Trường giải thể, thầy trò không hay biết

Nhiều cô giáo đã khóc khi nghe tin trường bị giải thể_
Nhiều cô giáo đã khóc khi nghe tin trường bị giải thể_
TPO - Mấy ngày qua, hơn 50 giáo viên cùng hàng ngàn học sinh và phụ huynh Trường THPT Lý Tự Trọng (trực thuộc Trường Cao đẳng kỹ thuật Lý Tự Trọng, TPHCM) rất hoang mang trước quyết định giải thể trường của Sở GD-ĐT TPHCM.

Ngày 9/5, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM đã có có buổi làm việc với giáo viên, Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng về quyết định này. 

Trường giải thể, thầy trò không hay biết…

Đột ngột giải thể, chúng tôi không hề hay biết… là những ý kiến của các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh trường THPT Lý Tự Trọng,. Họ chỉ biết khi báo chí đưa tin ngôi trường vừa được Sở GD- ĐT TP ra quyết định giải thể sau 16 năm hoạt động.

Theo đó, ngày 25/4, Giám đốc Sở GD- ĐT ra văn bản thông báo đến phòng GD-ĐT 24 quận huyện về việc không tuyển sinh lớp 10 vào trường Lý Tự Trọng từ năm học 2014- 2015, đồng thời chỉ rõ việc giải thể trường này theo phương thức cuốn chiếu: Từ năm học 2014- 2015, nhà trường chỉ hoạt động 2 khối 11 và 12; năm 2015- 2016 hoạt động duy nhất khối 12 và đến năm học 2016-2017 trường THPT Lý Tự Trọng thực hiện giải thể.

Trường giải thể, thầy trò không hay biết ảnh 1

Các thầy cô giáo bức xúc khi hay tin trường bị giải thể

Thầy Trần Quốc Tuấn, trưởng bộ môn Toán của trường cho hay: “Tôi hoàn toàn bất ngờ và không hề hay biết gì đến việc trường bị giải thể trước khi báo chí đưa tin”. Trong khi đó, cô Phạm Thị Thanh Hà, giáo viên dạy Văn lớp 10 của trường nói trong nước mắt: “Chồng tôi là bộ đội Hải quân đang công tác xa nhà, tôi vừa mới sinh con chưa đầy một năm nên khi nghe tin trường bị giải thể một cách quá đột ngột, tôi thực sự thấy sốc.


Nếu theo lộ trình giả thể kiểu cuốn chiếu này, thì năm học này tôi sẽ không còn đứng lớp nữa, sẽ không biết đi về đâu. Nhưng quan trọng là các em học sinh lớp 10 có học lực trung bình, nhà nghèo cũng sẽ không biết đi về đâu bởi vào các trường công lập khác thì sợ không dủ sức, còn vào trường dân lập thì học phí quá cao”.

Lý do thiếu thuyết phục?

Ông Nguyễn Văn Hiếu, PGĐ Sở GĐ- ĐT TP cho rằng: “Việc giải thể trường là hoàn toàn phù hợp vì trường này tồn tại không đúng theo điều lệ trường THPT, cũng không phù hợp điều lệ các trường CĐ (Trường THPT tồn tại trong trường CĐ - PV).

Thêm vào đó, do trường TPHT nằm trong trường CĐ, gây nên sự chồng chéo trong quản lý. Bên cạnh đó, đến nay TPHCM đã mở rộng và xây mới rất nhiều trường lớp trên địa bàn, nhiều trường tư thục trên địa bàn cũng rất phát triển, đủ sức đáp ứng nguyện vọng của học sinh trong những năm sắp tới. 

Như vậy, về mặt pháp lý, sự tồn tại của trường là không ổn”. Còn theo ông Văn Công Sang, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, việc giải thể trường là hoàn toàn hợp lý, tập trung đầu tư phát triển cho loại hình cao đẳng bởi hiên nay, nhiều sinh viên của trường do không có chỗ học, phải ra tận hành lang để học tập, thực hành.

Tuy nhiên, theo ông Lê Tấn Long, giáo viên môn Sử của trường thì lý do mà cả lãnh đạo Sở GD lẫn thầy Hiệu trưởng đưa ra hoàn toàn không hợp lý bởi sinh viên ngành cao đẳng trong những năm qua liên tục giảm, còn chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của trường hàng năm luôn trong tình trạng ổn định. 

Bên cạnh đó, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm học 2010- 2011 là 92,9%, đến năm 2012- 2013 là 98,85%; còn ở hệ bổ túc là 100% năm học 2012- 2013. Từ năm học 2007- 2008 đến nay, trường được nhận nhiều bằng khen, giấy khen từ Bộ, Sở, đáng kể nhất là được UBND TPHCM tặng thưởng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc liên tục từ năm 2006 đến năm 2013. 

Cũng theo thầy Long, hàng năm, tại khu vực Tân Bình có từ 5.000- 6.000 học sinh học hết lớp 9, nhưng số chỗ học lớp 10 tại quận này chỉ đáp ứng được trên dưới 50% (cụ thể trong 10 năm nay không có trường công lập nào xây mới).

 “Năm nay, số học sinh lớp 9 của quân Tân Bình là 5.354 em, trong khi bốn đơn vị tuyển sinh lớp 10 tại địa bàn là các trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thái Bình và Trung tâm GDTX Tân Bình chỉ tuyển khoảng 2.650 chỉ tiêu, tức chỉ khoảng 51%, vậy tại sao lại phải giải thể một ngôi trường đang góp phần giảm áp lực tuyển sinh cho cả quận.

Còn theo ông Phan Thành Chính, trưởng Ban đại diện Cha mẹ học sinh của trường, việc giải thể trường là hết sức đột ngột và không công bằng với giáo viên, học sinh và phụ huynh, bởi đây là ngôi trường có chất lượng, học phí phù hợp. Ông Chính dẫn chứng, 1 học sinh học ở trường THPT dân lập thì trung bình học phí là 3 triệu đồng/tháng, trong khi đó ở trường THPT Lý Tự Trọng chỉ có 90 ngàn đồng/ tháng.

Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hiếu, PGĐ Sở cho biết sẽ xem xét để trường tiếp tục tuyển sinh trong năm tới nhưng phải đợi đề án của trường Cao đẳng kỹ thuật Lý Tự Trong thế nào đã.

MỚI - NÓNG