Trường phía Nam hấp dẫn thí sinh phía Bắc

Trường phía Nam hấp dẫn thí sinh phía Bắc
TP - Cơ hội trúng tuyển rất cao nếu thí sinh đạt điểm sàn của Bộ GD&ĐT, có việc làm ngay sau khi ra trường là những điểm đặc biệt hấp dẫn của các trường đại học phía Nam.

Điều này lý giải vì sao cứ mỗi năm, số lượng thí sinh phía Bắc “Nam tiến” ngày càng nhiều.

Trường phía Nam hấp dẫn thí sinh phía Bắc ảnh 1
Nghiên cứu khoa học tại ĐH Lạc Hồng

Theo Thạc sỹ Lâm Thành Hiển - Hiệu phó ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), nhiều năm qua, số lượng thí sinh phía Bắc đăng ký dự thi vào trường này theo nguyện vọng (NV) 1 ngày càng đông.

Đặc biệt, rất nhiều thí sinh trượt NV 1 ở các trường công lập ở khu vực phía Bắc săn tìm cơ hội trúng tuyển NV2 vào các trường phía Nam nên hàng năm, trong lượng hồ sơ xin xét tuyển NV2, NV3  vào trường ĐH Lạc Hồng, thí sinh phía Bắc chiếm đại đa số. Những thí sinh này gần như chắc chắn trúng tuyển nếu điểm thi đạt mức sàn của Bộ GĐ&ĐT.

Không phải đến khi trượt NV1 các trường công lập, thí sinh phía Bắc mới dồn hồ sơ xét tuyển NV2 vào các trường phía Nam. Thực tế tuyển sinh từ các trường công lập phía Nam cho thấy, ngay từ khi đăng ký dự thi, thí sinh phía Bắc đã nhắm các trường phía Nam làm đích ngắm.

Ông Tạ Quang Lâm, Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sư phạm TPHCM cho biết hằng năm, trường có rất nhiều thí sinh phía Bắc gửi hồ sơ dự thi, năm sau nhiều thí sinh hơn năm trước. Rất nhiều thí sinh trúng tuyển.

Ông Trần Văn Cửu - GĐ KTX ĐH Sư phạm TPHCM nói: “Trước đây, sinh viên ở ký túc xá chủ yếu có hộ khẩu ở miền Tây và miền Đông Nam Bộ, tuyệt nhiên không có  sinh viên phía Bắc. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, có cả sinh viên ở tận Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ lưu trú tại đây. Hiện tại, ký túc xá của chúng tôi có đầy đủ sinh viên từ 64 tỉnh, thành trong cả nước”.

Ông Trần Đình Lý- Chuyên gia tuyển sinh ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng, việc thí sinh phía Bắc nộp hồ sơ dự thi vào ĐH Nông Lâm TPHCM không còn là chuyện cá biệt. Đặc biệt, rất nhiều thí sinh phía Bắc đăng ký xét tuyển NV 2 vào trường.

Điểm chuẩn phía Bắc cao hơn

"Thí sinh phía Bắc vào Nam thi đại học ngày càng nhiều, ngoài lý do các trường phía Nam dễ trúng tuyển, còn có lý do dễ kiếm việc làm ngay sau khi ra trường. Đơn cử như ở ĐH Lạc Hồng, hằng năm có đến 98% sinh viên có được việc làm ổn định ngay sau khi ra trường"- T.S Trần Hành, Hiệu trưởng ĐH Lạc Hồng

Theo các chuyên gia tuyển sinh, sở dĩ ngày càng nhiều thí sinh phía Bắc hành phương Nam bởi lẽ, cùng một ngành nghề nhưng các trường ĐH phía Bắc lấy điểm chuẩn cao hơn các trường phía Nam rất nhiều.

Ví dụ: Năm 2006, trường ĐH Kinh tế TPHCM lấy điểm chuẩn NV 1 với mức điểm thống nhất là 17,5 thì ở ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, trong cùng năm, ngành có điểm chuẩn cao nhất là ngành Kế toán với 26 điểm và ngành thấp nhất cũng lên đến 21,5 điểm.

Năm 2007, điểm chuẩn các ngành ở ĐH Kinh tế TPHCM là 21,5 điểm thì ở ĐH Kinh tế quốc dân, điểm chuẩn cao nhất là 26,5 điểm (ngành Tài chính- Ngân hàng và ngành Tiếng Anh) và điểm chuẩn các ngành thấp nhất  cũng lên đến 24 điểm (Luật học, Quản trị kinh doanh…).

Cùng một ngành học nhưng điểm chuẩn ở trường ĐHKHTN (ĐHQG Hà Nội) bao giờ cũng cao hơn trường ĐHKHTN (ĐHQG TPHCM). Cụ thể, năm 2007, điểm chuẩn ngành Toán học ở trường ĐHKHTN (ĐHQG Hà Nội) là 19,5 điểm thì ở ĐHKHTN (ĐHQG TPHCM) chỉ là 16 điểm.

Ngành Vật lý ở ĐHKHTN (ĐHQG Hà Nội) là 19,5, ngành Hoá là 20, Địa chất: 18, Sinh học 23, Công nghệ sinh học: 26… thì ở ĐHKHTN (ĐHQG TPHCM) ngành Vật lý chỉ 15 điểm, ngành Hoá 17, Địa chất 15, Sinh học 16, Công nghệ sinh học 24…

Năm 2007, ở ĐHKHXH&NV (ĐHQG TPHCM), điểm chuẩn ngành thấp nhất là 14 và cao nhất là 18 (Báo chí), Trong khi đó, ở ĐHKHXH&NV thuộc ĐHQG Hà Nội, ngành có điểm chuẩn thấp nhất cũng lên đến 18 điểm và ngành có điểm chuẩn cao nhất lên đến 20,5 điểm (ngành Du lịch).

Riêng ngành Báo chí trường này ở khối C là 20 điểm, cao hơn 2 điểm so với ngành Báo chí trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG TPHCM)… Ở ĐH Luật Hà Nội, điểm chuẩn năm 2007 khối A là 20, khối C là 20,5 trong khi ở ĐH Luật TPHCM, điểm chuẩn khối A là 18, khối C là 16…

Ở khối ngoài công lập, ít trường ĐH ở khu vực phía Bắc xét tuyển NV2 và nếu xét NV2 thì cũng rất hạn chế về chỉ tiêu nên điểm sàn xét tuyển NV2 cũng khá cao, dẫn đến điểm chuẩn cũng “đội” lên.

Trong khi đó, ở khu vực phía Nam, 100% các trường ĐH ngoài công lập xét tuyển NV2 với chỉ tiêu rất dồi dào, nếu không nói là “nguồn” tuyển chủ yếu là thí sinh đăng ký NV2. Vì vậy, điểm sàn xét tuyển cũng thấp, chỉ ngang điểm sàn của Bộ GD&ĐT.

Đặc biệt, có một số trường như ĐH Lạc Hồng được vận dụng Điều 33, Quy chế tuyển sinh, được linh động nâng mức chênh lệch điểm ưu tiên khu vực và đối tượng, đồng nghĩa với việc được  hạ điểm sàn xét tuyển xuống thấp hơn so với quy định để mở rộng nguồn tuyển.

“Thí sinh phía Bắc vào Nam thi đại học ngày càng nhiều, ngoài lý do các trường phía Nam dễ trúng tuyển, còn có lý do dễ kiếm việc làm sau khi ra trường” – T.S Trần Hành – Hiệu trưởng ĐH Lạc Hồng nói. Ở ĐH Lạc Hồng, hàng năm có đến 98% sinh viên có được việc làm ổn định ngay sau khi ra trường.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu và cả TPHCM “bắt tay” với nhà trường  dưới hình thức: Tài trợ học bổng, tạo chỗ thực tập và “đặt hàng” sinh viên. Tất cả SV phải đi thực tập 6 tháng ở các doanh nghiệp mà nhà trường đã ký hợp đồng như Cty VMEP, Shiogai Seiki, Shirai...

Sinh viên thực tập được trả lương có trường hợp đến 400 - 500 USD/tháng), có cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Mô hình này đã được thực hiện trong 4 năm qua.  

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.