Trở lại “đào tạo ĐH mở rộng”?

Trở lại “đào tạo ĐH mở rộng”?
Có 4 trường ĐH được Bộ GD-ĐT giao thêm chỉ tiêu tuyển sinh để giải quyết nhu cầu học tập của xã hội. Theo đó, hạ điểm chuẩn để lấy thêm thí sinh đào tạo ngoài ngân sách.
Trở lại “đào tạo ĐH mở rộng”? ảnh 1
Các thí sinh trong kỳ thi ĐH, CĐ 2005  Ảnh: Hồng Vĩnh

Như vậy, một số thí sinh đạt điểm cao sẽ có cơ hội được học ĐH dù phải đóng học phí.

Từ điểm chuẩn  ban đầu dự kiến 27,5, nay ĐH Dược HN  hạ xuống còn 27,0 để lấy thêm 48 chỉ tiêu đào tạo, với học phí dự tính 6 triệu đồng/năm.

ĐH Y Hà Nội hạ 0,5 so với chuẩn ngành Y học cổ truyền và 1,0 (Đa khoa). Trường này chỉ tuyển thêm hệ bác sĩ, không lấy cử nhân; học phí dự kiến 600.000 đồng/tháng.

ĐH Ngoại thương sẽ lấy thêm khoảng 200 chỉ tiêu: Khối A lấy xuống 25,0; khối D1 lấy 23,0 điểm; các khối D2 và D3 hạ xuống còn 25,0.  Học phí dự kiến khoảng 400.000 đồng/tháng.

ĐH Xây dựng hạ 0,5 điểm cho các ngành khối A và chỉ tuyển thí sinh vào học một số ngành khó tuyển là: CNTT, máy xây dựng - cơ giới hoá xây dựng và kiến trúc. Số thí sinh sẽ tuyển được dự kiến là 300 và trường này chưa đề xuất mức học phí đào tạo.

Được biết sau 4 trường kể trên đang có thêm một số trường đề nghị hạ chuẩn để lấy thêm thí sinh và đào tạo theo hình thức đóng học phí, được gọi là xã hội hoá.

Hạ điểm chuẩn một số trường ĐH để lấy thêm thí sinh nhằm giải quyết nhu cầu học tập của các thí sinh đạt điểm cao mà vẫn trượt ĐH là một biện pháp tình thế, nhưng vẫn có ý nghĩa về mặt xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải trường nào được giao chỉ tiêu cũng phấn khởi cả. ĐH Dược là một ví dụ.

Nếu chỉ lấy đủ chỉ tiêu được giao thì trường này phải lấy lên chuẩn là 28,0 . Như vậy kể cả hơn 3 điểm 9 thì thí sinh vẫn trượt. Sau đó trường này đã lấy điểm chuẩn 27,5 thì cũng đã vượt chỉ tiêu thêm 50 người. Nay, theo đề nghị Bộ giao hạ chuẩn xuống còn 27,0 trường này sẽ phải gánh thêm 48 thí sinh nữa. Con số lấy thêm khoảng 100 thí sinh trên tổng số 400 chỉ tiêu là một khó khăn về đào tạo cho trường ĐH Dược.

Thực tế này cho thấy, giải quyết vấn đề xã hội là một việc làm cần thiết, nhưng chất lượng đào tạo ĐH đang là một vấn đề bức xúc. Việc giao thêm chỉ tiêu cho các trường của Bộ GD-ĐT cần được nghiên cứu kỹ trên cơ sở các vấn đề về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chất lượng đầu vào của thí sinh để việc xã hội hoá giáo dục không sa đà vào câu chuyện “đào tạo ĐH mở rộng” như đã từng có thời làm đau đầu dư luận và đã bị xoá bỏ. 

MỚI - NÓNG