Trường đại học dứt khoát không phải quán phở

So sánh trường đại học với quán phở chỉ là một cách nói phiếm chỉ. Hiểu rộng hơn có nghĩa là trường đại học không phải là doanh nghiệp kinh doanh lấy lãi.
Trường đại học dứt khoát không phải quán phở ảnh 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Doanh nghiệp kinh doanh lấy lãi làm giàu cho mình, cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho xã hội, đóng thuế cho nhà nước cũng là một điều tốt. Tuy nhiên, trường đại học không phải sinh ra để làm điều đó. Bởi vì, nghĩa vụ của trường đại học cao cả hơn, sứ mệnh thiêng liêng hơn, đó là đào tạo con người có tri thức phụng sự cho đất nước.

Người viết bài này xin kể câu chuyện được nghe, từ một thành viên Hội đồng quản trị của Trường Đại học Tôn Đức Thắng – nguyên Chủ tịch LĐLĐ TPHCM – ông Nguyễn Huy Cận.

Trong một chuyến sang Mỹ tìm hiểu về mô hình trường đại học tư nhân sáng lập, vị Hiệu trưởng của trường đại học mà ông Nguyễn Huy Cận đến tìm hiểu “bị” một giáo sư trong trường đòi tăng lương. Hiệu trưởng báo cáo với chủ tịch HĐQT.

Ông chủ tịch mời vị giáo sư kia lên và hỏi: “Giáo sư có khó khăn gì để cần tăng lương xin cứ nói?”. Vị giáo sư trả lời: “Tôi không có khó khăn gì cá nhân. Chỉ xin tăng lương để dành khoản tiền tăng đó gom góp làm một phòng thí nghiệm cho sinh viên”.

Ông chủ tịch hỏi tiếp: “Để thành lập phòng thí nghiệm cần bao nhiêu tiền?”. Giáo sư trả lời: “Khoảng vài trăm ngàn USD”. Chủ tịch HĐQT nói với vị giáo sư rất chân thành: “Vậy thì tôi xin được đóng góp 1 triệu USD tiền riêng của tôi để cùng giáo sư làm phòng thí nghiệm cho sinh viên của chúng ta”.

Nước Mỹ đã đạt được đỉnh cao của sự phồn thịnh hôm nay là nhờ vào những vị giáo sư tâm huyết và những nhà đầu tư giáo dục một lòng vì đất nước. Họ sẵn sàng bỏ tiền để cho học thuật. Nhiều “đại gia” nước Mỹ chi tiền xây một campus tặng một trường đại học và xem đó là niềm vinh dự, vì họ nghĩ rằng phải có trách nhiệm với nền giáo dục quốc gia.

Ở Việt Nam chưa thấy có đại gia nào tặng không một trường đại học vô vụ lợi như vậy.

Và đó phải chăng là sự giải thích vì sao nước mình nghèo, còn nước khác giàu.

Hơn thế nữa còn là nhân cách trí thức. Để có một nền giáo dục đại học phát triển, không phải từ một HĐQT của một trường đại học với những thành viên chỉ chăm chăm chia cổ tức; không phải những hội đồng thành viên suốt ngày thưa kiện và dọa kéo nhau ra tòa.

Sự khác biệt đó chỉ có thể nói như ai đó so sánh một cách chua xót về đại học Việt Nam: Trường đại học như quán phở.

Khi nào, Việt Nam có được những nhà đầu tư thành lập trường đại học và xem đó là trách nhiệm xã hội, có những giáo sư xem học thuật và đào tạo trí thức làm sứ mệnh, thì khi đó mới có một Việt Nam thành rồng, thành hổ.

Theo Lê Chân Nhân
Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG