Tiêu chuẩn chứng nhận giáo sư, phó giáo sư: Vẫn cào bằng

Lễ công bố bổ nhiệm GS- PGS trường ĐH Thương mại vừa qua. Ảnh: Nghiêm Huê.
Lễ công bố bổ nhiệm GS- PGS trường ĐH Thương mại vừa qua. Ảnh: Nghiêm Huê.
TP - Dự thảo mới nhất quy định xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư (GS) - phó giáo sư (PGS), thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm nhiều tiêu chí đã được điều chỉnh phù hợp hơn. Trong đó, viết sách không là tiêu chuẩn bắt buộc, tiêu chuẩn chứng nhận GS, PGS chỉ có hiệu lực trong 5 năm nếu không được trường ĐH bổ nhiệm… Tuy nhiên, nhà khoa học cho rằng vẫn còn cào bằng với tiêu chí tính điểm các bài báo khoa học.

Hoan nghênh quy đổi công trình khoa học lấy giờ giảng

Dự thảo lần trước, tiêu chuẩn giờ dạy được quy định cứng, bắt buộc phai đảm bảo, ở dự thảo lần này, tiêu chuẩn đã được quy định mềm hơn đối với các ứng viên GS, PGS. Theo quy định,  ứng viên phải đảm bảo tiêu chuẩn  hoàn thành nhiệm vụ được giao và thực hiện đủ số giờ chuẩn giảng dạy theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, trong đó có ít nhất 1/2 (một phần hai) số giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp. Với giảng viên thỉnh giảng phải thực hiện ít nhất 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy quy định tại khoản này.

Tuy nhiên, ứng viên GS đã được bổ nhiệm chức danh PGS (chưa đủ 03 năm) và ứng viên không đủ số giờ chuẩn giảng dạy quy định thì phải có ít nhất gấp hai lần điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu đóng góp từ các bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp khoa học, công nghệ hữu ích; tác phẩm, biểu diễn nghệ thuật; thành tích thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế quy định.

Với ứng viên xét tiêu chuẩn PGS có ít nhất 06 (sáu) năm, trong đó phải có 03  năm cuối liên tục tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ ĐH trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ. Ứng viên không đủ 06 năm thì phải có ít nhất gấp hai lần điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu như quy định với ứng viên GS.

Theo quan sát của một nhà khoa học thì các ứng viên GS, PGS ở Viện nghiên  cứu mấy năm qua đều phải chạy sô dạy ĐH bên ngoài để đảm bảo đủ số giờ giảng dạy và số giờ đứng lớp liên tục theo yêu cầu. Một số trở nên đam mê với việc kiếm tiền này thậm chí đã đạt số giờ vượt cả mức quy định cho giảng viên ĐH. Chính vì vậy, việc có thể quy đổi từ công trình nghiên cứu lấy giờ giảng là một sự tiến bộ đáng hoan nghênh.

Cũng theo dự thảo mới nhất ứng viên GS không đủ 03 công trình khoa học quy định thì phải có ít nhất 02  trong số các công trình khoa học nêu trên và 01 chương sách phục vụ đào tạo do một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới xuất bản hoặc có ít nhất 02 trong số các công trình khoa học nêu trên và sách phục vụ đào tạo do một nhà xuất bản có uy tín xuất bản. Ứng viên PGS thì yêu cầu ít hơn một công trình và cũng có sự quy đổi tương tự.

Nhiều điểm tiến bộ

Một số chuyên gia nhận định, dự thảo lần này đã có nhiều chỉnh sửa theo hướng tiến bộ hơn. Cụ thể, dự thảo đã không còn tiêu chuẩn viết sách đối với ứng viên chức danh PGS. Với chức danh GS, dự thảo quy định ứng viên vẫn phải chủ trì biên soạn sách phục vụ đào tạo từ trình độ ĐH trở lên phù hợp với chuyên ngành xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS. Trước đó, Tiền Phong đã phản ánh, trong thời gian qua, có nhiều ứng viên GS - PGS có nhiều công trình nghiên cứu khoa học nhưng không được công nhận vì thiếu tiêu chí viết sách hoặc giờ đứng lớp.

Dự thảo lần này quy định ứng viên GS phải có ít nhất 20 điểm công trình khoa học quy đổi (ít nhất 5 điểm được thực hiện trong 3 năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ), trong đó cũng chia ra điểm viết sách là 3 điểm với ứng viên thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ; là 5 điểm với ứng viên thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật, thể dục thể thao. Nếu ứng viên không đủ số điểm đó được thay thế bằng điểm quy đổi từ các bài báo.

Điểm tiến bộ nữa trong dự thảo là không phân biệt ngành khoa học tự nhiên, ngành khoa học xã hội để yêu cầu bài báo khoa học. Từ lúc quy định này có hiệu lực đến trước năm 2020, các ứng viên GS phải có 3 bài báo khoa học hoặc bằng sáng chế, ứng viên PGS thì là 2 bài… Sau năm 2020 ứng viên GS phải có 5 bài,  và  ứng viên PGS là 3 bài.

Vẫn còn cào bằng

Trao đổi với Tiền Phong, TS Trần Quang Tuyến, trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định dự thảo mới có nhiều tiến bộ mà những người trẻ như anh đang chờ đợi. Tuy nhiên, dự thảo vẫn còn một số hạn chế.

Một là, “quyền lực mềm” của Hội đồng GS các cấp đã giảm nhưng vẫn còn rất lớn, cụ thể là trong vòng bỏ phiếu tín nhiệm và phỏng vấn ngoại ngữ.

Hai là, việc tính điểm các bài báo khoa học chưa có sự công bằng, thậm chí là đang tính cào bằng. Với các bài báo khoa học, dự thảo đang quy định tác giả đứng tên thứ nhất  được 30% trong tổng điểm được cộng là 2 điểm là một bất công. TS Trần Quang Tuyến lấy ví dụ,  lần đầu tiên một nhà khoa học Việt Nam, TS Vương Thị Ngọc Lan có công trình được đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine. Đây là một tạp chí y khoa hàng đầu thế giới, mà những ĐH danh tiếng nhất thế giới có người được đăng trên tạp chí đó cũng chắc chắn lấy làm hãnh diện. Nhưng nếu theo chuẩn này, công trình đăng ở tạp chí New England Journal of Medicine cũng được 2 điểm, TS Lan là tác giả đứng thứ nhất  được 0,6 điểm, chưa bằng viết một mình, một bài đăng ở tạp chí trong nước, 1 điểm. 

Cũng theo TS Tuyến, việc đánh đồng bài báo ISI (Viện Thông tin khoa học) và Scopus (Danh mục báo chí của Hà Lan) cũng là một sự cào bằng. Cuối cùng, trong các tạp chí thuộc ISI phân thành 4 hạng, từ Q1 đến Q4. Viết một bài được đăng ở các tạp chí Q1 khó gấp 4 lần ở tạp chí Q4. Vì vậy, TS Trần Quang Tuyến đề xuất phải có sự rạch ròi trong vấn đề này. Chẳng hạn, với các tạp chí Q1, được tính 10 điểm, sau đó giảm dần, tạo động lực cho người viết.

“Tạp chí New England Journal of Medicine là tạp chí hàng đầu về ngành y. Ở  nước ngoài, có khi chỉ cần có bài đăng ở đây là được đặc cách PGS. Trong khi ở Việt Nam được tính 2 điểm. Rồi  tác giả đứng thứ nhất được tính tối đa 0.6 điểm. Đó là một bất cập. Tôi cho rằng tác giả thứ nhất của bài báo phải được 70% số điểm chứ không thể chỉ được 30% như dự thảo”       

TS Trần Quang Tuyến

Ngoài ra dự thảo yêu cầu công khai hóa hồ sơ ứng viên tham gia xét GS, PGS. Quy định này sẽ giúp xóa bỏ tình trạng mù mờ về năng lực của ứng viên, qua đó tạo cơ sở để cộng đồng khoa học và dư luận xã hội thực hiện quyền giám sát việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS - PGS của hội đồng các cấp. Hoặc quy định nhiệm kỳ bổ nhiệm chức danh GS - PGS là 5 năm, cũng là một yếu tố tạo động lực để tăng chất lượng đội ngũ GS - PGS. Dự thảo cũng quy định những ứng viên được công nhận nhưng không được trường ĐH nào bổ nhiệm thì sau 5 năm, chứng nhận hết hiệu lực. Vì thế sẽ ngăn chặn được tình trạng “làm GS xong” là... xong, như vẫn đang xảy ra với nhiều nhà khoa học.

MỚI - NÓNG