Trường ĐH Đông Đô dính 'bê bối' như thế nào?

Đại học Đông Đô vướng đủ các loại scandal
Đại học Đông Đô vướng đủ các loại scandal
TPO - Đại học Đông Đô - một trong những trường ĐH ngoài công lập đầu tiên được thành lập theo chủ trương xã hội hóa giáo dục. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, trường này đã vướng đủ các loại scandal. 

Cái tên trường ĐH Đông Đô một lần nữa lại được dư luận chú ý khi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối 4 người là lãnh đạo, cán bộ Đại học Đông Đô.

Được thành lập ngày 3/10/1994 theo Quyết định số 534/TTg của Thủ tướng chính phủ, Đại học Đông Đô là một trong những trường ĐH ngoài công lập đầu tiên được thành lập theo chủ trương xã hội hóa giáo duc của Đảng và Nhà nước. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, trường ĐH Đông Đô đã vướng vào đủ các loại scandal.

Đầu những năm 2000, hàng loạt lãnh đạo của trường ĐH Đông Đô vướng lao lý vì liên quan đến tuyển sinh vượt chỉ tiêu cho phép. Đầu năm 2002, Công an Hà Nội đã ra lệnh khởi tố vụ án lạm dụng quyền hạn khi thi hành công vụ, gây hậu quả nghiêm trọng (theo điều 281, Bộ luật Hình sự) ở trường này.

Trước khi khởi tố, công an Hà Nội đã cho rút 37 bài thi trong số gần 500 bài đã được chấm phúc tra ở kỳ tuyển sinh 2001 để xác minh. Kết quả là hầu hết bài thi giữa chấm lần đầu và chấm phúc tra chênh lệch nhau 2-3 điểm, có trường hợp tới 5 điểm.

Theo cáo trạng, các bị can đã làm sai lệch hồ sơ đăng ký thi đại học của các thí sinh, tuyển sinh vượt 2,8 lần số lượng cho phép. Hàng trăm thí sinh không đủ điểm chuẩn, không hồ sơ đăng ký vẫn được theo học tại Đông Đô. Đây có thể coi là một vụ gian lận thi cử hệ chính quy cấp trường ĐH lớn nhất trong lịch giáo dục ĐH Việt Nam.

Sau khi cơn bão tiêu cực thi cử để chuộc lợi tài chính đầu năm 2000 đi qua, dường như ĐH Đông Đô rơi vào thế bế tắc trong việc tìm đường phát triển. Không những thế, trong khi các trường ĐH ngoài công lập mới thành lập ngày càng có cơ sở vật chật khang trang thì ĐH Đông Đô mãi lụp xụp, phòng ốc, giảng đường đi thuê.

Chính vì vậy, năm 2012, Bộ GD&ĐT chính thức công bố kết luận kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường ĐH, CĐ của 24 trường. Theo đó, có 3 trường ĐH, CĐ bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 gồm: ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô và CĐ CNTT TPHCM. Trường ĐH Đông Đô bị đình chỉ với lý do , tỷ lệ sinh viên/giáo viên quá cao: 4.276 SV/77 GV (55%).

Bộ GD&ĐT yêu cầu đến năm 2013, trường này không khắc phục được các điều kiện bảo đảm chất lượng sẽ xem xét đình chỉ hoạt động giáo dục. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã ra văn bản cảnh cáo 3 trường chưa có đất trong đó có ĐH Đông Đô. Đến năm 2013, nếu các trường này vẫn chưa có đất xây dựng trường theo cam kết thì đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể trường.

Ngay sau khi có cơ sở vật chất thì trường ĐH Đông Đô lại dính vào những lùm xùm khác. Phải chăng, khi trường có cơ sở vật chất thì cũng rơi đúng vào thời điểm các trường ĐH khó tuyển sinh. Không có sinh viên, để tồn tại, cách tốt nhất là “làm liều”?

Mặc dù không được Bộ GĐ&ĐT cho phép đào tạo bằng đại học thứ hai hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh, song Hiệu trưởng Đại học Đông Đô vẫn chỉ đạo cán bộ dưới quyền tổ chức tuyển sinh, thu tiền và cấp chứng nhận tốt nghiệp cho hàng trăm trường hợp, hưởng lợi số tiền lên tới cả tỷ đồng trong thời gian từ 2016 đến nay.

Mặc dù theo thông báo thời gian đào tạo kéo dài từ 18 – 24 tháng, song thực tế việc tuyển sinh nhận hồ sơ tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh của Đại học Đông Đô chỉ là hình thức, học viên khi đã nộp hồ sơ, đóng tiền là đỗ. Quá trình học tại trường này, học viên cũng không học mà chỉ làm bài thi và sau đó được cấp bằng.

Và cái giá phải trả, một lần nữa, đội ngũ lãnh đạo của trường lại vướng vào vòng lao lý.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.