Tốc độ mở trường ĐH còn tăng

Tốc độ mở trường ĐH còn tăng
TP - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, năm nay thí sinh có khả năng trúng tuyển cao hơn và tốc độ mở trường ĐH sẽ còn tăng hơn nữa.

> Điểm chuẩn ĐH Thương Mại thấp nhất 16,5

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi văn Ga
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi văn Ga.
 

Dư luận cho rằng năm nay nhiều trường sẽ khó tuyển đủ thí sinh, thậm chí, có nhiều trường sẽ phải đóng cửa. Vậy Bộ GD&ĐT có giải pháp đặc biệt nào không?

Với mức điểm sàn (ĐS) thế này, Bộ đã tính toán mức độ dư dôi rất lớn giữa số lượng thí sinh thiếu và số lượng thí sinh thừa. Ví dụ, với khối A có mức dư thí sinh là 1,6 lần so với số thiếu. Khối B có số dư trên số thiếu là 21 lần (năm trước chỉ có 8 lần).

Các khối C và D có số lượng dư tương đương năm trước. Nếu không trúng tuyển ở các thành phố lớn, thí sinh quay về học ở các trường địa phương ở Tây Bắc hoặc Đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy, số lượng thí sinh cho các vùng này cũng còn dư rất nhiều.

Tại sao mọi năm số dư thí sinh cũng vẫn nhiều nhưng các trường vẫn không tuyển đủ thí sinh và có trường đứng trước nguy cơ đóng cửa?

Những năm trước, thí sinh không được rút hồ sơ, nộp một lần là chết luôn. Năm nay, thí sinh có khả năng trúng tuyển cao hơn. Còn lại, nếu còn chỉ tiêu nhưng thí sinh không nộp đơn vào trường thì chứng tỏ sức hút của trường đó đối với xã hội chưa cao, chất lượng của trường đó chưa có uy tín.

Điều này có ảnh hưởng gì đến việc ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục cho mở các trường ĐH địa phương, ĐH dân lập mới hay không?

Việc mở trường là thực hiện Quyết định 121 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch trường. Bộ GD&ĐT đang triển khai thực hiện quyết định này. Vì vậy, nếu các trường đủ điều kiện, đảm bảo đúng quy trình thành lập thì vẫn được thành lập để đảm bảo đến năm 2020 có 450 sinh viên/10.000 dân.

Như vậy, số trường ĐH sẽ nhiều gấp đôi so với hiện nay và tốc độ mở trường sẽ còn tăng hơn nữa. Tuy nhiên, các trường cũng cần hiểu một điều: tuyển sinh không đơn giản, đòi hỏi trường phải có chất lượng và có uy tín.

Các trường phải tự đảm bảo chất lượng để tồn tại, nếu không, sẽ tự triệt tiêu. Về mặt quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục khống chế chất lượng bằng ĐS, dưới ngưỡng đó thí sinh không thể học ĐH!

Hồ Thu thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG