“Tôi học được nhiều ở học trò”

“Tôi học được nhiều ở học trò”
TP - Tiền phong có bài “Ngọn lửa đam mê đã được thắp lên như thế”, bàn về phương pháp và nhiệt tình dạy học của thầy Đặng  Thuyên và Trần Đồng Minh. Mới đây, thầy Trần Đồng Minh có bài viết gửi báo Tiền phong.

Thông thường, trò học ở thầy nhưng không ít khi thầy cũng học được ở trò. Nghiệm trong gần bốn mươi năm gắn với nghề nghiệp dạy học, trải qua nhiều trường từ miền núi đến miền xuôi, từ thành thị đến nông thôn, từ Thủ đô Hà Nội đến TP HCM, tôi đã thu nhận được ở lớp lớp học trò những bài học cần thiết và thú vị.

Trước hết, tôi học được sự phấn đấu bền bỉ, can đảm của các em. Từ đầu những năm 60 thế kỷ trước, Lê Việt Điền, Trần Ngọc Tùng là học sinh giỏi, ngoan, chơi thể thao rất cừ của trường phổ thông cấp 3 Điện Biên - Tây Bắc (lúc bấy giờ ghép chung với cấp 2 thành trường phổ thông cấp 2,3 mà chỉ có 4 lớp). Tôi chủ nhiệm lớp cấp 3 đầu tiên của trường và rất kỳ vọng ở các em như Điền, như Tùng...

Không may, các em vướng cái rào cản của lý lịch (lúc đó nặng nề lắm). Tưởng các em chùn bước. Nhưng không, các em đã vượt nhiều gian khổ, chẳng quản lao động chân tay kiếm sống, không ngừng vươn lên, làm cán bộ tốt của ngành Lâm nghiệp, Văn hóa quần chúng, tạo dựng gia đình nề nếp, lành mạnh.

Lại có em nhà nghèo mà giàu nghị lực như em Rêu, một mình rời quê Thái Bình lên Điện Biên tự lực mọi việc. Vừa học vừa vào rừng kiếm củi nuôi thân, được thầy, bạn hỗ trơ, sau này Rêu đã thành đạt sau này.

Tôi cũng không thể quên những Cẩm Thanh, Nam An, Quỳnh Chi… - học sinh TPHCM. Trần Cẩm Thanh đang học Amsterdam Hà Nội thì chuyển vào  Nam. Khi đó gia đình Thanh đang gặp cảnh éo le, có phần bi đát.

Rồi Thanh bình tĩnh, trụ lại, góp phần dìu dắt hai em gái học hành. Bằng chính năng lực, sự kiên trì của mình, Thanh đã tốt nghiệp Đại học Harvard (Mỹ).

Còn Nam An lại là nam sinh ham tiến thủ. Đã đạt được hai bằng đại học về Luật và Sư phạm, đã đi làm, rồi đã có vợ con, Nam An lại vẫn quyết thi vào Trường Đại học Mỹ thuật để thỏa ước vọng hằng ôm ấp. Nguyễn Phan Nam An đã đỗ thủ khoa Đại học Mỹ thuật, sau đó liên tục nhiều năm học giỏi, vẽ giỏi, được bạn bè mến phục.

Trước ngày thầy trò xa nhau, Nam An đã vẽ tặng tôi bức chân dung sơn dầu to bằng người thật. Tôi treo bức tranh lưu giữ kỷ niệm tình nghĩa không phai.

Quỳnh Chi, cô chị cả trong gia đình đông con đã gắng sức giành hai tấm bằng Đại học Khoa học xã hội nhân văn, Đại học Ngoại thương nhưng chưa chịu dừng lại. Quỳnh Chi kiếm được học bổng sang Mỹ học Quản trị kinh doanh, rồi áo gấm hồi hương.

Không hiếm trường hợp tôi học được ở học sinh về kiến thức văn chương. Là giáo viên văn mỗi lần chấm bài, bắt gặp câu hay, ý tốt, bài viết giỏi, tôi lại thấy lâng lâng, vui sướng và tâm trí thêm sáng ra.

Đôi khi lắng nghe các em phát biểu, thuyết trình trên lớp, tôi lại bổ sung được thêm cho giáo án của mình. Sự thực có những em đưa ra ý tưởng mà các thầy cũng không có nổi.

Lại có em giúp cho tôi những phát hiện mới, bất ngờ. Khi tôi góp tay soạn sách giáo khoa lớp 10 cải cách, đụng đến “Cây chuối” của cụ Nguyễn Trãi, tôi đinh ninh, Ức Trai là người đầu tiên nhìn đọt chuối cuốn lại như phong thư trong câu thơ “Tình thư một bức phong còn kín”.

Một em học sinh (nay là giảng dạy Đại học sư phạm) cho tôi biết rằng, đời Đường (Trung Quốc), nhà thơ Trương Nhược Hư đã từng ví lá chuối non như bức thư xanh.

Thế là tôi nhận thức lại rằng, Ức Trai là nhà thơ đầu tiên ví đọt chuối xanh như một phong thư tình. Thơ nôm cụ Nguyễn Trãi của chúng ta trẻ trung và  trữ tình là như vậy. Thích thú biết chừng nào!

Tôi đã dạy và học như thế trong suốt cuộc đời.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.