Trở lại trường không học sinh nào tốt nghiệp

Trở lại trường không học sinh nào tốt nghiệp
TP - Những ngày đầu tháng 8, khi học sinh  cả nước đang chuẩn bị tựu trường, chúng tôi tìm đến trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), nơi từng nổi tiếng cả nước với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 0% cách đây hai năm.

Vẫn còn nhiều trăn trở ở ngôi trường miền núi khó  khăn nhất tỉnh Quảng Ngãi này.

Trở lại trường không học sinh nào tốt nghiệp ảnh 1
Trồng cây đu đủ trước nhà hiệu bộ

Chúng tôi đến địa phận huyện Sơn Tây vào lúc buổi chiều đã tắt nắng. Khí trời trở nên mát lạnh. Con đường độc đạo lên Sơn Tây vắng hoe, cheo leo, quanh co, toàn gập cùn chỏ. Dốc, đèo cao chót vót và vực sâu thăm thẳm, hiện ra liên tiếp, đến rợn ngợp cả người. Xe khỏe nhưng bò như rùa. Đường đã xa lại càng xa thêm. 

Trường Đinh Tiên Hoàng tọa lạc trên một vị trí được xem là bằng phẳng nhất các cơ quan hành chính huyện (thuộc xã Sơn Dung). Thế mà vẫn dốc dù xe sắp đến cổng trường. Cảnh núi rừng nơi đây mang một vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về ngôi trường này là cái cổng ngõ sơ sài, tạm bợ bằng vài cây tre đã gần mục. Có lẽ, đây là trường THPT cuối cùng của tỉnh Quảng Ngãi chưa có cái cổng ngõ bằng gạch, bê tông, sắt thép.

Thầy Bùi Thế Giới, Hiệu trưởng trường Đinh Tiên Hoàng, nói như thanh minh: “Đã mấy lần đi xin  kinh phí để làm lại cổng ngõ cho đoàng hoàng nhưng trên vẫn chưa duyệt”.

Trở lại trường không học sinh nào tốt nghiệp ảnh 2
Cổng trường THPT Đinh Tiên Hoàng

Cả trường có tám phòng học cấp 3, ba phòng bộ môn, một phòng thư viện, một nhà công vụ giáo viên, một nhà nội trú cho học sinh. Nhìn chung là kiên cố, đảm bảo và đủ về số lượng cho công tác dạy và học của thầy và trò.

Khoảng sân trường, thuộc dãy nhà hiệu bộ mọc lên nhiều cây đu đủ. “Sao trường lại trồng đu đủ ngay sân trường?”, tôi hỏi. “Những cây, trái đu đủ kia sẽ cứu đói cho anh em chúng tôi, vào mùa mưa lụt. Khi đó các tuyến đường đều bị sạt lở, thung lũng bị chia cắt, không đi đâu được”, thầy Giới nói.

Thầy hiệu trưởng cho biết thêm, nỗi phiền muộn triền miên của nhà trường là, từ ngày thành lập đến nay, nguồn nước dùng cho sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh.

Do cách xa khu dân cư, không thể có nguồn nước sạch của huyện đưa vào được. Xài hết nước mưa, phải dùng nước sông bẩn đục. Mô tơ bơm nước từ sông Đắc Rin lên có bể chứa nhưng nước đục vẫn hoàn đục. 

Trên dòng sông này, người ta đang ngăn dòng, làm thủy điện và thi công đường Trường Sơn Đông, nguồn nước càng tệ hại.

Trường Đinh Tiên Hoàng thành lập năm 2004, sau 10 năm tái lập huyện Sơn Tây, tiền thân là các lớp của trường THCS nội trú. Buổi đầu trường có 177 học sinh, chia thành năm lớp với 10 giáo viên, không có giáo viên dạy địa.

Số lượng học sinh ở đây giảm hàng năm. Năm học vừa rồi chỉ còn 139 học sinh. Huyện Sơn Tây có trên 17.000, trong đó 90 phần trăm là người dân tộc thiểu số Hre, K’dong. Từng ấy nhân khẩu, mà chỉ có bấy nhiêu học sinh theo học THPT.

Sự học ở đây ngán lắm 

Mấy thầy cô nhà trường dẫn tôi đến thăm một số gia đình phụ huynh ở các xã Sơn Mùa, Sơn Bua và Sơn Tinh. Kể từ khi thi tốt nghiệp THPT đi vào nề nếp, kết quả tốt nghiệp của trường luôn xếp vào diện thấp nhất cả tỉnh, cả nước.

Năm học mới, theo dự kiến, trường tuyển vào lớp 10 được trên 120 em, tổng cộng toàn trường có khoảng 230 học sinh. Số lượng ban đầu có nhích lên so với mọi năm. Để giữ được sĩ số học sinh ấy đến cuối năm là chuyện không hề đơn giản.

Giữ được sĩ số đã khó, nâng cao được chất lượng giáo dục càng khó hơn, nhất là mong muốn có được 20 phần trăm đậu tốt nghiệp trong năm nay ở nơi đặc biệt này lại là một thử thách lớn của nhà trường.

Năm 2007 là 0 phần trăm. Hai năm 2008 và 2009 chưa có năm nào đạt tỉ lệ trên 10 phần trăm đỗ tốt nghiệp. Chuyện thi đỗ đại học, cao đẳng, đối với học sinh xứ này lại càng trở nên xa vời. Nhiều em bắt đầu nản chí, không dám đi học nữa.

Các thầy cô tâm sự: “Chúng tôi đau đầu và khổ tâm về chuyện học sinh bỏ học hàng loạt, nhất là thời điểm sau Tết, đến mùa đi hái đót, trồng rừng, nhổ mì kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Một số  em đã có gia đình, hai ba đứa, làm sao học được. Lớp 12 năm vừa rồi chỉ còn trụ lại được 19 em. Tới lúc đi thi, mỗi em  được hỗ trợ 300.000 đồng và mấy chục kí gạo. Thế mà, các em có thiết tha học  đâu.

Làm không được bài là tự bỏ ra, chạy luôn về nhà. Nói thật lòng với anh, sự học ở đây ngán lắm, nhưng biết làm sao bây giờ.” – Thầy Giới ngậm ngùi.

Trường THPT Đinh Tiên Hoàng hiện có 16 cán bộ, giáo viên, trong đó năm giáo viên dân tộc thiểu số. Chế độ phụ cấp có khá hơn dưới đồng bằng nhưng trong tư tưởng, nguyện vọng sâu xa của thầy cô ở đây, xong thời hạn cống hiến 4-5 năm muốn xin về đồng bằng.

MỚI - NÓNG