Trang trại: đúng, giáo dục: chưa

Trải nghiệm “bắt cá” tại một trang trại giáo dục.
Trải nghiệm “bắt cá” tại một trang trại giáo dục.
TP - Học sinh mẫu giáo và tiểu học ở Hà Nội hiện đang có phong trào đi… trang trại giáo dục vào mỗi cuối tuần. Nhiều phụ huynh tung hô kiểu mô hình mới và hay lắm. Trong khi một số khác bình thản: khác gì về quê đâu!

Mô hình đắt khách

Con trai tôi học lớp mẫu giáo 5 tuổi, cô hiệu trưởng bảo: phải đăng ký trước ba tuần mới đặt được lịch tham quan một trang trại giáo dục ở ngoại thành Hà Nội. Vé tham quan một cháu trung bình từ 150.000 – 250.000vnđ/ngày.

Bạn tôi có ba con nhỏ tổng kết: “nói chung không thoát được vụ đi trang trại này, trường nào cũng đi, như phong trào ấy”!

Tôi theo một “phong trào” đến trang trại cách trung tâm Hà Nội khoảng hai chục cây số. Cảm giác đầu tiên là… choáng. Trời tháng bảy nắng chang chang mà có tới năm đoàn đăng ký cho học sinh vui chơi, tham quan. Hướng dẫn viên ở đây tuyên bố: trang trại có thể tiếp đón hơn 1000 cháu mỗi ngày. Ngoài cô giáo đi theo, mỗi đoàn sẽ có thêm một đến hai hướng dẫn viên hướng dẫn các bé chơi các trò chơi như kéo co, đá bóng, nhảy dây, bơi thuyền v.v…

Theo chương trình, một ngày tham quan trang trại giáo dục, các bé được tham gia các hoạt động tập làm nông dân như: trồng cây, bắt cá trong bồn, cho gia súc ăn cỏ, nhặt trứng… hoặc một số trò chơi dân gian như: kéo co, bịt mắt bắt dê, bập bênh, múa sạp… Một số nơi, tùy vào đặc thù chăn, thả, sẽ có thêm dịch vụ cưỡi ngựa hoặc cưỡi đà điểu. Bữa trưa, học sinh được ăn thức ăn theo như giới thiệu là “hữu cơ trăm phần trăm” ngay tại trang trại.

Các trường mầm non và tiểu học đặc biệt thích cho học sinh đi “giải ngố” ở những trang trại này. Có trường, định kỳ hai tháng sẽ cho các em đi một lần. Bọn trẻ dưới 8 tuổi đa phần đều rất hào hứng với những trải nghiệm nghịch đất vọc bùn mà ở nhà luôn bị cấm vì lý do “bẩn”. Chơi ở đây, trẻ cũng được “nhìn và sờ” con bò thật, cây lúa thật, con dê thật… chứ không phải chỉ là những khái niệm và hình mô phỏng như trong sách.

Là một tổng thể vui chơi tổng hợp kiểu công viên cộng vườn thú cộng về quê, các “trang trại giáo dục” hiện đang rất được chào đón ở các thành phố lớn. Nở rộ từ khoảng năm 2010, đến nay, xung quanh khu vực phụ cận Hà Nội đã có hàng chục “trang trại giáo dục” kiểu này. Có thể kể đến như: Erahouse, Việt village, Vạn An, Dê trắng, Đồng quê, Eco garden Thái Dương, Hiền Đức, Ngọc Sơn v.v… Một số trang trại thậm chí đã mở đến cơ sở ba như Erahouse.

Đi một lần là hết

Một số trường THCS cũng từng tổ chức cho học sinh đi “trang trại giáo dục”, song bọn “học sinh lớn” không dễ thỏa mãn. Chúng bày tỏ khá nhiều thất vọng trên trang cá nhân. “Ôi, tưởng trang trại giáo dục kiểu gì, hóa ra chẳng khác vườn nhà bà mình” (leleong); “có mỗi cái bể bé tí đựng mấy con cá, bọn thò lò mũi hăng say vầy nước ở trong” (hoalancuoi); “tiết mục trồng cây là mỗi đứa được phát cho một cọng sả, vùi xuống cát, chắc lúc mình đi ra thì người ta lại nhổ lên cho đứa đến sau tiếp tục… trồng” (phamquynh0612); “chèo thuyền phao vừa quay một vòng quanh cái ao bé tí đã lên bờ, còn lâu mới bằng chơi ở công viên nước. Sẽ không quay lại lần hai” (ngocphamha); “nói là có dịch vụ thu hoạch rau nhưng khi bọn mình đến thì họ cắt hết rồi, bảo là cắt sớm cho rau non, nhưng nhìn luống rau bé tí nếu chưa cắt chắc cũng chả đủ để… thí nghiệm” (anhcukhoai)…

Cả hai trang trại tôi từng đi, đều chỉ có quy mô nhỉnh hơn khu resort một chút, có phân ra khu trồng rau, khu trồng cây ăn quả (đa số còn nhỏ và là cây ngắn ngày), khu chăn nuôi và một khuôn viên nhỏ dành cho các trò chơi của trẻ. Mục đích “giáo dục” chỉ dừng lại ở việc cung cấp trực quan sinh động về một số cây trồng, vật nuôi thông thường. Các hướng dẫn viên đa số còn trẻ và không có nghiệp vụ sư phạm. 

Một số thông tin sai về quy trình sinh sản của bò, khái niệm “nông nghiệp hữu cơ”, hoặc quá trình thụ phấn là điều không hiếm. Học sinh nhỏ tuổi được nghịch đất, nghịch cát thì thích thú. Trong khi học sinh lớn hơn, chỉ quay đi quay lại một vòng trang trại là hết cái để xem. Có người còn nhận xét: “trang trại mà giống như thầu đất xây nhà để giữ, tiện thì đào cái ao thả con cá, tiện thì trồng mấy cái cây ăn quả, thêm dăm ba cái xích đu để dụ trẻ con, giáo dục gì đâu”!

Anh Phan Viết Thắng (công tác tại NXB Giáo dục) chia sẻ: “Tôi đã từng có dịp đi thăm những trang trại giáo dục ở Úc, nếu áp tiêu chuẩn của họ vào Việt Nam, thì những cái của mình chưa thể gọi là trang trại giáo dục được. Cùng lắm là nơi vui chơi giải trí cho trẻ mà thôi. Tôi cũng bảo với con là xác định như đi chơi công viên hoặc về quê thôi, chứ bảo để học được gì từ những mô hình đó thì khó”.

Cô giáo Phan Thị Lý (trường mầm non Mùa Xuân – Lê Trọng Tấn, Hà Nội) nhận xét: “tôi đã cho học sinh đi cả mấy trang trại giáo dục quanh Hà Nội. Nói thật, các dịch vụ ở đây chủ yếu vẫn chỉ là mô phỏng ở mức độ thấp. “Lừa” bọn nhóc bốn năm tuổi thì được, chứ đưa mấy em lớn hơn đến là chúng chán ngay. Quy mô các trang trại chỉ ở mức gia đình thì được, chứ gọi là trang trại chăn nuôi hay trồng trọt chuyên nghiệp thì chưa đúng”.

Tốt chưa đủ

PGS Văn Như Cương cho biết: “Tôi ủng hộ những mô hình giáo dục thực tiễn. Không nên bắt con em mình phải học đủ mọi thứ từ tư duy đến biện chứng, trong khi bỏ qua việc dạy chúng nấu cơm, rửa bát, quét nhà. Dạy chúng nhận biết cây lúa, củ khoai là đúng. Nhưng quan trọng hơn còn phải dạy con biết giá trị của cây lúa, củ khoai ấy. Và tiến tới phải dạy cho trẻ cách làm ra cây lúa, củ khoai sạch. Đừng cái gì cũng chỉ dừng ở lý thuyết và mô hình. Chả tác dụng gì đâu!”.

Trang trại: đúng, giáo dục: chưa ảnh 1

Mỗi người trồng một cây xanh để… nhổ đi.

Tiến sĩ Sử Thanh Long (giảng viên Đại học Nông nghiệp Việt Nam), người sáng lập mô hình trang trại giáo dục Edufarm khẳng định: “Tôi không chê các mô hình trang trại giáo dục hiện nay. Nó đã giải quyết rất tốt nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ con. Nhưng gọi nó là trang trại giáo dục là chưa thỏa đáng. 

Trang trại giáo dục tức là phải đi kèm giảng dạy. Ví dụ ở Edufarm, học sinh đến với chúng tôi có từ tiểu học, trung học, đến những người nông dân đã có kinh nghiệm làm nông nghiệp. Ở đây, chúng tôi giới thiệu con bò không chỉ dừng ở việc nó ăn gì, có thể cho bao nhiêu sữa mà còn cung cấp cho mọi người biết: con bò là động vật không biết đau. Có thể đánh nó, vật nó, đá nó, nó không phản ứng. Dây thần kinh của con bò chủ yếu tập trung ở mũi, vì vậy người nông dân qua sợi dây luồn qua mũi bò có thể học cách điều khiển nó. Hoặc là chúng tôi sẽ dạy cách nuôi bò hữu cơ, cách xử trí mùi hôi thối trong chăn nuôi v.v… 

Chúng tôi cho học sinh được bắt tay làm nông nghiệp thực sự, được trồng cây theo mô hình thổ canh, thủy canh và khí canh, được chứng kiến hệ thống tưới cây hẹn giờ, hệ thống phun mưa tự động khi nhiệt độ xung quanh thay đổi. Tham vọng của những người xây dựng nên trang trại là với 1.000 học sinh đến thăm quan, chỉ cần 5 học sinh trong số đó hứng thú với việc theo học ngành nông nghiệp, trong tương lai Việt Nam sẽ có những người tài như Lương Định Của”.

Ông Đoàn Thế Hùng - Phó giám đốc Công ty cổ phần giống cây trồng (Viện Cây lương thực và thực phẩm): trang trại giáo dục là mô hình rất hiệu quả, đã được chứng minh trên thế giới. Nó giúp học sinh có được những kiến thức toàn diện về thiên nhiên, về sản xuất nông nghiệp. Đó sẽ là những kiến thức nền để các em ý thức được thế nào là thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ, thế nào là bảo vệ môi trường và phát triển
bền vững.

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.