Trung tâm 'trăm voi', sinh viên chờ 'nước xáo'

Trung tâm 'trăm voi', sinh viên chờ 'nước xáo'
TP - Sau khi Tiền Phong phản ánh việc liên kết đào tạo nhập nhằng của Cơ sở đào tạo Bách Nghệ, chúng tôi tiếp tục phát hiện một trung tâm đào tạo liên kết cho 656 SV có rất nhiều sai phạm.

Đó là Trung tâm Đào tạo đặt tại địa điểm 499/1 đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú (quận 9, TPHCM).

Trung tâm 'trăm voi', sinh viên chờ 'nước xáo' ảnh 1
Trung tâm có quá nhiều tên rối rắm - Ảnh: Đăng Khoa

Trung tâm bách  đủ thứ

Theo lời tố cáo của nhiều học viên tại đây, không đủ điểm để vào học ĐH, các em nhận được giấy mời gọi nhập học “Trung tâm Bách khoa ASIAN”.

Theo thông tin tự giới thiệu, năm 2009, Trung tâm sẽ đào tạo 4 ngành hệ cao đẳng liên kết với trường CĐ Nghề TPHCM là quản trị du lịch - khách sạn - nhà hàng, kế toán, quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.

Nhưng theo một SV học ngành quản trị du lịch - nhà hàng - khách sạn, ngay sau khi vừa học xong môn giáo dục quốc phòng, trung tâm này lập tức chuyển ngành học thành ngành quản trị doanh nghiệp.

Theo giải thích của trường, khi chuyển sang học ngành này, ngoài việc được cấp bằng quản trị doanh nghiệp, SV sẽ còn được cấp chứng chỉ về quản trị du lịch để ra làm việc. Rất nhiều SV đã xin nghỉ và đề nghị rút lại học phí.

Theo một SV có giữ đề thi môn quản trị học, lớp QTDN K4A1, K4A2 năm học 2009 - 2010, khi đề thi được đưa ra, SV ai cũng ngỡ ngàng bởi trên đề thi này có sẵn câu đáp án được in nghiêng. SV trong lớp chỉ cần làm khoảng 10 phút là xong và đa số toàn là 10 điểm.

Nhiều học viên dù có thâm niên đến 2 năm vẫn không biết mình đang học ở trung tâm tên gì.

Khi mới vào học, cơ sở này xưng danh là “Trung tâm Đào tạo Phát triển Nguồn nhân lực quốc tế Bách khoa - ASIAN”, là cơ sở đào tạo của trường CĐ Nghề TPHCM. Sau đó, trên tấm bảng phía ngoài Trung tâm lại có tên “Trung tâm quốc tế Bách Việt”, rồi “Trường quốc tế Bách Khoa - Châu Á” và sau đó là “Cơ sở đào tạo Bách khoa - Châu Á”.

Những giấy tờ mà SV nhận được trong thời gian theo học vừa qua như thông báo chiêu sinh, biên lai thu tiền… có tên rất khác nhau. Ngoài ra, trong giấy xác nhận để SV vay vốn là con dấu của Trung tâm Bách khoa - ASIAN nhưng lại trực thuộc trường CĐ Công thương.

Cái mác “quốc tế” cũng được Trung tâm này thường xuyên đưa ra để thu 5 triệu đồng/SV/năm trong khi thực chất, nếu là SV của trường CĐ Nghề TPHCM, SV chỉ phải đóng 3 triệu đồng/năm.

Con dấu Đà Nẵng, dùng ở TPHCM

Ông Phan Đức Nhân - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa và Giáo dục Đông Nam Á, Giám đốc Trung tâm Tin học Ngoại ngữ và Bồi dưỡng nghiệp vụ Bách khoa ASIAN, cho biết: 656 sinh viên hệ cao đẳng đang học tại cơ sở 499/1 Lê Văn Việt, Q.9, TPHCM là những sinh viên trong chương trình liên kết giữa Trường CĐ Nghề TPHCM với Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa và Giáo dục Đông Nam Á.

Trung tâm Tin học Ngoại ngữ và Bồi dưỡng nghiệp vụ Bách khoa ASIAN chỉ là trực thuộc Viện có chức năng dạy ngoại ngữ, tin học. Do làm ăn không hiệu quả nên Trung tâm đã giải thể từ tháng 11-2009, sau 4 năm hoạt động.

Trung tâm Đào tạo Phát triển Nguồn nhân lực Quốc tế Bách khoa ASIAN thuộc Cty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Bách khoa có giấy phép của Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM nhưng chưa hoạt động.

Ông Nhân cho biết, ông hoàn toàn không biết gì về những đề thi có sẵn đáp án. Còn về con dấu của Trung tâm Tin học Bách khoa ASIAN, ông Nhân thừa nhận là con dấu do Sở GD&ĐT Đà Nẵng cấp!

Nhưng dùng con dấu này trong phiếu thu tiền của sinh viên, ông Nhân cho rằng đó là công việc nội bộ, vì trung tâm thuộc Viện nên không ảnh hưởng gì…

Ông Lê Quốc Bình - Hiệu phó Trường CĐ Nghề TPHCM, đơn vị chủ quản của Trung tâm Bách khoa - ASIAN, cho biết 656 sinh viên hệ cao đẳng đang học tại 499/1 Lê Văn Việt, Q.9 là sinh viên của trường trong chương trình liên kết với Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa và Giáo dục Đông Nam Á. Và Trường chỉ biết và làm việc với Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa và Giáo dục Đông Nam Á chứ không biết Trung tâm Tin học Ngoại ngữ và Bồi dưỡng nghiệp vụ Bách khoa ASIAN. Việc có trung tâm này tham gia vào là Viện đã làm sai.

Trường CĐ Nghề TPHCM hiện đang làm việc và xem xét những sự việc xảy ra tại trung tâm độc nhất vô nhị này. Có thể hướng sắp tới là rút tất cả SV về trường để đào tạo theo hướng tốt hơn.

Làm giả cả con dấu?

Theo GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng Huỳnh Văn Hoa, cơ quan này chưa hề cấp con dấu cho Trung tâm Tin học Ngoại ngữ và Bồi dưỡng Nghiệp vụ Bách khoa - ASIAN. Như vậy, con dấu mà Trung tâm này sử dụng có nhiều khả năng là giả.

Trung tâm 'trăm voi', sinh viên chờ 'nước xáo' ảnh 2
Những con dấu của Sở GD&ĐT Đà Nẵng nhưng sử dụng tại TPHCM!

Theo thông tin của chúng tôi, còn có rất nhiều khả năng phôi bằng tốt nghiệp do Trung tâm này cấp không đúng với phôi bằng quy định của Bộ GD&ĐT. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về những vấn đề này.    
MỚI - NÓNG