Triệt tận gốc tệ nạn 'xin - cho' trong quản lý giáo dục

Luật Giáo dục Đại học sửa đổi cần phải được điều chỉnh cho phù hợp thực tế.
Luật Giáo dục Đại học sửa đổi cần phải được điều chỉnh cho phù hợp thực tế.
TPO - Luật giáo dục ĐH sắp tới tối thiểu phải đạt được các yêu cầu quan trọng. Trong đó, phải triệt tiêu mọi hậu họa của tệ nạn “xin – cho” đang phổ biến hiện nay trong cơ chế quản lý giáo dục ĐH.

Đó là một trong những nội dung được nhấn mạnh tại văn bản kiến nghị sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam.

Theo Hiệp hội, những yêu cầu quan trọng mà Luật Giáo dục ĐH sắp tới cần đạt được gồm: Phải định hướng cho sự hình thành một hệ thống giáo dục ĐH phân tầng, thống nhất, đa dạng, rõ ràng và hiệu quả, hiện đại, mang tính đại chúng và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo hội nhập quốc tế. Trong các luật về giáo dục và trong các văn bản hiện hành, hệ thống này còn mờ về triết lý, manh mún, thiếu gắn kết, chắp vá về cơ cấu, hạn chế về năng lực hội nhập và kém hiệu quả.

Thứ hai là phải khẳng định được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cộng đồng, xã hội đối với giáo dục ĐH, thể hiện quan điểm xã hội hóa toàn diện về giáo dục.

Thứ ba là phải khẳng định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy quyền tự chủ thực sự và hợp lý và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục ĐH.

Cuối cùng là phải triệt tiêu mọi hậu họa của tệ nạn “xin – cho” đang phổ biến hiện nay trong cơ chế quản lý giáo dục ĐH.

Hiệp hội cho rằng, những điều này không được thể hiện hoặc nếu có thể hiện thì rất mờ nhạt ở Luật Giáo dục ĐH hiện hành.  Vì Luật hiện hành nghiêng theo hướng của một luật về cơ sở giáo dục ĐH, một văn bản thường chỉ được trình bày dưới dạng “dưới luật”, tức là điều kiện trường ĐH.

Cần có khái niệm góp vốn bằng trí tuệ

Tại văn bản kiến nghị này, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đưa ra rất nhiều nội dung cần phải điều chỉnh trong dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH đang được lấy ý kiến.

Trong đó, Hiệp hội nhấn mạnh cần phải bỏ điểm h, khoản 2 và điểm e khoản 6 điều 16 vì Hội đồng trường và Hiệu trưởng có chức năng khác nhau, còn mối quan hệ giữa chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng là mối quan hệ đồng cấp hỗ trợ nhau. Không phải mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới. Do đó, không thể có chuyện Hội đồng trường phân cấp cho Hiệu trưởng một số quyền hạn của mình như trong dự thảo.

Cũng trong điều 16, Hiệp hội đề nghị bỏ khoản 7 vì trường thành viên trong ĐH không có hội đồng trường.

Mặt khác, Hiệp hội kiến nghị đưa vào Luật khái niệm “góp vốn bằng trí tuệ”. Có quy định tỷ lệ cân đối thỏa đáng giữa phần góp vốn của các nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà quản lý (về trí tuệ) và phần góp vốn của các nhà đầu tư (về tiền bạc, tài sản) để hạn chế xung đột giữa hai nhóm này.

Đồng thời, đề nghị hạn chế tối đa việc vận dụng mô hình quản lý công ty cổ phần vào việc quản lý trường ĐH tư thục với quá trình nhiều ưu tiên cho nhà đầu tư và thường dẫn tới nhiều tiêu cực. “Tốt hơn cả nên chuyển qua mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên của Luật doanh nghiệp. Nên chăng cần có quy định hạn chế trần góp vốn của cổ đông và cổ đông nhóm để tránh thao túng trường của các nhóm lợi ích” – Hiệp hội kiến nghị.

Còn nếu đã xem trường ĐH tư thục vì lợi nhuận có đặc tính giống một doanh nghiệp tư nhân thì cần bám sát các quy định ở Luật Doanh nghiệp.

Với hai loại hình trường tư thục vì lợi nhuận và tư thục không vì lợi nhuận, bản kiến nghị đã phân tích rất cụ thể sự khác nhau giữa hai loại hình này.

Theo Hiệp hội, sự khác biệt giữa hai loại hình trường này không phải chỉ ở chỗ nhà đầu tư được hưởng lợi tức nhiều hay ít mà chủ yếu ở bản chất sở hữu của nhà trường.

Từ sự phân  tích về hai loại hình trường này, Hiệp hội đề nghị nên bỏ quy định cứng phải thành lập tổ chức kinh tế rồi mới đăng ký thành lập trường ĐH tư thục như tại điều 16a. Đồng thời phải xác định rõ bản chất sở hữu của các loại hình trường ĐH.

Cơ cấu thành viên hội đồng quản trị phụ thuộc rất nhiều vào bản chất sở hữu của trường ĐH. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến vai trò và hiệu lực của Hội đồng trường với tư cách là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường.

MỚI - NÓNG