Trước hết, cần nhìn nhận đúng vấn đề

Trước hết, cần nhìn nhận đúng vấn đề
TP - Theo thống kê, điểm trung bình kỳ thi đại học năm 2007 của môn Sử là 2,09/10. Điểm môn Sử tuy thấp nhất nhưng những môn khác cũng đâu có cao! Tôi nhận thấy vấn đề không thật sự “khủng khiếp” như người ta vẫn phàn nàn.

Tuy là người làm Toán nhưng tôi cũng đã được mời đến dự hội thảo Thực trạng dạy và học Lịch sử trong trường phổ thông - nguyên nhân và giải pháp, với tư cách là hiệu trưởng một trường phổ thông. 

Tôi nhận thấy, trong hội thảo có một số vấn đề có lẽ đặt ra không đúng.

Chúng ta vẫn thường được nghe nói: Các em HS kém Sử Việt Nam, giỏi Sử Trung Quốc và lý giải vì Trung Quốc có nhiều bộ phim dã sử hấp dẫn. Tôi cho điều này không đúng.

Các bộ phim của Trung Quốc chúng ta tưởng là phim dã sử, thực ra đó là phim cổ trang. Trong lịch sử Trung Quốc, làm gì có chuyện Bao Công đã xử cả nghìn vụ án!

Hoặc có nhiều bộ phim về Vua Càn Long, nhưng thử hỏi các em đó là Càn Long đời nào, Càn Long làm vua như thế nào, câu trả lời là không biết. Bởi đó toàn là những chuyện bịa.

Ngay cả Mỹ, người ta tiến hành điều tra một nhóm HS với câu hỏi ai là người viết tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ - 60% không trả lời được. Bây giờ ở Việt Nam, nếu hỏi ai là người viết tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì bao nhiêu phần trăm không trả lời được?

Hỏi HS Mỹ, ai hiện nay đang làm tổng thống Mỹ - 40% không trả lời được. Ở ta, nếu hỏi HS cấp I, cấp II ai là Chủ tịch nước, ai là Tổng bí thư, có thể các em không trả lời được, nhưng với HS cấp III thì không đến nỗi như thế.

Vậy thì phải xem lại, cần đặt ra tiêu chí nào để đánh giá HS là dốt hay không dốt Sử? HS các nước có dốt Sử hơn mình hay giỏi hơn mình?.

Vấn đề thứ hai, học Sử để làm gì? Tôi học Sử không phải để đi làm nghề liên quan trực tiếp tới Lịch sử, cũng không phải học Sử để viết Sử.

Tôi học Sử là để trang bị cho vốn văn hóa của mình, xây dựng nhân cách của mình, sống như thế nào, yêu nước như thế nào?...

Do đó, đặt vấn đề học Sử như một cách để kiếm sống là không phải. Vì vậy, cách học môn Sử cũng phải khác những môn mà người ta học để kiếm sống như Tiếng Anh, Tin học...

Cần phải xác định mục tiêu cho việc học môn Sử. Đó có thể là giáo dục lòng yêu nước, hiểu biết lịch sử dân tộc... Nhưng, chắc chắn đó không phải là mục tiêu kiếm sống.

Vai trò người thầy là cơ bản

Một vấn đề khác là nên nhìn nhận cho đúng, đừng nói môn Sử bị xem nhẹ chỉ vì được 1,5 tiết/ tuần là không đúng. Toán có 3 tiết/ tuần thì Lịch sử 1,5 tiết/ tuần là đúng. Nói các nhà quản lý giáo dục xem nhẹ môn Sử cũng là không thỏa đáng.

Ví dụ, với Bộ GD&ĐT, 5 - 6 năm liền đều thi tốt nghiệp môn Sử. Vấn đề là trong 1,5 tiết đó chúng ta dạy cái gì, mức độ như thế nào, yêu cầu như thế nào, chọn lọc vấn đề ra sao?...

Tôi học Sử rồi nhưng bây giờ hỏi ông vua Trần nào trị vì lâu năm nhất và trị vì bao nhiêu năm thì tôi cũng không trả lời được, vì nó không liên quan tới công việc của tôi nên tôi không nhớ.

Nếu cần biết thì tôi tra tài liệu ra ngay. Do đó không phải là cái chúng ta phải bận tâm nhiều. Phải nói những điều mấu chốt, những vấn đề chính, có sức thuyết phục.

Làm thế nào để môn Sử hấp dẫn hơn nữa? Tôi ví dụ, trẻ con có thích đá bóng không, thích đá cầu, thích thể dục thể thao không? Câu trả lời là “Rất thích!”. Cho các em quả bóng và cái sân bóng đá thì các em có thể đá được suốt cả ngày.

Thế nhưng, 2 tiết/ tuần môn Thể dục ở trong trường phổ thông hiện nay còn chán hơn cả môn Sử. Bởi vì chúng ta bắt các em học cái các em không thích: xếp hàng, đi đều, tập động tác này động tác kia...

Vấn đề ở đây cũng giống như vấn đề của môn Sử, cần phải dạy cho trúng. Nói HS không thích Sử là không đúng. Nghe chuyện Sử còn hay hơn nghe Vật lý, Toán... nhiều! Sử hay lắm chứ, đời nào chẳng thế!

Vậy làm thế nào để HS thích học môn Sử? Trước hết, nội dung chương trình - SGK phải nhẹ hơn, hấp dẫn hơn. Và bản thân ông thầy phải thuyết phục hơn. Thầy phải say mê Sử, phải thích Sử và có khả năng truyền được sự say mê đó sang học trò.

Tôi cho rằng, các môn khoa học xã hội như Văn, Sử... đều đòi hỏi người thầy dạy dụng công hơn các môn Toán, Lý... trong mỗi tiết học. Phương pháp của GV phải phù hợp với tâm lý lứa tuổi, trình độ của HS.

GS Văn Như Cương
Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội

LTS: Thực trạng dạy và học môn Lịch sử trong các trường phổ thông là vấn đề đã được các nhà khoa học, nhà giáo cũng như dư luận xã hội bàn đến nhiều.

Đâu là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề để có giải pháp hiệu quả hiện nay đang gây nhiều tranh cãi.

Từ số này, Tiền phong mở diễn đàn “Trả lại vị thế cho môn Lịch sử”. Mong được nhận sự đóng góp ý kiến của quý độc giả!

Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ email: tienphong02@vnn.vn hoặc ban Giáo dục, báo Tiền phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

Quý Hiên
(ghi)

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.