Trực tuyến với các thủ khoa 30 điểm : Bàn về cách dạy và học

Trực tuyến với các thủ khoa 30 điểm : Bàn về cách dạy và học
TPO - Hiện nay, những thủ khoa 30 điểm đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước, những tấm gương về học sinh nghèo ở quê, không trường chuyên lớp chọn, không lò luyện vẫn đỗ 30/30 điểm, cùng các chuyên gia giáo dục đang có mặt tại TPO để giao lưu cùng bạn đọc.

>> Đặt câu hỏi và theo dõi bàn tròn trực tuyến tại đây

Trực tuyến với các thủ khoa 30 điểm : Bàn về cách dạy và học ảnh 1
Các thủ khoa 30/30 điểm tại tòa soạn báo Tiền Phong. Ảnh: Phạm Yên

Dư luận cả nước đang nóng hơn bao giờ hết trước thực trạng dạy và học hiện nay. Phải chăng cách dạy và học đang có vấn đề ? Lỗi tại thầy hay trò ? Vai trò và trách nhiệm của các nhà quản lý giáo dục, của gia đình và xã hội đến đâu ? Tất cả sẽ được đề cập tới tại bàn tròn trực tuyến của Tiền Phong Online cùng các khách mời.

Hãy truy cập Tiền Phong Online để đặt câu hỏi và tham gia bàn tròn trực tuyến thú vị và nhiều ý nghĩa này.

Theo thống kế điểm thi trên toàn quốc vừa được Bộ GD&ĐT công bố, trong tổng số gần 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi ĐH-CĐ 2006 có đến 6.233 thí sinh bị điểm 0 ở cả ba môn thi, thí sinh có tổng điểm dưới 6 lên tới 32,8%. Song bên cạnh đó, vẫn có tới 37 thí sinh đạt 30/30 điểm, trong đó có 13 thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30 trước khi làm tròn. 

Chúng tôi hy vọng, bằng chính tiếng nói của những người trong cuộc bàn tròn này sẽ giúp nhìn rõ hơn về thực trạng dạy và học hiện nay, góp một phần nhỏ bé vào công cuộc cải cách nền giáo dục nước nhà.

Khách mời của chúng tôi :

HS Đào Thị Thu Thủy (Đông Anh, Hà Nội), Thủ khoa ĐH Ngoại thương

HS Hoàng Thị Lụa (Khoái Châu, Hưng Yên), Thủ khoa ĐH Thủy lợi

HS Nguyễn Thị Như Trang (Hải Dương), Thủ khoa ĐH Kinh tế quốc dân

HS Vũ Minh Long (Hà Nội),  Thủ khoa Đại học Quốc gia Hà Nội

HS Đoàn Đức Anh (Nam Định), Thủ khoa ĐH Dược Hà Nội

- PGS TS Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và Chương trình giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thầy giáo Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội.

Những gương mặt thủ khoa xuất sắc là khách mời của Tiền phong Online

Trực tuyến với các thủ khoa 30 điểm : Bàn về cách dạy và học ảnh 2
Nguyễn Thị Như Trang. Ảnh: Tuổi Trẻ

Mặc dù đỗ thủ khoa vào trường Đại học Kinh tế Quốc dân với điểm tuyệt đối trong kỳ thi vừa qua nhưng Nguyễn Thị Như Trang (sinh năm 1988) chỉ khiêm tốn nhận mình đứng ở nhóm giữa của lớp chuyên Toán, trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi Hải Dương.

Cần cù, chịu khó, thông minh, nhiều năm liền Trang giành giải nhất, giải ba, khuyến khích môn Toán trong các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh.

Nói về phương pháp học của mình, Trang tiết lộ, luôn làm hết bài tập trong sách giáo khoa và sách nâng cao, trong đó đầu tư nhiều thời gian hơn cho môn Toán mình yêu thích. Trang không đi ôn thi ở các lò luyện mà tự học ở nhà và hiếm khi học quá 23 giờ đêm.

Năm nay, “ngôi vị” thủ khoa của trường Đại học Ngoại thương thuộc về cô gái có tên Đào Thị Thu Thủy. Không lên Hà Nội luyện thi, Thủy chọn... trường làng là nơi dùi mài kinh sử.

Trực tuyến với các thủ khoa 30 điểm : Bàn về cách dạy và học ảnh 3
Đào Thị Thu Thủy

Nhiều năm liền tham dự các kỳ thi học sinh giỏi ở môn Toán, Văn, Vật lý cấp thành phố, cô học sinh Trường Trung học phổ thông Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội đã chứng minh được năng lực của mình.

“Luôn dành thời gian đọc thật kỹ để hiểu thật rõ, thật sâu tất cả những kiến thức trong sách, chứ không đọc nhanh cho hết lượt” là một trong những bí quyết học tập đã giúp Thủy đạt được 3 điểm 10 trong kỳ thi đại học, cao đẳng vừa qua.

Sinh ngày 1/8/1988, Vũ Minh Long – Thủ khoa Đại học Quốc gia với số điểm 31 mơ ước trở thành một nhà nghiên cứu kinh tế. Thuộc nhóm “trội” ở lớp có đến 5 người đỗ thủ khoa - chuyên Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội, việc Long đạt 31 điểm (1 điểm cộng do đạt giải quốc gia) không làm bạn bè bất ngờ.

Trực tuyến với các thủ khoa 30 điểm : Bàn về cách dạy và học ảnh 4
Vũ Minh Long

Với niềm đam mê sẽ học thạc sĩ kinh tế, rồi sau đó là Tiến sĩ kinh tế ở nước ngoài, Vũ Minh Long cho biết, sẽ chọn khoa Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội để tiếp tục thắp sáng ước mơ.

So với nhiều bạn bè cùng trang lứa, Hoàng Thị Lụa – thủ khoa duy nhất đạt điểm 30/30 của Đại học Thủy Lợi dường như gặp nhiều khó khăn hơn trong học tập vì kinh tế của gia đình không lấy gì làm khá giả.

Bố công tác trong ngành quân đội, đơn vị đóng quân mãi tận Đà Nẵng nên cả năm chỉ đôi ba lần về nhà thăm vợ con. Việc học tập, nuôi dạy những đứa con đè nặng lên đôi vai của người mẹ.

Tần tảo quanh năm với 6 sào ruộng, bà Dương Thị Lệ vẫn quyết tâm nghèo thì nghèo nhưng phải cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Để những giọt mồ hôi của mẹ thấm xuống ruộng đồng không uổng, để những nặng nhọc của người cha xa nhà vẫn chắt chiu từng xu gửi về nuôi con ăn học vơi bớt, mấy chị em của Hoàng Thị Lụa đều bảo nhau gắng học nên người.

Hai chị của Lụa đã lần lượt tốt nghiệp khoa Hóa - Sinh, trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên và giờ đang là giáo viên của trường Trung học cơ sở Chí Tân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên.

Trực tuyến với các thủ khoa 30 điểm : Bàn về cách dạy và học ảnh 5
Hoàng Thị Lụa

Giờ, đến cô con gái thứ ba đỗ thủ khoa Đại học Thủy Lợi với số điểm tuyệt đối. Niềm vui, sự tự hào như rạng ngời trên từng vết nhăn vốn hàng ngày chứa đầy lo toan, vất vả của người mẹ ở đội 8, thôn 4, xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu, Hưng Yên.

Bố mẹ Lụa cho biết, sau khi có kết quả thi, đích thân lãnh đão trường Đại học Thủy Lợi đã về tận nhà để gặp mặt tân nữ thủ khoa xuất sắc. Vậy là, bao công sức vừa giúp mẹ làm ruộng, vừa học ở trường làng của cô học sinh trường Trung học phổ thông Nam Khoái Châu, Hưng Yên đã được đền đáp xứng đáng.

Trực tuyến với các thủ khoa 30 điểm : Bàn về cách dạy và học ảnh 6
Đoàn Đức Anh

Lớn lên từ gánh cháo nhỏ của mẹ, cầm những đồng tiền do đi làm thuê mà kiếm được của cha đóng học phí, Đoàn Đức Anh, học sinh trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định hiểu thế nào là nỗi lòng cha mẹ.

Noi gương người chị đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội với 24 điểm, Đoàn Đức Anh biết mình phải làm gì để những gánh cháo nhỏ kia không bao giờ trở nên vô nghĩa. Đức Anh đã đỗ thủ khoa trường Đại học Dược Hà Nội, với 29,5 điểm.

Không có xe máy, không có máy tính, không có điện thoại di động đắt tiền nhưng Đoàn Đức Anh có lòng ham học, sự cố gắng... Thành quả học tập của Đức Anh chính là phần thưởng lớn nhất mà em đền đáp cho công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của mẹ, cha.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.