Tổ chức quá trình tự học cho trẻ

GS.TS Hồ Ngọc Đại chia sẻ về Công nghệ giáo dục
GS.TS Hồ Ngọc Đại chia sẻ về Công nghệ giáo dục
TPO - “Bản chất của công nghệ giáo dục là quản lý quá trình tự học.  Trẻ tự làm ra sản phẩm của trẻ và từ đó phát triển sự tự tin”. Đó là chia sẻ của Giáo Sư, Tiến sĩ  Hồ Ngọc Đại trong chương trình tọa đàm về Công nghệ giáo dục, do ĐH FPT tổ chức ngày 12/7.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường ĐH FPT; TS Nguyễn Khắc Thành, nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH FPT (nay là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT). 

Trao đổi về giáo dục trẻ em, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng trẻ em là một thực thể tự nhiên, trẻ em luôn đúng. “Điều trước tiên tôi muốn khẳng định, phải yêu thương thực sự, tôn trọng thực lòng trẻ. Trẻ em là con đẻ của thời đại, người lớn phải theo để dạy trẻ. Các phương pháp dạy học phải tôn trọng điều này”.

Để làm được điều này, những người trẻ làm giáo dục cần có kiến thức thực chất về triết học triết học, tâm lý học và khoa học chuyên ngành. Trong đó, tâm lý học có vai trò quan trọng để hiểu rõ tâm lý của trẻ. Ông lý giải, cuộc sống của ta tâm lý đóng vai trò chủ yếu trong việc chi phối cách cư xử của mỗi người trong mỗi hoàn cảnh khác nhau.

Trong xã hội hiện đại, mỗi người là một cá nhân cụ thể, không thể so sánh và bắt ép cá nhân này phải như cá nhân khác. (Ông hóm hỉnh ví dụ: Không thể khen hoa cúc đẹp như hoa hồng. Đó là làm nhục cả hai loại).

Trong giáo dục cần khuyến khích để trẻ học cũng hứng như chơi. Đồng thời việc khen chê đều cần đúng mực, có nghĩa lời khen là sự khẳng định việc làm đúng của trẻ, chứ không phải là lời tán dương; Khi trẻ làm sai thì nên nói là trẻ làm chưa đúng và khuyến khích làm lại.

Giáo dục trẻ là quá trình tổ chức việc tự học. Điều này cần được thực hiện ngay từ bậc tiểu học và từ trong gia đình. Có như vậy, lên bậc đại học - tự học mới được thực hiện thực chất, hiệu quả. Đại học là tự học, là khai phá.

Trả lời câu hỏi, "với giáo dục đại học, cơ sở Tâm lý học cho lứa tuổi này như thế nào?", GS. Hồ Ngọc Đại cho rằng: Tự học ở đại học theo đúng nghĩa đen, tự học qua sách. Phải để sinh viên được tin, không ép buộc họ phải tin, nhờ đó sức mạnh tinh thần được phát triển.

Chúng ta nên khuyến khích sinh viên nghe những điều thầy giảng để suy ra những điều có thể nghi ngờ. Còn chỉ nhớ được những lời thầy giảng thì tầm thường quá!

Ông cũng chỉ ra, hiện nay, sinh viên của ta hiện nay thụ động, học chỉ cốt lấy mảnh bằng để đi làm nghề khác, biến đại học thành một loại phổ thông về nghiệp vụ. Sở dĩ, sinh viên vẫn cam chịu kiểu học thầy đọc trò chép vì họ có lợi ích lớn hơn là tấm bằng.

Tại buổi tọa đàm, GS Hồ Ngọc Đại đã chia sẻ ngắn gọn sự nghiệp gắn bó với giáo dục của ông, từ khi ông tốt nghiệp trường Sư phạm Trung cấp Trung ương, năm 1954: “Từ bấy đến nay, không một ngày tôi xa rời giáo dục và cũng từ bấy đến nay, tôi chỉ làm độc một việc”.

GS Hồ Ngọc Đại kể, cuối năm 1968, ông sang Liên Xô (cũ), làm nghiên cứu sinh tại trường ĐH Lomonosov nhưng ngày ngày ông đến làm việc ở trường Thực nghiệm số 91, thuộc Viện Hàn lâm Giáo dục Liên Xô. Trường thực nghiệm là một sáng tạo độc đáo của tâm lý học, ra đời năm 1960 , do hai viện sĩ đề xướng và lãnh đạo: D.B. Elkonin và V.V. Davydov. Trường là “phòng thí nghiệm” dùng để nghiên cứu tâm lý – giáo dục, độc lập với nhà trường hiện hành. Làm thực nghiệm liên tục từ năm 1969 đến năm 1976, ông lấy cứ liệu viết hai luận án Tâm lý học, bảo vệ thành công học vị Phó Tiến sĩ và Tiến sĩ Khoa học, đặt nền móng cho Công nghệ Giáo dục thực nghiệm tại Việt Nam.

 
MỚI - NÓNG