Tôi thường xuyên cho các bạn LHS 322 mượn tiền

Tôi thường xuyên cho các bạn LHS 322 mượn tiền
TPO - Tôi đọc ý kiến của bạn Trần Thanh - du học sinh tự túc mà thấy cách lập luận của bạn hoàn toàn không thể chấp nhận được. Tôi là người theo học theo học bổng AUSAID với mức tiền SHP được cấp là 1500 $/tháng.

Trước hết tôi khẳng định rằng, mức này bảo đảm cho tôi yên tâm học tập, thuê nhà và không phụ thuộc vào các biến động khác như tỷ giá mà các LHS 322 mà tôi được biết hay gặp phải.

Mặt khác, mức này cũng chưa phải là nhiều, bởi lẽ, có các bạn dành được học bổng của trường, mức được cấp là từ 1800-2500$/tháng, ngoài ra, có dự án của LHS là người của một Bộ tại Việt Nam đi học, được nhận SHP là 3000$/tháng. Tôi nêu ra mức này để nói rằng, mức SHP mà LHS 322 được nhận là quá thấp.

Bản thân tôi từng thường xuyên cho các bạn LHS 322 mượn tiền khi dự án của họ chuyển muộn, tôi hiểu quá rõ vấn đề này. Tôi được biết, tất cả các LHS đi học, do mức tiền của nhà nước cấp không đủ, nên có tình trạng, ai cũng phải đi vay mượn tiền để đủ yêu cầu chứng minh tài chính ở mức mà ĐSQ Úc tại Việt Nam quy định phải có tối thiểu là 1200$/tháng khi sinh sống và học tập tại Úc.

Quy định này là bắt buộc với mỗi du học sinh đi học tại Úc, vì đây là mức tối thiểu để bảo đảm các điều kiện sống tại Úc. Như vậy, với mức SHP cấp cho đối tượng AUSAID, trường của Úc với LHS Việt Nam, thì không phải họ thừa tiền để cho chúng ta làm giầu, mà quan trọng nhất là họ bào đảm rằng, người đi học phải chuyên tâm vào chuyện học hành, chứ không phải là chuyên tâm lo đi kiếm việc làm thêm, hay làm những công việc không có liên quan gì đến chuyên môn cả (phụ bếp, rửa bát, bán hoa quả, chạy bàn...).

Trở lại với chuyện ăn ở của du học sinh, Tôi được biết, có những du học sinh sang học diện tự túc, có người gia đình lo đủ tiền học phí và ăn ở, nhưng cũng có nhiều người, gia đình chỉ lo được phần nào đó, còn lại, họ phải tự mình kiếm thêm để tồn tại.

Đa phần đối tượng này học ĐH, có thời gian đi làm mùa hè, làm thứ bảy, chủ nhật. Nhưng đi làm cũng có cái giá của nó, làm nhiều thì không có thời gian học tập, điểm kém, phải thi lại, thậm chí phải học lại, kéo dài thời gian học tập, tốn kém của cả gia đình và chính bản thân họ.

Về đi làm, không phải ai cũng kiếm ra việc nhất là LHS học theo diện 322, họ phải cạnh tranh với nhau, đi làm xa, làm cho chủ Việt kiều (không có bất cứ quyền lợi gì,), lương thấp 5-8$/h, làm nhiều giờ (từ 12-14 h, chưa kể đi lại).

Và quan trọng hơn, về mặt trách nhiệm, LHS 322 phải học tốt ( do quá nhiều ràng buộc với cơ quan, nhà nước), thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu ( điều này khác hoàn toàn với đối tượng học ĐH - Undergraduate, chỉ cần thi qua, còn lại dành toàn bộ thời gian cho đi làm thêm, kiếm tiền).

Về ăn ở, Tôi được biết, LHS 322 thường chọn nơi gần trường học, để tiện việc đi lại và nghiên cứu, và đương nhiên, giá thuê nhà cao, nhưng lại an toàn và ổn định. Điều này khác hoàn toàn với việc thuê nhà bên ngoài, vừa lộn xộn, luộm thuộm, không bảo đảm sự yên tĩnh cho học tập, nghiên cứu, lại chưa kể yếu tố an ninh ( điều mà các Du học sinh tự túc hay chọn, để ưu tiên đi làm).

LHS 322 là những người chịu khó học tập, nghiên cứu và như kỳ vọng của Chính phủ thì đây sẽ là đội ngũ cán bộ KHKT tương lai của đất nước, họ cũng ý thức được điều đó và chuyên tâm học tập.

Nhưng liệu họ có thể chuyên tâm học hành không khi mà tiền thì thiếu lại hay chuyển muộn, mà đi vay thì có phải ai cũng cho vay đâu.

Sau cùng, tôi chỉ muốn nêu lên một nhận xét của Giáo sư hướng dẫn tôi và nhiều LHS 322 khác đang học tại ĐH New South Wales rằng : " Nếu như Chính phủ Việt Nam đã bỏ ra từng đấy tiền cho một LHS theo học, thì cớ gì, không cấp cho họ đủ số tiền mà họ cần phải có theo quy định của Chính phủ Úc, để họ yên tâm học tập và nghiên cứu. Tiền đầu tư như vậy sẽ có ích trong việc tạo ra đội ngũ cán bộ KHKT thực sự đủ mạnh cho đất nước."

Tôi cũng chỉ muốn nhắn thêm rằng, không có LHS nào lại muốn biến thời gian học tập quý giá này thành khoảng thời gian đi làm đầu bếp, phục vụ bàn, rửa bát, đứng bán hàng hoa quả hoặc quần áo ngoài chợ trời hay làm các công viêc linh tinh khác không có liên quan gì đến chuyên môn của họ.

Cái mà họ cần, chắc chỉ là: Đủ tiền SHP như mức quy định của Úc và chuyền tiền đúng hạn. Điều này thì Bộ Giáo dục và Bộ Tài chính hiểu rõ hơn ai hết. Vấn đề chỉ là, hãy hành động ngay, chứ không phải chần chờ, trình ký hàng năm trời như vậy.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).