“Trả tác phẩm cho học sinh”

Lê Đức Nam và các bạn đang trình bày bài thuyết trình về cuốn sách Nhà giả kim. Ảnh: Nghiêm Huê.
Lê Đức Nam và các bạn đang trình bày bài thuyết trình về cuốn sách Nhà giả kim. Ảnh: Nghiêm Huê.
TP - Chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, một số trường phổ thông đã tích cực đổi mới dạy và học môn ngữ văn. Học sinh hứng thú với môn văn hơn, thích đọc sách, tự tìm hiểu thêm tài liệu trên mạng.

Lê Đức Nam cùng ba cậu bạn, Hải Nam, Gia Anh, Hoàng Giang, học sinh lớp 9A1 trương phổ thông song ngữ Wellspring đã rất tự tin đứng trên sân khấu để trình bày về giá trị  của sự tôn trọng thông qua cuốn sách “Nhà giả kim” của tác giả Paulo Coelho. Bốn học sinh đã đưa ra những nhận định, ý kiến của mình xung quanh nội dung cuốn sách để tìm giá trị ở mọi khía cạnh. Trình bày lưu loát, không vấp váp, có những ý kiến riêng, đó là những gì mà những người ngồi dưới cảm nhận được qua phần trình bày của nhóm.

Lê Đức Nam cho biết buổi thuyết trình là một hoạt động nằm trong  Dự án đọc “From book to life” do các thầy cô giáo tổ văn trong trường tổ chức.  Nhờ việc tham gia dự án cùng với những đổi mới phương pháp dạy học của thầy cô, Lê Đức Nam thấy tiết học ngữ văn trên lớp hàng ngày cũng trở nên nhộn nhịp, sôi nổi hơn. “Trước mỗi tiết ngữ văn, cô giáo thường yêu cầu học sinh đọc trước tác phẩm ở nhà, tìm kiếm thông tin trên mạng. Cùng với dự án From book to life, nhiều bạn trong lớp từ không thích đọc sách đã rất thích đọc sách, thậm chí tự tìm sách để đọc” - Nam cho hay.

Chia sẻ về phương pháp dạy ngữ văn cũng như dự án đọc “From book to life”, cô Nguyễn Thị Thu Trang, phụ trách dự án đọc THCS, giáo viên tổ ngữ văn Trường trung học Wellspring  cho biết, nói đến môn ngữ văn, nhiều học sinh có tâm lí rất ngại học vì quan niệm, đó là môn “dài- khó- khổ” với lượng kiến thức lớn, áp lực thi cử nặng nề, thêm phần phương pháp dạy học có phần khuôn mẫu, cứng nhắc. Tại trường phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring, trong các giờ văn, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức cơ bản với những phương pháp dạy học truyền thống, các thầy cô giáo còn áp dụng nhiều phương pháp dạy học mới để việc “học đi đôi với hành” trở thành một việc làm quan trọng trong việc kéo trang sách gần hơn với cuộc sống.

Một trong những phương pháp học tập được học sinh  yêu thích, theo cô Trang là “Trả tác phẩm cho học sinh”. Với phương pháp này, học sinh sẽ tự tìm hiểu toàn bộ nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm, đoạn trích trong vòng một tuần. Kết quả của quá trình tự khám phá ấy là những bài tiểu luận, một vở kịch hoặc một dự án, thuyết trình, nghiên cứu khoa học,… để báo cáo sản phẩm trước lớp.

Ngoài ra, học văn qua Facebook cũng là một phương pháp được nhiều học sinh hứng thú. “Các thầy cô giáo sẽ chia lớp thành từng nhóm để lập và quản lí các trang cá nhân Facebook của một tác giả văn học nào đó. Bạn admin sẽ thường xuyên cập nhật những thông tin về tác giả, tác phẩm để các thành viên của lớp vào trao đổi. Muốn có được những status hay, học sinh phải tự tìm kiếm trên mạng internet, qua sách báo… Cứ như thế nội dung của những tác phẩm văn học sẽ được các em tiếp thu qua quá trình sàng lọc thông tin mà không phải ngồi học thuộc lòng như cách học văn cũ” - cô Trang cho biết.

Phương pháp đổi mới của giáo viên ngữ văn trường Phổ thông song ngữ Wellspring đó là thiết kế các phiếu học tập theo đặc trưng thể loại để giúp học sinh hệ thống và ghi nhớ kiến thức cơ bản nhanh nhất  với cách phân chia các mục  và cách đặt câu hỏi hợp lí, sáng tạo như phiếu tìm hiểu về thơ, truyện ngắn, kịch… Với những phiếu học tập như vậy, học sinh được thỏa sức sáng tạo, đưa ra ý kiến riêng, được tôn trọng, hoàn toàn không bị giáo viên gò vào cách hiểu dập khuôn máy móc...

Đến với  “From book to life”, cô Trang cho hay học sinh không chỉ được trải nghiệm nền văn hóa các nước Mỹ, Anh, Pháp…thông qua những tác phẩm văn học kinh điển mà còn đọc sách theo các chủ đề về những giá trị sống được đề cao: Tôn trọng, Hợp tác, Yêu thương, Đam mê, Trung thực, Hòa bình, Tự do… Học sinh được đọc sách theo các cách thức: Đọc - Tranh biện (Read - Debate); Đọc - Viết sáng tạo (Read - Write creatively); Đọc - Cảm nhận, thuyết trình (Read - Review/ Presentation) và Đọc- Sân khấu hóa (Read- Performance).

Nhằm giúp các em rèn luyện kĩ các kỹ năng này, “From book to life” tổ chức các buổi tranh biện sôi nổi về các cuốn sách được yêu thích.

Giáo viên sẽ vất vả hơn

Việc trả sách về cho học sinh, học sinh học theo nhóm, giáo viên không phải dạy theo kiểu thầy đọc trò chép, mà chỉ là người hướng dẫn, chỉ đường nghe qua những tưởng giáo viên sẽ nhàn hơn. Nhưng theo cô Nguyễn Thị Thu Trang, thực chất giáo viên vất vả hơn rất nhiều vì phải tìm đầu sách, hướng dẫn học sinh tùy theo năng lực. Có học sinh thiên về vẽ, có học sinh thiên về trình bày, có bạn lại thích tranh biện. Khi đó,  giáo viên phải nắm được từng thế mạnh của học sinh để “giao việc”. Giáo viên cũng có nhiệm vụ lọc sách cho học sinh. Ngoài nguồn sách tại thư viện của trường, giáo viên còn tìm đến những trang mạng uy tín, có kiểm định để giới thiệu tới học sinh.

Trường cũng mời các giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội hướng dẫn các phương pháp mới như dạy theo đặc trưng, thể loại...

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Ngọc Thống, Trưởng ban Xây dựng chương trình ngữ văn mới, Bộ GD&ĐT cho biết chương trình lần này tập trung phát triển phẩm chất và năng lực. Năng lực ngữ văn thể hiện rõ nhất ở việc học sinh làm được, thể hiện được qua đọc, viết, nói và nghe như thế nào. Chương trình ngữ văn mới chủ trương học ngữ văn trước hết là học để có công cụ giao tiếp. Học để biết đọc, biết viết và biết nghe nói có hiệu quả. Văn bản đọc sẽ gồm cả văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin gần gũi và gắn với cuộc sống hằng ngày.

Về phương pháp, giáo viên cần hạn chế tối đa việc độc giảng và áp đặt nội dung, cách hiểu theo ý của mình mà chỉ là người tổ chức, hướng dẫn để học sinh tự tìm hiểu, tự thu thập, khám phá và rút ra kết luận, hoàn chỉnh tiếp những hiểu biết của mình. Hướng dẫn học sinh cách đọc hiểu, cách tiếp cận, cách viết một văn bản theo kiểu loại thông qua thực hành, vận dụng là chính. Tôn trọng kết quả tiếp nhận và tạo lập văn bản của học sinh, khuyến khích học sinh có ý tưởng độc đáo, sáng tạo… Từ đó giúp học sinh có tình yêu với tiếng Việt và văn học.

Một trong những phương pháp học tập được học sinh yêu thích, theo cô Trang là “Trả tác phẩm cho học sinh”. Với phương pháp này, học sinh sẽ tự tìm hiểu toàn bộ nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm, đoạn trích trong vòng một tuần. Kết quả của quá trình tự khám phá ấy là những bài tiểu luận, một vở kịch hoặc một dự án, thuyết trình, nghiên cứu khoa học,... để báo cáo sản phẩm trước lớp. 

MỚI - NÓNG