Tôi mong xã hội có nhiều sáng kiến tôn vinh người thầy

Tôi mong xã hội có nhiều sáng kiến tôn vinh người thầy
TP - Sau khi đọc loạt bài về mối quan hệ thầy - trò - phụ huynh vào dịp 20/11, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân rất tâm đắc và đã dành cho Tiền phong một cuộc trò chuyện.
Tôi mong xã hội có nhiều sáng kiến tôn vinh người thầy ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cùng các em học sinh

Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng đề án từng bước nâng cao thu nhập của giáo viên để trình Chính phủ năm 2007. Phải có lộ trình để làm sao giáo viên thực sự sống được bằng nghề...

Bộ trưởng nghĩ thế nào về việc nhiều bậc cha mẹ học sinh cho rằng cần phải tặng quà, thậm chí tiền cho GV đang dạy con em mình nhân ngày 20/11?

Thái độ trân trọng, biết ơn những người có công dạy dỗ, dìu dắt con em mình là một nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam. Khi đã có tình cảm chân thành thì họ mong muốn có cách biểu lộ phù hợp.

Theo tôi, điều đó hoàn toàn chính đáng. Bản thân tôi - đã từng là học sinh, sinh viên - vẫn đến thăm thầy cô cũ của mình khi có điều kiện dù không phải là ngày 20/11. Việc có một ngày như ngày 20/11 để cả xã hội tập trung thể hiện tình cảm, mối quan tâm tới người thầy là, một truyền thống quý của xã hội Việt Nam.

Vấn đề là phụ huynh phải có cách thể hiện để con em họ thấy được đó là sự trân trọng chứ không phải là cha mẹ mình tạo điều kiện cho mình được ưu đãi không xứng đáng trong học tập. Theo tôi, phụ huynh phải xem đây là một cơ hội giáo dục con em mình.

Hình thức biểu lộ sự trân trọng đó bằng gì không quan trọng, điều quan trọng nhất là thái độ của người tặng. Hồi tôi còn dạy ở trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, có một lần ngày 20/11 các em SV tặng tôi một tấm bưu thiếp rất to, trên đó là ảnh và chữ ký của các em. Tôi đã giữ mãi tấm bưu thiếp đó. Cái quý là ở chỗ các em đã bỏ công sức ra để làm tấm bưu thiếp tặng tôi- điều không tiền bạc nào mua được.

Tùy hoàn cảnh mà ứng xử. Người ta có thể mua quà tặng, 1 cái phích nước chẳng hạn. Hoặc nếu trong gia đình thầy cô có người già, trẻ con thì có thể biếu một ít cam. Nhưng nếu ai cũng tặng cam thì thầy cô có 1 nhà cam, hoặc có đến 10 cái phích thì cũng... buồn cười!

Biếu thầy cô một ít tiền thì không có gì phải ngại nếu như thật sự xuất phát từ tấm lòng. Tuy nhiên, cả phụ huynh cũng như thầy cô phải nhận thức được, nên thể hiện ở mức độ nào.

Nhận quà mà không thấy vui, chịu một áp lực phải làm gì đó có lợi cho con của người tặng thì còn tư cách nào mà dám đứng trên bục giảng nhìn thẳng vào học trò…

Tôi mong xã hội có nhiều sáng kiến tôn vinh người thầy ảnh 2
Chúng em kính thầy cô nhân ngày 20/11

Suy nghĩ, nhận thức của mỗi GV một khác? Theo Bộ trưởng, cần phải làm thế nào để mỗi GV đều có ý thức về vị trí người thầy của mình trong xã hội?

Bấy lâu nay, cách thể hiện lòng biết ơn thầy cô giáo của phụ huynh, học sinh có nơi có phần lệch lạc. Theo tôi, đã đến lúc cần phải tìm giải pháp để uốn nắn, chỉnh sửa thói quen không tốt.

Có lẽ, cần có sự bàn thảo rộng rãi trong dư luận xã hội, trong HS, GV và phụ huynh về vấn đề này. GV và HS nên trao đổi để làm sao có ngày 20/11 sâu sắc hơn, ấm cúng hơn.

Chẳng hạn như việc tổ chức lễ 20/11, thông thường các trường các thầy cô thiết kế sẵn, HS chỉ việc tham gia (và bắt buộc phải tham gia). Bây giờ, phải chăng nên để chính HS đưa ra sáng kiến, GV và nhà trường tư vấn và hỗ trợ?

Tuổi trẻ thì nhiều sáng kiến lắm. Tập thể phụ huynh cũng nên bàn bạc để làm sao vừa tỏ được sự biết ơn thầy cô, vừa không biến mối quan hệ thành việc đổi chác.

Mặt khác, tôi mong báo chí cũng như dư luận xã hội đưa ra nhiều sáng kiến tôn vinh người thầy. Tôi tin, nếu có sự đồng thuận của xã hội thì sau vài ba năm nữa ngày 20/11 của chúng ta sẽ có phong thái mới.

Nhiều ý kiến cho rằng, thói quen tặng và nhận  quà, tiền trong ngày 20/11 xuất phát từ một thực tế là đời sống GV quá khó khăn, phụ huynh muốn phần nào giúp các thầy cô cải thiện cuộc sống. Để có được không khí lành mạnh cho ngày 20/11, cần phải giải quyết từ khâu đời sống cho GV. Bộ trưởng nghĩ sao?

Trước năm 1975, khi tôi còn sống và đi học ở miền Bắc, cuộc sống rất khó khăn. Nhưng chẳng ai nghĩ tới việc đưa tiền cho thầy cô cả mà vẫn có cách thể hiện khiến thầy cô thấy mình được tôn vinh.

Còn chuyện đời sống của GV, đó là một trong những mối bận tâm lớn nhất hiện nay của tôi. Trước khi ra Hà Nội nhận nhiệm vụ tôi có đi thăm 6 trường (đủ mọi cấp học, bậc học) trong TP Hồ Chí Minh. Cả 6 nơi đó, GV đều đề nghị Nhà nước quan tâm tới thu nhập của thầy cô giáo.

 "Mấy ngày qua, đọc báo Tiền phong tôi rất quan tâm tới những ý kiến đóng góp xây dựng đổi mới cách ứng xử vào ngày 20/11.

Tiền phong là tờ báo của tuổi trẻ, khích lệ tuổi trẻ tinh thần anh dũng tiến lên trên mọi mặt trận xây dựng Tổ quốc. Thay đổi một thói quen không tốt, một quan niệm lệch lạc cũng cần phải dũng cảm"

Lúc đó tôi thấy phải suy nghĩ. Đất nước đổi mới đã 20 năm. Trong 20 năm đó tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục đạt trên 7%, GDP ngày càng tăng. Về mặt nguyên tắc, nếu sắp xếp tốt thì có điều kiện tăng thu nhập cho GV. Nhưng tăng thế nào?

Tôi đã bàn  trong lãnh đạo Bộ GD&ĐT về việc xây dựng một đề án từng bước nâng cao thu nhập của thầy cô giáo để trình Thủ tướng vào tháng 5/2007.

Phải có một lộ trình làm sao không gây quá tải với ngân sách, và đến một lúc nào đó mỗi thầy cô giáo có thể tự nói rằng thu nhập của tôi đủ sống với tư cách thầy cô giáo, không phải làm gì thêm ngoài nghề này nữa, không phải dạy thêm vì vấn đề thu nhập nữa, và cả chuyện không phải chờ bổng lộc.

Các cơ quan quản lý nhà nước khi đã xác định vị trí của giáo dục trong thời kỳ mới thì cũng cần thể hiện bằng việc quan tâm tới đời sống của thầy cô giáo. Hy vọng khi có đề án đó thì được xã hội ủng hộ.

Cảm ơn Bộ trưởng.

MỚI - NÓNG