Trường nghiêng chờ sập: Dự án cải tạo treo vì thủ tục

Sân trường trường THPT Trương Định luôn ngập nước dù không có mưa to Ảnh: Như Ý
Sân trường trường THPT Trương Định luôn ngập nước dù không có mưa to Ảnh: Như Ý
TP - Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) xuống cấp nghiêm trọng, được thành phố Hà Nội phê duyệt cho triển khai dự án cải tạo, xây dựng từ năm 2019, nhưng đến nay vẫn chưa biết khi nào khởi công. 

Cấp bách di dời học sinh, giáo viên

Chỉ cần những cơn mưa nhỏ sân trường THPT Trương Định đã ngập sâu trong nước. Nhà trường phải cho bắc những tấm ván hoặc làm chiếc cầu tạm bằng sắt để giáo viên và học sinh không phải lội nước. Được xây dựng từ năm 1976, nhiều hạng mục xuống cấp, tường nứt và ẩm mốc trên diện rộng. Riêng khu lớp học ở nhà B đang bị nghiêng, lún. Nhiều khu vực phải đặt biển báo nguy hiểm, cấm học sinh qua lại.

Liên ngành Sở GD&ĐT (chủ quản) - Ban Quản lý dự án công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp Hà Nội (Ban Dân dụng - chủ đầu tư) cho biết, hiện nay cơ sở vật chất trường THPT Trương Định xuống cấp nghiêm trọng kết cấu và khả năng chịu lực khu nhà học A rất yếu. “Tình trạng này có nguy cơ đe dọa trực tiếp hàng ngày đến tính mạng con người và sự an toàn về tài sản nhà trường. Việc di dời để đảm bảo an toàn cho hơn 2.000 học sinh và giáo viên nhà trường là rất cấp bách”, một đại diện liên ngành nhấn mạnh.

Vướng thủ tục thuê địa điểm

Năm 2019, UBND thành phố Hà Nội có quyết định phê duyệt dự án xây dựng, cải tạo trường THPT Trương Định, dự án có thời gian thi công từ năm 2019 đến 2020 với kinh phí hơn 63 tỷ đồng. Ban Dân dụng được giao làm chủ đầu tư dự án cho biết, hiện các thủ tục trong đó có hồ sơ thi công đã xong, nhà trường cũng đã tìm được địa điểm để di dời, phục vụ dự án thi công. Tuy nhiên vướng mắc khiến dự án chưa thể triển khai là thủ tục để thanh toán khoản kinh phí thuê địa điểm làm trường tạm.

Theo đại diện Ban Dân dụng, địa điểm thuê làm trường tạm có diện tích hơn 1.400 mét vuông, phí thanh toán cho gần 1 năm thuê địa điểm tạm khoảng 3,1 tỷ đồng, được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc. Tuy nhiên trong văn bản số 3286/STC-TCHCSV cho ý kiến về khoản chi 3,1 tỷ trên, Sở Tài chính Hà Nội có lưu ý: cơ quan quản lý trường là Sở GT&ĐT Hà Nội phải thực hiện chọn và thuê địa điểm theo quy định về đấu thầu cũng như các quy định của pháp luật. Đại diện liên ngành Sở GD&ĐT - Ban Dân dụng cho biết, đây chính là nội dung khiến dự án bị tắc từ năm 2019 đến nay.

Đại diện liên ngành cho rằng, việc tìm được một địa điểm trên 1.400 m2 làm trường dạy - học cho hơn 2.000 học sinh, giáo viên không hề đơn giản, nay yêu cầu phải chọn địa điểm và giá thuê theo quy định đấu thầu là vô cùng khó khăn. Việc đấu thầu trong chi ngân sách là tốt, tuy nhiên nên xem xét áp dụng cho từng trường hợp.Việc trường THPT Trương Định xuống cấp chỉ chờ sập, nên có cơ chế đặc thù như thành phố vẫn thường áp dụng cho các dự án thi công trong tình trạng cấp bách.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 27/5, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, quy định là như vậy và việc khảo sát giá mặt bằng để có các mức giá tương tự như mức giá thuê không có gì khó. Hơn nữa nếu 2 đơn vị liên ngành không triển khai khảo sát được có thể thuê tư vấn thẩm định giá, rồi hoàn thành báo cáo theo quy định gửi thành phố chấp thuận. Đây là nhiệm vụ mà chủ đầu tư phải chủ động và phối hợp với các cơ quan liên quan để được hướng dẫn thực hiện.

Cũng theo đại diện Sở Tài chính Hà Nội, theo chỉ đạo mới nhất của lãnh đạo thành phố, thay vì thuê địa điểm dạy và học như ban đầu, thành phố vừa thống nhất trường THPT Trương Định di dời đến một địa điểm tạm được Sở GD&ĐT trưng dụng là trường Trung cấp Sư phạm mẫu giáo - nhà trẻ Hà Nội, đóng tại phố Khương Hạ (Thanh Xuân).Hiện trường này ít học sinh và có cơ sở hạ tầng đáp ứng được nhu cầu sử dụng về giảng dạy nên trường THPT Trương Định có thể chuyển đến ngay được.            

MỚI - NÓNG