biệt ngay giữa sân đình. Các em học sinh khối 7 trường THCS Trầm Lộng được nghe các anh chị khối 10 trường THPT Olympia   hát dân ca, được nghe các anh chị kể câu chuyện khoa cử Việt Nam, tìm hiểu về thư pháp, tục xin chữ đầu xuân của người Việt và vẽ tranh Đông Hồ.

Hội xuân làng Chòng được các em học sinh trường Olympia mô phỏng đúng theo không gian của một làng, xã cổ xưa với 6 khu vực chính: Khu cổng làng, khu chợ làng - Giới thiệu các món ăn dân dã ngày xưa; Khu sân làng - Tổ chức các trò chơi dân gian như: bắt chạch trong chum, ô ăn quan, đập niêu, kéo co, cướp cờ…; Khu trường làng - Dạy học về ca dao – dân ca và một số thể loại văn học dân gian khác: viết chữ thư pháp, tái hiện một số hoạt động dạy học thi cử ngày xưa; Khu sân đình - Góc dạy nghề làm tranh Đông Hồ, làm quạt giấy; góc phong tục tập quán (thực hành cắt bánh chưng, cắt giò, cắm hoa ngày tết); góc biểu diễn nghệ thuật truyền thống; Khu cuối làng - Trưng bày các sản phẩm của học sinh bao gồm: bài viết, photobooth, postcard, phong bao lì xì, lịch bàn in hình tranh Đông Hồ...

Với nhiều học sinh của trường THCS Trầm Lộng, dù được sinh ra và lớn lên ở nông thôn nhưng lần đầu tiên các em được tự tay bắt chạch, được nhìn thấy “lính lệ” , được chơi trò chơi đập niêu.

Em Phạm Văn Khánh, học sinh lớp 7B, trường THCS Trầm Lộng cho biết đây là lần đầu tiên em được biết đến vẽ tranh Đông Hồ. Khánh đã tự tay vẽ bức tranh gà trống trên nền giấy dó để mang về nhà khoe bố mẹ. “Không chỉ lần đầu tiên biết tranh Đông Hồ được vẽ như thế nào mà cũng là lần đầu tiên, em được học cách làm quạt, làm diều” – Khánh cho hay.

Chia sẻ về ngày hội, em Nguyễn Hảo Anh, lớp 10 trường Olympia cho biết dù học chương trình quốc tế thì  bọn em vẫn được học chương trình Việt Nam, được tìm hiểu các tác phẩm văn học trong SGK. Thế nên, dù học ở trường nào thì mỗi người Việt  cũng vẫn có ý thức tìm hiểu văn hóa  dân gian Việt Nam để lan tỏa đến mọi người xung quanh. Việc tổ chức hội làng cho học sinh Trầm Lộng giúp lan tỏa tình yêu văn hóa dân gian của mình tới người Việt. Giúp các thế hệ sau biết được giá trị của nó.

“Tham gia dự án với học sinh, điều tôi bất ngờ là có nhiều học sinh trăn trở sắp đi du học, làm thế nào khi quay trở lại các em không cảm thấy xa lạ với quê hương mình”. 

 Giáo viên Ngữ văn Trần Phương Thanh

Cô Trần Phương Thanh, giáo viên Ngữ văn, người cùng học sinh xây dựng dự án Hội làng Chòng cho biết đây là dự án học tập phục vụ cộng đồng do học sinh trường Phổ thông Liên cấp Olympia tổ chức, kết hợp kiến thức từ các môn Ngữ văn, Lịch sử, Mỹ thuật, Âm nhạc, Văn hóa dân gian cùng các kỹ năng xã hội.

Tất cả bắt đầu từ khi một học sinh tâm sự với giáo viên Trần Phương Thanh về khát vọng tìm về bản sắc dân tộc trước khi đi du học.

“Em ấy đọc tôi nghe câu thơ của Đồng Đức Bốn  “Hồn thơ lục bát ra đi / Xin người ở lại sống vì nhau hơn”. Tôi đã rất xúc động đồng thời nhận ra học sinh chính là sứ giả văn hóa”, cô Thanh tâm sự.

Chính vì vậy, nên cả cô và trò suy nghĩ làm thế nào để biến nó thành văn hóa học tập cộng đồng. Bởi, đó không chỉ đưa kiến thức từ sách vở ra thực tế mà còn là trách nhiệm của những công dân Việt Nam mang tình yêu  văn hóa dân tộc đến với những công dân nhỏ tuổi hơn. Để làm sao các em nhỏ cũng thấm thía được tình yêu đối với văn học dân gian, bản sắc dân tộc.

Để hiện thực hóa ý tưởng này, theo cô Thanh, giáo viên trong tổ ngồi bàn cùng với học sinh. Ban đầu có cuộc thi xây dựng ý tưởng dự án,  lập thành các nhóm, thi theo nhóm. Ý tưởng nhóm nào tốt nhất thì nhóm sẽ điều phối ý tưởng đó trong cả khối.

“Tham gia dự án với học sinh, điều tôi bất ngờ là có nhiều học sinh trăn trở sắp đi du học, làm thế nào khi quay trở lại các em không cảm thấy xa lạ với quê hương mình” – Cô Thanh cho hay.

Là giáo viên dạy Ngữ văn, cô cho rằng, việc dạy tích hợp liên môn không khó. Cái chính là lên được ý tưởng và giao việc cho học sinh. Học sinh chính là người chủ động. Với các chủ đề, không nhất thiết phải đi ra ngoài không gian của trường học. Tùy từng điều kiện của từng trường mà có thể triển khai được ở bất cứ đâu.

Tuy nhiên, thầy Đặng Việt Hà, hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An, Tây Hồ, Hà Nội cho rằng tích hợp liên môn đối với chương trình hiện hành chỉ có thể dạy theo chủ đề, chưa thể trở thành một môn học cụ thể như chương trình mới. Theo thầy Hà, với chương trình hiện hành, các môn Văn, Sử, Địa... có thể lồng ghép vào một số chuyên đề, nhưng với các môn như Lý, Hóa, Sinh thì khó hơn rất nhiều, vì nó vẫn là một môn chuyên sâu. Thầy Hà cũng khẳng định, với chương trình mới,  khi triển khai dạy tích hợp môn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội sẽ có khó khăn từ đội ngũ giáo viên, vì họ đều được đào tạo dạy đơn môn.

MỚI - NÓNG