Trở thành sinh viên tài năng từ đồng lương công nhân của chị

Khánh là sinh viên lớp Kỹ sư tài năng của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Hoàng Phương (VnExpress).
Khánh là sinh viên lớp Kỹ sư tài năng của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Hoàng Phương (VnExpress).
Bố bị bệnh qua đời sớm, mẹ đau yếu, người chị gái đã nghỉ học, đi làm công nhân phụ giúp mẹ nuôi Nguyễn Thượng Khánh (trường THPT B Kim Bảng, Hà Nam) ăn học.

Mặc chiếc áo trắng đồng phục của trường THPT B Kim Bảng, Nguyễn Thượng Khánh vẫn còn đầy vẻ rụt rè của tân sinh viên mới lên Hà Nội nhập trường.

Từ lúc đậu đại học, chàng trai 18 tuổi mới dám mua một bộ quần áo mới và một bộ đồng phục của trường. Còn lại, cậu vẫn tận dụng đồng phục từ hồi cấp 3. Khánh chia sẻ, em được bước chân vào giảng đường như ngày hôm nay là nhờ công lớn của người chị gái đang đi làm công nhân.

Bố bệnh nặng mất từ hồi Khánh học lớp 9, tiền trợ cấp thương binh hơn 2 triệu đồng mỗi tháng của bố bị cắt. Ba mẹ con chỉ còn trông vào một ít ruộng ở vùng quê đồng chiêm trũng. Mẹ em thường xuyên đau ốm, trái gió trở trời là không làm nổi việc. Chị gái Nguyễn Thị Thanh Thủy (sinh năm 1992) đã phải nghỉ khi đang học dở lớp 10, đi làm công nhân phụ mẹ nuôi em trai.

Có thời gian rảnh rỗi, Khánh lại phụ mẹ chăm hơn 2 sào ruộng. Nhiều lúc, cuộc sống gia đình khó khăn, cậu từng nghĩ đến việc nghỉ học. Những lúc đó, chị gái lại động viên: "Nhà mình nghèo, chị đã đứt đường học rồi, em phải cố gắng đến cùng. Chị sẽ không để em lo lắng nhiều".

Đáp lại sự quan tâm của chị, Khánh luôn giành nhiều giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh Hà Nam. Đến kỳ thi đại học, Khánh làm hai bộ hồ sơ vào Học viện An ninh nhân dân và ĐH Bách khoa Hà Nội.

Lo mình không đủ sức vào an ninh, cậu chọn thi Bách khoa và đỗ vào Khoa Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa với 28 điểm. Sau khi nhập học, Khánh vượt qua một vòng thi nữa, trở thành sinh viên lớp Kỹ sư tài năng, ngành Công nghệ thông tin của ĐH Bách khoa Hà Nội. 

Đằng sau niềm vui đậu đại học của cậu học trò là nỗi lo cho mẹ và chị lại cong lưng gánh gồng. Nhiều lúc Khánh nghĩ có phải vì mình đi học mà mẹ và chị gái quá vất vả không?

Mẹ Khánh biết, chỉ nói rằng nhiều gia đình giàu có hơn, muốn con cái có được sự học như vậy mà không được nên mình cần phải cố gắng đến cùng. Dù thời buổi khó khăn, nhưng nếu mình thực sự giỏi thì trời sẽ không tuyệt đường sống bao giờ.

Về phía chị gái Khánh, giờ đây cô càng tất bật hơn. Tan ca làm ở công ty sản xuất linh kiện điện tử thuộc khu công nghiệp Đồng Văn từ 6h sáng đến 14h chiều, cô lại chạy đi phụ quán ăn để kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống của cô ngày ngày gắn với hai nơi là nhà xưởng và ngôi nhà nhỏ chỉ còn hai mẹ con ở. Có người ngỏ lời nhưng Thủy chưa đồng ý.

"Nếu bây giờ em ích kỷ nghĩ về hạnh phúc riêng, mình mẹ sẽ không kham nổi số tiền 2-3 triệu đồng mỗi tháng lo cho em trai ăn học và chi tiêu trong gia đình", Thủy tâm sự.

Cô dự tính trước mắt cứ đi làm kiếm tiền, lo cho Khánh học trước. Sau này quen với môi trường học rồi, Khánh có thể tự kiếm việc ngoài giờ học để có thêm tiền học phí. Trong thâm tâm, cô vẫn lo lắng cho cậu em sống nội tâm, ít giao lưu bên ngoài. Thủy từng chứng kiến một vài trường hợp người làng đi học đại học đã không thoát khỏi cám dỗ thị thành mà đánh mất tương lai.

Dự định hết tháng này lấy được lương, Thủy sẽ tích cóp để mua cho Khánh chiếc máy tính cũ làm quà mừng em đậu đại học. Cô nghĩ, học ngành công nghệ thông tin thì sẽ rất cần máy tính. Bản thân Khánh muốn dần thích nghi với cuộc sống thành phố, rồi đi làm gia sư kiếm tiền để cùng mua máy tính với chị. "Em cũng lớn rồi, không muốn phụ thuộc vào mẹ và chị mãi", Khánh nói.

Theo Hoàng Phương

Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG