'Tối hậu thư' cho các trường quy định điểm sàn thấp

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng
TPO - Đến hạn cuối cùng các trường phải công bố mức điểm sàn chính thức (18/7), nếu vẫn còn trường công bố mức điểm sàn quá thấp, Bộ sẽ thanh tra, kiểm tra toàn diện điều kiện đảm bảo chất lượng của trường. Nếu các điều kiện chất lượng không đảm bảo, Bộ sẽ yêu cầu giảm chỉ tiêu tuyển sinh hoặc dừng tuyển sinh... theo đúng quy định.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Tiền Phong vào chiều tối qua, 16/7 về vấn đề điểm sàn năm 2018.

Bà Phụng nói:

Trước hết, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, gọi ngắn gọn là điểm sàn là một trong các yếu tố phản ánh chất lượng đầu vào của quá trình đào tạo, là một trong các điều kiện của chất lượng GDĐH.

Tuy nhiên, điểm thi hay điểm sàn của từng năm còn phản ánh tương quan chất lượng giữa các thí sinh trong điều kiện của đề thi của năm đó. Đề thi năm nay chú trọng hơn đến tính phân loại, đảm bảo công bằng cho các thí sinh trong khâu xét tuyển đại học là một trong hai mục đích của kỳ thi nên nhìn chung, mặt bằng điểm thi nói chung và mặt bằng điểm sàn nói riêng của năm nay sẽ thấp hơn năm trước.

Theo lộ trình, năm 2018, Bộ GD&ĐT không xác định điểm sàn như các năm trước để tăng tính tự chủ cho các trường. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn theo dõi sát tình hình xác định điểm sàn tại các trường.

Hiện nay, một số trường ĐH đã công bố điểm sàn. Trong đó, có một số trường điểm sàn rất thấp, 11, 12 điểm. Xin bà cho biết quan điểm của Bộ GD&ĐT về vấn đề này?

Đối với các trường dự kiến mức điểm sàn quá thấp, lo ngại không đảm bảo chất lượng, Bộ đã và sẽ trao đổi trực tiếp để khuyến cáo các trường xem xét lại chính sách chất lượng đầu vào, khuyến cáo không nên đưa ra mức sàn thấp sẽ ảnh hưởng đến uy tín của trường và chất lượng đào tạo chung của cả hệ thống.

Đến hạn cuối cùng các trường phải công bố mức điểm sàn chính thức (18/7), nếu vẫn còn trường công bố mức điểm sàn quá thấp, Bộ sẽ thanh tra, kiểm tra toàn diện điều kiện đảm bảo chất lượng của trường. Nếu các điều kiện chất lượng không đảm bảo, Bộ sẽ yêu cầu giảm chỉ tiêu tuyển sinh hoặc dừng tuyển sinh... theo đúng quy định.

Các thông tin về điểm sàn, các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường, tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp, kết quả kiểm tra, thanh tra... sẽ được công khai rộng rãi để xã hội giám sát và các thí sinh có thông tin lựa chọn các trường đảm bảo chất lượng để theo học.

Năm 2017, chúng ta cũng đã bàn rất nhiều câu chuyện bỏ điểm sàn năm 2018. Nhiều người lo ngại tình trạng “vét” thí sinh của các trường ngoài công lập. Bộ GD&ĐT không phải không biết điều này. Những giải pháp đưa ra hiện nay mang tính giải quyết vụ việc. Tại sao chúng ta không có một chính sách khả thi để có thể dung hòa được hai mục tiêu: tự chủ - chất lượng trong giáo dục ĐH?

Chủ trương chuyển quyền quy định điểm sàn cho các trường để phù hợp với yêu cầu của từng ngành đào tạo và chính sách chất lượng của từng trường, tạo điều kiện cho các trường chất lượng cao chủ động xây dựng thương hiệu, uy tín của mình… kết hợp với việc quy định rõ và yêu cầu công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng về giảng viên, cơ sở vật chất, mức chi phí đơn vị và việc làm sau khi học; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm và công khai thông tin về kết quả thanh kiểm tra… chính là sự “dung hoà” giữa quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình và yêu cầu đảm bảo chất lượng trong GDĐH.

Trong thời gian đầu, khi một số trường chưa chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo chất lượng, chưa xây dựng được thương hiệu, uy tín của mình; khi hệ thống chưa rõ nét về phân tầng chất lượng; khi một số người học còn chưa có thói quen tìm hiểu kỹ, so sánh thông tin trước khi quyết định chọn ngành và trường theo học, tìm hiểu cơ hội việc làm sau khi học; một số cơ quan tuyển dụng còn chưa đánh giá thực chất năng lực của người lao động… thì còn phải chấp nhận giải quyết một số vụ việc có tính chất tình thế.

Sau một thời gian nhất định, dần dần, các bên liên quan chắc chắn sẽ hiểu rõ hơn về việc chỉ có con đường cạnh tranh để nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao năng lực làm việc của người học thì mới có thể tồn tại và phát triển bền vững. Dần dần, việc thực hiện chính sách chất lượng đào tạo, việc chọn trường có chất lượng, chọn người học, người lao động có năng lực thực chất… sẽ không còn là việc của cơ quan quản lý nhà nước, là nỗi lo lắng của xã hội… nữa mà sẽ dần trở thành yêu cầu tự thân của các bên liên quan.

Tuy nhiên, nếu không có giai đoạn khởi đầu ngay từ khi nhiều điều kiện còn chưa thực sự đảm bảo như hiện nay thì sẽ không thể tiến tới những bước phát triển cao hơn là để các trường tự định hướng cho sự phát triển của mình, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho chất lượng đào tạo phù hợp với quy định của pháp luật; phát huy sự năng động, sáng tạo, thực hiện các giải pháp cạnh tranh để nâng cao chất lượng; qua đó, làm cho cả hệ thống GDĐH phát triển như ở nhiều nước tiên tiến khác.

Xin cảm ơn bà!

Trước đó, như Tiền Phong đã đưa tin, một số trường ĐH đưa ra mức điểm sàn chỉ từ 10, 11 hay 12 điểm. Ví dụ như trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, 29/31 ngành của trường có điểm sàn là 12 điểm, hai ngành còn lại là Răng hàm mặt điểm sàn 18 và Dược học điểm sàn 13.

MỚI - NÓNG