Trăm kiểu chạy trường

Trăm kiểu chạy trường
Ngoài "chiêu" chạy trường thông qua cách “truyền thống”, còn nhiều chiêu “biến hóa”, lách luật để chạy trường cho con...

> 'Chạy' trường lớp, 'chạy' cả giáo viên 

Phụ huynh nộp hồ sơ xét tuyển cho con vào lớp 1 tại Trường tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM năm học 2011-2012 - Ảnh: Như Hùng
Phụ huynh nộp hồ sơ xét tuyển cho con vào lớp 1 tại Trường tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM năm học 2011-2012 - Ảnh: Như Hùng (Tuổi Trẻ).

Chuyện chạy trường thông qua cách “truyền thống” là chạy hộ khẩu, tạm trú nay không còn gây ồn ào nữa bởi theo quy định của một số quận trung tâm, hồ sơ của học sinh (HS) sẽ được xét ưu tiên theo thời gian sinh sống tại địa bàn và ưu tiên trẻ ở cùng cha mẹ. Nhưng đâu chỉ có cách “truyền thống”, còn nhiều chiêu “biến hóa”, lách luật để chạy trường cho con...

Thậm chí phụ huynh một trường tiểu học ở quận 3, TP.HCM còn đưa một lực lượng hùng hậu từ công ty xây dựng của mình tới đòi lát gạch mới cho sân trường ngay sau khi vừa nộp hồ sơ cho con mà chưa biết kết quả xét tuyển. Tuy nhiên các trường cũng rất cảnh giác với những “mạnh thường quân trá hình”.

Đã có trường hợp xuất hiện một số “mạnh thường quân” đến hỗ trợ, tặng quà nhà trường tạo dựng mối quan hệ. Năm học tiếp theo, “mạnh thường quân” đó liền mang vài hồ sơ HS đến gửi cho trường, đặt hiệu trưởng vào tình thế hết sức khó xử.

Biến hóa

Anh Tú - một phụ huynh ngụ tại phường 2, quận Bình Thạnh, TPHCM - dự tính sẽ chạy cho con vào một trường tiểu học có tiếng ở quận 1 tự tin cho biết: “Tôi sẽ nhờ người quen vào trường xin nộp sổ vàng và gửi hồ sơ cho con. Nói là sổ vàng nhưng hình thức thì không phải sổ vàng mà là đầu tư tự nguyện”.

Anh giải thích: nhà trường không công khai việc thu sổ vàng mà chỉ có một mẫu đơn dành cho phụ huynh trái tuyến với nội dung tôi là A, phụ huynh của bé B, ngụ tại đâu, có mong muốn được học tại trường. Để góp phần phát triển cơ sở vật chất cho nhà trường và cũng tạo điều kiện tốt hơn cho việc học của con tôi, tôi tự nguyện đăng ký hỗ trợ nhà trường số tiền là... để tu bổ, xây dựng cơ sở vật chất.

Anh Tú cũng cho biết thông tin này do một nhân viên trong trường tiết lộ và số đơn phát ra cũng rất hạn chế, chỉ dành cho những người có chút quen biết với nhà trường. Cũng theo anh Tú, không chỉ quận 1 mà quận 3 cũng có một số trường tiểu học áp dụng cách làm này nhưng có thay đổi chút ít theo từng năm, hoặc nhận “vật chất” thay vì tiền mặt.

Bà Lê Thị Ngọc Điệp - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 - cho biết: “Có phụ huynh trái tuyến đặt thẳng vấn đề với nhà trường rằng tôi không qua “cò”, số tiền lẽ ra phải đưa cho “cò” thì tôi muốn gửi thẳng đến nhà trường để đóng góp nếu con tôi được vào học ở trường.

Chúng tôi hướng dẫn phụ huynh cứ ghi rõ nguyện vọng của mình trong đơn, nhưng cũng giải thích rõ với phụ huynh rằng để xét các hồ sơ trái tuyến còn có một hội đồng tuyển sinh và sẽ xét theo đúng các quy tắc ưu tiên chứ không phải vì những đóng góp mà phụ huynh hứa hẹn.

Còn nếu sau này hồ sơ của con em phụ huynh được xét, phụ huynh có thể tự nguyện hỗ trợ điều kiện học tập của con em mình tại trường, hoàn toàn không liên quan gì đến chuyện xét tuyển”.

Chạy trường công khai

Ngành giáo dục đã phân tuyến để HS nào cũng có chỗ học, dù vậy phụ huynh luôn muốn vượt tuyến để con mình được học một ngôi trường tốt nhất có thể. Vượt tuyến phường, tuyến quận và có những trường hợp vượt cả tuyến... tỉnh.

Vài năm qua cán bộ Phòng giáo dục quận Thủ Đức (TP.HCM) từng “lao đao” vì số lượng hồ sơ có “gốc gác” ở tỉnh Bình Dương nhưng nhập hộ khẩu hoặc làm KT3 tại Thủ Đức quá nhiều.

Một số trường quy định KT3 phải được cấp trên sáu tháng, có trường quy định KT3 ít nhất một năm, thì phụ huynh lại lách bằng cách đăng ký tạm trú từ lúc con mới 4 tuổi.

Anh T.L. - phụ huynh ở Dĩ An, Bình Dương - cho biết: “Trường Hoàng Diệu ở Thủ Đức là trường có tiếng, lại nằm ngay trên đường vợ tôi đi làm hằng ngày nên gia đình đang tìm mọi cách xin cho con học trường này. Nếu không được thì chuyển sang Trường Đỗ Tấn Phong gần đó cũng được”.

Để thực hiện “nguyện vọng 1 và 2” của mình, anh L. đã đầu tư để làm KT3 cho con từ năm 2011 ở Thủ Đức. Bước thứ hai, anh miệt mài tạo dựng các mối quan hệ với cán bộ phòng giáo dục, giáo viên các trường để tìm đường xin vào các trường trên.

Trong khi đó, chị Q. - phụ huynh ở Bình Chiểu, Thủ Đức - lại muốn xin về Trường tiểu học Chu Văn An, Bình Thạnh vì đây là trường đạt chuẩn quốc gia, khuôn viên đẹp và sĩ số thấp. Hằng ngày chị đi làm ngang qua ngôi trường này.

Chị quyết tâm: “Nghe nói nhiều phụ huynh trái tuyến đều muốn xin vào trường này nên gia đình đang phải huy động mọi mối quan hệ, kể cả phải “lót tay” cũng cố cho con vào học trường tốt. Ai mà không muốn con mình học trường tốt, tiện đưa đón, thiết nghĩ nhu cầu này không có gì là xấu cả”.

Cách chạy trường phổ biến và công khai nhất hiện nay vẫn là thông qua các mối quan hệ mà đầu mối chính là những người làm quản lý trong ngành giáo dục.

Hiệu trưởng một trường tiểu học không ngần ngại cho biết: Chuyện chạy trường là chuyện có qua có lại. Quy định là quy định nhưng bao giờ cũng có những trường hợp ưu tiên đặc biệt.

Năm ngoái phòng giáo dục quận này có gửi một vài trường hợp trái tuyến vào trường kia, đổi lại ban giám hiệu trường kia cũng được vài suất ưu tiên nếu muốn xin qua những trường thân quen với phòng giáo dục đó. Lợi dụng những mối quan hệ này nên một số người trung gian đã “làm giá”, nhận tiền của phụ huynh trong khi người trực tiếp chạy trường không nhận đồng nào”. Thực tế có nhân viên, giáo viên từng bị đuổi việc vì dùng suất ưu tiên của mình để “bán” cho phụ huynh.

Để tránh “có tiếng mà không có miếng” từ những lời đồn thổi giá vào trường này, trường kia là bao nhiêu, không ít trường tiểu học đã phải tổ chức gặp trực tiếp các phụ huynh trái tuyến và cả người trung gian để thông báo về việc hồ sơ của con em họ được xét trên cơ sở hội đủ các điều kiện ưu tiên, nhà trường hoàn toàn không nhận một đồng nào từ phía phụ huynh cũng như người trung gian.

Giải pháp phân tuyến nào cũng bị “đối phó”

Chủ trương của sở là tất cả HS đến tuổi vào lớp 1 đều có giấy gọi nhập học theo đúng tuyến, nghiêm cấm nhận HS trái tuyến. Các trường không được thu sổ vàng hoặc bất kỳ hình thức thu phí, đóng góp nào khác trong quá trình tuyển sinh. Mọi đóng góp của phụ huynh đều phải chờ sau đại hội cha mẹ HS đầu năm học.

Mặt khác, hiệu trưởng không được quyền quyết định nhận hồ sơ trái tuyến mà những hồ sơ này đều được hội đồng tuyển sinh xét duyệt. Trên thực tế bất cứ giải pháp phân tuyến nào cũng bị “đối phó” bằng cách này hay cách khác như chạy hộ khẩu và không thể cấm người dân chạy hộ khẩu, cũng như có một số trường hợp nhà trường phải ưu tiên phụ huynh có công tác đặc biệt.

Tuy nhiên, các trường phải đảm bảo đủ chỗ học cho con em người dân sống trên địa bàn trước đã - Ông NGUYỄN TIẾN ĐẠT - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM.

Theo Lưu Trang
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG