Tiêu cực thi cử - Nên chống từ lớp 1

Tiêu cực thi cử - Nên chống từ lớp 1
Chống từ đâu, "nói không" như thế nào để cuộc vận động "Nói không với gian lận thi cử" có kết quả thật sự? Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Nhiều nhà giáo nhận định: nên chống tiêu cực từ khi HS bắt đầu học lớp 1.
Tiêu cực thi cử - Nên chống từ lớp 1 ảnh 1

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân dẫn các em học sinh lớp 1 Trường tiểu học Quang Trung (Hà Nội) vào lớp sáng 3-9.

Lộn xộn do đâu?

"Phát súng lệnh" do thầy giáo Đỗ Việt Khoa điểm trong mùa thi tốt nghiệp THPT 2006 đã làm tràn cốc nước đầy những lời tụng ca về những "mùa thi nghiêm túc".

Bốn đoạn băng công bố gần đây của edu2 trên diễn đàn giáo dục càng khẳng định thực tế: Nhốn nháo, lộn xộn trong thi tốt nghiệp THPT là "căn bệnh" ở tất cả mọi địa phương - tất nhiên thể hiện dưới nhiều mức độ khác nhau.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân có lần phân tích:

Về phía HS và gia đình, sau 12 năm học mong muốn có "tấm bằng" tốt nghiệp để tiện thi lên ĐH hoặc xin việc làm; về phía các thầy cô giáo, nhà trường, do muốn thấy kết quả giảng dạy của mình tương xứng với những lao tâm khổ tứ đã bỏ ra; cơ quan quản lý giáo dục mong mỏi tỷ lệ tốt nghiệp cao để không bị sức ép từ nhiều phía.

Đó là chưa kể tới việc: Để "có bằng được" một tấm bằng như mong muốn, đây đó các bậc phụ huynh và HS sẵn sàng bỏ những khoản tiền đáng kể để "mua", để "xin". Trong khi đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn, thì không phải không có lúc các thầy cô "nhắm mắt cho qua" và để tiêu cực gian lận, lộn xộn, thậm chí là hỗn loạn xảy ra ngay trong trường thi của mình.

Xét một cách công bằng, những nguyện vọng của HS, gia đình và nhà trường như trên thật ra không có gì là sai trái. Nguyện vọng có tấm "bằng đẹp" của HS, sự "mát mặt" của cha mẹ, sự hài lòng về thành tích đào tạo của thầy cô, nhà trường chỉ xấu khi mâu thuẫn với thực tế: Trình độ của HS quá thấp, mà mong muốn lại cao. Những gian lận trong thi cử nói chung và kỳ thi tốt nghiệp THPT- "cửa ra" cuối cùng của bậc đào tạo phổ thông- nói riêng là tất yếu.

Không thể chữa từ... ngọn

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, có nhiều lý do để ngành GD-ĐT chọn khâu đột phá là "chống tiêu cực thi cử". Và một trong những biện pháp là giáo dục ý thức xã hội.

Tuy nhiên, tìm một giải pháp triệt để đối với tiêu cực thi cử không phải đơn giản. Nếu chỉ vận động trong HS, phụ huynh, nhà trường và xã hội... trong khi tâm lý bằng cấp vẫn còn tồn tại, khả năng phân luồng HS ở bậc phổ thông chưa thật sự tốt thì việc vận động đơn thuần khó có thể mang lại hiệu quả.

Nhiều nhà giáo nhận định: Trong khi thực trạng trình độ học sinh phổ thông nói chung kém, mà ngành GD-ĐT lại muốn "nói không" ở tận lớp 12, thì xem ra mới chỉ "nói không" ở phần ngọn. Nếu làm quyết liệt cực kỳ quyết liệt, may ra nói "không" sẽ thực hiện được 1-2 năm. Rồi tới những năm sau, khi dư luận "lơi là" thì tiêu cực lại trở lại.

Hơn thế nữa, nếu chỉ nhăm nhăm "nói không" với những HS tốt nghiệp THPT, tức là "nói không" với những HS sau 11 năm được "nói có" ở các cấp học, thì khả năng sẽ tạo ra một cú sốc. GS TS Nguyễn Lân Dũng đã gọi hiện tượng này một cách hình ảnh là "phanh gấp đổ xe".

Để thực hiện mục tiêu phổ cập, ngay từ những lớp học đầu tiên, HS đã được "dắt tay lên lớp". Thế mới có cảnh phụ huynh tới trường xin cho con học đúp, mà thầy cô giáo không cho. Được "đôn" từ lớp 1 lên lớp 2, rồi lên cao mãi, trách gì có những HS tốt nghiệp tiểu học vẫn chưa đọc thông viết thạo.

Rồi bỏ thi tốt nghiệp tiểu học, bỏ thi tốt nghiệp THCS, mọi căn cứ đánh giá chỉ còn là các cuộc thi lên lớp thường niên - mà chất lượng của các cuộc thi này không dám nói chắc là mọi nơi mọi lúc đều khách quan và chính xác (ngay kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì nhiều lý do mà có địa phương đã phải chủ trương "dễ lúc trông và nới lúc chấm" để có kết quả như ý).

"Áp lực xã hội" chắc chắn giảm đi bởi bỏ bớt những kỳ thi căng thẳng, song áp lực lại dồn lại vào lớp 12 và kỳ thi ĐH, là 2 kỳ thi nghiêm túc và có độ tin cậy cao.

Chính vì vậy, theo nhiều nhà giáo có kinh nghiệm, chống tiêu cực thi cử không nên chỉ trông vào các kỳ thi nói chung và vào kỳ thi tốt nghiệp THPT nói riêng, thậm chí không chỉ là "chữa căn bệnh thành tích". Để chống "tiêu cực lúc thi" cần chữa "căn bệnh" của dạy, của học, căn bệnh của SGK, của chương trình... ở toàn bộ các lớp.

Quan trọng nhất là khâu đánh giá quá trình dạy - học. Cần cải tiến khâu mấu chốt này, và tập trung đánh giá vào năng lực thực hành của HS, vào sự tiến bộ của mỗi học sinh so với chính bản thân họ, chứ không phải nhăm nhăm kiểm tra kiến thức theo kiểu học thuộc lòng.

Bể học vô bờ, nếu cho HS học vẹt hết, thì bao nhiêu năm mới là trọn vẹn tất cả mọi kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội của loài người?

Thí dụ: Thay vì yêu cầu HS thuộc làu tiểu sử của một tác giả, hay những ý cần có của bài văn cụ thể, thì hãy dạy HS phương pháp cảm thụ, phương pháp tư duy để với bất kỳ tác phẩm nào, dù đã học hay chưa học, chưa có trong sách tham khảo. HS cũng vẫn có thể cảm thụ, phân tích, bình giảng được.

Như vậy, trong chương trình học phổ thông có thể lược bỏ những phần quá khô khan, nhàm chán, có thể thực hiện "giảm tải" được mà không sợ HS thiếu hụt kiến thức. Phương pháp dạy theo kiểu "đọc chép" của các thầy cô sẽ không còn. Khả năng tự học của HS sẽ được tăng cường hơn, và quá trình học tập ở bậc phổ thông sẽ thật sự trang bị được năng lực tự có cho mỗi cá nhân.

Điều này nên bắt đầu ngay từ lớp 1, cấp 1, từ mỗi giờ học của học sinh và duy trì suốt 12 năm phổ thông. Khi đó, 'bệnh gian lận" thi cử - nhất là thi tốt nghiệp đương nhiên sẽ không còn đất sống.

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.