'Trọng dụng' người tài cần hơn 'vị trí'

'Trọng dụng' người tài cần hơn 'vị trí'
Đào tạo bài bản và trọng dụng, tạo điều kiện để phát huy năng lực là điều mà các tài năng trẻ cần. Làm được điều đó, chúng ta không chỉ có các tài năng trẻ, mà sẽ có cả đội ngũ lãnh đạo trẻ có năng lực.
'Trọng dụng' người tài cần hơn 'vị trí' ảnh 1

Lãnh đạo thành phố Hà Nội tặng bằng khen cho các Thủ khoa năm 2006. Ảnh: Phạm Yên.

Đào tạo - có "đề án đi" phải có "đề án về"

Nhân tài, dù có thể là "thiên tài", sinh ra với đầy đủ tố chất, cũng không thể tự hoàn thiện mà không qua quá trình đào tạo. Chính vì vậy, chất lượng đào tạo của hệ thống giáo dục, mà gần nhất là bậc đại học (ĐH), có vai trò đặc biệt quan trọng.

Muốn vun đắp nên một con người xuất sắc, đặc biệt là các "lãnh đạo trẻ", cần nội dung đào tạo chuyên sâu, giúp khả năng tư duy và phân tích tốt, trang bị kĩ năng lãnh đạo nhóm, nâng cao thể chất...

Thạc sĩ Đặng Tất Dũng, giảng viên ĐH Luật TPHCM phân tích: "Chương trình ĐH hiện nay vẫn tập trung vào chuyên môn, chưa chú trọng rèn luyện nhân cách, sức khỏe và sự phát triển tòan diện, khả năng tư duy linh hoạt.

Đừng chỉ chăm chú đào tạo "bách khoa toàn thư" mà không tạo ra người chủ kho sách và biết ứng dụng linh hoạt. Thảo nào các luận văn, đề tài khoa học đều chỉ "theo hướng tổng kết thực tiễn, ít có sáng tạo, giải pháp".

Muốn học giỏi, muốn thành tài, học phải đi đôi với hành. Song cho tới nay, được đầu tư nhiều, nhưng các trường ĐH vẫn chưa thể cải thiện được môi trường thực hành cho sinh viên.

Sinh viên Nguyễn Hùng Cương, thành viên CLB Thủ khoa Hà Nội, trăn trở: "Ở Mỹ, học Luật, các giảng viên thường có các tài liệu thực tế về các vụ việc kiện tụng, lấy từ văn phòng luật sư của chính các giảng viên để sinh viên tự thực hành. Trong khi, ở Việt Nam, qui định công nhân viên chức không được mở doanh nghiệp, nên các giáo viên phải cân nhắc giữa "làm thầy hay làm doanh nghiệp".

"Họ không được mở công ty, dù là công ty về Luật. Kiến thức Luật của sinh viên ta chỉ có lí thuyết suông. Giảng viên thiếu hụt thực tế không thể là giảng viên giỏi, thầy không giỏi, làm sao có trò tài?" - Hùng Cương đề xuất, cần phải sửa qui định này.

Trong đào tạo nhân tài, khâu không thể thiếu chính là phát hiện. Thạc sĩ Nguyễn Linh Giang, Viện Khoa học Xã hội & Nhân văn đưa ra ý kiến: Phải có các kiểm tra phân loại từ tiểu học cho học sinh, kiểm tra khả năng ngôn ngữ, tư duy logic, năng khiếu thể thao, âm nhạc... Gia đình và nhà trường căn cứ vào đó để bồi dưỡng như hạt mầm tài năng phát triển từ rất sớm.

"Nhân tài" được phát hiện, được đào tạo phải có những chính sách để họ không... thui chột. Trung bình mỗi nghiên cứu sinh do Nhà nước cử đi du học nước ngoài tốn từ 50.000 - 100.000 USD, đó chính là những "đề án đi".

Còn "đề án về" dành cho chính các du học sinh tự túc, nếu đó là các tân tiên sĩ họ sẽ được trả 70.000 USD hoặc bố trí đề tài nghiên cứu trị giá 20.000 USD cho họ - ông Tiến sĩ Trần Ngọc Thiêm, ĐH Quốc gia Hà Nội, gợi ý giải pháp.

Sử dụng đúng người, đúng việc

Hiện nay hệ thống văn bản qui định pháp luật của ta chưa có văn bản nào về chế độ bồi dưỡng, trọng dụng, sử dụng nhân tài. Anh Nguyễn Hùng Cường, CLB Thủ khoa Hà Nội, nói: "Cần phải có văn bản để thống nhất chính sách đãi ngộ tài năng, cần tập thói quen phản biện và lắng nghe ý kiến phản biện".

Các đề tài khoa học cần minh bạch, công khai, thậm chí cho "thầu đề tài" thì mới có được các đề tài xứng tầm, có được người thực hiện giỏi, Thạc sĩ Nguyễn Chí Thanh đề xuất.

Nghiên cứu sinh Đặng Xuân Phương (Bộ Nội vụ), khẳng định: "Nhà nước khi xây dựng bộ máy cần làm đồng bộ, giảm sự lệ thuộc vào thứ bậc hành chính, thâm niên công tác mà chuyển sang phụ thuộc vào năng lực của mỗi người. Phải xóa bỏ cả việc phân công mà không đúng năng lực, khiến có người "long đong cả đời không biết mình giỏi ở lĩnh vực nào".

Cần đẩy mạnh hơn nữa việc "thi tuyển vào các chức danh", trong đó có cả "thi tuyển lãnh đạo" như cách thức mà một vài thành phố đã làm và khá thành công. Thi tuyển phải đảm bảo sự minh bạch và công bằng.

Yêu cầu "các hạt giống đỏ" phải chủ động năng động hơn nữa trong sự nghiệp. "Nhiều bạn trẻ mơ ước về một công việc ổn định. Nhưng thực ra, phải chấp nhận luân chuyển, kinh qua các vị trí thì mới phát hiện được mình có năng lực ở phần công việc nào" - Thạc sĩ Linh Giang đề xuất.

Đôi khi, luân chuyển sẽ ảnh hưởng tới quá trình phấn đấu của mỗi người, nhưng người tài cần phải được trọng dụng, được cống hiến trọn vẹn trí tuệ và tâm huyết chứ không phải đơn thuần là một "chiếc ghế", một vị trí trong cơ quan.

Theo Thái Hòa
TTXVN

MỚI - NÓNG