Top sự kiện giáo dục nổi bật năm 2019

Top sự kiện giáo dục nổi bật năm 2019
TPO - Hàng trăm lãnh đảo, đảng viên bị kỉ luật; số giáo sư liên quan vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018: Số ứng viên được đề nghị xét giáo sư, phó giáo sư năm 2019 giảm; Ra mắt bộ sách giáo khoa lớp 1 mới...là những sự kiện giáo dục nổi bật trong năm 2019.

Công bố 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 mới

Chiều 22/11, Bộ GD&ĐT công bố 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 được lựa chọn cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, 24 cuốn của NXB Giáo dục Việt Nam.

Cụ thể, Tiếng Việt, Toán, Đạo đức mỗi môn 6 bản thảo; Tự nhiên - xã hội 5 bản thảo; Giáo dục Thể chất 4 bản thảo; Nghệ thuật (âm nhạc) 5 bản thảo; Nghệ thuật (mỹ thuật) 5 bản thảo. Hoạt động trải nghiệm 6 bản thảo. Tiếng Anh 6 bản thảo.

Sau hai vòng thẩm định của đợt đầu tiên, 38 bản thảo SGK được hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá đạt, đã bàn giao cho Bộ GD&ĐT. 11 bản thảo ở 6 môn học bị đánh giá không đạt.

Top sự kiện giáo dục nổi bật năm 2019 ảnh 1
 

Theo Bộ GD&ĐT, từ tháng 7 đến giữa tháng 10/2019, các Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 1 do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập đã đánh giá các bản thảo SGK của chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà các nhà xuất bản gửi về. Quá trình này gồm 2 vòng với quy trình tổ chức chặt chẽ, khắt khe. Theo đó, mỗi thành viên Hội đồng nhận bản thảo SGK từ ban tổ chức và nghiên cứu độc lập trong 15 ngày.

Số ứng viên được đề nghị xét giáo sư, phó giáo sư năm 2019 giảm

Trong tháng 11/2019, Hội đồng Giáo sư Nhà nước xét công nhận 424 ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư năm 2019. Theo đó, có 75 ứng viên được công nhận đạt chuẩn giáo sư (GS). Trong số này có một trường hợp đạt chuẩn GS theo hình thức đặc biệt. Có 349 ứng viên được công nhận đạt chuẩn GS.

Theo Văn phòng Hội đồng GS Nhà nước, 98 hội đồng GS cơ sở có ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS-PGS năm 2019 với 725 ứng viên, trong đó có 119 ứng viên GS, 606 ứng viên PGS.

Sau khi thẩm định hồ sơ, đánh giá ngoại ngữ, đánh giá báo cáo khoa học tổng quan, có 440 ứng viên GS, PGS (82 ứng viên GS, 358 ứng viên PGS) từ 26 hội đồng GS ngành, liên ngành được đưa vào danh sách đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2019.

Riêng HĐGS ngành Khoa học quân sự và Khoa học an ninh đề nghị 47 ứng viên (một ứng viên GS, 46 ứng viên PGS) nhưng chưa tổ chức xét tại kỳ họp lần này do chưa có hướng dẫn cụ thể theo quy chế đặc thù của cấp trên.

Trước đó, năm 2018, không thực hiện việc xét công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS. Năm 2017, cả nước có hơn 1.200 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.

Xử lý hàng trăm cán bộ, đảng viên liên quan đến gian lận thi THPT quốc gia 2018

Năm 2018, cả nước có hơn 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Sau khi Bộ Giáo dục công bố điểm thi (ngày 11/7), dư luận bất ngờ khi Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có số thí sinh đạt điểm giỏi tăng đột biến, trong khi đều là vùng trũng giáo dục. Tại Lạng Sơn, nhóm thí sinh tự do là cảnh sát cơ động có nhiều điểm khá giỏi.

Bộ Giáo dục và Bộ Công an đã thành lập các tổ công tác đến địa phương xác minh. Kết quả Hà Giang có 114 thí sinh với hơn 330 bài trắc nghiệm được nâng tổng điểm từ 1 đến 29,95. Tại Sơn La và Hòa Bình, công an xác định điểm bài thi tự luận và trắc nghiệm bị can thiệp. Công an đã khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại ba tỉnh. 10 cán bộ bị khởi tố, trong đó có Phó giám đốc Sở Giáo dục Sơn La.

Năm 2019, hàng trăm cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 mới bị xử lý, kỷ luật.

Trong tháng 9/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có quyết định thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình vì những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong chỉ đạo thi THPT quốc gia tại tỉnh này. Tại Quyết định 1245/QĐ-TTg, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2016 - 2021, do có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, năm 2018 của tỉnh này; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Ngày 1/10, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã thông báo kết quả kiểm tra, xử lý đối với cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh này. Theo đó, 151 cán bộ, đảng viên của tỉnh có liên quan vụ gian lận thi cử.

Tổng số cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm là 151 trường hợp (bao gồm cả 2 trường hợp đã được kiểm tra, xử lý là ông Trần Đức Quý, phó chủ tịch UBND tỉnh và ông Vũ Văn Sử, nguyên giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã thi hành kỷ luật hai ông này bằng hình thức cảnh cáo, Ủy ban Kiểm tra trung ương đang kiểm tra việc thi hành kỷ luật Đảng).

Từ ngày 4 - 6/12, tại Hà Nội, UB Kiểm tra TƯ họp kỳ 41. UB Kiểm tra TƯ đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Triệu Tài Vinh, ủy viên TƯ Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế TƯ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang và ông Nguyễn Văn Sơn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Ngày 18/12, theo Bộ Công an, tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Hội đồng thi tốt nghiệp THPTQG tỉnh Sơn La năm 2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã thi hành các quyết định, lệnh khởi tố, bắt bổ sung một số đối tượng về tội Đưa và Nhận hối lộ.

Top sự kiện giáo dục nổi bật năm 2019 ảnh 2
 

Việt Nam có 2 trường đại học ở tốp 1000 trong bảng xếp hạng đại học thế giới

Lần đầu tiên 3 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được THE công bố thứ hạng cùng với gần 1.400 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới.

Ngày 11/9/2019, Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education, THE) công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới mới nhất (World University Rankings 2020) trong sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh về học thuật của THE tổ chức tại Zurich (Thụy Sỹ).

Theo đó, Việt Nam có 3 cơ sở giáo dục đại học được THE công bố thứ hạng cùng với gần 1.400 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới.

Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 801-1000 thế giới; tiếp theo là Đại học Quốc gia TP.HCM trong nhóm 1000+. Như vậy, cùng với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội đạt mức điểm 22,2 - 28,2 của THE.

Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội có các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học, và hội nhập quốc tế đứng đầu trong nhóm các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam có mặt trong Bảng xếp hạng.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu về chỉ số thu nhập từ doanh nghiệp. Trong khi đó Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có chỉ số về trích dẫn khoa học cao nhất.

Năm nay, THE xếp hạng cho 1.395 cơ sở giáo dục đại học trên tổng số 1.820 cơ sở giáo dục đại học tham gia xếp hạng. Đây là con số lớn nhất từ trước đến nay trong quy mô xếp hạng đại học thế giới của THE. Các cơ sở giáo dục này thuộc 92 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 có hiệu lực

Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 (Luật GDĐH sửa đổi) đã được ban hành ngày 19/11/2018 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019 với nhiều điểm mới, tiệm cận với thông lệ quốc tế, phù hợp hơn với thực tiễn ở Việt Nam. Luật GDĐH sửa đổi đã khắc phục được một số vấn đề bất cập, đồng thời vẫn đảm bảo ổn định hệ thống để phát triển.

Thứ nhất, xác định quan điểm gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng của thị trường lao động. Luật GDĐH sửa đổi đã bổ sung một số chính sách của Nhà nước về phát triển GDĐH.

Thứ hai, không phân biệt văn bằng đại học (ĐH) theo hình thức đào tạo. Luật quy định văn bằng GDĐH thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. Hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ đào tạo của GDĐH bao gồm: chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa.

Thứ ba, bỏ quy định hiệu trưởng trường ĐH có nhiệm kỳ 5 năm. Nếu như trước đây, nhiệm kỳ của hiệu trưởng trường ĐH được quy định là 5 năm, thì nay nhiệm kỳ hoặc thời gian bổ nhiệm của hiệu trưởng do Hội đồng trường quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của Hội đồng.

Thứ tư, ĐH được tự chủ quyết định chính sách học phí, tuyển sinh. Cùng với việc mở rộng quyền tự chủ cho các trường ĐH, Luật quy định khá chi tiết về việc giao quyền tự chủ cho các trường trong: học thuật và hoạt động chuyên môn; tổ chức và nhân sự; tài chính và tài sản và các chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ năm, trường ĐH không được tiếp tục tuyển sinh nếu chưa kiểm định chất lượng.

 Thứ sáu, thời gian đào tạo xác định theo số lượng tín chỉ. Luật GDĐH sửa đổi quy định thời gian đào tạo được xác định trên cơ sở số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo. 

Bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên

Chiều 25/11/2019, với 88,2% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Luật có bố cục gồm 3 Điều. Điều 1 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức; Điều 2 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức; Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành.

Những điểm mới là bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định về thực hiện chế độ hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới trong dự thảo Luật là thể chế hóa Nghị quyết Trung ương. Quy định này áp dụng đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày Luật này có hiệu lực (1/7/2020); viên chức đã được tuyển dụng trước đó cơ bản không có sự thay đổi về chế độ hợp đồng làm việc so với hiện hành. Việc quy định như vậy là phù hợp với Điều 240 của Bộ luật Lao động hiện hành và Điều 220 của Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bãi bỏ biên chế viên chức suốt đời trong những năm tới đây là một tiến hiệu tốt để tạo ra sự chuyển biến tích cực cho các đơn vị nhà trường. Chính sách này sẽ tạo ra động lực thực sự để giáo viên phấn đấu và cống hiến tốt hơn.

Học sinh Việt Nam đạt thành tích cao tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2019, học sinh thuộc các đội tuyển dự Olympic khu vực và quốc tế đều đoạt huy chương.

6 học sinh Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế 2019 đều có huy chương gồn 2 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, tổng điểm 177, xếp thứ 7/110 đoàn tham gia IMO 2019.

Tại Olympic Vật lý, Đoàn Việt Nam gồm 5 thí sinh đã xuất sắc giành 3 Huy chương vàng (HCV) và 2 Huy chương bạc (HCB).

Cả 4 thành viên đội tuyển Việt Nam đều có giải thưởng tại Olympic Hoá học quốc tế lần thứ 51, với 2 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc.

Olympic Tin học quốc tế năm 2019 của đội tuyển Việt Nam có 4  thí sinh dự thi đều đoạt huy chương, trong đó có 2 huy chương Vàng, một huy chương Bạc và 1 Huy chương đồng.

Chiều 30/11, lễ bế mạc kỳ thi IMSO 2019 diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 350 thí sinh đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. 36 học sinh Việt Nam đoạt giải, trong đó có 15 huy chương vàng, 14 bạc và 7 đồng tại kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế (IMSO) 2019.

Đoàn Việt Nam giành số huy chương vàng nhiều nhất (15), là thành tích tốt nhất trong bốn năm tham dự IMSO. Đứng thứ hai là Thái Lan với 10 huy chương vàng; Singapore 6 vàng; Trung Quốc 4;, Sri Lanka, Malaysia và Mỹ mỗi nước có một giải vàng.

Trường ĐH Đông Đô dính 'bê bối' vì đào tạo 'láo' văn bằng II Ngôn ngữ Anh

Đại học Đông Đô - một trong những trường ĐH ngoài công lập đầu tiên được thành lập theo chủ trương xã hội hóa giáo dục. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, trường này đã vướng đủ các loại scandal. Đầu những năm 2000, hàng loạt lãnh đạo của trường ĐH Đông Đô vướng lao lý vì liên quan đến tuyển sinh vượt chỉ tiêu cho phép. Đầu năm 2002, Công an Hà Nội đã ra lệnh khởi tố vụ án lạm dụng quyền hạn khi thi hành công vụ, gây hậu quả nghiêm trọng (theo điều 281, Bộ luật Hình sự) ở trường này.

Mặc dù không được Bộ GĐ&ĐT cho phép đào tạo bằng đại học thứ hai hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh, song Hiệu trưởng Đại học Đông Đô vẫn chỉ đạo cán bộ dưới quyền tổ chức tuyển sinh, thu tiền và cấp chứng nhận tốt nghiệp cho hàng trăm trường hợp, hưởng lợi số tiền lên tới cả tỷ đồng trong thời gian từ 2016 đến nay.

Top sự kiện giáo dục nổi bật năm 2019 ảnh 3
 


Mặc dù theo thông báo thời gian đào tạo kéo dài từ 18 – 24 tháng, song thực tế việc tuyển sinh nhận hồ sơ tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh của Đại học Đông Đô chỉ là hình thức, học viên khi đã nộp hồ sơ, đóng tiền là đỗ. Quá trình học tại trường này, học viên cũng không học mà chỉ làm bài thi và sau đó được cấp bằng.

Tháng 8/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối 4 người là lãnh đạo, cán bộ Đại học Đông Đô.

MỚI - NÓNG