Trường nghề bị... ngó lơ

Trường nghề bị... ngó lơ
Nhiều người làm công tác dạy nghề bày tỏ: học sinh trường nghề đang rất “cô đơn” trên con đường lập thân, lập nghiệp và xa hơn là để cống hiến cho xã hội.
Trường nghề bị... ngó lơ ảnh 1
Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp cơ khí CK3 hệ trung cấp Trường cao đẳng Nghề TP.HCM thực hành sử dụng máy cắt dây (EDM) - Ảnh: NHƯ HÙNG (Tuổi Trẻ).

Chuyện “cô đơn” trên, theo ông Nguyễn Toàn - hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, lớn nhất là thái độ của xã hội dành cho ngành dạy nghề, học sinh trường nghề.

Thiếu người học

Một chuyên gia dạy nghề ở TP.HCM kể lại câu chuyện: đầu năm học, đi họp phụ huynh cho con đang theo học lớp 12 tại một trường THPT ở quận 1, vị hiệu trưởng trường này đã “hạ quyết tâm”: tất cả học sinh trong trường phải đậu ĐH, “ai không đậu thì... đừng quay về gặp tôi”.

Có lẽ vì những “quyết tâm” như trên, cách đây vài năm một cuộc điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam đã cho kết quả: 90% học sinh cho biết họ thật sự muốn vào đại học, trong khi thực tế chỉ có 10% trúng tuyển.

Và ước vọng này đã tác động lên mong muốn học nghề: chỉ 18,9%, và khoảng 30% học sinh các trường nghề bỏ trường ngay sau học kỳ đầu tiên. “Hành xử như vậy thì ai mà tơ tưởng đến học nghề đây?” - ông hỏi.

Đó cũng là một trong số nhiều lý do khiến trường nghề thiếu người học. “Điệp khúc thiếu” quanh năm với các trường nghề như thiếu người học, tuyển không đủ chỉ tiêu, đầu vào chất lượng thấp... Do vậy, một số trường nhiều năm qua phải âm thầm đóng cửa một số ngành vì không có người học.

Ở các trường trung cấp chuyên nghiệp thuộc sự quản lý của Bộ GD-ĐT, tình hình cũng không có nhiều khác biệt. Trong hội nghị giao ban các trường trung cấp chuyên nghiệp các tỉnh phía Nam cuối năm 2008, nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp phải tha thiết đề nghị Bộ GD-ĐT giảm bớt các chỉ tiêu trung cấp chuyên nghiệp dành cho các trường đại học, cao đẳng. Bởi với “mác” đại học, cao đẳng, các trường này vẫn thừa sức tuyển người dù để chỉ vào học bậc trung cấp.

Một “điệp khúc thiếu” nữa là từ ngay chính các doanh nghiệp khi luôn phàn nàn về số lượng lao động lành nghề trong các doanh nghiệp của mình. Chưa hết, đó là những kêu ca về chuyện phải đào tạo lại lao động khiến người muốn học nghề cũng thấy tương lai làm việc của mình quá bấp bênh.

Đặt hàng từ trường nghề

Hiện học sinh theo học trường nghề đã có quy định liên thông được định hình, các loại học bổng chính sách, học bổng khuyến khích học tập, cho vay vốn học tập... cũng đầy đủ như các bậc học đại học, cao đẳng. Hơn nữa, phải nhìn nhận thực tế rằng vào học trung cấp cũng là một lối để vào đời bởi chỉ tiêu các trường đại học, cao đẳng không dành cho tất cả thí sinh và mỗi người có một khả năng, hoàn cảnh khác nhau.

Chưa kể, xã hội nào cũng phải có sự phân công, mỗi người mỗi việc miễn là lương thiện. Học nghề cũng là một hướng mở phù hợp với nhiều bạn trẻ: mau tốt nghiệp, sớm có việc làm.

Nhưng, như bức thư của một học sinh từ vùng ven TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) gửi cho chúng tôi từ mùa tuyển sinh 2008: “Nhiều người nghĩ về tương lai của các bạn trẻ, trong đó có cha mẹ em chỉ nghĩ đến chuyện thành đạt thay vì hạnh phúc, và thành đạt cũng chỉ gói gọn trong chuyện học trường đại học nào, ngành nào mà thôi".

Học sinh này còn tâm sự thêm rằng, việc con cái học trường nào, tên của ngành học nghe có “hiện đại” không còn là niềm vui của cha mẹ. Nhiều phụ huynh cũng không ngần ngại bày tỏ: con cái thi rớt, tạm thời cho con vào trường nghề để chờ sang năm thi đại học (!).

Dù vậy, vẫn có một bộ phận bạn trẻ chọn trường nghề là lối vào đời. Vậy các doanh nghiệp đang ở đâu trong hành trình “dũng cảm” của học sinh trường nghề khi phần lớn thường phàn nàn về chất lượng, sự chưa đáp ứng của lao động chứ ít khi biết chăm chút cho lớp người này.

Một thầy giáo dạy nghề bày tỏ: có hàng trăm nghề nghiệp, kỹ năng mà cuộc sống cần. Vậy trường nghề dạy điều gì cho học sinh? “Tốt nhất doanh nghiệp cần đồng hành trong quá trình đào tạo bằng cách đặt hàng cho chúng tôi” - ông nói.

Mặt khác, chuyện tuyển dụng và sử dụng lao động, chi trả lương bổng theo bằng cấp chứ không theo tay nghề cũng là lý do khiến nhiều học sinh e ngại khi chọn trường nghề.

Hiệu trưởng một trường nghề kể chuyện học sinh của trường, sau khi đi làm, cứ về nằng nặc đòi học liên thông để nhận bằng cấp cao hơn khi “họ làm việc thậm chí kém hơn em nhưng vẫn được trả lương cao vì có bằng cấp cao”.

Không thay đổi được những điều như thế, học sinh trường nghề vẫn phải “cô đơn” trên hành trình mênh mông của mình. Và chẳng biết bao giờ xã hội mới có một cơ cấu lao động hoàn hảo.

Theo Đoàn Từ Duy
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG