Trường dân lập ngại tuyển sinh nguyện vọng 2 và 3

Trường dân lập ngại tuyển sinh nguyện vọng 2 và 3
TP - Tất cả các trường đại học dân lập khu vực phía Nam, dù tổ chức thi tuyển sinh hay chỉ xét tuyển, đều phải trông chờ vào “nguồn”  thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 và 3.

Năm nay, chỉ có 3 trường  đại học dân lập (ĐHDL) khu vực phía Nam tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển. Đó là ĐHDL Kỹ thuật công nghệ TPHCM, ĐHDL Ngoại ngữ - Tin học TPHCM và ĐHDL Lạc Hồng (Đồng Nai).

Tất cả các trường đại học dân lập còn lại gồm: ĐHDL Văn Hiến,Văn Lang, Hồng Bàng, Hùng Vương, Bình Dương, Cửu Long, Công nghệ Sài Gòn, Yersin, Bà Rịa- Vũng Tàu đều tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển.

Sở dĩ các trường ĐHDL  ngán ngại tổ chức kỳ thi tuyển sinh vì tổ chức thi tuyển sinh tốn kém công sức, tiền bạc mà không thu lại kết quả như mong muốn.

Năm trước, ĐHDL Công nghệ Sài Gòn tổ chức kỳ tuyển sinh với lượng thí sinh đăng ký dự thi tương đối lớn nhưng cuối cùng, chỉ tuyển được hơn 20% chỉ tiêu, là những thí sinh đạt điểm sàn trở lên, đành phải trông chờ vào thí sinh đăng ký nguyện vọng 2, 3. Kết thúc mùa tuyển sinh, trường chỉ tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu.

Chỉ tiêu tuyển sinh của một số trường đại học dân lập khu vực phía Nam:

Trường ĐH dân lập Bình Dương: 1400 sinh viên

Trường ĐH dân lập Cửu Long: 1500 sinh viên

Trường ĐH dân lập Công nghệ Sài Gòn: 1400 sinh viên

Trường ĐH dân lập Hồng Bàng: 1700 sinh viên

Trường ĐH dân lập Hùng Vương: 1000 sinh viên

Trường ĐH dân lập Văn Hiến: 1100 sinh viên

Trường ĐH dân lập Văn Lang: 2000 sinh viên

Trường ĐH dân lập Yersin (Đà Lạt): 1100 sinh viên

Trường ĐH dân lập Lạc Hồng (Đồng Nai): 1550 sinh viên

Trường ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ TPHCM: 1700 sinh viên

Trường ĐH dân lập Ngoại ngữ- Tin học TPHCM: 1500 sinh viên

Từ thực tế cay đắng này, năm 2006,  ĐHDL Công nghệ Sài Gòn quyết định không tổ chức kỳ thi tuyển sinh mà chỉ tổ chức xét tuyển như nhiều trường đại học dân lập khác.

Thạc sỹ Lâm Thanh Hiển, Trưởng phòng Đào tạo ĐHDL Lạc Hồng (đơn vị thường xuyên tổ chức thi tuyển sinh) nói: “Do bị ràng buộc bởi  điểm sàn của Bộ GD-ĐT nên khó mà tuyển đủ chỉ tiêu nhưng dù thế nào, sau kỳ thi tuyển, nhà trường cũng tuyển được một lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 với chất lượng tương đối ổn định.

Điều này giúp nhà trường chủ động, tự tin hơn trong việc xét tuyển tiếp thí sinh đăng ký nguyện vọng 2, 3”.

Đối với các trường ĐHDL không tổ chức thi tuyển mà chỉ xét tuyển thì lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường (sau khi thí sinh  “mượn” trường khác thi để lấy điểm) cũng chẳng nhiều nhặn gì. Trong số ấy, rất ít thí sinh trúng tuyển.

Thạc sỹ Mai Bình, Trưởng phòng Đào tạo ĐHDL Hùng Vương (trường không tổ chức thi tuyển) cho biết năm 2005, có 1.141 thí sinh để đăng ký nguyện vọng 1 vào trường ĐHDL Hùng Vương (những thí sinh này “mượn” các trường khác để thi lấy điểm) nhưng rốt cuộc, chỉ có... 24 thí sinh trúng tuyển (đạt kết quả ngang điểm sàn trở lên).

Gần 1.000 chỉ tiêu còn lại, Trường ĐHDL Hùng Vương phải trông chờ vào nguồn thí sinh đăng ký nguyện vọng 2, 3 (sau khi thí sinh bị trượt nguyện vọng 1 ở các trường công lập).

Thạc sỹ Mai Bình khuyên các thí sinh không nên “mượn” trường thi để đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường đại học dân lập vì khi  “mượn” trường thi, các bạn đã mất đi một cơ hội. Trong khi đó, điểm trúng tuyển vào các trường đại học dân lập đối với thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 trong nhiều năm qua là như nhau (ngang điểm sàn là trúng tuyển).

Theo Thạc sỹ Mai Bình, thí sinh cứ mạnh dạn đăng ký nguyện vọng 1 vào một trường đại học công lập. Có thể họ sẽ trúng tuyển. Còn nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng điểm thi đạt điểm sàn trở lên  thì hãy đăng ký nguyện vọng 2 và 3 vào các trường không tổ chức thi tuyển sinh.

MỚI - NÓNG