Trẻ bị đánh rạn sọ não, sẹo chằng chịt: Dạy bảo hay dằn mặt?

Gương mặt chằng chịt vết sẹo của bé K (Ảnh Đình Việt)
Gương mặt chằng chịt vết sẹo của bé K (Ảnh Đình Việt)
TPO - ThS. Lê Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt, nhà nghiên cứu Giáo dục & Phát triển trí tuệ trẻ em cho rằng, khi những em bé bị bạo hành, vết thương về thể xác có thể chữa lành nhưng vết sẹo về mặt tinh thần thì vĩnh viễn in hằn suốt cuộc đời. Đó là hệ quả nặng nề nhất của vấn đề bạo hành trẻ em. 

Đánh con rạn não, bầm tím người để … dạy bảo?

Sau khi chạy thoát khỏi nhà người cha, cháu bé T.G.K. (10 tuổi) bị bố đẻ là Trần Hoài Nam (SN 1983, trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đánh dã man đã được đưa đi khám và điều trị tại Bệnh viện E. Bác sĩ cho biết, cháu K gặp nhiều chấn thương phầm mềm cả cũ lẫn mới, tổn thương xương sườn 70%.

Khi nhập viện, bệnh nhân được theo dõi chấn thương sọ não, chụp CT phần não, X quang ngực và siêu âm ổ bụng. Sau các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân có những chấn thương kín, có tổn thương xương sườn đến 70%. 

Trước cơ quan điều tra, bố bé Trần G.K khai lý do hành hạ con là vì con nghịch quá, đi vệ sinh xong cuộn vào giấy cất vào trong tủ; mẹ kế sắc thuốc uống cháu bỏ đất vào trong… Dù đã được nhắc nhở nhiều nhưng vẫn tái diễn, do không kiềm chế được nên đã đánh con để "dạy bảo". Đánh con, chửi mắng con, quát tháo con vì mục đích "giáo dục con", đó dường như là lý do hiển nhiên để cha mẹ chúng ta cho phép mình có những hành vi bạo lực với trẻ.

Trước đó, chị Ngân (SN 1983, ở Phùng Hưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, mẹ đẻ cháu K) phản ánh, chị kết hôn với Nam và sinh được 2 người con là K và một bé gái.

Tuy nhiên, do hôn nhân không hạnh phúc nên Nam và chị Ngân ly hôn, K ở với bố, còn em gái ở với mẹ. Nam sau đó kết hôn với phụ nữ tên Trinh nên K sống chung với bố và mẹ kế.

Ngày 5.12, do bị bạo hành, K trốn khỏi nhà bố đẻ đang thuê trọ ở quận Cầu Giấy tìm về nhà ông nội ở đường Hoàng Hoa Thám. Biết tin con bị bạo hành, cơ thể chằng chịt vết thương, chị Ngân đã trình báo công an và đưa con đi khám sức khỏe.
Trẻ bị đánh rạn sọ não, sẹo chằng chịt: Dạy bảo hay dằn mặt? ảnh 1 Một số vết thương trên người bé T.M.K. do bị cha đánh. Ảnh: Dân trí
Ít ngày trước, bé T.M.K. (6 tuổi, đang học lớp 1 tại một trường Tiểu học trên địa bàn phường 1, TP Bạc Liêu) được một số phụ huynh và giáo viên phát hiện có nhiều vết thương trên người như ở tay, chân, lưng, tai,…

Hỏi bé K. thì cháu nói các vết thương là do bị cha đánh. Bé K. (mồ côi mẹ) đang ở cùng cha ruột tại một khu nhà trọ ở khóm 10, phường 1, TP Bạc Liêu.

Giáo viên chủ nhiệm của bé K. cho biết, trong lớp học, bé K. rất hiếu động, thường xuyên nghịch phá các bạn. Sau khi nhận thông tin, UBND phường 1 đã mời ông T.K.G. (42 tuổi, cha ruột bé K.) lên làm việc. Tại buổi làm việc với chính quyền địa phương, ông G. thừa nhận có đánh con.

Ông G. cho rằng, ông đánh bé K. do quá nóng giận vì con không nghe lời dạy dỗ, thường xuyên chọc phá bạn bè, làm phiền hàng xóm, ăn cắp vặt đồ dùng học tập của bạn.

Theo biên bản làm việc, các ngành chức năng địa phương phường 1 khẳng định, hành vi đánh con gây thương tích của ông T.K.G. là không đúng, đã vi phạm luật về trẻ em. Chính quyền địa phương đã đề nghị ông G. thay đổi cách giáo dục con, đồng thời cần phối hợp tốt hơn với nhà trường trong việc dạy dỗ bé K.

Bố mẹ cần tháo các nút thắt stress tâm lý

ThS. Lê Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt, nhà nghiên cứu Giáo dục & Phát triển trí tuệ trẻ em cho rằng, dựa trên những thương tích của trẻ bị bạo lực về phía gia đình thường xuất phát từ gia đình bố mẹ có bất ổn trong nội bộ mâu thuẫn của vợ chồng, gia đình. Và khi người lớn có bất ổn về mặt tâm lí, nghề nghiệp tìm thay vì giải pháp phù hợp thì họ thường đẩy áp lực, stress đó thì họ lại đổ lên đầu những đứa con của mình.

Và bà Lan Anh cũng cho rằng, đó là biểu hiện thấp kém về mặt văn hóa, nhận thức và quan điểm dạy con. Trong những gia đình như vậy bản thân những người đánh con cũng bị tổn thương, đang bị giằng xé, tâm lý quan điểm về nhân văn, giá trị. Họ là những người hơn ai hết phải đi tháo các nút thắt về stress tâm lý để không ảnh hưởng đến tâm lý những đứa trẻ. 

Bà Lan Anh cũng cho biết, khi những em bé bị bạo hành thì vết thương về thể xác có thể chữa lành nhưng vết sẹo về mặt tinh thần thì vĩnh viễn in hằn suốt cuộc đời. Đó là hệ quả nặng nề nhất của vấn đề bạo hành trẻ em. 

“Điều đáng tiếc ở Việt Nam là những đơn vị trung tâm, tổ chức chuyên làm nhiệm vụ tư vấn, tham vấn, trị liệu cho trẻ em về tâm lý sau những trấn thương bị bạo hành gia đình thì không nhiều và không phổ biến. Dịch vụ đó không phổ biến ở Việt Nam nên các em bé đó phải tự tự vật lộn, bươn trải cố gắng vượt qua tổn thương đó.

Nhiều khi  người lớn sống xung quanh trẻ không có nhận thức, có đủ sự hiểu biết nhất định để tháo nút thắt về mặt tâm lí cho trẻ và nhiều khi khoét sâu hơn làm cho vết thương tâm lý ngày càng khó liền”- bà Lan Anh nhấn mạnh. 

Cũng theo bà Lan Anh, ở Việt Nam nhiều em bé bị thiệt thòi bởi bạo lực gia đình: “Tôi nghĩ trong thời gian tới không chỉ riêng gia đình mà bản thân các nhà trường, chuyên gia tâm lý, các trung tâm, đơn vị dịch vụ trị liệu tâm lý cho trẻ em cần phát triển hơn nữa để có thể hỗ trợ, trị liệu cho những em bé bị tổn thương từ phía gia đình”- bà Lan Anh nói.

Cũng theo bà Lan Anh, trước các cụ cũng dạy con kiểu “yêu cho roi cho vọt”, tuy nhiên, đánh con của các cụ trước không có việc để lại vết thương lớn như bây giờ. 

“Các bố mẹ ở thời kì hiện, nhiều khi đánh con không chỉ bằng roi vọt mà dằn vặt về tâm lý, ám ảnh về tâm hồn, tạo ra vết hằn sâu nguy hiểm hơn cả việc đánh con bằng roi vọt”- bà Lan Anh nhấn mạnh.

TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, giảng viên ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội): 
Chúng ta đã kêu gọi rất nhiều và có nhiều giải pháp cho bạo lực học đường nhưng tình hình không được cải thiện có lẽ vì một thực tế là chúng ta không nhất quán trong việc cách ly trẻ ra khỏi những chất liệu bạo lực vốn tồn tại đầy rẫy trong xã hội, nhà trường và gia đình. 

Từ quan điểm cá nhân, tôi thấy cần có các chế tài pháp lý mạnh hơn với các vụ bạo hành gia đình, bạo lực với trẻ chứ không phải chỉ tổ chức hòa giải, rút kinh nghiệm là xong. 

TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư Phạm Hà Nội):

 Nếu trẻ không sống trong môi trường bạo lực, cha mẹ không sử dụng bạo lực để giáo dục trẻ thì chắc chắn những thước phim, hình ảnh cũng sẽ không thể tác động quá nhiều đến tâm sinh lý cũng như tính cách của trẻ.

“Chúng ta thử nhìn nhận hai gia đình có 2 bạn bằng tuổi, các bạn cùng xem những thước phim bạo lực. Nhưng một gia đình nói không với bạo lực thì rõ ràng con cái họ cũng sẽ có được cách sống ôn hòa hơn là với gia đình bên kia với những cách nói chuyện bằng nắm đấm”- TS Hương nhấn mạnh. TS Hương phân tích, để con trẻ có hung tính, rõ ràng môi trường gia đình, nhà trường và xã hội đã có nhiều tác động không hề nhỏ. Một đứa trẻ hung tính mà sống bên cạnh một cặp cha mẹ dịu dàng điềm đạm thì chắc chắn con cũng không thể phát triển đặc tính hung bạo của mình. 

MỚI - NÓNG