Tránh đầu tư và đãi ngộ cào bằng trong giáo dục

Tránh đầu tư và đãi ngộ cào bằng trong giáo dục
Đầu tư cho giáo dục hiện nay nặng tính bao cấp, đầu tư cào bằng. Chất lượng của đội ngũ giáo viên như nhau, chương trình, sách giáo khoa, giáo trình như nhau, đầu tư cơ sở vật chất như nhau...
Tránh đầu tư và đãi ngộ cào bằng trong giáo dục ảnh 1
Ảnh minh họa: XM

Chúng ta thường tự khen người Việt Nam thông minh. Chúng ta cũng nhận xét người Việt thường thiếu "nhạc trưởng".

Hai nhận xét trên hoàn toàn đúng. Nhưng đó lại là một nghịch lý, vì theo logic lẽ ra thông minh thì phải có nhiều "nhạc trưởng".

Thiếu "nhạc trưởng" tức thiếu những người chỉ huy giỏi, phải chăng đó là hệ quả tất yếu của việc đào tạo cào bằng, chưa chú ý xây dựng trường điểm, trường chuẩn, trường "hoa tiêu" thực sự?

Việc thực hiện công bằng xã hội để trường nào, học sinh nào cũng được thụ hưởng điều kiện giáo dục tốt như nhau, trong điều kiện khả năng đầu tư của chúng ta hiện nay là không tưởng.

Cho nên phải chọn giải pháp tình thế sao cho đầu tư được cả về diện lẫn về điểm. Về diện tức về chiều rộng phải đáp ứng nhu cầu tối thiểu để tất cả các cơ sở giáo dục đều tồn tại và phát triển.

Phải xem đầu tư chiều rộng là nền tảng, nó là bệ phóng cho sự phát triển vững chắc của giáo dục. Đây là nhận thức mang tính nguyên tắc. Nhưng đầu tư chiều rộng tuy rất cần, nhưng chưa đủ.

Phải đầu tư chiều sâu, đầu tư có trọng điểm để đi tắt đón đầu. Sao cho giáo dục - đào tạo có thể cung ứng cho xã hội một bộ phận nhân lực, nhân tài có tính chất tinh hoa. Có thể xem đây là nhận thức mang tính đột phá. Phải có nhiều trường điểm ở mọi cấp học để làm "hoa tiêu" cho hạm đội giáo dục.

Phải nói rằng đầu tư cho giáo dục hiện nay nặng tính bao cấp, đầu tư cào bằng. Chất lượng của đội ngũ giáo viên như nhau, chương trình, sách giáo khoa, giáo trình như nhau, đầu tư cơ sở vật chất như nhau, số tiết học như nhau, nội dung, phương pháp dạy như nhau...

Đây là sự đầu tư bất chấp điều kiện khác nhau của các trường, không xuất phát từ khả năng, điều kiện của người học, không chú ý đúng mức "cá thể hoá" trong giáo dục và quan trọng nhất là không chú ý đào tạo một bộ phận tinh hoa đáp ứng yêu cầu ngày càng nhiều về số lượng và càng cao về chất lượng cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước.

Việc đầu tư cào bằng, đãi ngộ cào bằng bóp chết động lực phấn đấu của cán bộ, giáo viên. Vì ở nước ta, việc trả lương thường căn cứ vào thâm niên và văn bằng. Thâm niên không phải cố gắng, tự nó sẽ đến. Văn bằng thì đã có rồi. Vì vậy cả hai thứ quyết định tiền lương đều không đòi hỏi bất cứ sự cố gắng nào.

Sau khi đã có văn bằng, các giáo viên các cấp bậc học, kể cả giảng viên, giáo sư, tiến sĩ ở bậc đại học hầu hết không còn động lực phấn đấu nữa. Trường như vậy, thầy như vậy, nguy cơ chảy máu ngoại tệ, chảy máu chất xám không phải là tiềm ẩn mà đã quá rõ ràng.

Trong quá trình hội nhập kinh tế, sẽ còn nhiều trường học của các nước đến tư vấn về du học, mà thực chất là quảng bá hình ảnh của trường họ, mời gọi học sinh, sinh viên đến học ở trường họ và trong số đó sẽ có nhiều nhân tài làm việc cho các công ty của họ.

Liệu chúng ta có cởi trói, chắp cánh cho các trường trong nước thi thố với các nước ngay cả lĩnh vực giáo dục và đào tạo? Nếu cởi trói và chắp cánh, các trường học của ta có cạnh tranh hiệu quả không? Câu trả lời là có.

Thực tế hiện nay tuy chưa được đầu tư thoả đáng, nhưng qua kết quả thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh đại học đã chứng tỏ nhiều trường học của ta xứng đáng đạt chất lượng đào tạo cao của khu vực và quốc tế.

Nhiều học sinh, sinh viên không chỉ đạt chất lượng khu vực và quốc tế, mà nhiều người đã đoạt các giải cao trong các kỳ thi OIympic, thi tuyển nghiên cứu sinh, thậm chí có nhiều người trở thành giáo sư, tiến sĩ giảng dạy tại các trường danh tiếng nhất thế giới.

Minh Đức
Sở GD - ĐT Tiền Giang
Thao Lao Động

MỚI - NÓNG