Trực tuyến cùng các Thủ khoa 30 điểm : bàn về cách dạy và học

Trực tuyến cùng các Thủ khoa 30 điểm : bàn về cách dạy và học
TPO - "Dù chỉ là học sinh cấp III, nhưng em nghĩ cần phải ngăn chặn ngay căn bệnh thành tích trong giáo dục. Nếu ngăn chặn được, học sinh  sẽ được hưởng những phương pháp giảng dạy tốt hơn...". Thủ khoa ĐHKT QD Nguyễn Thị Như Trang nói.

Mở đầu bàn tròn trực tuyến, Phó TBT báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn đã phát biểu chúc mừng các thủ khoa hôm nay có mặt tại TPO để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với học sinh và bạn đọc cả nước.

Phó TBT Lê Xuân Sơn đề nghị tất cả các thủ khoa, những tấm gương về học tập cho HS cả nước mạnh dạn bày tỏ chính kiến của mình về cách dạy và học hiện nay. Bí quyết gì giúp các em đạt điểm 30/30 một cách xuất sắc như vậy.

Phó Tổng biên tập Lê Xuân Sơn:

Trực tuyến cùng các Thủ khoa 30 điểm : bàn về cách dạy và học ảnh 1

Phó Tổng biên tập Lê Xuân Sơn phát biểu chúc mừng các thủ khoa hôm nay có mặt tại TPO để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với học sinh và bạn đọc cả nước

Trong kỳ thi ĐH-CĐ 2006 vừa qua, có trên 6.000 thí sinh đạt điểm 0 cả 3 môn, nhưng bên cạnh đó có tới 37 em đạt điểm 30/30. Đặc biệt hơn nữa, các thí sinh thủ khoa này là học sinh nông thôn, học tại nông thôn, không hề luyện thi tại thành phố mà vẫn đạt điểm tuyệt đối.

Điều này khuyến khích các em học tập nghiêm túc, thực sự. Kinh nghiệm của các em sẽ được chi sẻ với các bạn cùng lứa tuổi và các em học sinh năm tới cũng có thể đạt được kết quả cao như vậy. Quan trọng là kiến thức cơ bản nền tảng vững chắc cho bản thân mình.

Trong thời gian qua, có nhiều ý kiến về nền giáo dục của chúng ta, cách dạy và học trong nhà trường quá khuôn mẫu, không còn chỗ cho tính sáng tạo.

Chỉ lao vào học những bài có sẵn, khi gặp một bài mới, không có trong khuôn mẫu, lập tức không thể thực hiện và không thể sáng tạo được. Khi ra cuộc sống sẽ là một vấp váp lớn của chính các thí sinh. Cần phải cải tổ nền giáo dục này, thật sự tiên tiến và thật sự khoa học, để có được những cử nhân thực sự đầy đủ phẩm chất bước vào cuộc sống.

Thầy giáo Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội:

Trực tuyến cùng các Thủ khoa 30 điểm : bàn về cách dạy và học ảnh 2
Thầy giáo Đặng Đình Đại

Tôi không chỉ là một người thầy giáo, mà còn là một người bố đã từng có con thi đại học.Trước hết, thầy chúc các em học tập thật tốt để thành đạt sau này.

Kỳ thi năm nay, trường chúng tôi thi cũng đạt kết quả tốt, nhưng hơi buồn là kết quả thi của các em chưa được như mong đợi của thày cô và gia đình.

Là một thày giáo, người ký trực tiếp vào đơn  dự thi tuyển sinh Đại học của các em, tôi cũng ngạc nhiên khi thấy nhiều em có sức học trung bình, nhưng đăng ký vào trường có khả năng tuyển sinh điểm cao. Đó cũng là nguyên nhân khiến các em chưa đạt điểm tuyển.

Là một người thày, một  phụ huynh,  tôi cũng khuyên các bậc phụ huynh không nên kỳ vọng quá vào năng lực học tập của con em mình.

Trước khi làm hồ sơ tuyển sinh, chúng tôi đã họp học sinh,họp phụ huynh để phân tích tình hình và nêu rõ định hướng cho học sinh. Thực tế, khi  ký vào đăng ký thi của các em, tôi thấy các em quá tự tin.

Nếu các em điểm tổng kết môn toán, lý, hóa cả 3 năm THPT đạt từ 8 trở lên, hãy mạnh dạn thi vào khối A. Tuy nhiên, có những em, điểm trung bình chỉ hơn 5 phẩy, nhưng vẫn đăng ký dự thi khối A. Điều đó chứng tỏ các em và gia đình chưa thật sự hiểu yêu cầu của kỳ thi tuyển sinh ĐH.

Trong kỳ thi ĐH vừa qua, thấy nổi lên hiện tượng bài văn điểm 10. Tôi cũng là một thày giáo dạy văn, tôi đọc bài văn của bạn này, tôi thấy cũng khá chỉnh chu, điểm 10 là xứng đáng. Nhưng khi đọc báo chí, thấy nêu bài văn đó giống  bài văn mẫu trong sách, tôi thấy học sinh đó cũng không đáng trách vì em làm bài thi đúng như qui chế. Việc em nhớ được và diễn đạt được như vậy là đạt được yêu cầu của đáp án và biểu điểm.

Việc các em học sinh mua sách về để đọc và tham khảo những sách hướng dẫn không có gì là hại. Tuy nhiên, nếu coi đấy là khuôn mẫu hoàn toàn và dập khuôn thì đã giết chết sự sáng tạo của chính mình. Môn ngữ văn rất cần sự sáng tạo, rất cần cái riêng trong cách cảm nhận.

Chúng tôi cho rằng, có lẽ cần có sự khách quan hơn, công tâm hơn trong việc đánh giá em học sinh đó và người chấm bài thi đó. Nhưng rõ ràng, đã đến lúc phải thay đổi cách học, cách dạy để học sinh của mình có sự sáng tạo độc lập.

Theo các học sinh trường tôi tham gia kỳ thi tuyển sinh, đề bài thi tuyển sinh năm nay nói chung phù hợp với chương trình đã học.

Trường tôi có những em điểm trên 20,nhưng vẫn chưa trúng tuyển. Tôi hy vọng, các em điểm trên 20 cũng có thể đỗ đại học.Qua đó, cũng giúp các em tự kiểm định mình và tự định hướng cho mình trong tương lai.

Tôi hy vọng, Bộ GD- ĐT nên xem xét và có những giải pháp đối với những em đạt điểm cao hơn nhiều so với điểm sàn nhưng vẫn chưa đạt điểm chuẩn các trường để các em bớt thiệt thòi.

PGS TS Nguyễn Thị Minh Phương :

Giáo dục thời chiến tranh, bao cấp có những đặc thù riêng của nó. Thời đó mục tiêu của chúng ta là nâng cao kiến thức, giúp cho các HS có được kiến thức cơ bản. Đó là vấn đề mang tính lịch sử.

Trực tuyến cùng các Thủ khoa 30 điểm : bàn về cách dạy và học ảnh 3
PGS TS Nguyễn Thị Minh Phương

Thời nay, mục tiêu đã khác, HS bây giờ cần phải năng động sáng tạo dựa trên 1 nền tảng kiến thức vững chắc. Muốn vậy, tư duy của các thầy cô cũng sẽ phải thay đổi, không thể khuôn mẫu mãi nữa.

Theo kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến, giai đoạn đổi mới cách dạy và học này cần ít nhất 10 năm nữa. Chúng tôi rất mong muốn HS cùng các thầy cô bắt tay vào theo cách dạy và học mới.

Thực tế, khi áp dụng cách dạy mới cho cácem HS tiểu học cho thấy, các em không hề thụ động, nhiều em đã thể hiện được sự sáng tạo, bày tỏ được chính kiến của các em.

Hiện nay, vẫn đề quốc tế hóa, năng động, hòa nhập là yếu tố đòi hỏi các học sinh của chúng ta hiện nay. Quyết định năm 2000, đổi mới chương trình sách giáo khoa bắt đầu từ năm 2002.

Nhằm mục tiêu đào tạo con người năng động sáng tạo, dựa trên nền tảng vững chắc. Mục tiêu này đã tác động trở lại đối với cách dạy và học. Để vận hành được bộ máy của nền giáo dục, mà bộ máy của trên 20 triệu giáo viên, điều này không thể ngày một ngày hai.

Tôi đặt lại câu hỏi: Chúng ta có dạy khuôn mẫu không ?

Chúng ta chỉ dạy cho học sinh những trọng tâm, đáp ứng đòi hỏi trong sách giáo khoa. Nhà trường tạo điều kiện cho học sinh học tập. Năng lực của giáo viên của chỉ đáp ứng được đòi hỏi về truyền tải lại cho các em. Bộ Giáo dục Đào tạo cũng đang chú trọng tới việc thay đổi kỹ năng dạy cho chính các giáo viên. Tổ chức cho các em được làm việc, được nói lên suy nghĩ của chính mình.

Hỗ trợ máy tính cũng là một phương pháp giúp cho giáo viên thay đổi cách dạy và học sinh thay đổi cách học của mình. Giáo viên cần phải hiểu rõ những tâm tư và tình cảm riêng của mỗi em để có một phương pháp phù hợp.

Vấn đề thứ hai : Cách ra đề và chấm thi

Trong quá trình chúng tôi nghiên cứu và tư vấn với Bộ, chúng tôi cố gắng làm sao ra đề để phân loại học sinh cao, vừa đánh giá kiến thứuc HS nhưng phân loại tốt được các em. Từ đó để các em tự đánh giá được khả năng của mình, nên học nghề hay học đại học.

Chúng tôi đã kiến nghị cách ra đề: 70% là kiến thức cơ bản, còn 30% là kiến thức nâng cao đòi hỏi sự sáng tạo, biết cách phân tích biết cách trình bày.

Đối với môn Văn quả thực là rất khó. Trường hợp em HS điểm 10 văn, ít nhất em đã nắm được kiến thức cơ bản. Ngoài ra em Nhi cũng đã có sự sáng tạo trong cách trình bày, cách tư duy.

Tôi xin bổ sung một ý. Để đảm bảo đánh giá khách quan, chính xác kết quả học tập của các thí sinh, rất cần có sự đánh giá cả quá trình học tập của các em. Kết quả thi chỉ phản ánh phần nào chất lượng của một học sinh. Trong đổi mới  giáo dục hiện nay, đây là vấn đề mà chúng tôi chú trọng.

Bạn Đào Thị Thu Thuỷ

Trao đổi một vài suy nghĩ với bạn đọc báo Tiền phong, bạn Đào Thị Thu Thuỷ cho biết thực ra trường Liên Hà không phải là một trường quá nổi tiếng nhưng em rất may mắn là được học trong một lớp có các thầy cô rất tâm huyết.

Trực tuyến cùng các Thủ khoa 30 điểm : bàn về cách dạy và học ảnh 4
Bạn Đào Thị Thu Thuỷ

Điển hình ở môn Toán, ngoài những giờ học chính khoá thầy còn tổ chức những buổi giới thiệu những dạng toán khó và giúp học sinh luyện, làm thử những bài thi Đại học.

Ở trong lớp, các bạn đề nỗ lực và cùng phấn đấu. Điều này cũng là yếu tố giúp em cùng phấn đấu hơn nữa trong học tập.

Thời gian học Văn trên lớp chỉ vỏn vẹn 45 phút nên phần lớp các học sinh thường học theo kiểu khuôn mẫu.  Dù học tự nhiên nhưng em thấy học Văn cũng rất tốt. Nó giúp học sinh có sự tư duy tốt hơn. Theo em, việc có hàng nghìn học sinh có điểm 0 thi ĐH, thì đây là lỗi của học sinh do các bạn học không cố gắng.

Các thày cô giáo cũng có một phần trách nhiệm. Điều này là do khi ôn thi có một số thày cô giáo chỉ dạy bám sát theo chương trình cơ bản. Một số thày cô giáo khác thì lại hướng dẫn cho học sinh những theo cách quá cao siêu. Ngoài ra cũng còn nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thi Đại học.

Em nghĩ bệnh thành tích trong ngành giáo dục hiện nay đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với HS. Vì chạy theo thành tích, nhiều giáo viên chỉ dạy qua loa các môn khác và chỉ tập trung vào các môn thi tốt nghiệp.

Theo em, tình trạng quay cóp trong phòng thi cũng là một điều đáng nói. Vì nhiều yếu tố, có trường tình trạng quay cóp trong phòng thi rất cao dẫn đến việc tỉ lệ học sinh đỗ rất cao. Đây là  một điều bất công.

Về đề thi năm nay em thấy thế là phù hợp. Thời gian 3 tiếng ngồi ở phòng thi đủ để các học sinh làm bài. Trong đề thi có những câu hỏi yêu cầu học sinh phải rất tỉnh táo mới có thể làm tốt được bài. Theo em đề thi năm nay có tính phân loại rất tốt. Nếu các học sinh để ý và bám sát chương trình học trong sách giáo khoa thì sẽ làm được rất tốt. Còn nếu không thì kết quả sẽ ngược lại.

Nguyễn Thị Như Trang:

Trực tuyến cùng các Thủ khoa 30 điểm : bàn về cách dạy và học ảnh 5
Nguyễn Thị Như Trang

Em rất may mắn từ khi học tiểu học đã được học trong môi trường tốt. Thầy, cô luôn có phương pháp rất hay, các bạn rất chăm chỉ học tập.

Ở trường trung học phổ thông Nguyễn Trãi, em đã có môi trường tốt. Các thầy đưa ra nhiều phương pháp giải đối với mỗi bài Toán.

Thầy luyện cho chúng em tư duy làm bài không phụ thuộc vào sách giải và kích thích sự sáng tạo của học sinh. Chúng em luôn nắm vững sách giáo khoa, trước khi làm bài tập trong sách nâng cao.

Ngoài ra, để đạt được thành tích như ngày hôm nay, còn có sự hỗ trợ rất nhiều của gia đình. Bố mẹ không gây áp lực và luôn động viên, tạo điều kiện tốt cho em trong học tập. Bà nội em tuy đã già nhưng vẫn nấu cơm cho em trong suốt 3 năm cấp III. Biết tin em đỗ đầu trường Đại học Kinh tế Quốc dân, bà nội em đã rất vui và không ngủ được.

Về phương pháp học tập, em nghĩ mình phải yêu thích môn học, phải say mê thì học mới vào.

Về các vấn đề bệnh thành tích, dù chỉ là học sinh cấp III, nhưng em nghĩ cần phải ngăn chặn ngay căn bệnh thành tích trong giáo dục. Nếu chạy theo thành tích thì không sớm thì muộn thì cái thực chất yếu kém sẽ bộc lộ.

Nếu ngăn chặn được bệnh thành tích, học sinh  sẽ được hưởng những phương pháp giảng dạy tốt hơn vì biết được điểm yếu thì mới biết được cách khắc phục.

Em cũng có nghe tới các phương tiện thông tin đại chúng nói tới rất nhiều thí sinh đạt điểm 0 trong kỳ thi vừa qua, em nghĩ, hlỗi chính thuộc về học sinh vì đã không chú tâm tới học hành. Bạn của em những ai chú tâm học hành đều đạt điểm cao, ai không học thì không tránh khỏi bị kết quả kém. Lỗi chính, theo em thuộc về học sinh với cách học thụ động.

Đối với bài văn duy nhất đạt điểm 10, em thấy không phải lỗi tại riêng, ai mà lỗi của nhiều người. Cá nhân em cho rằng, dù bài văn chưa có nhiều ý sáng tạo nhưng với đề ra như vậy, xét trên barem điểm, bài làm của bạn xứng đáng điểm 10. Bạn ấy cũng chỉ nạn nhân của cách ra đề.

Ở góc độ dạy thêm, học thêm, em nghĩ dạy thêm tràn lan cần ngăn chặn, nhưng dạy thêm với ý nghĩa bổ sung kiến thức cho học sinh sau giờ lên lớp là cần thiết. Em thấy với 45 phút trên lớp, nắm chắc, đào sâu hết được kiến thức trong SGK là khó nên cần phải có thời gian củng cố thêm. Giờ học thêm ở trên lớp, các thầy đã có thêm thời gian giúp chúng em nắm chắc những kiến thức trong SGK hơn.

Sau đây là phần giao lưu, các khách mời trả lời câu hỏi do độc giả gửi tới:

Tôi được biết em Hoàng Thị Lụa ngoài thời gian học ở trường em còn "ra đồng làm ruộng" cùng gia đình. Vậy em đã dành thời gian vào lúc nào để học bài? Tôi muốn được biết trong suốt quá trình học THPT em chủ yếu sử dụng những loại sách nào và của nhà xuất bản nào đã giúp em đạt điểm cao trong kỳ thi vừa qua?(Lưu Văn Hải, 24 tuổi, Đại học Thuỷ sản).

Bạn Hoàng Thị Lụa: Mặc dù em cũng phải ra đồng nhưng việc này không phải là thường xuyên. Vì vậy nên em vẫn còn đủ thời gian để học bài. Trong quá trình học em hay dùng sách của NXB Giáo dục và NXB Hà Nội.

Bạn Hoàng Thị Lụa chia sẻ: Em rất vui khi được biết mình đã đỗ thủ khoa của trường ĐH Thuỷ lợi. Ở nhà em cũng có giúp đỡ bố mẹ làm công việc đồng áng. Tuy nhiên thời gian dành cho việc này không phải quá nhiều.

Trực tuyến cùng các Thủ khoa 30 điểm : bàn về cách dạy và học ảnh 6
Bạn Hoàng Thị Lụa

Em học ở một trường khu vực mới được thành lập chưa được 10 năm. Ở trường các anh chị khoá trước em rất nhiều người là học sinh giỏi có kết quả thi Đại học trên 25. Đây là những tấm gương cho các học sinh khoá dưới chúng em noi theo.

Bên cạnh đó em được may mắn được học trong lớp của thầy chủ nhiệm dạy môn Toán rất tâm huyết với nghề. Là thầy giáo trẻ nhưng thày Bùi Văn Tĩnh rất nhiệt tình với học sinh.

Thày dành rất nhiều thời gian để tìm những phương pháp dạy phù hợp với học sinh. Thậm chí thày còn tìm những phương pháp riêng cho từng học sinh trong lớp. Thầy cũng tổng hợp các bài toàn thành những chuyên đề và tổ chức các buổi thi thử nhằm giúp học sinh cọ xát với các cuộc thi ĐH.

Các bạn có thể bày cho mình cách ôn lại ĐH không? Mình không biết bắt đầu từ đâu và như thế nào(Trần Hữu Hiền, 18 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội)

Vũ Minh Long: Mình ôn kỹ lý thuyết trong sách giáo khoa, tập trung giải quyết các bài tập trong bộ đề.

Trực tuyến cùng các Thủ khoa 30 điểm : bàn về cách dạy và học ảnh 7
 Bạn Vũ Minh Long

Mình cũng thường xuyên sưu tập đề thi các năm để tham khảo.

Mình tự làm các đề thi này, có bấm thời gian như thi thật, sau đó gửi bài cho thầy chấm. Những lần tự thi thử này, thông thường mình đạt 26 đến 27 điểm.

Mình không bị quá áp lực về việc ôn thi, đến 21 giờ tối mới ngồi vào bạn học, đến 1 - 2 giờ thì đi ngủ. Những lúc ôn thi căng thẳng quá, thấy có vẻ không vào, mình thường nghe nhạc, nghỉ ngơi.

Lúc học, mình luôn cố gắng tập trung tối đa. Mình cũng chú ý luyện việc trình bày bài thi một cách cẩn thận để không bị mất điểm đáng tiếc.

Nguyễn Thị Như Trang: Mình luôn học kỹ lý thuyết trước khi làm hết bài tập trong sách giáo khoa. Sau đó, mình làm thêm phần bài tập nâng cao để củng cố kiến thức.

Mình không lên Hà Nội ôn thi vì cảm thấy không cần thiết. Mình tự học ở nhà và ôn thi 3 môn ở trường vào các buổi chiều. Tối về, mình xem lại bài từ 19 giờ 30 phút đến 23 giờ.

Trực tuyến cùng các Thủ khoa 30 điểm : bàn về cách dạy và học ảnh 8
Bạn Nguyễn Thị Như Trang

Phần lý thuyết của các môn Vật lý, Hóa học, mình cố gắng hiểu bản chất của vấn đề thì học thuộc dễ hơn và nhớ lâu hơn. Trước khi đi thi, mình cũng ôn lại một lượt.

Mình cũng tham gia thi thử tại trường để lượng sức mình. Kết quả thường là 27 điểm, 28 điểm.

Mình muốn hỏi bạn là: Ở nhà bạn học như thế nào? Bạn chia lịch học cụ thể như thế nào? Và thời gian học của bạn?(Nguyễn Trọng Đức, 17 tuổi, Cẩm Hoàng, Cẩm Giàng, Hải Dương).

Bạn Hoàng Thị Lụa: Ở nhà mình cố gắng học theo chương trình trên lớp và học bổ sung phần học chuyên đề theo như thầy cô dạy thêm.

Về lịch học: Sáng mình đi học chính ở trường. Thường các buổi chiều mình đi học thêm. Tối cố gắng học thêm từ 2- 3 tiếng.

Bạn Đào Thị Thu Thuỷ: Ở nhà mình thường dành phần lớn thời gian để học. Mình cố gắng phân bổ thời gian hợp lý cho các môn thi Đại học và các môn học khác trên lớp. Theo mình, mỗi người nên tự sắp xếp cho mình một lịch học thật hợp lý, phù hợp với bản thân.

Chúc mừng các bạn thủ khoa. Tôi rất khâm phục các bạn. Xin hỏi các bạn một câu. Nếu chỉ học ở trên lớp với nội dung trong SGK có thể thi đạt điểm thủ khoa được không (Trần Việt Quân, 30 tuổi, Hà Nội).

Bạn Hoàng Thị Lụa: Nếu như chỉ học trên lớp với những nội dung trong SGK thì em nghĩ cũng có thể trở thành thủ khoa trong kỳ thi ĐH, nhưng phải biết liên hệ giữa các phần học.

Thí dụ như đề thi môn Vật lý năm nay. Ở ý thứ 2 của câu hỏi thứ 3, ngoài kiến thức về phần giao động cơ học của lớp 12 còn phải nắm được tính chất của điện trường từ năm lớp 11.

Ở trường em có một anh cũng chỉ học trong SGK đã đạt 28,5 điểm trong kỳ thi ĐH năm 2004. Nhưng để trở thành thủ khoa thì em cũng phải đi học thêm của thày cô và từ sách vở tham khảo nhiều.

Bạn Đào Thị Thu Thuỷ: Em nghĩ nếu chỉ học trên lớp với nội dung trong SGK thì không thể đỗ thủ khoa được. Ngoài thời gian học trên lớp, các bạn nên dành thời gian để học thêm tại các lớp học tốt với thày cô tâm huyết.

Vì thời gian trên lớp các bạn chỉ nắm được kiến thức cơ bản không đủ để giải quyết hết các bài tập mà bạn gặp trong đề thi. Khi đi học thêm các bạn sẽ được biết đầy đủ các dạng bài và sẽ được luyện tập nhiều hơn.

Em cũng muốn nói với các bạn là phải bố trí thời gian học phù hợp, không nên đi học thêm quá tràn lan, không có thời gian học ở nhà để luyện tập thêm. Ngoài ra các bạn phải nắm chắc và hiểu các kiến thức trong SGK.

Các bạn nên dành thời gian để ôn tập trong SGK. Khi các bạn tự tin là nắm hết các kiến thức trong SGK và luyện tập được các dạng bài thì chắc các bạn sẽ đạt kết quả tốt trong kỳ thi.

Thưa bà Phương, nguyên nhân của những tiêu cực trong giáo dục hiện nay là do "thầy hư", "trò kém" hay là do chưa có những chính sách hợp lý và khoa học trong chính sách, chương trình đào tạo(Trần Khánh Hà, 40 tuổi, Gia Lâm)

PGS -TS Nguyễn Thị Minh Phương: Tôi nghĩ rằng, những tiêu cực trong giáo dục có rất nhiều nguyên nhân: cả vi mô lẫn vĩ mô.

Về vi mô có thể nói đến những thày giáo chưa đủ đức và tài để làm thày. Một phần nguyên nhân là việc tuyển vào trường sư phạm ở những năm 60- 70.

Ngày đó, học sinh khi chọn  trường để vào đại học truyền nhau câu nói: "Nhất- Y, Nhì - Dược, Tạm được- Bách khoa, Bỏ qua- Sư phạm".  Điều nói cũng nói lên một thực tế là đầu vào của sư phạm thấp hơn các trường khác. Nó ảnh hưởng tới chất lượng giáo viên.

Những năm 90 đến giờ, cách suy nghĩ này mới được cải thiện qua việc chuyển một số sinh viên giỏi sang trường sư phạm, cấp học bổng khuyến khích học sinh thi vào sư phạm.

Ở đâu cũng có người tốt, người xấu. Trong giáo dục, cũng không tránh khỏi điều đó. Tuy nhiên, giáo dục sẽ phải nghiêm khắc hơn đối với những giáo viên thiếu đạo đức vì bất cứ lý do gì.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang triển khai dự án về xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Bộ đang rà soát lại và có biện pháp xử lý đối với những giáo viên không đủ điều kiện về chuyên môn, đạo đức, sức khỏe.

Xin bạn hãy cho biết làm thế nào để có một cách học hiệu quả nhất mà không bị nhàm chán (Nguyễn Trung Khánh, 23 tuổi, ĐH Thương mại Hà Nội)

Bạn Đào Thị Thu Thuỷ: Theo mình bước đầu tiên phải xác định được khối thi yêu thích và phù hợp với mình. Sau đó bạn tìm những quyển sách tham khảo hay để làm thêm.

Trực tuyến cùng các Thủ khoa 30 điểm : bàn về cách dạy và học ảnh 9
Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến

Nhưng trước khi làm bài tập tham khảo bạn nên đọc kỹ SGK và phát hiện ra những điều lý thú trong SGK. Dù là một ý nhỏ trong SGK nhưng cũng yêu cầu bạn phải tìm hiểu kỹ để nắm được hết ý mà người viết muốn truyền tải.

Ngoài ra, làm nhiều bài tập và thường xuyên tóm tắt các dạng bài trong một bảng tổng kết sẽ làm cho bạn cảm thấy hứng thú với môn học.

Bạn cũng nên dành thời gian để trao đổi, tranh luận với bạn bè. Điều này sẽ làm cho bạn phải nắm thật chắc vấn đề mới có thể “giành chiến thắng” trong các cuộc tranh luận.

Tóm lại, dành nhiều thời gian đầu tư cho môn học, phát hiện và trao đổi với bạn bè những điều mới mẻ ở những kiến thức cơ bản trong SGK tưởng chừng rất là khô cứng.

Bạn Hoàng Thị Lụa: Theo mình trước khi học một môn nào đấy thì mình thường tự “lừa” cho mình cảm giác hào hứng với môn học đó và nghĩ rằng nó hay, hấp dẫn có thể mình không thích. Nhưng tốt nhất là tìm thấy những điểm hay của môn học đó và thích nó thực sự. Còn học thế nào để hiệu quả nhất thì còn phải tùy từng người.

Em đã vượt qua khó khăn để học tập và đạt được điểm thủ khoa như thế nào?

Đoàn Đức Anh, học sinh trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo, thành phố Nam Định : Em rất mừng khi được biết điểm, mỗi ngày em chỉ học 1,5 - 2 tiếng. Bắt đầu vào năm lớp 12 em đã chăm chỉ học hơn.

Trực tuyến cùng các Thủ khoa 30 điểm : bàn về cách dạy và học ảnh 10
Bạn Đoàn Đức Anh

Môn Lý - toán em học tối đa 3 - 5 tiết/tuần. Em có đi học thêm thầy ở ngoài. Các môn phụ gần như em bỏ cả không học, chỉ chú tâm vào 3 môn thi đại học.

Em dành thời gian để làm các đề thi năm trước. Trường có tổ chức học thêm buổi chiều. 8 tuần/lần, tổ chức thi thử cho học sinh tiếp cận với việc thi đại học. Trường Trần Hưng Đạo ở Nam Định của em không phải trường chuyên, nhưng tỉ lệ đỗ cao, riêng lớp em 70% đỗ đại học.

Gia đình khá khó khăn, chị gái em cũng làm thêm được 200.000 đồng/tháng. Em cũng vậy sẽ đi làm thêm để có tiền phụ trợ cho những ngày học đại học ở Hà Nội. Theo học, đặc biệt lớp 12, học giỏi toàn diện đối với em là rất khó. Em ủng hộ việc học chuyên ban.

Bạn nghĩ gì khi kì thi ĐH năm năy có đến 6233 thí sinh chỉ được 0 điểm cả ba mộn ?(Trần Hưng, 25 tuổi, Huế)

Vũ Minh Long: Em học chuyên Toán từ cấp II nên được học trong môi trường có nhiều học sinh giỏi. Các thầy, cô không phải đầu tư quá nhiều thời gian vào việc giảng day mà chủ yếu là học sinh tự học.

Chúng em rất cố gắng tìm hiểu được nhiều kiến thức ở môn Toán. Về môn Lý, Hóa, có thể bọn em học không nhiều bằng Toán nhưng cũng có điều kiện hơn các bạn ở các vùng quê do chúng em được học những thầy giáo kinh nghiệm.

Em không dự định trở thành một nhà Toán học dù học chuyên Toán. Học Toán giúp em tăng cường trí thông minh để học tập các môn khác. Còn để trở thành nhà Toán học, còn phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện khác nhau. Ước mơ của em là trở thành nhà kinh tế học.

Em đã tham khảo ý kiến rất nhiều của các anh chị thi học sinh giỏi quốc tế môn Toán và theo em nếu theo ngành Toán, cũng rất khó tìm được một công việc phù hợp sau khi ra trường nên thường theo các ngành khác.

Theo em, việc dạy và học như hiện nay nên có sự thay đổi. Thầy, cô cần quan tâm đến học sinh, biết từng học sinh nắm bắt được kiến thức đến đâu và tìm cách bù đắp những chỗ hổng cho các bạn. Bên cạnh đó, mỗi học sinh phải tự tìm ra được phương pháp học phù hợp thì hiệu quả mới cao.

Hiện nay, vẫn còn một số trường còn quá chú trọng tới thành tích, các trường mở quá nhiều các lớp luyện thi đại học, bắt học sinh tham gia tràn lan nên chất lượng có thể chưa được như thực chất.

Em thấy đề thi đại học hiện nay rất phù hợp với kiến thức chúng em được học. Còn để đỗ được thủ khoa, cần có nhiều yếu tố, trong đó gồm cả may mắn và cách trình bày. Em thường tự làm đề thi, trong đó chú trọng cách trình bày rồi đưa cho thầy chấm, góp ý.

Cho dù là thủ khoa nhưng chúng em không nghĩ mình đã là người giỏi nhất, có lẽ chúng em may mắn hơn các bạn phần nào đó.

Tôi muốn hỏi em Đoàn Đức Anh, đỗ thủ khoa chắc chắn người vui lớn nhất bên cạnh em là mẹ, nhưng em có nghĩ rằng học đại học sẽ tăng thêm nỗi lo cho cha mẹ không? Em sẽ làm gì để giúp cha mẹ? (Thuỷ, 27 tuổi, So Thuy san Quang Ninh)

Trả lời: (cười) Đỗ đại học sẽ tăng thêm nỗi lo cho cha mẹ, nhưng nếu trượt đại học thì bố mẹ sẽ càng buồn thêm. Khi lên Hà Nội em sẽ làm gia sư để kiếm thêm tiền.

Trực tuyến cùng các Thủ khoa 30 điểm : bàn về cách dạy và học ảnh 11
Các khách mời trong buổi giao lưu trực tuyến (Ảnh Phạm Yên)

Anh Đức Anh cho em biết bí quyết của anh học trên lớp và học ở nhà như thế nào để có được kết quả tốt như vậy (Hoài Nam, 17 tuổi, Hà tây)

Trả lời: Trên lớp thì chăm chú nghe thầy giáo giảng bài, còn về nhà thì làm hết các bài tập thầy cô giáo ra.

Thỉnh thoảng tham khảo thêm một số sách nâng cao và làm số đề đại học.

Nhân chuyện bài văn đạt điểm 10 có nhiều  người cho rằng giống với một bài văn mẫu, chúng ta  có thể bàn thêm một chút về sách tham khảo tràn lan như hiện nay ?

Thầy Đặng Đình Đại: Các loại sách tham khảo là rất cần thiết cho cả giáo viên và học sinh. Đặc biệt  là các sách tham khảo môn ngữ văn.

Tuy nhiên, các bài văn mẫu trong một số sách tham khảo hiện nay đã khiến cho học sinh học vẹt và rất máy móc trong vận dụng vào bài làm văn.

Chính các bài văn mẫu và cách học thuộc lòng các bài văn mẫu đã làm cho môn văn trở nên kém hấp dẫn và học sinh không có cảm thụ thực sự với tác phẩm mà các em được học.

Giáo viên nên có hướng dẫn học sinh cách đọc, cách sử dụng các sách tham khảo để học sinh không phải học thuộc lòng các bài mẫu và mỗi em tìm được cho mình những cảm nhận riêng.

Các bài học sinh đạt điểm cao cần được giới thiệu và phân tích để giúp các học sinh khác về phương pháp, vễ kỹ năng làm bài đạt điểm cao. Không nên bắt học thuộc lòng.

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Phương: Sách tham khảo nói chung nên có, nhưng cũng cần có biện pháp quản lý sao cho sách tham khảo phải đạt chất lượng.

Các nhà xuất bản nên có hội đồng duyệt sách để đảm bảo tính khoa học của cuốn sách, giao thêm trách nhiệm cho biên tập viên trong việc phát hiện việc sao chép của các sách tham khảo để tránh sự hỗn loạn thị trường sách tham khảo.

Xin hỏi em Đào Thị Thu Thuỷ. Anh rất khâm phục thành tích học tập của em. Được biết em thủ khoa ĐHNT. Anh nghĩ em phải có vốn ngoại ngữ rất tốt. Vậy em có thể cho biết bí quyết tự học ngoại ngữ của mình được không? (Đặng Vinh, 35 tuổi, 76 Quang Trung Đà Nẵng).

Bạn Đào Thị Thu Thuỷ: Em thi khối A ạ. Học ngoại ngữ chỉ bình thường thôi ạ. Khi vào trường Ngoại thương chắc em phải cố gắng học ngoại ngữ hơn nhiều. Câu hỏi này hẹn anh 1 năm nữa em sẽ trả lời cho anh.

Tôi đã đọc bài báo viết về em Đoàn Đức Anh một tấm gương hiếu học sinh ra trong một gia đình tuy không khá giả nhưng đầy tình cảm và cảm xúc và tôi muốn hỏi em một câu hỏi: Động lực lớn nhất của em khi là học sinh phổ thông là gi? Cách ôn luyện kỹ năng làm bài thi để đạt điểm cao trong thi cử?(Mai Anh, 31 tuổi, Mỹ Đình Hà Nội)

Trả lời: Cảm ơn chị Mai Anh. Động lực lớn nhất của em là học thật tốt và vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện tại.

Trực tuyến cùng các Thủ khoa 30 điểm : bàn về cách dạy và học ảnh 12
Bạn Vũ Minh Long (trái) và bạn Nguyễn thị Như Trang (phải) đang trả lời bạn đọc

Chao ban Long, chuc mung ban dat thu khoa! Minh khong dat duoc chi tieu trong ky thi vua roi, qua trinh hoc tap cua minh cung kha nghiem tuc va bai ban, tuy nhien ket qua thi khong nhu mong doi.

Phai chang minh bi tru bot diem trong cach lam bai, minh di hoc lop on tap cua thay Nhat, truoc khi thi cung tu tin lam nhung thuc te khong nhu vay. Minh muon hoi trng ky thi vua roi, ban giai bai theo cach nao? phuong phap co ban hay sang tao?(Hoang Cung, 18 tuổi, Hanoi)

Vũ Minh Long: Chào bạn!

Về Lý, Hóa, mình làm theo cách cơ bản. Với môn Toán, do là học lớp chuyên nên thường xuyên được luyện các phương pháp giải nâng cao nên không phải "lăn tăn" nhiều khi làm bài. Đọc qua đề là mình đã có hướng giải ngay và làm từ câu 1 đến câu cuối cùng theo tuần tự chứ không phải "nhảy cóc" trong các câu.

Ngoài ra, mình rất chú trọng đến cách trình bày bài thi để tránh mất điểm đáng tiếc. Mình dành 10 - 15 phút cuối để kiểm tra lại bài trước khi nộp.

Các bạn cho mình hỏi Cách ôn thi lại Đại học như thế nào? Thực sự bây giờ mình chẳng biết ôn thi như thế nào cho nó vào và chẳng biết ôn từ đâu cả. Giúp mình với mình cảm ơn nhiều(Trần Hữu Hiền, 18 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội)

Đoàn Đức Anh: Quả đây là một câu hỏi khó. Hiền ơi, bạn đừng nản. Theo kinh nghiệm của mình, với môn Toán và Hóa bạn phải bắt đầu ôn lại từ lớp 10. Riêng môn Lý chỉ cần học chương trình lớp 12. Chúc bạn thi đỗ vào năm tới.

Trước tiên, xin chúc mừng các thủ khoa. Chúc các em sẽ sớm thành đạt trên con đường các em đã chọn. Chị chỉ xin hỏi 1 câu hỏi rất đơn giản này thôi: Theo em, để có một thủ khoa, yếu tố nào là quyết định: Trí thông minh? Phương pháp học? hay một yếu tố nào khác?(Dạ Vũ, 23 tuổi, Bắc Ninh)

Đoàn Đức Anh: Theo em, đó là phương pháp học. Cụ thể: Cần phải nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Tìm hiểu một số sách bên ngoài, tự mình làm đề thi đại học các năm trước.

Điểm thưởng 0,25 phần câu 4, tính Max là cách giải của riêng em. Nhưng quan trọng, khi học ở trường, ôn thi, thầy giáo dạy toán đã truyền thụ cho em tự tư duy nhiều cách giải. Tự mình giải toán, làm nhiều bài toán sẽ nhớ lâu.

Vũ Minh Long: Theo em, kết hợp các yếu tố trí thông minh, phương pháp học và cả may mắn nữa thì có thể đỗ thủ khoa. Ngoài ra, cần phải có một tâm lý vững chắc khi bước vào phòng thi, không nên tự gây ra quá nhiều áp lực thi cử, gây hoang mang.

Trong khi học, cần phải tập trung tối đa thì mới hiệu quả.

Nguyễn Thị Như Trang: Em nghĩ cần phải có nhiều yếu tố kết hợp để có thể đỗ thủ khoa, trong đó phương pháp học hợp lý là quan trọng nhất. Bên cạnh đó là sự động viên của gia đình, bạn bè.

Chào Trang, Thuỷ, Long, Lụa, Anh! Những ngày qua các bạn sống trong cảm xúc như thế nào?(Hà Lâm Giang, 23 tuổi, Buôn Ma Thuột)

Vũ Minh Long: Mình rất vui khi biết tin mình đỗ thủ khoa trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Mùng 3/8, thầy giáo dạy Toán có gửi cho mình đường link của báo Tiền Phong, trong đó có nêu tên các thủ khoa của trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Mình cũng hơi bất ngờ. Sau đó lớp mình có thêm 4 thủ khoa nữa của các trường đại học, mấy đứa vui quá rủ nhau tụ tập ở nhà bạn bè ăn uống, "khao nóng".

Nguyễn Thị Như Trang: Em rất vui và bất ngờ khi biết tin này. Em đã báo ngay tin vui này cho gia đình, người thân, thầy cô, bè bạn. Người đầu tiên em báo tin này là mẹ của em. Mẹ em cũng reo lên mừng rỡ.

Những ngày sau đó, chúng em cùng các bạn đến thăm các thầy, cô. Năm nay, lớp em đỗ đại học gần hết nên ai cũng vui.

Theo bạn (Trang ) việc luyện thi Đại học thực hiện ngay từ lớp 10 vẫn tốt hơn sau khi thi tốt nghiệp THPT mới bắt đầu ôn thi?(Quân, 17 tuổi, Phường 1 - Thị xã Trà Vinh)

Nguyễn Thị Như Trang: Mình luôn chú ý học ngay từ lớp 10, đặc biệt là các môn thi đại học. Tuy nhiên, khi lên lớp 12, cường độ học sẽ lớn hơn. Mình nghĩ không nên để tốt nghiệp trung học phổ thông mới bắt đầu ôn thi. Quãng thời gian đó, chỉ nên dành để ôn kỹ lại, đặc biệt là phần lý thuyết.

Tôi có một cháu sang năm sẽ thi Đại Học. Sức học của cháu ở mức khá, nhưng hiện nay cháu vẫn chưa xác định được hướng đi trong năm thi tới là sẽ vào ngành gì. Tôi rất mong nhân được lời khuyên để giúp cháu định hướng trong bước đi quyết định sắp tới(Công Ninh, 45 tuổi, Quảng Ninh)

Thày Đặng Đình Đại: Rất tiếc bạn không nói rõ cháu học khá môn nào, giới tính, đặc điểm của gia đình. Vì vậy, theo ý tôi bạn phải xem cháu học khá nhóm môn nào và khá ở mức độ nào.

Trực tuyến cùng các Thủ khoa 30 điểm : bàn về cách dạy và học ảnh 13
Thày Đặng Đình Đại

Nếu cháu học khá môn toán, lý , hóa với mức đạt điểm tổng kết từ 8,0 trở lên thì có thể đăng ký dự thi khối A và có rất nhiều trường Đại học tuyển khối A.

Nếu cháu chỉ học khá mức độ điểm tổng kết dưới 7, việc định hướng cần lựa chọn những ngành, những trường có điểm tuyển sinh thấp.

Từ nay đến đầu năm học 2006-2007, cháu và gia đình cần xác định ngay hướng đi để có thể tập trung học tập, rèn luyện theo định hướng đó.

PTS- TS Nguyễn Thị Minh Phương: Gia đình cũng nên quan tâm đến cá tính, sức khỏe và điều kiện của cháu để lựa chọn trường thi và ngành học. Chẳng hạn, nếu thi vào ngành báo chí, thì cần phải nhanh nhẹn, tháo vát và có sức khỏe...

Hiện nay ở các trường THCS mới có tài liệu hướng dẫn các cháu tự nhận xét mình qua các bài trắc nghiệm để chọn ngành nghề cho phù hợp.

Em muốn hỏi rằng 1 người với sức học bình thường có thể trở thành thủ khoa như các anh,chị không ?Nếu có thì bí quyết là gì thế?(Đào Thị Thu Hiền, 16 tuổi, Sóc Sơn,Hà Nội)

Đoàn Đức Anh: Anh nghĩ là có, vì anh cũng là một người có sức học bình thường. Quan trọng là chăm chỉ, tập trung vào học và khi đi thi cũng có một chút... may mắn.

Thưa GS.TS Minh Phương, trước những vụ việc liên tục xảy ra sau kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay, cá nhân bà có suy nghĩ gì, và liệu trong năm tới giáo dục VN sẽ có chiến lược như thế nào, về cơ bản,để khắc phục những tồn đọng?(Trung Hiếu, 30 tuổi, Hà Nội)

PGS -TS Nguyễn Thị Minh Phương: Kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay đã có kết quả. Các trường ĐH đã bắt đầu tuyển sinh. Có thể nói như vậy, kỳ thi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Về những vấn đề xảy ra trong quá trình thi tuyển sinh mà báo chí đã đề cập, tôi tin rằng, theo thông lệ, Bộ GD- ĐT sẽ tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm  và có giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới.

Xin bạn hãy cho biết làm thế nào để có một cách học hiệu quả nhất mà không bị nhàm chán (Nguyen Trung Khanh, 23 tuổi, ĐH Thương Mại, Hà Nội)

Đoàn Đức Anh: Theo em nghĩ, lúc tập trung nhất thì nên học. Còn có cảm giác mệt mỏi, hay mất tập trung, em thường đi đá bóng, chơi điện tử (trong thời gian ngắn). Sau đó sẽ quay lại tiếp tục học, thế hiệu quả hơn nhiều, đặc biệt khi giải xong một bài toán sẽ thấy rất vui, và học quả là bổ ích.

Bạn có chắc bạn không cần đến các lò luyện thi mà đạt điểm tuyệt đối với đề thi khó như năm nay? Tớ thấy điều đó thật khó vì có những vấn đề trong đề thi mà sgk không đề cập tới?! Khi bạn đọc đề thi bạn có thấy "NÓNG NGƯỜI "vì đề không như các năm trước không? cảm ơn bạn nhiều!(đoàn trang, 19 tuổi, den_long_tinh_yeu_2345@yahoo.com)

Bạn Đào Thị Thu Thuỷ: Mình chắc chắn là không cần đến lò luyện thi mà có thể đạt điểm tuyệt đối.

Mọi vấn đề trong đề thi đều có nền tảng là sách giáo khoa, còn những vấn đề mà bạn nói là không đề cập tới đó là sự nâng cao, yêu cầu bạn phải dành nhiều thời gian làm các bài tập và tham khảo thêm thì sẽ làm được. Nắm chắc và hiểu được hết các ý trong SGK không hề đơn giản.

Khi đọc đề thi, trước tiên, mình nhìn tổng quát xem bài nào có thể làm trước, bài nào còn mắc để sau cùng. Lúc ấy mình cũng không có thời gian để so sánh với những đề thi năm trước để xem là khó hơn hay dễ hơn đề năm ngoái. Mình tập trung cao độ để làm tốt bài thi. Mình mong các bạn cũng sẽ tỉnh táo khi đọc đề thi để không bỏ sót các ý và những “cái bẫy” có trong đề bài.

Bạn Hoàng thị Lụa: Mình thấy với câu hỏi này, bạn Thuỷ đã trả lời rất giống ý mình định nói.

Khi đọc đề thi, thì đề thi tất nhiên không năm nào giống năm nào, nếu nhìn tổng quát, đề thi mà mình thấy khả năng làm được chắc chắn, khoảng trên 80% là không thấy “nóng người” rồi.

Chúc bạn thành công.

Bạn đánh giá như thế nào về môi trường học tập của bạn; giáo viên giảng dậy của bạn qua các lớp; đặc biệt là thời gian học trung học phổ thông? Nội dung sách giáo khoa mà bạn học?(Đoàn Văn cường, 30 tuổi, A5, P.Thanh Nhàn,Q.HBT,HN.)

Vũ Minh Long: Em được học tập trong môi trường có nhiều thầy, cô giỏi. Học sinh được chọn vào lớp chuyên Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội phải qua kỳ thi đầu vào nên việc chọn lọc cũng rất khắt khe. Các bạn được chọn là những học sinh giỏi, thông minh từ rất nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Được học trong môi trường như vậy, chúng em luôn phải cố gắng để không bị tụt hậu so với các bạn.

Các thầy, cô chúng em được học là những thầy, cô giỏi, đến từ nhiều trường nên có nhiều kinh nghiệm. Trong kỳ thi vừa qua, lớp em có 5 bạn đỗ thủ khoa, ngoài ra các bạn khác cũng đỗ đại học hết.

Nguyễn Thị Như Trang: Em học lớp 12 Toán, trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương. Đây là môi trường rất tốt, giúp em học tập. Các thầy, cô giáo có nhiều kinh nghiệm giảng dạy và rất tận tình với học sinh.

Các bạn em học rất tốt. Một bạn đạt huy chương vàng Toán Olympic quốc tế, 7 bạn được giải quốc gia được vào thẳng đại học và nhiều bạn đạt 28 điểm trở lên trong kỳ thi vừa qua. Đến giờ phút này, em được biết 25/26 bạn lớp em đã đỗ đại học.

Về SGK, em thấy phù hợp với trình độ chúng em, tuy nhiên, em vẫn muốn sách được viết sâu hơn chút nữa thì sẽ tốt hơn.

Chào Nguyễn Thị Như Trang ! tôi là 1 cựu học sinh Nguyễn Trãi nơi em đã theo học ! gần đây Hải Dương cụ thể là trường NT liên tục có những thành tích khá cao trong học tập ! theo em , đó có phải do đội ngũ giáo viên khá giỏi của trường ta không ! em có thể nói gì về thầy cô trường mình(hoàng đức minh, 25 tuổi, Hà Nội)

Nguyễn Thị Như Trang: Em nghĩ rằng, các thầy cô giáo của trường trung học phổ thông Nguyễn Trãi có nhiều kinh nghiệm và rất giỏi. Đặc biệt, các thầy cô đều hết lòng quan tâm đến học sinh.

Ngoài ra, em nghĩ rằng thành tích có cao còn phụ thuộc vào sự nỗ lực của từng cá nhân học sinh.

Thưa PGS TS Nguyễn Thị Minh Phương. Nhìn vào kết quả kỳ thi ĐH vừa qua và thành tích từ những "gương mặt thủ khoa", thấy rõ một điều là học sinh ở thành phố ít điểm cao mà chủ yếu "nhàng nhàng" trên dưới điểm chuẩn, nhưng cũng rất ít điểm quá thấp.

Trong khi học sinh ở các vùng nông thôn chiếm tỷ lệ "thủ khoa" khá nhiều, nhưng điểm số của đa số thí sinh là thấp, thậm chí quá thấp! Phải chăng, thi cử đối với học sinh nông thôn là "sự chọn lọc tự nhiên". Còn ở thành phố là "sự chọn lọc nhân tạo"? Phải làm gì để cân đối lại hiện tượng này?(Bình Nguyên, 45 tuổi, Hà Nội)

Trực tuyến cùng các Thủ khoa 30 điểm : bàn về cách dạy và học ảnh 14

PGS - TS Nguyễn Thị Minh Phương: Trước hết, ta cần quan tâm tới mục tiêu và điều kiện thi tuyển cao đẳng, ĐH của học sinh ở hai địa bàn khác nhau: thành phố và nông thôn.

Ở thành phố, các cháu và gia đình thường đặt mục tiêu chủ yếu là vào được ĐH và tạo mọi điều kiện kể cả các thiết bị học hiện đại. Và do đó, các cháu cũng bị phân tán nhiều.

Một số gia đình chỉ yêu cầu các cháu vào được Đại học để đủ điều kiện du học. Vì thế dẫn tới hiện tượng "chọn lọc nhân tạo" như bạn nói.

Ở nông thôn, không có những điều kiện này, nên học sinh phải cố gắng tối đa. Những học sinh nông thôn vào được  ĐH  có lẽ là những học sinh giỏi thật sự và có phương pháp tự học tốt, lại được các nhà giáo tâm huyết kèm cặp.

Mình muốn hỏi bạn là: ở nhà bạn học như thế nào? Bạn chia lịch học cụ thể như thế nào? Và thời gian học của bạn?(nguyễn trọng đức, 17 tuổi, cẩm hoàng _ cẩm giàng _ hải dương)

Vũ Minh Long: Bình thường, mình học trên lớp vào các buổi sáng. Buổi chiều và tối, mình tự học ở nhà. Mình thường làm bài tập ở nhà trước, sau đó tìm sách tham khảo về vấn đề mình vừa học.

Buổi tối, mình bắt đầu học từ 21 giờ cho đến 2 giờ sáng. Tất nhiên, lịch học trên có thể thay đổi tùy theo cảm hứng từng hôm.

Xin hỏi chị Đào Thị Thu Thuỷ: Chị là một học sinh ở ngoại thành Hà Nội đạt 30 điểm thi đại học. Em rất ngưỡng mộ chị. Rất mong chị chia sẻ kinh nghiệm học và ôn luyện các môn thi khối A (Đỗ Cẩm Vân, 16 tuổi, Đông Anh, Hà Nội)

Bạn Đào Thị Thu Thuỷ: Chị rất vui khi được trả lời câu hỏi của em. Nhưng chị sẽ vui hơn nếu thay vì “ngưỡng mộ” chị em hãy coi chị là một đối thủ mà em sẽ vượt qua.

Về việc ôn luyện các môn thi khối A, kinh nghiệm quan trọng nhất và cũng là yếu tố quyết định quan trọng nhất là em hãy rèn luyện sự tự giác trong học tập. Khi em có được sự tự giác và sự hứng thú với môn học em sẽ tự tìm được một phương pháp học thích hợp với bản  thân mình và sẽ đạt được kết quả cao.

Cuối cùng điều chị muốn nói với em: Người các em nên ngưỡng mộ chính là bố mẹ, các thầy cô giáo đang dạy dỗ các em và rất nhiều người thành công khác. Chị đỗ thủ khoa nhưng còn phải học hỏi bạn bè rất nhiều. Có rất nhiều bạn bè cùng trang lứa cũng rất giỏi mà chị cần phải học tập nhiều.

Chào Trang! Chị rất vui khi biết em vừa đỗ thủ khoa trường Đại học KTQD với số điểm tuyệt đối. Chị biêt được thành tích học tập của em trên mạng (Vì chị cũng đang theo học khoa kinh tế tại Hàn Quốc).

Em có thể cho chị biêt bí quyết và phương pháp học tập những môn học tự nhiên không? Và chị chúc em thành công trên con đường mà em đã lựa chọn! (Thuy Linh, 28 tuổi, Korea)

Nguyễn Thị Như Trang: Em cũng không có bí quyết gì cao siêu đâu chị ạ. Nhưng em nghĩ, để học tốt ở các môn tự nhiên thì nên học theo cách hiểu rõ bản chất để khi đề bài thay đổi mình không bị nhầm.

Tôi không hiểu 6233 thí sinh điểm 0, nhưng họ đã làm như thế nào mà vượt qua kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Các quí vị thấy có lạ không? (Nguyễn Hữu Minh, 32 tuổi, Pleiku, Gia Lai)

Trực tuyến cùng các Thủ khoa 30 điểm : bàn về cách dạy và học ảnh 15

Thày Đặng Đình Đại:

Thứ nhất, mức độ đề thi tốt nghiệp PT thấp hơn so với kỳ thi tuyển sinh ĐH, để đạt điểm trung bình không phải là khó lắm.

Thứ hai, có thể học sinh điểm kém một môn, nhưng vẫn tốt nghiệp vì điểm của  5 môn  còn lại vẫn đảm bảo tổng điểm 6 môn từ 30 điểm trở lên.

Thứ 3, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em còn được cộng điểm khuyến khích nếu có chứng nhận thi nghề phổ thông. Vì thế, có thể, 6 môn chỉ đạt 28 điểm nhưng vẫn được xét tốt nghiệp.

PSG - TS Nguyễn Thị Minh Phương: Có một tâm lý là bản thân học sinh muốn thử sức qua cuộc thi, nhưng đến khi thi thấy khó là bỏ. Một số học sinh đi thi là để chiều lòng bố mẹ, nên có hiện tượng học sinh ngủ trong phòng thi là điều dễ hiểu bởi học sinh đó không có quyết tâm, nên thấy đề khó là bỏ.

Qua hiện tượng này càng thấy cần phải có sự chuẩn bị tốt hơn của nhà trường và phụ huynh đối với việc hướng nghiệp cho học sinh, giúp học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp với khả năng của mình.

Trong thời gian học phổ thông, các bạn có nghĩ đến yêu đương không ?(nguyen Thanh Dat, 19 tuổi, Ha Tay)

Vũ Minh Long: Quả thật đôi lúc mình có nghĩ đến chuyện tình cảm nhưng mình luôn cố gắng để không ảnh hưởng đến chuyện học tập.

Nguyễn Thị Như Trang: Mình cũng chưa nghĩ đến vấn đề này.

Đào Thị Thu Thuỷ: Trong thời gian học phổ thông mình xác định việc học là quan trọng nhất. Do vậy, mình dành hầu hết thời gian để học tốt. Theo mình, rất khó để nói có nghĩ đến hay không nhưng mình xác định một cách chắc chắn rằng “yêu đương” không nên có trong trường phổ thông.

Còn tình cảm trong sáng giữa học sinh với nhau mà không ảnh hưởng đến việc học, trái lại còn có tác dụng tích cực giúp hai người cố gắng học tập tốt hơn thì có thể có.

Hoàng Thị Lụa: Câu hỏi của bạn rất hay. Mình chưa thử nên không biết việc “yêu đương” trong thời gian học phổ thông là nên hay không nên. Về cá nhân mình thì không nên.

Các bạn không luyện thi gì ở Hà Nội nhưng ở trường của bạn các thầy cô có dạy thêm chuyên đề không? Tớ cũng vừa mới đỗ ĐH khoa hoc tự nhiên, cố gắng ôn luyện cả năm mà chỉ có 22,5 điểm. Bạn có bí quyết gì mà đạt điểm tối đa? Thanks! (Nguyễn Thành Luân, 19 tuổi, thanh_luan_1987_hanoi).

Bạn Hoàng Thị Lụa: Ở trường mình, các thầy cô có dạy chuyên đề. Nếu không đi học chuyên đề chắc mình cũng không thể đạt điểm thi ĐH như vừa qua.

Bạn đỗ ĐH Khoa học Tự nhiên rồi. Sắp tới vào trường, bạn hãy tiếp tục cố gắng học như thời ôn thi ĐH thì chắc chắn điểm của bạn sẽ rất cao. Bí quyết đạt điểm tối đa của mình nói ra bạn sẽ thấy rất bình thường: Chịu khó.

Tôi có câu hỏi dành cho Ts Hoàng Thị Minh Phượng : Hiện nay yêu cầu đối với việc dạy học là phải đổi mới phương pháp dạy học và lúc nào tôi cung nghe Khẩu Hiệu : ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC và có nhiều nơi ép buộc phải đổi mới dạy học nhưng tình hình và điều kiện thức tế của các trường và học sinh chưa đủ dể đáp ứng các yêu cầu của viêc đôi mối .

Vậy Bộ có chiến lược gì để tiến hành việc đổi mới . Thông thường thì người ta đổi mới sản xuất hay đổi mới công nghệ thì người ta đưa công nghệ về đẻ đổi mới nhưng đổi mới dạy học thì tôi chỉ nghe hô khẩu hiệu chứ không thấy có nói phải đổi mới như thế nào ?(Trần Quốc Khánh, 28 tuổi, Huế)

PGS - TS Nguyễn Thị Minh Phương: Để tiến hành  đổi mới phương pháp dạy học hiện nay trong nhà  trường, vai trò quan

trọng nhất là giáo viên,tiếp tới là điều kiện về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang triển khai tập  huấn, bồi dưỡng giáo viên những kỹ năng cụ thể để đổi mới phương pháp dạy học và chú trọng hơn tới việc cung cấp trang thiết bị.

Các bạn đã chuẩn bị hành lý để chuẩn bị nhập học chưa?(Hà Lâm Giang, 23 tuổi, Buôn Ma Thuột)

Nguyễn Thị Như Trang: Em đã nhận được giấy báo nhập học của trường Đại học Kinh tế Quốc dân và cũng đang chuẩn bị để ngày 27/8 sẽ đến trường nhập học.

Vũ Minh Long: Dù nhà em ở ngay sát trường nhưng em vẫn chưa nhận được giấy báo nhập học nên giờ cứ xả hơi tí đã (cười).

-------------------------

Thưa bạn đọc, suốt hơn 3 tiếng giao lưu của bàn tròn trực tuyến với các thủ khoa 30/30 điểm, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến, câu hỏi của bạn đọc cả nước về kinh nghiệm,thành tích học tập xuất sắc của các thủ khoa, đặc biệt là các thủ khoa con nhà nghèo nhưng học giỏi.

Nhiều ý kiến liên quan đến cách dạy và học, bệnh thành tích trong giáo dục cũng đã được đề cập tới. Do thời gian có hạn, hiện gần 200 câu hỏi và ý kiến của bạn đọc vẫn chưa được các khách mời của TPO trả lời. Chúng tôi đã chuyển các câu hỏi này tới email của từng khách mời để trả lời sau.

Xin chân thành cám ơn sự tham gia đông đảo của bạn đọc vào bàn tròn trực tuyến này. Hẹn bạn đọc tại các diễn đàn tiếp sau của TPO.

MỚI - NÓNG