Trường ĐH nghiên cứu phải có 100 bài báo khoa học mỗi năm

Trường ĐH nghiên cứu phải có 100 bài báo khoa học mỗi năm
TPO - Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học sau khi sửa đổi, bổ sung (Luật số 34). Theo nghị định, có nhiều điểm mới và được quy định chi tiết đối với các hoạt động giáo dục ĐH.

Trở thành đại học định hướng nghiên cứu cần trên 100 bài báo/năm

Theo Nghị định, để được công nhận cơ sở giáo dục ĐH theo định hướng nghiên cứu, các trường cần đạt được các tiêu chí gồm: Đã công bố định hướng phát triển thành cơ sở giáo dục ĐH nghiên cứu trong sứ mạng, mục tiêu của cơ sở giáo dục ĐH; được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục;

Trường có đơn vị thuộc, trực thuộc nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu phát triển công nghệ nguồn; có tỷ lệ ngành đang đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt từ 50% trở lên so với tổng số ngành đang đào tạo cấp bằng; trong 3 năm gần nhất, có quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trung bình không thấp hơn 20% tổng quy mô tuyển sinh và cấp trung bình từ 20 bằng tiến sĩ trở lên trong một năm.

Trong 3 năm gần nhất, tỷ trọng nguồn thu trung bình từ các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, chuyển giao không thấp hơn 15% tổng thu của cơ sở giáo dục ĐH.

Trong 3 năm gần nhất, cơ sở giáo dục ĐH công bố trung bình mỗi năm từ 100 bài báo trở lên và đạt tỷ lệ trung bình một giảng viên cơ hữu công bố mỗi năm từ 0,3 bài trở lên trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Bộ trưởngBộ GD&ĐT quyết định danh mục tạp chí khoa học có uy tín làm cơ sở công nhận tiêu chí này.

Tỷ lệ sinh viên trên giảng viên không quá 20; tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 50% tổng số giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học; tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư không thấp hơn 20% tổng giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học.

Hội nghề nghiệp không được cấp chứng chỉ hành nghề

Theo Nghị định này, hệ thống văn bằng giáo dục ĐH bao gồm 4 loại.

Một là bằng cử nhân, cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ ĐH, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Hai là bằng thạc sĩ, cấp cho người tốt nghiệp trình độ thạc sĩ, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Ba là bằng tiến sĩ, cấp cho người tốt nghiệp tiến sĩ, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 8.

Ngoài ra, hệ thống có văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục ĐH bao gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư.

Đặc biệt, chứng chỉ đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù sẽ do Bộ và cơ quan ngang Bộ quy định hoặc cấp cho người học. Như vậy, Hội nghề nghiệp cấp trung ương sẽ không còn được tổ chức thi cấp chứng chỉ.

Theo Nghị định, trình độ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù gồm chương trình có khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp THPT và tương đương hoặc có khối lượng học tập từ 30 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trình độ ĐH.

Chương trình có khối lượng học tập từ 90 tín chỉ trở lên đối với người có trình độ tương đương Bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Như vậy, với những chương trình đào tạo ĐH kéo dài 5 - 6 năm, các trường hợp tốt nghiệp được cấp bằng kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ sẽ có trình độ tương đương bậc 7 của người có bằng thạc sĩ.

Trường đại học được tự chủ mở ngành đào tạo

Các trường ĐH được xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT, trừ lĩnh vực quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý trực tiếp; được quyết định phương thức tổ chức và quản lý đào tạo đối với các trình độ, hình thức đào tạo; xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo.

Ngoài ra, các ĐH được tự chủ ra quyết định mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài cho trường ĐH thành viên và đơn vị đào tạo thuộc đại học khi đáp ứng điều kiện mở ngành và điều kiện liên kết đào tạo với nước ngoài.

Cơ sở giáo dục ĐH công lập thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự, tài chính và tài sản theo quy định; trong khi các cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận được thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự, tài chính và tài sản; được Nhà nước hỗ trợ phát triển phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và các quy định về đầu tư phát triển giáo dục ĐH.

Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 15/2/2020.

MỚI - NÓNG