Trường nghề liên kết doanh nghiệp: Vẫn nhiều trắc trở

Lớp đào tạo nghề tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Lớp đào tạo nghề tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Theo đánh giá của cả nhà trường và doanh nghiệp (DN), dù liên kết mang nhiều lợi ích cho cả hai song, còn không ít khó khăn khiến liên kết này chưa phát triển mạnh. Những đánh giá trên được đưa ra tại buổi Tọa đàm “Khi trường nghề và DN tìm đến nhau”, do báo Tiền Phong cùng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức, sáng 12/10.

TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Cao đẳng (CĐ) Công nghệ cao Hà Nội cho biết, hiện trường liên kết đào tạo với 400 DN trong và ngoài nước, với nhiều nghề sinh viên học trực tiếp ở DN, như: Cơ khí chế tạo, cơ điện tử, điện công nghiệp, ôtô… Theo ông Khánh, liên kết đào tạo với DN giúp ích cả người học, nhà trường và DN. Do 40% thời gian học trực tiếp ở DN, nên người học được nâng cao tay nghề, kỹ năng, tiếp cận công nghệ mới, cơ hội việc làm khi ra trường, được DN trả lương trong quá trình học. Với nhà trường, tận dụng được máy móc tại DN để sinh viên học thực hành không phải đầu tư mua sắm, đào tạo đúng nhu cầu thị trường, nâng cao kỹ năng giáo viên...

Về phần DN, ông Lê Huy Thức, Tổng Giám đốc Tập đoàn PMTT đánh giá, liên kết trường nghề đào tạo giúp DN có lực lượng lao động. Quá trình trực tiếp đào tạo giúp DN đánh giá năng lực từng người học, để tuyển dụng các em ngay khi tốt nghiệp, không mất thêm thời gian tuyển dụng, thử việc, đào tạo lại. Theo ông Thức, hiện những sinh viên thực hành tại DN của ông khi tạo ra sản phẩm sẽ được trả lương 150.000 đồng/ngày, thêm các chi phí khác, mỗi người học nhận được 4-6 triệu đồng/tháng.

Tuy vậy, TS Bùi Thị Hạnh, Hiệu trưởng CĐ Kinh tế - Kỹ thuật và Thủy sản Bắc Ninh cho rằng, hiện liên kết nhà trường - DN vẫn gặp không ít khó khăn. Không ít DN cảm thấy phiền phức, ngại sinh viên gây hư hại tài sản, ảnh hưởng tới quá trình sản xuất, giấu bí quyết công nghệ, chất lượng sản phẩm... Cũng theo lãnh đạo các trường nghề, không ít người học, phụ huynh không muốn con em mình vất vả, nên chưa bỏ ra nhiều thời gian học tại DN. Cùng đó, quy định hiện hành vẫn yêu cầu người hướng dẫn từ phía DN phải có bằng cấp, chứng chỉ, nhưng thực tế nhiều người không có bằng cấp gì, chỉ có tay nghề cao.

Về phần DN, ông Thức cho hay, mỗi năm DN ông nhận đào tạo khoảng 50-70 học sinh, sinh viên từ trường nghề và trả lương hết khoảng 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần chi phí này không được khấu trừ thuế thu nhập DN, vì DN không có chức năng đào tạo, cũng không được công nhận hay ưu đãi nào khác của nhà nước.

Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Đào tạo Thường xuyên (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp) cho hay, để thúc đẩy liên kết nhà trường - DN, Bộ LĐ-TB&XH đã có thông tư hướng dẫn các trường. Ngoài ra, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo nghị định về các ưu đãi với DN liên kết trường nghề trong đào tạo.

Theo ông Tiến, ngành Lao động đã có vài lần làm việc với ngành Thuế để gỡ vướng mắc trong miễn, giảm thuế thu nhập DN cho phần chi đào tạo học sinh, sinh viên trường nghề. Trước mắt, sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH để có xác nhận cho các DN tham gia đào tạo sinh viên trường nghề làm căn cứ để miễn, giảm thuế. 

MỚI - NÓNG