Triển khai đại trà chương trình THPT mới: Khó khăn đủ bề

Triển khai đại trà chương trình THPT mới: Khó khăn đủ bề
TP - Sau 1 tháng triển khai đại trà chương trình phân hóa ở cấp THPT, tỉ lệ học sinh theo học ở các ban học trong các trường THPT trên cả nước không như mong đợi ban đầu của Bộ GD&ĐT.
Triển khai đại trà chương trình THPT mới: Khó khăn đủ bề ảnh 1

Ngày 12/10, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị giao ban các giám đốc Sở GD&ĐT đồng thời ở 3 địa điểm: Hải Phòng (khu vực phía Bắc), Khánh Hòa (miền Trung và Tây Nguyên), Bến Tre (khu vực phía Nam).

Tại điểm Hải Phòng, hội nghị đã tập trung nói về những khó khăn của các địa phương sau 1 tháng triển khai đại trà chương trình THPT mới.

Ban Cơ bản chiếm tỉ lệ áp đảo

Sau 1 tháng triển khai đại trà chương trình phân hóa ở cấp THPT, tỉ lệ học sinh theo học ở các ban học trong các trường THPT trên cả nước không như mong đợi ban đầu của Bộ GD&ĐT.

Theo báo cáo của 52 tỉnh/ thành trên cả nước, số học sinh lớp 10 THPT theo học ban Cơ bản chiếm tỉ lệ áp đảo: 73,4%; ban Khoa học Tự nhiên (KHTN) chiếm 19,6%; ban Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) 7%.

Trong khi đó, cách đây hơn 1 tháng, tại một cuộc họp báo đầu năm học, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã từng đưa ra cơ cấu lý tưởng: Ban KHTN khoảng trên dưới 30%, ban KHXH&NV khoảng 10%, ban Cơ bản khoảng trên 60%.

Tính riêng từng địa phương, có những nơi hầu như chỉ có ban Cơ bản. Tỉnh Hòa Bình là một ví dụ: Cả tỉnh chỉ có 1 lớp ban KHTN và 1 lớp ban KHXH&NV, còn lại tất cả HS đều học ban Cơ bản.

Một tỉnh khác – Hà Giang – cũng chỉ có 1 trường THPT đủ 3 ban và 1 trường khác nữa có 2 ban; còn lại 22 trường khác đều chỉ học ban Cơ bản.

Theo bà Nguyễn Thị Lợi – Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình – sở dĩ tỉnh này không tổ chức dạy học phân ban được trên địa bàn toàn tỉnh bởi điều kiện không cho phép. Điều kiện ở đây có nhiều yếu tố: thiếu giáo viên, thiếu phòng học, và cả nguyện vọng của HS.

Trao đổi với Tiền phong, bà Lợi nói: “Một mặt điều kiện khó khăn nên chúng tôi không thể phân ban. Nhưng mặt khác, hầu hết HS của chúng tôi đều có nguyện vọng học ban Cơ bản vì theo các em, học ban này là có lợi cho các em nhất”.

Nhiều tỉnh khác tuy có nhiều trường tổ chức được việc học phân ban nhưng vẫn cho rằng, khó đảm bảo chất lượng như mong muốn. Hiện tượng các trường học không có phòng học bộ môn khá phổ biến.

Một số địa phương phàn nàn không có tiền để trang bị máy tính cho các trường với số lượng tối thiểu 25 máy tính/ trường. Thậm chí, có vị giám đốc Sở (Tuyên Quang) còn thẳng thắn thừa nhận: “ Số GV đứng lớp dạy được chương trình THPT mới không nhiều. Mặc dù, tỉ lệ GV đạt chuẩn cao nhưng đó là chuẩn bằng cấp, còn thực tế năng lực vẫn rất yếu”.

Nhiều địa phương thiếu giáo viên trầm trọng

Giáo viên là yếu tố quan trọng trong hoạt động dạy học. Trước một năm học có tính chất xuất phát của một cuộc đổi mới mà trong báo cáo tổng hợp tình hình đầu năm học 2006 – 2007 của Bộ GD&ĐT không có một dòng nào mô tả hiện trạng giáo viên bậc THPT.

Tuy nhiên, tất cả các ý kiến phát biểu trong hội nghị đều nhấn mạnh nội dung này. Theo đó, nhiều tỉnh thiếu giáo viên (chủ yếu là GV THPT), thậm chí thiếu trầm trọng.

Ông Lương Văn Soòng – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang – đề nghị: “Mong Bộ GD&ĐT làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang về vấn đề tuyển dụng GV. Chúng tôi đang rất khó khăn về đội ngũ. Cả tỉnh cần 1.522 GV nhưng cho đến nay chưa hề được tuyển dụng một người nào!”.

Tình trạng thiếu GV của tỉnh này trầm trọng đến mức có những hiệu trưởng của trường THPT nhưng phải đứng lớp tới 30 tiết/ tuần. Cao Bằng – láng giềng của Hà Giang - tình trạng cũng tương tự: Có hiệu trưởng phải kiêm cả vị trí giáo viên chủ nhiệm!

Không chỉ các tỉnh miền núi mới thiếu GV. Những tỉnh đồng bằng cũng thiếu. Nguyên nhân thiếu không chỉ vì không có biên chế mà thậm chí có biên chế nhưng không có nguồn tuyển.

Tỉnh Quảng Ninh chẳng hạn, năm học này ngành GD&ĐT được giao 194 biên chế nhưng chỉ tuyển được 87 GV. Hà Nam cũng vậy – không có nguồn tuyển – nên đành phải điều động GV cấp THCS có bằng ĐH dạy cấp THPT.

Còn Lạng Sơn thì áp dụng cách điều động GV dạy cùng lúc 2 trường (GV cơ hữu trường này và là GV thỉnh giảng của trường kia). GV thiếu ở các tỉnh hầu như chỉ tập trung vào các môn KHTN. Trong khi đó, như tỉnh Hà Nam có hơn 40 giáo sinh đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm các môn Văn, Sử thì thất nghiệp!

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Vọng cho rằng, để xảy ra tình trạng trên không chỉ vì tầm nhìn còn hạn chế của một số lãnh đạo Sở GD&ĐT mà còn do địa phương chưa có chính sách phù hợp. Tuy nguồn tuyển tại chỗ của một số địa phương khó khăn nhưng ở nhiều nơi khác giáo sinh thất nghiệp còn nhiều.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng, các Sở GD&ĐT nên tham mưu cho lãnh đạo địa phương để có chính sách nhà ở cho GV. Có như vậy, việc thu hút GV ở những vùng khó khăn sẽ dễ dàng hơn.

Theo thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Vọng, dù quá ít HS theo học ban KHXH&NV nhưng “phân ban không phá sản”.

Thực tế việc dạy học phân hóa vẫn được tiến hành mạnh mẽ ngay trong ban Cơ bản. Trong ban này, phần lớn HS đăng ký học nâng cao đồng thời 3 môn tương ứng với các khối thi đại học (được gọi với các tên Cơ bản A, Cơ bản B, Cơ bản C, Cơ bản D).

Theo đó, số HS theo học nâng cao các môn khoa học xã hội và nhân văn (gồm HS ban KHXH&NV, ban Cơ bản C, ban Cơ bản D) đạt 24,69%; HS theo học nâng cao các môn KHTN (gồm HS ban KHTN, Cơ bản A, Cơ bản B) đạt 42,07%). Chỉ có 7,13% số HS diện “phân hóa không rõ” (chỉ học 1 hoặc 2 môn nâng cao) và 24,17% “không phân hóa” (không học môn nâng cao nào).

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.