Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!”

TPO - Hàng loạt vụ bạo hành trẻ em diễn ra thời gian qua ở nước ta đã gây ra nhiều bức xúc trong cộng đồng. Đặc biệt, mới đây là vụ bạo hành trẻ của nhóm bảo mẫu thuộc cơ sở mầm non Mầm Xanh, phường Hiệp Thành, quận 12 khiến dư luận hết sức phẫn nộ.     
Tọa đàm bạo hành trẻ mầm non

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

01/12/2017 08:47

Vụ việc các bảo mẫu cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh ở quận 12, TPHCM đánh đập, hành hạ các bé chỉ từ 18 tháng đến 5 tuổi đã gây phẫn nộ trong dư luận những ngày vừa qua. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên diễn ra chuyện bạo hành trẻ trong các cơ sở nuôi dạy mầm non tại TPHCM. 

Chỉ trong năm 2017, nơi đây đã có ít nhất 3 vụ bạo hành trẻ em tại các cơ sở mầm non làm ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ nhỏ. Điều này cho thấy công tác quản lý giáo dục mầm non còn lỏng lẻo. Để hiểu rõ hơn quy trình đào tạo giáo viên mầm non, cũng như “chuẩn” cần có của một cô giáo chăm sóc trẻ, 9 giờ sáng nay, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Trường Đại học Sài Gòn và Hệ thống giáo dục Tesla tổ chức buổi tọa đàm chủ đề: “Bạo hành trẻ mầm non – Vì đâu nên nỗi!” với sự tham gia của các chuyên gia và đại diện các cơ quan ban ngành liên quan.

01/12/2017 08:48

Mặc dù chương trình 9 giờ mới diễn ra nhưng ghi nhận của phóng viên Tiền Phong cho thấy đến giờ này hội trường đã chật kín khách. 

01/12/2017 08:51

Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” ảnh 1
Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” ảnh 2 Hội trường buổi tọa đàm chật kín từ sớm.

01/12/2017 09:00

Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” ảnh 3 Một tiết mục văn nghệ mở màn cho buổi tọa đàm.

01/12/2017 09:03

Thành phần ban tổ chức buổi tọa đàm: Nhà báo Lý Thành Tâm, trưởng đại diện Báo Tiền Phong tại TPHCM; Thạc sỹ Hoàng Hữu Lượng, Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng trường ĐH Sài Gòn. PGS.TS Nguyễn Thị Thúy Dung, Trưởng khoa Giáo dục, trường ĐH Sài Gòn. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, trường ĐH Sài Gòn. Thạc sĩ Võ Văn Thật, Trưởng phòng giáo dục thường xuyên, trường ĐH Sài Gòn Bà Nguyễn Thị Hương Trung, giám đốc điều hành hệ thống giáo dục Tesla Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hà, hiệu trưởng trường mầm non Tesla Danh

Danh sách khách mời gồm: Ông Đỗ Hữu Tuyết, Vụ phó, đại diện Bộ GD&ĐT tại TPHCM Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng Giáo dục quận 8, TPHCM Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM.

01/12/2017 09:10

Mở đầu buổi toạ đàm, nhà báo Lý Thành Tâm - Trưởng cơ quan đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM cho biết: Trẻ em là những mầm non, là những người chủ tương lai của đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng một tình yêu thương, một sự quan tâm đặc biệt. Bác đã từng nói: “Cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”. 
Ấy vậy mà, trong thời gian qua, cụ thể chỉ trong tháng 11/2017, cả nước liên tiếp xảy ra 4 vụ bạo hành với chính người chủ tương lai của đất nước. Nhiều trẻ em mầm non cơ sở Mầm Xanh đã bị bảo mẫu, giáo viên lạnh lùng tát tay vào mặt, vào mũi, đạp những cú đạp từ trên đầu xuống tới chân,…đến đủ kiểu hành hạ dã man như thời trung cổ. Ai ai xem cảnh này cũng rớt nước mắt, căm phẫn tột cùng.
Nhìn lại các vụ việc, đau đớn hơn khi phần lớn “kẻ thủ ác” lại chính là những người thân, người bên cạnh các em, những người được giao trọng trách chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ trẻ. Những trận đòn roi của họ không chỉ  để lại những vết thương không bao giờ liền sẹo nơi các em. Mà đó như là những cú tát trời giáng vào lòng tự trọng của các cơ quan, tổ chức,…mang trên mình sứ mệnh bảo vệ trẻ em. 
Hiện nay để bảo vệ những người chủ tương lai của đất nước, Luật Trẻ em 2016 đã có quy định có tới 17 cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức có chức năng bảo vệ và chăm sóc, hỗ trợ trẻ em ở nhiều cấp độ khác nhau, từ các cơ quan bộ ngành các cấp,…đến Qũy Bảo trợ trẻ em Việt Nam. 
Thế nhưng, mỗi khi có vụ bạo hành trẻ em xảy ra, phần lớn do người dân, báo chí phát hiện, phản ánh rồi sau đó các cơ quan này mới vào cuộc. Phụ huynh có con em bị bạo hành cũng chỉ dừng lại ở bức xúc, bày tỏ sự thất vọng, chứ cũng không biết nhờ đến ai!
Trong một xã hội văn minh- hiện đại không có chỗ cho những hành vi bạo lực, nhất là bạo lực đối với trẻ em. Đã đến lúc chung ta cùng chung tay hành động. Hãy thôi hô hào những khẩu hiệu, biểu ngữ hoành tráng, mà bắt tay vào những việc làm cụ thể, những hành động thiết thực để bảo vệ những người chủ tương lai của đất nước. 
Kính thưa quý vị, từ những lý do đó báo Tiền Phong phối hợp với ĐH Sài Gòn và Hệ thống giáo dục Tasla tổ chức buổi toạ đàm: “Bạo hành trẻ mầm non- Vì đâu nên nỗi!” hôm nay.

01/12/2017 09:13

Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” ảnh 4 Nhà báo Lý Thành Tâm - Trưởng cơ quan đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM phát biểu tại buổi tọa đàm.

01/12/2017 09:24

Chia sẻ về những vụ bạo hành vừa xảy ra thời gian qua, Thạc sỹ Hoàng Hữu Lượng, Bí thư Đảng Ủy, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sài Gòn cho rằng, Việt Nam đã ký công ước về quyền trẻ em và đã có hiệu lực từ năm 1990. Điều đó khẳng định rằng đất nước ta đã quan tâm và ý thức việc bảo vệ trẻ từ rất sớm. Thế nhưng gần đây những vụ bạo hành trẻ mầm non có xu hướng gia tăng là một nỗi đau của toàn xã hội. 
Tại TPHCM, vụ bạo hành tại trường mầm non Mầm Xanh đã khiến dư luận vô cùng phẫn  nộ. Chúng ta không chấp nhận bất cứ lí do nào biện minh cho việc hành hạ trẻ mầm non. Là một người làm trong nghề giáo, chúng tôi phản đối hành vi bạo hành dã man này. Chúng tôi tha thiết nói với những sinh viên của mình: “Nếu đã chọn nghề giáo, xin hãy làm nghề bằng cái tâm và trái tim yêu trẻ, đừng để những hành động vô nhân đạo như trên xảy ra.” 
“Bên cạnh đó, việc quản lí giáo dục, cho phép mở trường mầm non cần có quy định cụ thể và chặt chẽ hơn. Hai người  bảo mẫu ở trường mầm non Mầm xanh không được học 1 tý gì về chuyên môn, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc”, Thạc sỹ Hoàng Hữu Lượng chia sẻ.

01/12/2017 09:27

Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” ảnh 5
Thạc sỹ Hoàng Hữu Lượng, Bí thư Đảng Ủy, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sài Gòn 

01/12/2017 09:33

CLIP:  Toàn cảnh Hội trường buổi tọa đàm

01/12/2017 09:44

Tại toạ đàm, bà Nguyễn Thị Hương Trung – Giám đốc điều hành Hệ thống giáo dục TESLA cho biết, đối với nhiều phụ huynh, kể cả thầy cô, nhiều khị chúng ta cũng đang “bạo hành” trẻ tuân theo kỷ luật trong gia đình, trong trường lớp hằng ngày mà mình không biết. “Bạo hành” đó xảy ra từ gia đình đến giáo dục hàng ngày; từ gia đình nhỏ đến lớn, từ gia đình có điều kiều kiện đến gia đình không có điều kiện.

Theo bà Hương Trung, trẻ bị bạo hành thường có biểu hiện: hèn nhát, dễ phục tùng vô điều kiện; có trẻ bị bạo lực thời gian dài còn sử dụng bảo lực với người khác. Nếu kéo dài thì có trẻ chán học, chán đến trường. Theo một khảo sát của chúng tôi gần đây, nhiều trẻ khi hỏi có sợ cô không, 48/100 câu hỏi trả lời có. Chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với cô giáo ,trẻ em hàng ngày, nhận thấy có nhiều yếu ảnh hưởng đến các giáo viên như: nhận thức của giáo viên đến trẻ; yếu tố giáo dục đến cơ sở; dạy trẻ theo quan điểm truyền thống “thương cho roi cho vọt” hay dạy trẻ theo hướng hiện đại là cho trẻ được lựa chọn; trẻ là trung tâm hay giáo viên và trung tâm; thu nhập giáo viên; yếu tố giám sát, chế tài có nghiêm hay không…

“Đến với tọa đàm, có nhiều giáo viên và sinh viên nhiệt huyết, tôi rất tin tưởng sẽ chọn được những giáo viên tâm huyết, yêu nghề yêu trẻ. Hệ thống Giáo dục Tesla mong muốn kết hợp với các trường ĐH, đào tạo các bạn SV từ trong nhà trường, các bạn có đủ kỹ năng hiểu biết từ trong nhà trường chứ không phải ra trường rồi cho rằng mình chọn sai nghề. Chúng tôi mong muốn sẽ góp phần nào đó giảm được nạn bạo hành cho trẻ em cho xã hội” – bà Hương Trung chia sẻ.

01/12/2017 09:45

Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” ảnh 6 Bà Nguyễn Thị Hương Trung.

01/12/2017 09:46

Báo cáo tham luận tại toạ đàm: “Bạo hành trẻ mầm non- Vì đâu nên nỗi!”, TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao- Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường Đại học Sài Gòn, cho biết trong thời gian gần đây, nạn bạo hành trẻ mầm non là một vấn đề vô cùng bức xúc của xã hội, và vấn đề phòng chống bạo hành trẻ mầm non là vấn đề cần được quan tâm không chỉ của các cơ quan quản lý mà còn là nhiệm vụ quan trọng của các đơn vị đào tạo GVMN trong cả nước.
Quan sát cho thấy nạn bạo hành thường xảy ra ở những nhóm trẻ và trường mầm non ngoài công lập, những người trực tiếp bạo hành trẻ thường chưa có bằng cấp GVMN. Qua phân tích những nguyên nhân của nạn bạo hành trẻ mầm non, một trong những nguyên nhân cơ bản là người chăm sóc và giáo dục trẻ thiếu kỹ năng nghề và suy thoái đạo đức. Thực tế này chứng minh vai trò của Giáo dục Mầm non là vô cùng quan trọng.
Các trường ĐH-CĐ có đào tạo ngành GDMN trong đó có khoa GDMN của trường ĐHSG đều hướng đến mục tiêu hoàn thành những phẩm chất và kỹ năng nghề cho GVMN. Với mong muốn tạo sức đề kháng cho GVMN với bạo hành học đường, với quan điểm chỉ đạo là từ việc cung cấp kiến thức, nâng cao nhận thức của sinh viên về đặc điểm nghề, từ đó hình thành thái độ đúng đắn về nghề, về đạo đức nghề góp phần hình thành hành vi chuẩn mực và khả năng tự rèn luyện, tự giáo dục cho sinh viên- những GVMN tương lại, chúng tôi xây dựng khung chương trình một cách khoa học, hợp lý, nhất quán, gắn lý luận với thực tiễn.
Cụ thể, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc hình thành đạo đức nghề, phẩm chất cần có của một GVMN như: lòng yêu trẻ, sự công bằng, tình yêu nghề trong các học phần như “Nghề GVMN”,“Tâm lý học trẻ em”... Bên cạnh các học phần về kỹ năng nghề nghiệp, chúng tôi luôn quan tâm đến các kỹ năng cần có cho GVMN khi các sinh viên ra trường như: kỹ năng giao tiếp trong học phần“Giao tiếp sư phạm mầm non”.

01/12/2017 09:49

Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” ảnh 7 TS Quỳnh Giao báo cáo tham luận tại toạ đàm.

01/12/2017 09:52

Theo TS Quỳnh Dao, đội ngũ giảng viên của chúng tôi luôn ý thức và quán triệt quan điểm “dạy nghề và dạy người” trong suốt bốn năm học của hệ đại học chính quy, 3 năm với hệ cao đẳng chính quy, với các hệ VLVH và liên thông. Chúng tôi thường xuyên trao đổi các vấn đề đạo đức của GVMN lồng ghép trong từng học phần, từng tiết giảng, trong các hoạt động đoàn hội như các hội thi NVSP, sân khấu kịch mầm non... Cách đây 3 năm, khi một số vụ bạo hành trẻ được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, ngay lập tức chúng tôi bổ sung, lồng ghép các nội dung, kiến thức liên quan đến bạo hành trẻ mầm non vào các môn học như “Nghề GVMN”, “Giao tiếp sư phạm mầm non”. Thông qua các tiết học, các sinh viên khoa GDMN nhận thức được những kiểu bạo hành khác nhau, hậu quả của bạo hành đối với trẻ, đối với bản thân, đối với xã hội, từ đó sinh viên có thái độ lên án nạn bạo hành và góp phần kiểm soát hành vi bản thân.

Trong việc phát triển chương trình chu kỳ 2016-2020, tập thể cố vấn chuyên môn và Ban chủ nhiệm khoa đã cập nhật một môn học mới là “Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non”. Trong nội dung môn học có đề cập đến kỹ năng quản lý cảm xúc và cách thức quản lý cảm xúc cho sinh viên mầm non, cũng như cho GVMN. Chúng tôi cũng ý thức vai trò của mình trong việc đào tạo thường xuyên cho quận, huyện. Trong các chuyên đề bổ sung kiến thức chúng tôi đề cấp đến vấn đề bạo hành trẻ mầm non một cách chuyên sâu, giúp cho người học – là những GVMN có bằng cấp đại học và chưa đạt chuẩn đại học có thể cập nhật những kiến thức mà trước đây họ chưa được học.

Với những việc làm trên, chúng tôi mong muốn mình có thể góp phần tạo sức đề kháng với nạn bạo hành trẻ cho các GVMN tương lai và GVMN hiện đang công tác. Ngoài vai trò giảng dạy, chúng tôi thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu về thực trạng kỹ năng quản lý cảm xúc của GVMN. Đây là đề tài cấp trường sẽ hoàn thành vào đầu năm 2018, kết quả sẽ là cơ sở để chúng tôi xây dựng đề án Nâng cao khả năng quản lý cảm xúc cho giáo viên mầm non, góp phần phòng chống nạn bạo hành trẻ.

Theo nguồn số liệu của luận văn thạc sĩ Tâm lý học của học viên cao học Nguyễn Thị Lan vừa công bố: mức độ kỹ năng quản lý cảm xúc của sinh viên GDMN tại thành phố Hồ Chí Minh là trung bình khá. Một phát hiện cần quan tâm đó là mức độ kỹ năng quản lý cảm xúc của sinh viên ngành GDMN của ĐHSG cao hơn so với sinh viên cùng ngành ở một số đơn vị đào tạo khác. Theo phân tích của tác giả về sự khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê này là do sinh viên ĐHSG được dự học học phần “Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non”. Kết quả này một lần nữa khẳng định vai trò của giáo dục trong việc chống bạo hành trẻ.

Tóm lại, giáo dục mầm non góp phần đào tạo đội ngũ GVMN có trình độ tay nghề cao, phẩm chất nghề tốt và hạn chế nạn bạo hành với trẻ. Tuy nhiên không vì thế mà những người làm công tác giáo dục cho sinh viên ngành mầm non chủ quan và sao nhãng nhiệm vụ giáo dục của mình cũng như không được bỏ quên nhiệm vụ phòng chống bạo hành trong trường mầm non. Chúng tôi thiết nghĩ nhiệm vụ chống bạo hành trong trường mầm non không là trách nhiệm của riêng ai và để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ này đòi hỏi các đơn vị có liên quan, các cá nhân có trách nhiệm phải cùng nhau nghiên cứu để đưa ra những biện pháp hiệu quả nhất.

01/12/2017 09:54

Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” ảnh 8 "Nhiệm vụ chống bạo hành trong trường mầm non không là trách nhiệm của riêng ai và để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ này đòi hỏi các đơn vị có liên quan, các cá nhân có trách nhiệm phải cùng nhau nghiên cứu để đưa ra những biện pháp hiệu quả nhất", TS Quỳnh Giao.

01/12/2017 09:57

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Bảo vệ quyền lợi trẻ em TPHCM cho rằng: “Chi hội ra đời khoảng 3 năm, tiếp nhận hàng trăm vụ, nhiều vụ rất đau lòng. Nếu pháp luật chặt chẽ thì phải chặt tận gốc. Bạo hành mầm non rất nhức nhối và đau lòng, ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý của các em. Sau khi xảy ra thì các cô giáo chịu pháp luật, còn những người đứng đầu về giáo dục thì sao? Năm 2017 vừa qua có từ 3000 – 4000 vụ bị bạo hành, ảnh hưởng đến tâm lý, gây các em căng thẳng sau hậu chấn thương. Vụ bạo hành ở quận 12 vừa qua, chúng tôi xuống và trực tiếp đưa các cháu tới Bệnh viện Nhi đồng 2 khám. Các cháu có dấu hiệu hoảng sợ, ám ảnh. Chúng tôi góp ý cho phụ huynh đưa con mình vào các trường công lập gửi nhưng phần lớn ncha mẹ các bé cho rằng rất khó khăn, vì họ làm công nhân, không có thời gian khởi kiện nên rút đơn, do đó, công an không có cơ sở để xác minh kỹ.

Xu hướng xã hội hiện nay chuyển sang bạo hành trẻ em ở các nhóm trẻ, các cô giáo thường thuê một địa điểm nào đó rồi nhận trẻ. Hàng ngày đường dây nóng chúng tôi nhận rất nhiều vụ việc, điển hình ở Vĩnh Long bà Nội tố cáo chồng lạm dụng cháu… khi tiếp nhận chúng tôi rất đau lòng. 

Về giáo viên mầm non bạo hành trẻ ở Hà Nội, Thanh Hóa, TPHCM. Gần như họ không trang bị đầy đủ về sư phạm, nếu không thay đổi từ khâu đào tạo thì sẽ tiếp tục xảy ra những tình trạng đau lòng. Trẻ em như mầm cây, các em quá yếu ớt, không thể tự vệ. Chúng gắn bó cô giáo, gắn bó với họ, nhưng họ bạo hành như vậy thì các bậc phụ huynh giống như “giao trứng cho ác”. Đây là nỗi buồn u ám không đáng có!. Các trường đào tạo quá sơ xài, kĩ năng chăm trẻ dưới 5 tuổi chưa sâu sắc, qua loa. Nước ta trường công lập thì không đáp ứng đủ, nên nhiều cha mẹ gửi vào trường tư thục, cha mẹ gửi vào họ không tìm hiểu và biết cô giáo dạy gì, tiêu chuẩn và phẩm chất của giáo viên có đáp ứng dạy con mình hay không?.
Nhưng vấn đề sau mỗi vụ bạo hành, giới công quyền có xử lý triệt để hay không, những nơi đào tạo giáo viên có chất lượng hay không, xã hội cùng vào cuộc,  ngoài camera có thể gắn giám sát ở nơi dạy trẻ thì mọi người xung quanh cũng là tai mắt để bảo vệ trẻ.

01/12/2017 09:58

Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” ảnh 9 Luật sư Ngọc Nữ

01/12/2017 10:07

 CLIP Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Bảo vệ quyền lợi trẻ em TPHCM phát biểu tại buổi tọa đàm

01/12/2017 10:08

Trao đổi tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, trường ĐH Sài Gòn cho biết, trong thời gian gần đây, nạn bạo hành trẻ mầm non là một vấn đề vô cùng bức xúc của xã hội, và vấn đề phòng chống bạo hành trẻ mầm non là vấn đề cần được quan tâm không chỉ của các cơ quan quản lý mà còn là nhiệm vụ quan trọng của các đơn vị đào tạo giáo viên mầm non (GVMN) trong cả nước.

Quan sát cho thấy nạn bạo hành thường xảy ra ở những nhóm trẻ và trường mầm non ngoài công lập, những người trực tiếp bạo hành trẻ thường chưa có bằng cấp GVMN. Qua phân tích những nguyên nhân của nạn bạo hành trẻ mầm non, một trong những nguyên nhân cơ bản là người chăm sóc và giáo dục trẻ thiếu kỹ năng nghề và suy thoái đạo đức. Thực tế này chứng minh vai trò của Giáo dục Mầm non là vô cùng quan trọng. Các trường ĐH-CĐ có đào tạo ngành GDMN trong đó có khoa giáo dục mầm non (GDMN) của trường ĐH Sài Gòn (ĐHSG) đều hướng đến mục tiêu hoàn thành những phẩm chất và kỹ năng nghề cho GVMN.

Với mong muốn tạo sức đề kháng cho GVMN với bạo hành học đường, với quan điểm chỉ đạo là từ việc cung cấp kiến thức, nâng cao nhận thức của sinh viên về đặc điểm nghề, từ đó hình thành thái độ đúng đắn về nghề, về đạo đức nghề góp phần hình thành hành vi chuẩn mực và khả năng tự rèn luyện, tự giáo dục cho sinh viên- những GVMN tương lai, chúng tôi xây dựng khung chương trình một cách khoa học, hợp lý, nhất quán, gắn lý luận với thực tiễn.

Cụ thể, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc hình thành đạo đức nghề, phẩm chất cần có của một GVMN như: lòng yêu trẻ, sự công bằng, tình yêu nghề trong các học phần như “Nghề GVMN”,“Tâm lý học trẻ em”... Bên cạnh các học phần về kỹ năng nghề nghiệp, chúng tôi luôn quan tâm đến các kỹ năng cần có cho GVMN khi các sinh viên ra trường như: kỹ năng giao tiếp trong học phần “Giao tiếp sư phạm mầm non”.

01/12/2017 10:11

Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” ảnh 10 Các khách mời thảo luận bàn tròn bàn về chuyện làm gì để ngăn chặn bạo hành trẻ mầm non.

01/12/2017 10:13

Thạc sĩ Phan Thị Thu Hà – Hiệu trưởng trường mầm non Tesla đã có những chia sẻ tâm huyết đến các khách mời có mặt tại tọa đàm, nhất là các bạn sinh viên – thầy cô giáo dạy trẻ mầm non tương lai. “Theo thống kê của các chuyên gia, giờ ăn là giờ kinh hoàng nhất của trẻ. Tiếp đến là giờ học và cuối cùng là giờ chơi. Đây là ba khung giờ cô giáo mầm non cũng phải chịu áp lực nhiều nhất” – bà Thu Hà nói.
Cô giáo mầm non chịu nhiều áp lực, áp lực từ nhà trường chạy theo thành tích, áp lực từ phụ huynh đòi hỏi con phải tăng cân, “phụ huynh thường hỏi “con tôi có ăn được không?”… Điều đó buộc cô giáo có những hành vi bạo hành trẻ.
Chúng tôi luôn muốn đem quan điểm giáo dục để các cô cảm thấy thoải mái, không lấy các lý do trên để “ngụy biện” mà các cô thực hiện hành vi bạo hành với con trẻ - bà Thu Hà nói.
Theo bà Thu Hà, sỉ số từ 10 – 20 bé có 2 -3 cô, sẽ giảm bớt áp lực cho cô khi phải chăm đến 50 – 60 bé. Đây là bước đầu giảm bớt áp lực cho cô. Đây cũng là quan điểm giáo dục của Tesla. Khi các con có sở thích, năng khiếu của từng môn thì cho các bé lựa chọn, để tạo hứng thú học tập. Không bắt buộc trẻ làm theo ý thích của mình. Bởi khi trẻ không thích sẽ phản ứng lại, lúc đó cô giáo sẽ hành xử thô bạo với trẻ.
Một khi đã có chương trình thoải mái như vậy, chúng tôi giữ môi trường bên trong lớp học, môi trường bên ngoài thông thoáng thì thực hiện theo quy chuẩn “cô và trẻ mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Khi trẻ vui, về kể lại với cha mẹ, phụ huynh sẽ an tâm khi đưa con đến trường.
Cứ cho trẻ vui chơi, vận động nhiều thì trẻ sẽ đói, mà đói thì chịu ăn chứ không để trẻ thụ động, không muốn ăn. Chúng tôi cho các bé tự do hoạt động tích cực từ khám phá đến kỹ năng sống, có cả những buổi buffe trưa thứ 6 hàng tuần cho các con, để các con tự do lựa chọn khẩu vị của mình.
Chúng tôi cũng luôn chia sẻ với phụ huynh, không ép con và không cần con phải can đo, đong đếm.. áp lực lên cả cô và trò. Nhiều phụ huynh cũng đồng tình, song hành cùng nhà trường chứ không giao phó hoàn toàn cho trường trong việc nuôi dạy trẻ.
“Khi chúng ta chọn bất kỳ nghề nào cũng cần có cái tâm, có trái tim để định hướng nghề nghiệp, nhất là nghề nuôi dạy trẻ mầm non. Tuyệt đối nói không với hành vi bạo hành” – bà Thu Hà chân tình chia sẻ”.

01/12/2017 10:14

Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” ảnh 11 Thạc sĩ Phan Thị Thu Hà chia sẻ câu chuyện của Tesla tại buổi tọa đàm

01/12/2017 10:17

Trong khi đó, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM nhìn nhận, chỉ tính mấy tháng đầu năm 2017 đã liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành trẻ em tại các cơ sở mầm non gây ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ nhỏ. Điển hình là trường hợp tại cơ sở mầm non Sen Vàng tại Minh Khai (Hoàng Mai-Hà Nội). Clip xuất hiện trên mạng vào ngày 5/02 kéo dài 2 phút cho thấy trẻ bị cô giáo liên tục cầm dép đánh vào đầu trẻ và có những lời lẽ khó nghe. Lý do trẻ bị đánh chỉ đơn giản là cháu tè ra sàn nhà khiến cô giáo bực tức và không kiềm chế được nóng giận.

Tiếp đó đến ngày 9/2, tại trường mầm non Thanh Xuân Nam (Thanh Hóa) tiếp tục xuất hiện trường hợp bé đang học mầm non lớp 3 bị cô giáo liên tiếp dùng cây đánh vào hai bên đùi, xuất hiện nhiều vết bầm kéo dài. Sau khi làm rõ sự việc, tại đây cô giáo Thái Thị Thùy Linh (1989) đã thừa nhận hành vi dùng đũa đánh cháu. Đây chỉ là một trong những trường hợp bạo hành trẻ tại các cơ sở mầm non được phanh phui ra.

Đối với những trường hợp trên, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra làm rõ những hành vi trên. Có thể nói, hiện tượng bạo lực trẻ em tại trường mầm non ngày càng xuất hiện nhiều, có những trường hợp trẻ bị đánh đập rất dã man. trẻ bị bạo lực thường xuất hiện những biểu hiện tâm lý đặc trưng như cáu gắt, giận dữ, buồn chán hay tự kỷ, sợ hãi…

Theo thống kê mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 3.000 đến 4.000 vụ bạo lực trẻ em tại các trường mầm non nói riêng và xã hội nói chung. Một trẻ em đã từng bị bạo hành thường bị ảnh hưởng tâm lý và sự phát triển thể chất.

Nhiều trẻ còn bị mắc chứng “Rối loạn và căng thẳng hậu chấn thương” và nguy hiểm hơn những di chứng sau khi trẻ bị bạo lực có thể theo đến suốt đời. “Vài ngày qua, dư luận bàng hoàng, bức xúc về những vụ bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra. Người ta thương xót, đau lòng khi những đứa trẻ vô tội chịu những trận đòn roi, tổn thương tinh thần vì những cơn thịnh nộ của người lớn”, luật sư Ngọc Nữ bức xúc.

01/12/2017 10:21

Đa phần các vụ bạo hành trẻ mầm non trong thời gian qua đều xảy ra ở các nhóm trẻ mầm non tư thục mà không phải là các trường mầm non công lập. Phải chăng có sự khác biệt giữa hai hệ thống giáo dục này? Nhận định về vấn đề trên, Thạc sĩ Phan Thị Thu Hà nói: Tôi không dám khẳng định rằng việc bạo hành trẻ mầm non xuất hiện nhiều hay ít ở các trường công lập hay tư thục. Nhưng đối với công việc nào, thì cũng cần nên xem trọng yếu tố con người.

Như TS Quỳnh Dao vừa nói, có những vụ việc đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng do hiện tại có công nghệ cao hơn chúng ta mới phát hiện những vụ việc đau lòng. Theo tôi, dù là mầm non hay tư thục, đối với các cơ sở trường học, cần lựa chọn và tuyển dụng đối với các giáo viên được đào tạo chuyên môn, có phẩm chất tốt, năng lực giáo dục trẻ.

Đối với những người làm công tác lãnh đạo, cần phải quản lí sâu sát, chặt chẽ hơn, giám sát nghiêm ngặt, làm sao để một hành vi tiêu cực nào vừa chớm xuất hiện, lập tức được ngăn chặn và giải quyết ngay. Tuyệt đối không bao biện, tạo điều kiện cho những hành vi này tiếp diễn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc.

01/12/2017 10:22

Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” ảnh 12 Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cùng các chuyên gia trao đổi về chủ đề ngăn chặn bạo hành trẻ mầm non

01/12/2017 10:24

Nói về việc thiếu chứng cứ, bà Trần Thị Ngọc Nữ trăn trở, khi chúng tôi đến tham gia bảo vệ trẻ thì lực bất tòng tâm vì nhà trẻ không gắn camera, không có chứng cứ. Cụ thể là vụ trẻ bị cột dây thun vào dương vật. Không có chứng cứ, không thể xử lý triệt để. Tôi đề nghị bạo hành không chỉ bị đánh đập mà còn bị xâm hại. Nhiều vụ chúng tôi tham gia bảo vệ trẻ lại không có chứng cứ. “Có nhiều vụ chúng tôi không thể đưa ra ánh sáng được vì thiếu chứng cứ. Đây là một nỗi đau của những người làm công tác tham gia tố tụng” – bà Ngọc Nữ bộc bạch.

Chính cái điệp khúc không đủ cơ sở, chúng tôi là những người luật sư, cha mẹ đưa chúng tới mà chúng tôi đau lòng “lực bất tòng tâm” vì các em còn quá nhỏ tuổi, có biết gì đâu mà có chứng cứ. nhiều vụ chìm xuồng vì không có chứng cứ. Kẻ thủ ác cứ ung dung. “Đề xuất gắn camera thì ai giám sát, nếu trường làm hư camera rồi đánh bé. Người giám sát phải được quyền giám sát 24/24.“Đã chặt thì chặt từ gốc, đừng chặt ngọn” – bà Ngọc Nữ đề xuất.

01/12/2017 10:25

Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” ảnh 13

01/12/2017 10:27

TS Quỳnh Giao – Trưởng Khoa giáo dục mầm non, Trường ĐH Sài Gòn cho biết: Trẻ bị bạo hành xem các dấu vết bên ngoài, trầy xước do bên ngoài khác trầy xước do có lực tác động. Ngày xưa tôi mới đi làm gặp nhiều trường hợp giáo viên mang thước gỗ và hướng dẫn tôi cách đánh học trò. Họ đánh rất chuyên nghiệp, sáng đánh là chiều học sinh về tan vết thương. Còn đối với trẻ mầm non chưa diễn tả được gì, ví dụ trẻ về mách cha mẹ là còn kinh khủng hơn, cô giáo đòi đánh nặng hơn, ảnh hưởng về tâm lý. Phụ huynh muốn phát hiện thì lắng nghe và biết cách khai thác từ con. Hay trẻ sợ đi học, khóc nửa đêm. Bạo hành hay xảy ra ở bữa ăn, trẻ từ 3-4 tuổi phát triển ngôn ngữ, nên trẻ hay thêu dệt câu chuyện. Còn từ 2 tuổi trẻ sốc trường học… nên phụ huynh kết hợp hỏi han khai thác, để tìm hiểu kỹ lỗi do con hay do cô giáo.

01/12/2017 10:30

Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” ảnh 14 TS Quỳnh Giao chia sẻ: "Nhiều trường hợp giáo viên mang thước gỗ và hướng dẫn tôi cách đánh học trò. Họ đánh rất chuyên nghiệp, sáng đánh là chiều học sinh về tan vết thương".

01/12/2017 10:32

Theo luật sư Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, không ít ví dụ đau lòng trẻ tử vong tại nhà bảo mẫu vì bảo mẫu không biết sơ cứu trẻ. Đấy là chưa nói đến những bảo mẫu tính cách nóng nảy, ưa bạo lực hành hạ trẻ như vụ bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa ở Đồng Nai đánh trẻ dã man ở Đồng Nai gây xôn xao dư luận mấy năm về trước. Vấn đề là sau mỗi câu chuyện đau lòng, toàn xã hội và ngành giáo dục có tiếp tục “bình chân như vại” hay quyết liệt hành động.

Bên cạnh việc tăng chế tài xử lý các giáo viên có hành vi bạo hành trẻ nhỏ, cần rốt ráo trong việc kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề trông trẻ tư thục, loại bỏ các giáo viên không đủ điều kiện. Và cái gốc là nâng cao vị trí, vai trò của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục. Chương trình đào tạo cần khắt khe hơn, chuẩn mực hơn.

Mở thêm các trường mầm non công lập, tăng biên chế, tăng lương cho giáo viên mầm non để họ có thể yên tâm với nghề, không nhấp nhổm nay làm việc này, mai làm việc khác. Và cuối cùng, tất cả mọi người hãy giám sát các cơ sở nuôi dạy trẻ nhiều hơn. Không có một hành vi bạo hành trẻ em nào được bỏ qua, tha thứ.

Mỗi vụ việc được phát hiện, hãy nhanh chóng đưa ra dư luận để cộng đồng lên án, cơ quan chức năng vào cuộc. Camera có thể gắn ở mỗi lớp học, nhưng điều đó là chưa đủ, các bậc phụ huynh và toàn xã hội cũng là những chiếc camera sát sao công việc của từng giáo viên mầm non. Chỉ có như vậy, những con sâu làm rầu nồi canh mới được loại bỏ hoàn toàn, và chúng ta mới có thể bảo vệ con em mình khỏi nạn bạo hành ở trường mầm non.

01/12/2017 10:42

Còn theo bà Thu Hà- Hiệu trưởng trường mầm non Tesla: Đối với một số trường tuyển cô giáo không có bằng cấp, có nơi thậm chí còn thuê mướn người có trình độ thấp để trả lương thấp. Kể cả sinh viên mới ra trường, dù có nền tảng nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế cũng dễ dẫn đến hành vi bạo hành trẻ.

Bất cứ một môi trường, trung tâm nào có giấy phép thì nên hỗ trợ cho các em mới ra trường còn thiếu kinh nghiệm, cọ xát thực thực tế để kiểm soát được mình, bởi tuổi trẻ mầm non là tinh nghịch và khám phá. Nhưng tất cả đều có phương pháp dạy dỗ.

"Tôi mong muốn giáo viên mới sẽ có được sự dìu dắt của người đi trước, tích lũy được kinh nghiệm từ trên ghế nhà trường, chứ không nên đổ lỗi cho bất kỳ nguyên nhân nào để dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ" - bà Thu Hà kỳ vọng

01/12/2017 10:43

Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” ảnh 15 "Tôi mong muốn giáo viên mới sẽ có được sự dìu dắt của người đi trước, tích lũy được kinh nghiệm từ trên ghế nhà trường, chứ không nên đổ lỗi cho bất kỳ nguyên nhân nào để dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ" - bà Thu Hà kỳ vọng.

01/12/2017 10:48

CLIP Ông Hoàng Hữu Lượng - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sài Gòn: "Không thể chấp nhận bất cứ biện minh nào về bảo hành trẻ mầm non".

01/12/2017 10:49

Trước câu hỏi của bạn đọc báo Tiền Phong hỏi: Nếu trẻ bị bạo hành trong một thời gian dài, sẽ dẫn đến hậu quả gì đối với trẻ? TS Quỳnh Dao cho biết: Về mặt thể xác, có thể gây những thương tật nghiêm trọng như LS Nữ đã có trình bày, nhưng xét về góc độ tâm lí, có thể ngay bây giờ chúng ta vẫn chưa nhìn thấy được, mà hậu quả có thể diễn ra trong thời gian dài sau khi trẻ trưởng thành. 

Trẻ bị bạo hành trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách, hành vi, trẻ dễ mang tính cách hung hăng, không biết chia sẻ, đồng cảm trong cuộc sống. Trẻ cũng sẽ rơi vào stress, ám ảnh, về sức khỏe dễ gặp những bệnh về tâm lí thần kinh, thậm chí là động kinh. Tôi lấy ví dụ thực tế về một đứa trẻ từng bị bạo hành ở cha, chứng kiến tận mắt cha bạo hành mẹ, khi con trai lớn lên, xảy ra một xung đột với cha thì đứa trẻ này sẽ bạo hành lại cha mình.

Xét về góc độ tâm lí, việc trẻ chứng kiến bạo hành sẽ bị kích động tâm lí, để lại trong trẻ những thù hận, căm giận, khi trẻ đủ sức phản kháng, trẻ sẽ vùng dậy, bản năng phòng vệ của con người dâng cao, thì sẽ không còn quan tâm đến đạo lí, quy tắc. Việc trẻ bị bạo hành trong thời gian dài sẽ để lại những cú sốc tâm lí ảnh hưởng nặng nề về sau.

01/12/2017 10:51

Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” ảnh 16 TS Quỳnh Dao: " Trẻ bị bạo hành trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách, hành vi, trẻ dễ mang tính cách hung hăng, không biết chia sẻ, đồng cảm trong cuộc sống".

01/12/2017 10:55

Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” ảnh 17

01/12/2017 10:57

Cô giáo từng dạy trẻ mầm non Nguyễn Như Ngọc chia sẻ: “Là giáo viên mầm non nhưng nhiều lý do nên nghỉ từ tháng 8 vừa. Qua những vụ bạo hành thời gian qua, mình xin nhắn nhủ đến các cô giáo dạy trẻ sau này, nếu như cảm thấy công việc kiếm tiền thì nên kiếm việc khác. Trẻ đi mầm non xa cha, xa mẹ rất tội vì không gần nhà. Hồi còn đi dạy, mình cũng nhận ra rằng, dạy trẻ tốt hay không không phải là trường công hay tư, tất cả đều do con người, do giáo viên. Video báo chí phản ánh viên trường mầm xanh thật sự bản thân không can đảm xem hết. Giáo viên đó gần như cố tình gây sự để thỏa mãn việc bạo hành. Ngoài ra, tâm lý cô giáo đó không ổn định, đánh trẻ vô căn cứ. Mình chỉ khuyên các bạn yêu trẻ thì tiếp tục, còn dạy để kiếm tiền thì nên tìm nghề khác. Nghề dạy trẻ lương rất eo hẹp, nhưng rất áp lực”.

01/12/2017 10:58

Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” ảnh 18

Chị Nguyễn Như Ngọc- nguyên giáo viên Trường mầm non Tam Phú, quận Thủ Đức chia sẻ tại buổi tọa đàm.

01/12/2017 11:00

Chia sẻ về việc đào tạo giáo viên mầm non tại trường ĐH Sư phạm Sài Gòn, TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao cho biết, khoa Giáo dục mầm non là đơn vị đào tạo giáo viên mầm non có truyền thống và uy tín. Chúng tôi đã từng suy nghĩ sẽ tái cấu trúc, có khâu sàng lọc ngay từ đầu bằng cách cho các sinh viên làm quen thực tế với công tác dạy trẻ ở các trường mầm non ngay từ đầu, chứ không phải chờ đến năm 3, năm 4 mới cho đến trường mầm non thực tập. Chúng tôi luôn cố gắng làm tốt công tác, luôn trăn trở làm sao có giải pháp giảm thiểu, không còn nạn bạo hành với trẻ mầm non.

Tôi cho rằng, nguyên nhân cơ bản nằm ngay trong chính con người chúng ta: đó là vấn đề tâm lý. Bởi 5h sáng đã đến trường, làm việc với hàng chục trẻ, 5 -6h chiều mới về, rồi còn chuyện gia đình, con cái. Trong khi lương mầm non không cao. Nếu để tình trạng này diễn ra lâu thì rất dễ dẫn đến stress. Nhiều cô mắc bệnh tâm lý "thích hành hạ người khác. Mà người bị hành hạ là chính người thân của họ. Chúng ta chỉ mới quan tâm đến lương mà chưa quan tâm đến hoạt động tình thần của trẻ. Nhiều trường công lập cũng chỉ yêu cầu đến đúng giờ chứ có rất ít hoạt động xả stress. Theo tôi, điều các nhà quản lý quan tâm là sức khỏe tinh thần của giáo viên mầm non chứ không chỉ là vấn đề lương, thưởng - bà Quỳnh Dao bày tỏ.

01/12/2017 11:04

CLIP Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ : "Sau mỗi vụ bạo hành, giới công quyền có xử lý triệt để hay không, những nơi đào tạo giáo viên có chất lượng hay không, xã hội cùng vào cuộc,  ngoài camera có thể gắn giám sát ở nơi dạy trẻ thì mọi người xung quanh cũng là tai mắt để bảo vệ trẻ."

01/12/2017 11:09

Một khách mời đặt vấn đề: Thực tế vấn đề trẻ bị bạo hành có một phần trách nhiệm chính từ việc buông lỏng từ chính quyền địa phương, LS Nữ nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Theo chúng tôi, khi 1 nhà trẻ hoặc 1 trường tư thục được thành lập, điều quan trọng nhất được đặt lên trên là quản lí, phải coi gốc rễ ở đâu, ai sẽ quản lí. Phải nhìn nhận rằng 1 khi đã cấp phép hoạt động phải chịu trách nhiệm cả về quản lí, ví dụ song song với việc gắn camera phải phân công tổ giám sát camera đó, không nên để tình trạng mỗi khi có vụ việc đáng tiếc xảy ra mới bắt đầu kiểm tra, theo dõi. Chúng tôi đau xót khi nhìn thấy những trường hợp trẻ bị bạo hành. Tình trạng này đem lại những vết thương lớn trong tâm hồn và sự phát triển của trẻ. Đạo đức của giáo viên mầm non ở đâu khi dã man bạo hành như vậy? Những nhà quản lí nên thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn đọng, ngăn chặn và giải quyết dứt điểm những tình trạng trên.

01/12/2017 11:11

Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” ảnh 19 Một đại biểu tham dự tọa đàm đặt câu hỏi cho các vị khách mời.

01/12/2017 11:12

Trước trăn trở của một cán bộ công tác trong lĩnh vực xã hội, LS Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng đúng rằng nếu vụ việc bạo hành ở Gò Vấp được xử lí triệt để, mạnh tay sẽ không có vụ việc Mầm Xanh khiến dư luận phẫn nộ đến như vậy. Điều 110 BLHS hành hạ người khác, phạt tù từ 1-3 năm đối với những hành vi tương tự, thế nhưng chúng tôi sẽ đề nghị xử tăng nặng hơn mức phạt vì các bảo mẫu này dùng hung khí hành hung trẻ. Chúng tôi không thể chấp nhận hình ảnh đau lòng như vậy, bây giờ không còn nước mắt để rớt nữa khi xem những clip trẻ bị bạo hành. Cần xem lại đạo đức của giáo viên mầm non và cả đạo đức của xã hội, tại sao những hành vi bạo hành cứ nhan nhản tiếp diễn đến vậy?

01/12/2017 11:13

Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” ảnh 20

01/12/2017 11:24

Một bạn sinh viên năm 4 Khoa Giáo dục mầm non Trường ĐH Sài Gòn hỏi: Áp lực giáo viên mầm non về thời gian rất nhiều. Vì sao không có cách giải quyết áp lực này. Mỗi ngày 10 tiếng thì khó có thể chịu nổi, rất khó tránh khỏi stress.Thực tế, một lớp có 3 cô, mà cả 3 cô đều bạo hành, có phải là bạo hành cũng bị "lây lan"? Nếu vậy thì trẻ biết hỏi ai, cầu cứu ai? Một sinh viên khác ở Khoa Tâm lý hỏi: Khi giáo viên mầm non phải chịu quá nhiều áp lực thì có chuyên gia để giúp học giải tỏa stress này không?

Trả lời câu hỏi của các bạn sinh viên, TS Quỳnh Dao cho rằng, ở những trường có cách quản lý, giáo dục tốt cũng là môi trường giảm áp lực cho giáo viên mầm non. Còn về tính "bạo lực" có lây không? Chúng tôi đang tạo cho các bạn một kháng thể, để chống lại điều ác, điều xấu. Thấy ở bất kỳ ở nơi nào có điều xấu thì phải chống lại, đừng để nó lây nhiễm đến chúng ta. Còn việc giáo viên mầm non có cần chuyên gia tâm lý không? Nếu bạn thấy dạo này bị stress quá thì các bạn nên tìm đến các chuyên gia tâm lý một cách chủ động, chứ đừng chờ trường có giáo viên thì mới đến. Nhà Văn hóa phụ nữ TPHCM có khoa tư vấn tâm lý miễn phí, các bạn nên tìm đến.

Trong khi đó, bà Phan Thị Thu Hà- Hiệu trưởng Trường mầm non Tesla khuyên đừng để hành vi nóng giận thành quá trình, tích tụ từ ngày này qua ngày khác để rồi không kiểm soát được hành vi của mình. Hãy tìm cách tháo gỡ ngay, đừng để bị stress trầm trọng. Mong các bạn cảm thấy nghề giáo viên mầm non phải thực sự yêu nghề, có một công việc yêu thích trong tương lai.

Còn cô giáo Như Ngọc cho rằng trong lớp mầm non thường có 2- 3 cô, nếu thấy người làm chung sắp có dấu hiệu "bạo hành" thì nên khuyên họ ra ngoài đi một vòng, khi đó tự nhiên tâm lý sẽ được giải tỏa.

Nếu mình thấy bạn, người làm chung với mình đang nóng tính thì nên bảo họ ra ngoài, thư giãn hít thở, đừng để xảy ra những hành động đáng tiếc cho trẻ. Trường hợp nếu cô giáo không có thời gian gặp chuyên gia tâm lý thì các cô cũng có thể chia sẻ, tự giải tỏa cho nhau để làm công việc tốt hơn.

01/12/2017 11:25

Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” ảnh 21

01/12/2017 11:28

Buổi toạ đàm: "Bạo hành trẻ mầm non- Vì đâu nên nỗi!" diễn ra sôi nổi với hàng loat câu hỏi của bạn đọc. Tuy nhiên, trong thời gian có hạn, nhiều câu hỏi của bạn đọc sẽ được các chuyên gia trả lời qua email: tienphongdaidiensg@gmail.com

Kéo dài hơn dự kiến, lúc 11g30, buổi tọa đàm kết thúc thành công. Báo Tiền Phong xin cám ơn đại diện Trường ĐH Sài Gòn, Hệ thống trường mầm non Tesla cùng các chuyên gia và bạn đọc.

01/12/2017 11:30

Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” ảnh 22 BTC buổi tọa đàm chụp ảnh kỷ niệm cùng các vị khách mời
MỚI - NÓNG