Bỏ thi lớp 6 trường điểm, lợi bất cập hại:

Trường chuyên xuất hiện học sinh trung bình

Thí sinh thi vào lớp 6 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa năm 2016. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Thí sinh thi vào lớp 6 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa năm 2016. Ảnh: Nguyễn Dũng.
TP - Sau hai năm thực hiện chủ trương bỏ thi vào lớp 6 đối với một số trường THCS đặc thù, chất lượng ở những trường này đã có những thay đổi theo chiều hướng giảm sút. Thậm chí, như trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM, bắt đầu có học sinh trung bình.

Giỏi bơi lội, bóng đá được ưu tiên vào trường Ams

Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam vừa công bố kế hoạch tuyển sinh vào lớp 6. Theo đó, đối tượng tuyển sinh là học sinh có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, hoặc có bố, mẹ có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, hoàn thành chương trình tiểu học và đạt học lực giỏi từ lớp 1,2, hoàn thành các môn học lớp 3,4,5 và được đánh giá là học sinh xuất sắc.

Cùng với đó, các năm học từ lớp 1 đến lớp 5 tổng điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm 2 môn tiếng Việt và toán phải đạt từ 19 điểm trở lên. Hạnh kiểm của học sinh từ lớp 1 đến lớp 2 là thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của học sinh tiểu học, lớp 3, lớp 4 và lớp 5 phần đánh giá năng lực và phẩm chất phải được đánh giá đạt. Trong đó, điểm tối đa trong 5 năm tiểu học là 200 điểm.

Ngoài ra, còn có điểm ưu tiên (thuộc các đối tượng ưu tiên như con thương binh, con liệt sĩ...) và điểm khuyến khích. Với điểm khuyến khích, trường quy định các giải nhất, nhì, ba, khuyến khích cấp quốc gia được quy đổi từ 10 đến 3 điểm, cấp thành phố từ 4 điểm đến 1,5 điểm, cấp quận huyện từ 2 đến 0.5 điểm. 

Theo văn bản 3035 ban hành ngày 10/8/2016 của Sở GD&ĐT Hà Nội thì ở cấp tiểu học có 8 cuộc thi cấp quốc gia và thành phố được công nhận để quy đổi điểm khuyến khích. Trong đó có cả cuộc thi như Hội khỏe phù đổng toàn quốc, giải bóng đá  Hội khỏe phù đổng, giải vô địch Teakwondo học sinh toàn quốc, giải điền kinh, bơi lội, bóng rổ học sinh toàn quốc...

Còn tại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM, năm nay tiếp tục thực hiện tuyển sinh bằng hình thức khảo sát năng lực bằng tiếng Anh. Cụ thể, bài khảo sát sẽ gồm hai phần: Phần trắc nghiệm gồm 30 câu hỏi làm trong 45 phút và phần tự luận gồm 10 câu hỏi làm trong 45 phút. Hai phần khảo sát độc lập và tách biệt nhau. Thí sinh làm trực tiếp trên bài khảo sát với các các câu hỏi liên quan đến các kiến thức lịch sử, toán, khoa học, địa lý...

Điều kiện để dự thi vào trường là học sinh tốt nghiệp tiểu học ở TPHCM, kết quả học kỳ 2 môn toán và tiếng Việt điểm 9 trở lên. Năm học 2016 - 2017, trường tuyển 600 chỉ tiêu song có đến hơn 4.000 thí sinh dự thi, tỷ lệ chọi khoảng 1/6,7.

Bỏ thi chính thức, lấy thi “trá hình”?

Đánh giá về hiệu quả ban đầu từ khi thay đổi hình thức thi từ 3 môn toán, văn, ngoại ngữ sang làm bài khảo sát năng lực bằng tiếng Anh, ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM cho biết, hình thức này được đông đảo phụ huynh và học sinh và nhà trường hưởng ứng. “Tuy nhiên, so với thi 3 môn đầu vào trước đây thì chất lượng có vẻ thấp hơn chút xíu”, ông Nghi nói. 

Theo ông Nghi, trước đây trường chưa bao giờ có học sinh trung bình, song hai năm nay đã có xuất hiện. Bên cạnh đó, với hình thức này thì học sinh ở các trường quốc tế có lợi thế hơn nhưng khi vào học thì yếu thế về môn Toán và tiếng Việt. Về quan điểm cá nhân, ông Nghi cho rằng, đối với các trường chuyên cần phải có bài khảo sát đầu vào để đảm bảo tính công khai, công bằng, khách quan.

“Tuy nhiên, đề thi phải làm sao đổi mới liên tục, không theo khuôn mẫu, đến hẹn lại lên, đề bao nhiêu câu, cấu trúc thế nào… có như vậy thì việc luyện thi mới không còn”, ông Nghi nói.

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường khác của TPHCM cũng nêu quan điểm nên có một kỳ thi dành cho các trường chuyên. Theo vị này, trường chuyên ở bậc THCS có đặc thù riêng, là nơi tạo nguồn cho các trường chuyên ở bậc THPT, nếu không thi mà áp dụng xét tuyển sẽ dẫn đến khó khăn trong chọn lựa.

“Nhiều trường có đến vài ngàn hồ sơ, em nào cũng điểm 10 thì chọn cách nào đây? Chắc chắn phải dẫn đến tiêu chí phụ là giải thưởng này, chứng chỉ kia… Có em không biết bơi nhưng vẫn có chứng chỉ này, vô tình chúng ta hình thành cho các em 1 tư duy dối trá, thiếu trung thực trong cuộc sống ngay từ khi còn nhỏ”, vị này băn khoăn. Vị này cũng cho rằng: “Nhu cầu học trường chuyên, lớp chọn là có thật nên quan trọng là phải làm sao để có hiệu quả, công bằng và minh bạch để chọn đúng học sinh giỏi mới là quan trọng chứ không phải quản không được thì cấm, làm vậy vô tình sẽ nảy sinh thêm những tiêu cực khác”.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội dường như không muốn đề cập nhiều về vấn đề này khi cho biết ngắn gọn, Sở không có đánh giá về chất lượng đối với đầu vào lớp 6 của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Bộ quy định thế nào, trường, Sở thực hiện theo đúng quy định của Bộ.

Trong khi đó trao đổi với Tiền Phong, GS Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, ở các nước, tuy không có trường chuyên từ cấp THCS nhưng ở mỗi khu vực, hay mỗi vùng họ đều có lớp  nào đó để đào tạo những học sinh có năng khiếu, giúp những học sinh này có thể phát triển sớm.  Ở đó, thầy giáo sẽ giảng  thêm và cho học sinh bài tập làm thêm. GS Ngô Việt Trung cũng khẳng định, việc lấy các giải từ các cuộc thi khác để lựa chọn học sinh vào những trường chất lượng cao là không ổn.

“Việc bỏ một kỳ thi rồi dựa vào các cuộc thi phụ để xét tuyển sinh là không hợp lý. Bây giờ có quá nhiều cuộc thi. Đó không phải là tiêu chuẩn để lựa chọn  những học sinh giỏi mà chỉ mang tính chất quần chúng nhiều hơn. Tôi nghĩ, việc tuyển sinh của các trường cứ nên để các trường tự chủ. Với những cuộc thi “trá hình” như thế kia thì hãy để cho các trường thi tuyển còn tốt hơn !” - GS Ngô Việt Trung nói.

“Việc bỏ một kỳ thi rồi dựa vào các cuộc thi phụ để xét tuyển sinh là không hợp lý. Bây giờ có quá nhiều cuộc thi. Đó không phải là tiêu chuẩn để lựa chọn  những học sinh giỏi mà chỉ mang tính chất quần chúng nhiều hơn. Tôi nghĩ, việc tuyển sinh của các trường cứ nên để các trường tự chủ. Với những cuộc thi “trá hình” như thế kia thì hãy để cho các trường thi tuyển còn tốt hơn !”.          

GS Ngô Việt Trung

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...